Võ Mỹ Cát
Năm đầu tiên các con trở về quê hương nhập học,
cha mãi nghe điệp khúc “Món ăn ngoài quê không hợp với con!”. Lòng cha không
khỏi xốn xang bồi hồi. Một nửa vì lòng thương con, sợ ăn uống không hợp khẩu vị
sẽ sinh ra nhiều chuyện. Một nửa còn lại là nỗi nhớ về quê cha đất tổ với những
món ăn bình dị, đã đi vào từng đường da thớ thịt. Mảnh đất đã nuôi cha khôn lớn
thành người, chẳng lẽ không tạo cho các con một tình cảm về nguồn cội.
Từ nơi đó, đã có nhiều người thành danh. Có người là Tiến sĩ hàm Thứ trưởng. Có
người đang là Viện trưởng kinh tế của một thành phố năng động nhất nước.
Năm nay khi nghỉ hè trở lại miền Nam,
các con đã lặn lội về quê nhờ người trong làng làm những thẩu mắm ruốc chà rinh
thật ngon để mang vào ăn. Nhìn những thùng giấy carton, cha cứ tưởng các con
mang thứ gì có vẻ sang trọng lắm. Nhưng khi mở ra thì chỉ có những thẩu mắm
ruốc chà rinh và mắm ruột thì cha quá ngỡ ngàng. Không ngỡ ngàng sao được hở
các con, khi cha hiểu rằng các con đã biết thưởng thức cái hồn của quê hương xứ
sở. Như vậy các con đã biết cảm nhận một thời tuổi thơ của cha.
Khi các con còn nhỏ, mỗi lần nghe tin có người về thăm quê, cha chỉ có một lời
nhắn gửi: nếu có thể được thì mang vào một ít mắm ruốc và mắm ruột. Cho đến giờ
chỉ có món mắm là còn lại trong tâm thức của cha về xứ sở, nơi mà cha đã cất
tiếng khóc chào đời, bước khởi đầu của Tứ Diệu Đế Phật Giáo: Sinh, Lão, Bệnh,
Tử.
Theo định nghĩa của hiện tại thì điều gì còn lưu lại sau khi
đã quên mọi thứ đó chính là văn hóa. Có thể nói mắm ruốc và mắm ruột là văn hóa
ẩm thực trong phạm vi hẹp ở quê mình các con ạ!
Mẹ các con là người miền Nam.Các con được sinh ra ở đất miền Nam nổi tiếng về ẩm thực. Sự sành ăn của
người miền Nam vốn là điều không thể bàn cãi. Nói về
thực đơn của các loại mắm thì không đâu dồi dào về chủng loại, và ngon như ở
miền Nam. Miền Nam có
mắm thái, mắm linh mắm ruốc... Thỉnh thoảng các con cũng được ăn mắm ruốc nổi
tiếng ở Vũng Tàu kho với thịt heo ba rọi và quết với dưa leo. Có ai dám chê mắm
thái, mắm linh và mắm ruốc miền Nam đâu. Nhưng có một điều mà các con
không thể hiểu, là mắm ruốc và mắm ruột đã đi vào cội nguồn, đã đi vào máu, đã
đi vào từng hơi thở mang vị mặn của biển cả, của những người con sinh ra ở ven
đầm Đề Gi.
Không như mắm ở miền Nam có
đầy đủ gia vị ngọt ngọt, chua chua, cay cay chiều lòng mọi sở thích của con
người. Mắm ruốc quê mình chỉ có ruốc và muối. Họ hàng nhà ruốc có nhiều loại.
Nhưng có lẽ ngon nhất khi làm mắm là con Chà rinh. Nó có đặc điểm khi mắm chín,
nhìn lu mắm một màu đỏ rực rất bắt mắt.
Cha đã từng dẫn các con về thăm những cánh đồng muối quê mình. Những con người
kham khổ nhọc nhằn chịu đựng dưới trời nắng chang chang cả ngày. Các con đã
từng thấy những thiếu nữ bằng tuổi như các con, làm gì có làn da mịn màng. Da
của con người làm sao chịu đựng nổi với nắng, gió và hơi nước mặn bốc lên. Các
con đã học qua địa lý chắc biết độ khô rốc của cơn gió Lào mà ở quê mình gọi là
gió nam. Gió nam bắt đầu có từ tháng 3 Âm lịch (gọi làNam non) và mạnh nhất là vào giữa tháng 5
và tháng 6 Âm lịch (gọi là Namcồ).
Chính nhờ gió Nam khô khốc thổi mạnh đến nỗi cong cả
ngọn dương liễu, ngọn dừa mà người dân quê mình có những ngày bội thu muối.
Sáng gió nam, chiều gió nồm làm cho lớp muối đóng dày trên mặt ruộng. Những hạt
muối trắng tinh nhấp nhô cả một vùng.
