Tương
truyền rằng, nơi này xưa kia linh thiêng lắm, dưới chân đồi là bàu nước mênh
mông, sâu thăm thẳm, thông ra dòng sông, dựa lưng hòn núi Kỳ Đông, có tên là rừng Cấm, trông giống hình Khủng Long
uốn khúc, nên còn gọi là Thanh Long, một trong những ngọn đồi nhô ra của dãy
thổ sơn từ phía bắc huyện Bình Khê (nay là Tây Sơn) sơn mạch chạy quành xuống
Tân Nghi, Gò Quánh, Lộc Phú giáp huyện Phù Cát, rồi thẳng vô Thiết Tràng nhấp
nhô cao thấp, tạo thành vùng đồi, gò liên hoàn giữa vùng tam giác tây bắc thị
xã An Nhơn, tây nam huyện Phù Cát và đông bắc huyện Bình Khê. Đồi núi Kỳ Đông cây
cối um tùm, nhiều cây cao to, không ai dám chặt phá, giữa đồi có miếu thờ ông
Hổ bên gốc cây thị già hàng trăm năm, xa xưa có cọp ở. Theo dân gian, miếu ông
Hổ chính là nơi người dân vùng này cảm kích, tưởng nhớ công đức của Anh hùng
Mai Xuân Thưởng nên bí mật lập miếu thờ ông. Dãy đồi Hòn Trại ở phía bắc, Kỳ
Đông ở giữa, Hòn Cấm ở phía tây nam, lại có Bàu Sấu ở sát chân phía tây, nhánh
bắc phái sông Côn ở phía ở phía nam và rẽ chi tại ngã ba Thị Lựa ở đông bắc bao
bọc.
Trong tập Phong trào Cần Vương ở Bình Định của
Tiến sĩ Phan Văn Cảnh mô tả: Do địa thế hiểm yếu, nên cuối năm 1885 nghĩa quân
Cần Vương đã chọn Kỳ Đông là một trong những nơi xây dựng căn cứ của lực lượng
khởi nghĩa Cần Vương ở phía nam Bình Định, đó là: mật khu Hầm Hô, mật khu Linh
Đỗng, căn cứ Nam Trại, quân thứ Hương Sơn, căn cứ Bắc Trại, căn cứ kho lương Hòn
Kho thuộc Bình Khê, căn cứ núi Kỳ Đông thuộc An Nhơn... Vào trung tuần tháng 4
năm 1887, đích thân Tướng soái Mai Xuân Thưởng chỉ huy lập thế trận Thủy
bối thư hùng, trận quyết
chiến đẫm máu kéo dài ba ngày đêm giữa nghĩa quân với lính Nam triều do hai tên
gian thần Nguyễn Thân và Trần Bá Lộc chỉ huy, lực lượng hai bên đều tổn thất,
nhưng lính Nam triều được viện binh từ Quy Nhơn lên với hỏa lực mạnh, Mai
Nguyên soái buộc phải đưa lực lượng nghĩa quân còn lại vượt sông qua Tân Kiều vào
mật khu Linh Đỗng ở căn cứ phía nam, chưa được hai tháng sau thì lớp bị bị bắt,
lớp hy sinh, đến đợt địch hành quyết cuối cùng vào ngày 13/6/1887, phong trào
Cần Vương ở Bình Định kết thúc.
Trận quyết chiến đẫm máu tại Bàu Sấu máu đỏ loang cả bến sông,
xương rơi vùi lấp cả vạt rừng và trên ruộng vườn, gò bãi... Nhân dân cả vùng
này lấy ngày 6 tháng 6 năm 1887, nhằm vào rằm tháng Tư, ngày thực dân Pháp và
triều đình nhà Nguyễn dưới thời vua Đồng Khánh xử chém Mai Nguyên soái cùng 12 tướng
lĩnh của ông làm ngày giỗ nghĩa sĩ Cần Vương. Những sĩ phu, trai tráng của quê
hương Nhơn Mỹ tham gia tích cực, xả thân vì phong trào Cần Vương còn lưu danh
sử sách như Đặng Thành Tích, Trần Bá Tuệ, Nguyễn Đáng... Mặc dù phong trào Cần
Vương bị thực dân Pháp dìm trong bể máu, song sự kiện lịch sử bi hùng diễn ra
tại nơi này càng sục sôi ý chí căm thù giặc, nung náu lòng yêu nước của người
dân nô lệ, và làm cho bến Bàu Sấu cùng núi Kỳ Đông từng mệnh danh là “Thanh
Long Ẩm Thủy” càng đậm thêm vẻ linh thiêng, trầm mặc, đánh dấu mốc son
trong lịch sử chống thực dân Pháp và tay sai phản quốc của bao sĩ phu yêu nước,
cùng lớp lớp thanh niên trai tráng trên quê hương Bình Định chống cường quyền
áp bức.
