Phiên tòa xử li hôn ngày ấy thu hút rất đông người tham
dự bởi vì cặp đôi phải ra trước tòa để “anh đường anh, tôi đường tôi” này rất
đặc biệt so với những đôi khác từ trước đến nay. Người chồng tên là Hùng, là
một thiếu tá không quân của chính quyền Sài Gòn vừa được ra từ trại cải tạo, còn người vợ là
Vân – cũng là nguyên đơn, đã từng là hoa khôi của một trường trung học của thành
phố.
Có lẽ trên đời này không có một cuộc
chia tay nào buồn và đau giống như khi phải ra trước vành móng ngựa để cắt đứt
quan hệ vợ chồng, nhất là khi Vân- tên người vợ, đã nói ra trước tòa, có đông
đảo người tham dự, những lời không mấy tốt đẹp, đúng hơn là rất khó nghe về
người chồng đã từng một thời đầu ấp tay gối với mình và là cha của các con
mình. Khi được vị thẩm phán yêu cầu kể tóm tắt nguyên nhân dẫn đến đổ vỡ tình
cảm giữa hai người thì Vân - có lẽ không
tìm ra được nguyên nhân nào là cơ bản – trong đó có trách nhiệm và tình yêu
thương đối với gia đình - cho nên chỉ “kể tội” anh chồng những điều rất nhỏ nhặt trong đó có
cả chuyện ăn uống, làm cho cử tọa xôn
xao lên với những tiếng cười chế nhạo
Khi tới phiên mình, Hùng chỉ nhếch
môi cười chua chát và điềm tĩnh nói:
- Tôi có nhiều tật xấu từ bao giờ vậy? Vậy chứ còn vì yêu Vân mà tôi
đã bất chấp sự ngăn cản của gia đình- chắc Vân cũng biết, tôi đã vượt hàng ngàn
cây số bay về chỉ để kịp tặng cho Vân
một bó hoa tươi trong ngày sinh nhật, tôi đã dành trọn những giờ phép ngắn ngủi
cho vợ con và còn nữa mà tôi không nhớ hết, sao Vân lại không còn nhớ gì đến
những điều ấy?
Đến lúc này mọi người lại xì xào bàn
tán nhiều hơn và họ ném những tia nhìn đầy ác cảm về phía người vợ. Hùng là
người có học, có trình độ văn hóa nhất định- theo nhiều người nhận xét, anh hào
hoa và lịch lãm, hẳn là không như những lời kể tội, nói xấu của người vợ.
Điều để lại ấn tượng nhất cho phiên
tòa hôm ấy chính là những lời nói sau cùng của Hùng khi tòa cho phép:
- Tôi lấy làm tiếc vì bây giờ đã
không thể đem lại cuộc sống như Vân mong muốn. Cầu chúc cho Vân có được một
người yêu Vân như tôi đã từng yêu thương Vân trước đây vậy.
Anh nhường hết những tài sản lại cho Vân gọi là để nuôi con trong
khi tòa cũng chia đôi số con, cho mỗi người nuôi một đứa. Tuy nhiên đứa con gái
nhỏ 10 tuổi được tòa cho ở với mẹ cứ
khóc lóc đòi theo anh trai, theo về với cha và điều này có căn nguyên của
nó.
*
Chị em Vân sinh ra trong một
gia đình thuộc hàng giàu có tiếng tăm ở cái thành phố nhỏ này. Vân có một bà
chị tên Hiền, không đẹp rạng rỡ như Vân
nhưng ăn nói rất mặn mà có duyên và hai chị em đã từng khiến bao chàng thư sinh
học cùng trường, nhất là các anh lính, sĩ quan thời ấy say mê theo đuổi. Vì thế
mà cả hai chị em không ai học hành tới nơi tới chốn. Cô chị học xong lớp đệ nhị
(lớp 11 bây giờ) là lên xe hoa với một anh trung úy bộ binh tên Lâm gốc người
miền Nam thuyên chuyển lên đây, cô em thì
“danh giá” hơn đã làm xiêu lòng một sĩ quan không quân người gốc Huế. Họ
quen nhau trong một lần Vân theo mấy cô bạn đến Hội quán Phượng Hoàng- một Câu
lạc bộ khiêu vũ dành cho các sĩ quan khi vui chơi giải trí trong thành phố hồi
ấy. Tình yêu đã đến rất nhanh và quả thật trông họ rất đẹp đôi cứ như họ sinh
ra là để dành cho nhau vậy.
