2) Xao động nỗi nhớ tháng Tư - Bài của Nguyễn Thị Mây
Cảm nhận bài thơ Đoản Khúc Tháng Tư
Mùa Hạ nhắc gì
Mà
tháng Tư vội vàng thế?
Em
có thấy hàng phượng dài nỗi nhớ
Từng
đốm gầy lửa cháy suốt phố xưa
Chúng
ta đã xa ngây ngất tuổi học trò
Thời
tóc bạc mồ côi ngày thơ dại
Anh
ngoái lại sân trường màu áo cũ xôn xao
Tháng
tư lặng thầm như trang vở
Thư
tình thuở nào gửi địa chỉ mây bay!
(Bùi Đức Ánh)
Tôi bắt gặp ĐOẢN KHÚC THÁNG TƯ như bắt gặp chính tôi! Tôi
với lời thầm thì ẩn giấu bấy lâu chẳng biết cách nào biểu lộ. Vậy mà nhà thơ
Bùi Đức Ánh đã dùng ngôn ngữ thơ diễn đạt rất hay, xúc tích, sâu sắc và mở.
Toàn bài thơ chỉ có chín hàng nhưng là
tám câu, được phân ra ba khổ. Ngắn gọn là thế nhưng cảm xúc lại mênh mông.
Mùa hạ
nhắc gì
Mà tháng
Tư vội vàng thế?
Tuy hai hàng nhưng chỉ là một câu. Tác giả đã rất
thành công khi tách riêng hai cụm từ, gợi cho người đọc cảm giác từ tốn, chậm
rãi, bâng khuâng về mối liên hệ của mùa hạ và tháng Tư. Một câu đơn giản nhưng
mở ra cho người đọc một khung cửa mênh mông của ký ức.
Mùa hạ nhắc gì? Rất nhiều điều đã ẩn
mình trong ký ức chúng ta. Mùa xuân phai, hạ về! Mùa hạ thắp lên vòm cây phượng
những đốm lửa. Ban đầu là những đốm gầy. Nhưng cháy dai dẳng, cháy suốt phố
xưa. Và lúc đó mùa hạ nhắc gì? Rất nhiều điều! Nào là màu áo trắng học trò ngày
nào, bục giảng vắng lặng, bụi phấn vẫn còn mơn man đưới chân tấm bảng đen to
tướng, góc sân trường thưa thớt lá vàng rơi, ghế đá và thầy cô, bạn bè cùng
những xuyến xao đầu đời bởi khóe mắt làn môi ai đó mà ta vẫn chưa dám ngõ.
Mùa hạ gợi nhớ biết bao điều khác nữa. Nhưng có lẽ do nhà
thơ Bùi Đức Ánh là một nhà giáo nên ký ức trôi về đậm nét nhất là tuổi học trò
với những nét đẹp quanh buổi bình minh của một đời người.
Mùa hạ tuổi học trò nhắc rằng: Mùa
chia tay đã đến! Và, tháng Tư vội vàng với bao điều như bày tỏ sự luyến tiếc. Tay
nắm chặt bàn tay nhau hơn. Trống tan trường rồi sao dùng dằng chẳng muốn ra về,
cứ kéo nhau ra ghế đá ngồi chỉ để nói những lời vu vơ. Vội vàng chia nhau miếng
bánh, hớp cùng một ly nước mía ngọt lịm, Và rồi chìa ra những quyển lưu bút để
cùng hí hoái ghi những lời lưu luyến, để tất cả thành nỗi nhớ …cháy mãi, cháy
mãi trong ta.
Mùa hạ còn nhắc đến mùa thi, mùa của
những đêm thao thức cúi gầm trên trang vở. Mùa của mơ ước và mùa của tỏa sáng
tương lai.
Em
có thấy hàng phượng dài nỗi nhớ
Từng
đốm gầy lửa cháy suốt phố xưa
Mùa hạ gợi nhớ tình yêu đầu đời và những trở
trăn về nỗi nhớ. Hai câu thơ vừa là câu hỏi nhưng cũng vừa là câu khẳng định về
nỗi nhớ của chính tác giả. Theo tôi, đó là hai câu hay nhất trong bài thơ. Bởi đã giải
thích được “Mùa hạ nhắc gì…” trong lòng nhà thơ và sức biểu cảm cũng dào dạt vô
cùng.
Chúng
ta đã xa ngây ngất tuổi học trò
Thời tóc bạc mồ côi
ngày thơ dại
Anh ngoái lại sân
trường màu áo cũ xôn xao
Từ “Chúng ta” cho tôi nghĩ về lời xưng
hô âu yếm của tác giả và “em” của ngày xưa. Mà cũng có thể là
cách tác giả muốn nói với người đọc thơ nữa. Bởi ai mà chẳng có những rung
động, ngây ngất tuổi học trò. Để bây giờ khi tóc phai màu, tất cả đã mất đi
theo dòng thời gian tàn nhẫn. Từ “mồ côi” được tác giả sử dụng để biểu
lộ sự đau đớn, mất mát không gì bù đắp nổi. Và khi dùng từ này, tác giả cũng
khiến cho tôi rất nể. Bởi còn từ nào hay hơn để diễn tả sự mất mát lớn lao!
Anh
ngoái lại sân trường màu áo cũ xôn xao
Dù vậy, khi ngoái lại sân trường trong tim nhà thơ vẫn vẹn nguyên màu áo cũ xôn xao.
Tháng
tư lặng thầm như trang vở
Thư tình thuở nào gửi địa chỉ mây bay!
Tựa như
những nốt nhạc trầm trước khi kết thúc bản tình ca. Hai câu thơ cuối gợi nỗi
buồn nhớ mênh mang về mối tình thời thơ dại. Dù như một cơn mưa bóng mây thoáng
qua đời nhưng đã làm dịu mát cả đời ta. Bức thư tình thuở nào giấu kín trong
trang vở bây giờ biết người xưa nơi nào, chỉ đành gửi địa chỉ mây bay.
Đoản khúc tháng tư đã làm xao động nỗi
nhớ một thời đã xa.
Nguyễn Thị Mây
Hội VHNT Trà Vinh
Mây cám ơn anh Hữu Duyên đã đăng bài cảm nhận Chúc anh và gia đình luôn vui nhe.
Trả lờiXóa