Những năm 30 của thế kỷ trước, phong trào cách mạng lan
rộng khắp nơi, cách Bàu Sấu chưa quá cây số, tháng 10 năm 1936, tại Hòn Chùa
Đại An, Nhơn Mỹ nằm trong quần thể Tứ Linh, chi bộ Hồng Lĩnh- tổ chức Đảng đầu
tiên của các huyện phía nam tỉnh ra đời. Một năm sau, chi bộ Hồng Lĩnh đã chọn
đồi Kỳ Đông tổ chức cuộc mít tinh có trên 500 người dự giữa ban ngày, kỷ niệm
cao trào Xô Viết Nghệ Tĩnh, chào mừng ngày Quốc tế Lao động và tuyên truyền
đường lối cách mạng... Cũng tại bến sông này, năm 1956 diễn ra cuộc đấu tranh
đầu tiên trong huyện của hàng trăm người dân Đại Bình, Đại An... chống đấu giá
đò Bàu Sấu bất công dưới chế độ Mỹ- Diệm, và chống địa chủ cũ đòi lại ruộng đất
mà cách mạng đã cấp cho họ trong 9 năm kháng chiến chống Pháp. Còn biết bao
chiến công của quân dân Nhơn Mỹ trong suốt những năm tháng kháng chiến giành
độc lập dân tộc, thống nhất đất nước diễn ra quyết liệt ở bến Bàu Sấu và đồi
núi Kỳ Đông như lịch sử Đảng bộ địa phương đã ghi.
Sách Nước Non Bình Định của nhà thơ Quách Tấn có đoạn: “Dưới chân Kỳ
Đông ở phía tây có một bàu nước rộng chừng ba mẫu rất sâu. Dù nắng hạn bao
nhiêu nước cũng không bao giờ cạn. Đó là Bàu Sấu”. Bàu Sấu nước sâu, ngày xưa có nhiếu cá sấu sinh sống, nên có tên Bàu Sấu
và bến sông này cũng mang tên bến Bàu Sấu. Không biết thực hư thế nào, từ thế
hệ tôi đã biết thì chẳng còn thấy cá sấu đâu. Sông Côn rẽ nhánh từ đầu làng Hòa
Phong, dòng bắc phái chảy xuống, nước trong veo, đến đây thì hợp lưu với dòng
nước đục ngầu từ vùng Bàu Bái, Bầu Lùng, Bàu Lác...ở hướng tây bắc của xã chảy
vào tạo thành ngã ba sông, sâu nhất trong vùng, một cây tre dựng đứng vẫn chưa
tới đáy. Những năm giữa thập niên 50- 60 của thế kỷ trước, nước vẫn còn sâu
không thể đứng nhá bắt cá, một nhà cự phú đã bỏ công của kết hai chiếc sõng đò
lại thành cái bè lớn nổi giữa bàu rồi đứng bằng rớ, tấm lưới rớ to gấp 4-5 lấn
tấm lưới nhá, dùng bốn cây tre to làm gọng, ba bốn người lực lưỡng mới kéo nổi
cái rớ, mỗi lần kéo rớ lên cả thúng cá.
Có một điều kỳ lạ, khi hai dòng nước hợp lưu thì không hòa tan mà có
ranh giới riêng biệt bên đục bên trong. Phải chăng, do vậy mà bến sông này rất
nhiều cá, nhiều vô kể, đủ loại cá nước ngọt trú ngụ sản sinh, nhất là cá lúi. Đầu
mùa lụt, nước đục ngầu, cá lúi chửa bụng mang đầy trứng từ trên nguồn xuôi theo
con nước, nước lụt tràn đến đâu cá đẻ đến đó, cả ngoài sông, trong đồng, trong
bụi bờ... Đến tiết Đông Chí hết lụt, nước trong, từng đàn cá lúi con theo dòng
nước đi ngược lên nguồn. Bến đò Bàu Sấu cũng là bến cá, đến mùa cá lúi lên,
hàng năm bảy chục sõng chài của ngư dân từ hạ bạn lên An Vinh, An Thái dồn về
đây tung chài bắt cá, kín cả ngã ba sông. Bến đò Bầu Sấu hàng ngày khách qua
lại ba hướng, nên có đến ba sõng đò: Hòa Phong qua Đại Bình, Đại Bình qua Thiết
Tràng, Thiết Tràng qua Hòa Phong, đông nhất là vào những ngày chợ phiên Tân
Đức, Sông Cạn... Lũ học trò chúng tôi hai buổi cõng chữ qua sông, đi sớm về
muộn, chạy nhảy trên bờ, lặn hụp dưới sông, nên bến sông thêm nhộn nhịp, đông
vui. Thêm vào đó, từng đoàn đò dọc (sõng chở) hàng chục chiếc trương bườm chạy
trên sông, vận chuyển hàng hóa từ vạn Gò Bồi lên Bình Khê, Vĩnh Thạnh và ngược
lại để“măng le gửi xuống, cá chuồn chở
lên” dập dìu trên bến dưới thuyền.