Còn Vân, có lẽ nghĩ rằng với
nhan sắc trời cho của mình là phải xứng đáng để trở thành một mệnh phụ phu nhân
cho nên Vân tỏ ra kiêu hãnh và thường lên mặt với bà chị mình, vẫn hay tự hào
thái quá về địa vị của chồng, về những gì mà cô ta được hưởng, tưởng như cuộc
đời lúc nào cũng trải thảm dài dưới bước chân mình. Nhưng đường đời đâu phải
lúc nào cũng bằng phẳng và đúng như những gì mà con người ta mong muốn. Tất cả
đã thay đổi từ sau năm 75, một sự thay đổi đến không ngờ.
Anh Lâm và Hùng được tập trung
vào trại cải tạo cách thành phố gần 60 km. Thế là kể từ đó các anh đã phải trải
qua những tháng ngày chịu đựng những gian khổ thiếu thốn mà chỉ những ai ở
trong cuộc mới cảm nhận hết được. Trên con đường xuôi ngược của quốc lộ 19 lúc
nào cũng có thể thấy những chuyến xe đò dừng lại ở chỗ ngã rẽ vào trại cải tạo
Gia Trung và trại Pleibong để những người mẹ, người vợ từ tận trong miền Nam xa
xôi và các vùng phụ cận đi lên, từ Gia Lai, Kon Tum xuống với tay xách nách
mang, tìm vào tận nơi để thăm nuôi chồng, con mình.
Lúc đầu hai chị em Hiền - Vân còn
rủ nhau đi thăm nuôi chồng nhưng sau đó không lâu chỉ còn lại một mình chị
Hiền. Vân lấy cớ bận làm ăn để nuôi con nên cứ ngày một thưa vắng dần. Nếu như
cuộc sống thiếu thốn và lao động cực khổ làm cho các anh gầy và đen sạm đi khiến
cho thân nhân của họ - nhất là những người vợ thủy chung càng muốn gần gũi để
an ủi động viên và yêu thương họ hơn bao giờ hết. Ngược lại có những người vợ
đã thay đổi. Vân nằm trong số người ấy.
Khi bắt đầu thấy những thay đổi ở
cô em gái, Hiền cố tìm cách để khuyên
lơn em nên sống sao cho phải đạo với chồng, với các con nhưng xem ra có nói
cũng vô ích. Vì sợ ông em rể buồn và cũng vì thấy tội nghệp cho Hùng nên chị
Hiền đã phải nói dối và cố gắng mang thêm một phần quà thăm nuôi nữa để thay
cho Vân. Biết vậy nhưng Vân cứ mặc kệ để bà chị muốn làm gì thì làm. Trong tình
cảnh ấy, làm sao Hùng không hiểu ra sự
thật, nhận quà của chị Hiền mà cứ rưng rưng nước mắt vì xúc động và tủi hổ. Cho
đến một ngày…
Đó là cái ngày mà Hùng được trả
quyền công dân, được ra khỏi trại Gia Trung sau gần 10 năm cải tạo. Anh Lâm ra
sớm hơn vài năm trước đó và đã đoàn tụ hạnh phúc với gia đình vợ con, còn lúc
này đây Hùng phải đối mặt với một sự thật cay đắng phũ phàng: vợ anh đã có một
người đàn ông khác và đang làm đơn xin li hôn để được tự do sống với người đó.
Vậy là đã rõ, trong khi hàng trăm ngàn bà vợ lo thay chồng nuôi con, có người
còn phải phụng dưỡng cả cha mẹ chồng, ngày đêm tảo tần xoay sở, lo chắt bóp
dành dụm để đi thăm nuôi chồng còn đang sống trong các trại cải tạo từ Bắc chí
Nam thì lại có những người đã vội quên đi cái nghĩa vợ chồng – đã vội ngoảnh
mặt quay lưng không chút gì thương tiếc!
Sau đó không lâu Lâm đã không đi nước ngoài theo diện HO mà
chiều lòng vợ ở lại để lo hương khói mồ mả cho ông bà, cha mẹ phía vợ vì nhà
chị Hiền không có con trai mà chị là con trưởng. Anh chị có ba đứa con, hai gái
một trai, họ sống với nhau rất thuận hòa êm ấm. Người đời thường dèm pha các
chàng rể “thà ở xó chuồng heo còn hơn theo quê vợ” và điều đó hoàn toàn không đúng đối với Lâm! Quả thật họ
đã rất xứng đáng với tình cảm dành cho nhau, vì tình cảm ấy đã trải qua thử
thách.