Bữa cơm chiều của người làm muối luôn phải có chén canh. Đâu có loại canh nào
khác hơn là canh lá giang và mắm ruốc. Muốn có cọng rau, trái bầu hay quả dưa
để thay đổi món canh, bà nội con phải đi lên tận Trinh Long Khánh, Đậu Long hay
Chánh Hội mới mua được. Sau Tết âm lịch là mùa sứa, bà nội cứ vài ngày gánh sứa
lên đổi rau về ăn. Mắm ruột được làm từ ruột của cá ngừ hay cá thu. Mùa mưa
chưng mắm lên, rồi quết với cà dĩa sắt mỏng thì thử hỏi bao nhiêu cơm cho đủ?
Nhiều khi các con khó mà hiểu được tại sao nhà nào cũng trồng cây chùm ruột,
cây khế hay cây chuối chát? Nó là rau đấy các con ạ!
Nồi nước đang sôi bỏ vào nắm lá giang và sau đó cho vào vài muỗng mắm ruốc.Thêm
vào một ít bột ngọt là đã có nồi canh chua hấp dẫn. Trước khi ăn cơm ai cũng
làm một chén canh trước. Mùi của ruốc và vị chua đặc biệt của lá giang làm cho
con người tỉnh hẳn sau một ngày say với nắng. Canh chua quê mình làm gì có cà
chua, đậu bắp, môn bạc hà, giá đậu, những thứ mà các con thường được mẹ nấu cho
ăn trong những bữa cơm ở miền Nam.
Các con bây giờ mỗi sáng đi học có tiền rủng
rỉnh trong túi. Ghé váo một quán nào đó làm dĩa bánh cuốn, ổ bành mì, hay tô
phở và nhiều món khác nữa. Ngày xưa cha không được như vậy. Một cục cơm nguội
và muỗng mắm ruốc là ngon lắm rồi. Mắm ruốc phải ăn với cơm cục thì mới đúng
cách. Vừa đi vừa cạp cục cơm nguội mà đến trường. Rồi thế hệ của cha cũng lớn
lên nhanh như thổi. Cũng đến trường buổi sáng, xông pha cùng sông nước buổi
chiều trong niềm vui của một thời thơ dại.
Một điều nữa mà các con bây giờ mới hiểu là tại sao trong nhà mình có trồng một
bụi lá giang. Bụi lá giang đó ông nội con đã sang tận núi Bà thuộc Cát Minh –
Phù Cát để lấy giống. Giống lá giang núi Bà nổi tiếng. Nó có vị chua khác so
với lá giang ở núi Trung Thuận hay Trung Thành của xã Mỹ Chánh. Khi xưa các con
cũng nhăn mặt khi ngửi thấy mùi lá giang mắm ruốc. Vì không muốn cha buồn mà
các con phải nếm thử và cũng khen ngon.
Sở thích của các con ngày nay nó đã thuộc về một thời đại khác. Chính cái khác
này mà cha phải hệ lụy theo. Cuộc sống vội vàng, công việc bộn bề, và ở một quê
hương khác đâu phải dễ để kiếm ra những món ăn đã đi cùng một thời tuổi thơ của
cha. Cha cố lắm cũng có thể giữ lại bụi lá giang và những hủ mắm ruốc chính gốc
Đề Gi. Cũng chỉ có một mong ước nhỏ nhoi là từ hôm qua cho đến ngày sau: Các
con hiểu được vị chua ngọt ngào của nắm lá giang và hương vị mặn mà của con mắm
ruốc.
May quá, trong cuộc đời của cha, các con đã làm được điều đó từ chính cảm nhận
của tâm hồn mình!
Võ Mỹ Cát (Đồng Nai)
Bài viết đậm đặc tinh thần hoài hương của một người xa xứ, đau đáu nhớ quê. Xin được sẻ chia cùng đồng hương về những nỗi niềm sâu lắng, vời vợi của người con Bình Định, dù ở đâu vẫn luôn tự hào mình là con dân xứ Nẫu .
Trả lờiXóaBài viết “Tự sự với con” đầy xúc cảm, thấm đẫm “cái tình” của người dân Nẫu xa xứ! Đọc cứ thấy man mác, xúc động… Hay lắm, anh Võ Mỹ Cát ơi!
Trả lờiXóaCảm ơn các anh em đồng hương đã đọc và chia sẻ. Cũng thật là may mắn khi đến hôm nay, mỗi khi có dịp các cháu vào Nam đều mang theo các loại mắm. Mỗi bữa ăn chỉ lấy một chút chứ không dám ăn nhiều vì sợ nhanh hết. Khi tuổi đời đã về chiều, đau đáu nhất có lẽ là trong tâm khảm, còn nhớ gì ở nơi mình đã sinh ra.
Trả lờiXóa