Cuối tháng Chạp
chỉ còn rải rác mưa phùn lất phất, rồi những tia nắng nhẹ nhảy nhót trên mặt
nước, còn sót những đợt gió bấc rài đủ lạnh cắt da, những ngư dân mình trần
trùng trục, đen láng, chỉ mỗi quần cộc, đứng trên sõng cắm sào giữa sông, chăm
chú nhìn theo chớn cát mà đón từng đàn
cá lúi lên. Khoảng từ sau tám giờ sáng, mặt trời đã trải ánh nắng vàng nhè nhẹ
trên sông là cá bắt đầu lên nhiều, từng đàn, từng đàn như tấm chiếu trải. Khi
phát hiện đàn cá, nhanh như chớp, từng ngư dân nghiêng người nhưng cái sõng vẫn
không nghiêng, chân tiền chân hậu, tay trên tay dưới, vữa đỡ vừa tung tấm chài
chụp trùm lên toàn bộ đàn cá, tấm chài kéo lên nặng gấp đôi lúc thả xuống, đàn cá
nằm gọn trong lòng sõng, chỉ cần hai lần tung chài như thế là sõng đầy cả tạ cá.
Chiếc sõng con nặng lím vành được ngư dân chèo nhẹ vào bờ có người nhà đón sẵn,
từng thúng, từng rổ cá tỏa đi vào làng, vào các chợ quê Sông Cạn, Tân Đức,
Thiết Trụ... đến phố thị An Thái, Đập Đá, Gỏ Chàm, Gò Găng,... Con cá tươi rói,
to nhất cũng chỉ nhỉnh hơn ngón tay cái, sạch sẽ và rất rẻ, cá đong bằng cái
bát sành to làm đơn vị bán mua chứ không đếm từng con, cả làng trên, tổng dưới được
ăn cá lúi lên kho với dầu phụng thứ thiệt thơm lựng. Đó là chưa nói các loại cá
khác, nào là chép vàng lườm to bằng hai tay nắm kho với dưa cải và thịt mỡ, cá
lóc nấu canh chua hoặc um bắp chuối, cá rô mề nướng lửa than chảy mỡ kho với
mắm cua chua có lá gừng hoặc dằm nước mắm ớt tỏi ăn với cơm lúa mới đồng quê.
Và, cánh đồng
phù sa màu mỡ hai bên sông lúa non đã lên xanh mơn mởn, những biền soi bên Bàu
Sấu đậu phụng cũng bắt đầu ra hoa, những vạt cải ven hai bờ sông đã trỗ ngồng vàng
rực... thời tiết đang bắt đầu chuyển mùa.
* * *
Ăn
cơm mới nói chuyện cũ, mà chuyện chưa xưa lắm ở bến Bàu Sấu quê tôi, ông lái đò
cuối cùng của bến sông này đã gác sào chừng hơn ba thập niên, bà con trong làng
gọi là ông Long Cá. Tên thật của ông là Trương Long, chuyên sống bằng nghề sông
nước nên dân làng gọi thế, đã gần sang tuổi 90, gia đình ông mấy đời sinh sống bằng
nghề chèo đò và chài lưới bên bến Bàu Sấu, ông là người bơi lặn và tay chài
lưới nổi tiếng, từng đoạt giải nhất trong các lần tổ chức đua sõng, bơi bộ, bơi
bắt vịt trên sông. Hồi còn trai trẻ, nhà
ông ở bên này sông, nhà vợ ở bên kia sông, bà mê ông bơi lặn bắt cá giỏi, thế
rồi ông bà bén duyên thành vợ thành chồng. Mà, đâu chỉ có vợ chồng ông lái đò,
còn nhiều lắm những đôi uyên ương đã hẹn hò nhau nơi bến sông này và hạnh phúc
cũng chớm nở từ đây. Bây giờ nhiều người đã theo ông bà, có còn cũng đã là lớp người xưa nay hiếm.