Về phần Hùng, sau khi ra trại và
chấp nhận li hôn theo yêu cầu của Vân, anh mang theo cả hai đứa con còn đang
tuổi ăn học về Sài Gòn để nương tựa vào gia đình. Nhưng khổ nỗi ông bà nội các
cháu cũng đã già rồi nên Hùng đã phải lăn lộn kiếm sống kể cả đạp xe xích lô
hàng ngày để giảm bớt gánh nặng cho ông bà.
Sau đó, anh tái hôn với một cô bạn thời trung học rồi cả gia đình đã
sang Mĩ định cư theo diện HO. Trong một lần gần đây, anh đã trở lại thành phố
này cùng với các con để một lần thăm lại cảnh cũ người xưa, nhất là thăm người
dì tốt bụng của các con, người chị đã từng cưu mang giúp đỡ trong những năm
tháng không ít nhọc nhằn của đời anh.
N.Đ.T (Gia Lai)
Truyện ngắn ĐOẠN CUỐI MỘT CUỘC TÌNH vừa là bản tình ca cho những ai biết dấn thân cho tình yêu đích thực vừa phê phán người thiếu thủy chung trong tình yêu. Lời văn bình dị nhưng với sự từng trải của tác giả cộng với nghệ thuật diễn đạt đã đem lại sự lôi cuốn cho người đọc. Chúc người bạn văn Đoan Tuyết khỏe và vui nhiều để ra mắt bạn đọc những tác phẩm hấp dẫn khác
Trả lờiXóaĐT xin cảm ơn những lời tri âm của anh Lê Phong, mong sẽ có nhiều cơ hội để giao lưu với anh nữa nhé. Chúc anh sức khỏe và hạnh phúc
XóaNhớ không em những lần bay không mỏi
Trả lờiXóaVượt ngàn trùng mang hoa đến tặng em
Thoáng bóng ai qua ,anh đã say mèm
Say men tình đời anh đâu dám hỏi!
Anh cứ nghĩ tình mình luôn sáng chói
Em trong anh ngan ngát giấc mơ tiên
Bỡi bể dâu hồn anh đành chấp chới
Sợ em buồn sẽ mất nụ cười duyên
Đời gặp bể dâu nên tình mình dâu bể
Em hững hờ,anh nuốt trọn mối ưu phiền
Thương con thơ dại khờ chia tay mẹ
Cuộc đời sao chỉ phú quý bạc tiền!?
Dẫn con đi mà lòng anh chết điếng
Bao tháng năm trăn trở chốn tha hương
Giận em nhiều nhưng thương vẫn cứ thương
Mong tìm lại chút hương xưa chốn cũ!
Tình cho em lòng anh luôn ấp ủ
Ngày lại ngày anh dẫn lối cho con
Để mai kia thân xác anh chẳng còn
Anh sẽ gởi tình anh theo mây gió
Chốn ly hương anh cầu mong cho em đó
Hạnh phúc đủ đầy cùng viên mãn niềm vui!!!
Theo ĐT, anh MN quả là một người giàu tình cảm nên mới tưởng tượng và đồng cảm với nhân vật đến như vậy
XóaDẫn con đi mà lòng anh chết điếng
Bao tháng năm trăn trở chốn tha hương
Giận em nhiều nhưng thương vẫn cứ thương
Mong tìm lại chút hương xưa chốn cũ!
Đây chỉ là một đoạn tiêu biểu trong bài thơ cảm tác rất cảm động thể hiện một tấm lòng quảng đại bao dung của người đàn ông với một tình yêu hiếm có
Một lần nữa xin cảm ơn nhiệt tình của anh và lần sau anh lại có thơ nữa nhé
Chút xíu nữa thì quên cảm ơn anh Hữu Duyên đã chọn và post bài với sự biên tập lại những chỗ "nhạy cảm", tuy rằng sự biên tập ấy ít nhiều làm giảm đi tính khách quan của câu chuyện
XóaChào NĐT,
XóaMình vẫn biết là làm giảm đi tính khách quan, nhưng rất mong sự cảm thông của NĐT. Được như thế thì mình chỉ biết cảm ơn bạn vậy. Chúc bạn vui, khỏe!