Sau Tết Quý Tỵ,
tôi về quê thăm bà con trong xóm làng, ghé thăm gia đình cụ Trương Long, gặp
lúc ông đang ngồi dưới cây khế già sau nhà, tuổi của nó cũng gần bằng tuổi ông,
đăm chiêu dõi nhìn ra bãi cát ở bến sông. Tôi cùng ngồi uống nước với ông trên
chiếc chõng tre, ông hớp ngụm nước trà rồi chậm rãi nói: Bến Bàu Sấu là bến
xưa, không còn là bến nay, những gì một thời sôi động trên bến dưới thuyền thì
bây giờ không còn gì hết... không còn gì hết! Tôi biết ông buồn nên không gợi
thêm chuyện nữa.
Như có người để
tâm sự, ông chỉ tay ra bến sông và nói tiếp: Dòng bắc phái sông Côn và Bàu Sấu ngày
xưa nước sâu là thế, mà vài chục năm nay cát bồi có chỗ gần bằng mặt soi, lội sông
khỏi phải xắn quần, ngay Bàu Sấu thì lúa và rau muống đã mọc sát chân đồi Kỳ
Đông. Và...và...ông nhìn mông lung đượm buồn, luyến tiếc: Cá đâu còn nhiều nữa
mà lưới với chài đánh bắt, con cá còn trong bụng trứng đã bị người ta xung điện
xiết máy chết sạch- Ông nói trong ngậm ngùi như than trách.
Thế, bác có còn
giữ kỷ vật gì về cuộc đời sống trên sông nước- Tôi chen vào hỏi. Có chứ- Ông lái
đò năm xưa chỉ tay lên chiếc sõng chài cùng cây sào và mái dầm gác trên hiên
nhà, nhện giăng năm từng bảy lớp, còn chiếc sõng đò thì đã thành tấm mê nan lót
dưới giọt nước hiên nhà phía sau, gần gốc khế.
Con đường qua
lại bến sông thời ấy vui nhộn, dân cư đông đúc, không những dân lưới chài, dân
làm ruộng mà nhiều gia đình giàu có, quan quyền cũng ở bên sông. Cụ Tuần Vũ
Nguyễn Hoành- quan đầu tỉnh Phú Yên cũng chọn nơi gần con đường ra bến sông xây
dinh thự, thế hệ như tôi đã biết, cuối năm 1965 ngôi nhà của cụ Tuần mới bị bom
Mỹ đánh sập. Vậy mà, ngày nay không còn ai qua lại bến sông, đã từ lâu không
còn nghe tiếng gọi đò. Chùa Bửu Liên ở phía Đại Bình nhìn xuống đối diện Kỳ
Đông chừng nủa cây số cũng bị bom đạn san bằng thành bãi đất hoang. Đồi núi Kỳ
Đông xưa kia cây cối um tùm, miếu thờ linh thiêng, nay đã trơ trụi, nham nhở. Chiến
tranh và thiên tai, cùng với sự tác động của con người cả tích cực lẫn tiêu
cực, đã làm cho bến Bàu Sấu chỉ còn lại trong ký ức của những người từng sinh ra, lớn lên và gắn bó với dòng sông,
bến nước.
Mặc
dù ngã ba Bầu Sấu không còn là bến đò, bến cá, nhưng cái tên Bàu Sấu mãi mãi
gắn liền cả về không gian, thời gian với đồi núi Kỳ Đông tạo nên“Thanh
Long Ẩm Thủy”, nơi đã in đậm dấu son lịch sử từ buổi đầu chống thực dân
Pháp xâm lược nước ta. Và khắc ghi bao chiến công của quân và dân quê tôi trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống
Mỹ. Thiết nghĩ, nếu được sự quan tâm của các cấp có thẩm quyền xem xét thấu
đáo, công nhận di tích lịch sử Bàu Sấu- Kỳ Đông là một trong những căn cứ rất
quan trong của nghĩa quân Cần Vương ở Bình Định, thì nơi đây sẽ được bảo tồn, tôn
tạo, có tấm bia ghi ơn, có nơi hương khói cho những anh hùng, nghĩa sĩ Cần
Vương đã ngã xuống và cả những người dân thường bị giặc giết hại, nhằm giáo dục
truyền thống yêu nước cho hậu thế. Nơi đó, giá trị văn hóa- lịch sử của quê
hương, đất nước được tôn vinh.
Tháng 4-2013
T.D.Đ
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét