Cả một
đời văn của mình, nhà văn Nguyễn Khoa Đăng viết không nhiều cho thiếu nhi.
Trước khi in truyện Chim mặt người, ông mới chỉ in 2 cuốn sách cho thiếu
nhi là tập thơ Đội nón cho cây và truyện ký Ông "Hòa Bình".
Viết ít, nhưng
ông cũng đã có những tác phẩm để lại dấu ấn trong lòng bạn đọc nhỏ tuổi nhiều
thế hệ. Trong đó, bài thơ Em
đi giữa biển vàng được nhạc
sỹ Bùi Đình Thảo phổ nhạc, đã trở thành một trong 50 bài hát dành cho thiếu nhi
hay nhất trong thế kỷ 20.
Có lẽ vì đã từng
làm thơ cho thiếu nhi, nên trong cuốn truyện hư cấu đầu tiên mà ông viết cho
tuổi nhỏ, chất thơ cứ bàng bạc đây đó. Mà chất thơ ấy, lại phảng phất sử thi
của các dân tộc Tây Nguyên, nơi ông lấy làm bối cảnh chính của câu chuyện về
loài chim mặt người.
Đó là hành trình
đi tìm loài chim mặt người đầy tính huyền thoại của 2 ông cháu mê chim, yêu mến
thiên nhiên hoang dã. Người ông, khi còn là một cậu bé, do quá yêu mến loài
chim, nên thường có những giấc mơ lạ kỳ. Trong những giấc mơ ấy, cậu bé thường
thấy mình mọc cánh và bay lượn trên đồng ruộng, xóm làng, thấy mình sống trong
những ngôi nhà hình tổ chim dựng trên những chạc cây, thấy chim bố, chim mẹ,
chim con ríu rít bên nhau, mà cậu gọi đó là những con chim mặt người.
Và rồi, một hôm
nọ, trong cơn bệnh nặng, cậu đã có cơ hội được gặp gỡ một chú chim mặt người
thực thụ. Chim mặt người tặng cậu bé một chiếc lông thiêng cùng lời mời cậu
nhập vào cộng đồng chim. Tuy nhiên, muốn trở thành chim mặt người, cậu bé phải
học được tiếng hót của loài chim này. Đáng tiếc là buổi học hót đã không thành
khi người lớn tưởng tiếng chim mặt người là chim cú, nên đánh đuổi chim mặt
người đi.
Mãi đến lúc lớn
lên, đi làm thày giáo ở một vùng rừng núi xa xôi, người ông mới gặp lại chim
mặt người một lần nữa. Nhưng cũng chỉ gặp trong chốc lát rồi thôi, vì chim mặt
người phải di chuyển chỗ ở đi nơi khác bởi khu rừng đó sắp bị đốn hạ làm sân
gôn. Từ đó, người ông cứ hoài nhớ chim mặt người kỳ lạ đó. Ông thường đem
chuyện về chim mặt người kể cho cháu nghe từ khi cháu còn nhỏ xíu. Đứa cháu vì
thế cũng yêu chim như ông và cứ mong có ngày gặp được chim mặt người huyền
thoại.
Một hôm nọ, ông
đưa cháu đi chơi xa, tới một vùng có nhiều chim, đó là khu rừng Nâm Nung trên
Tây Nguyên hùng vĩ. Chuyến đi đó, cậu bé đã học hỏi được rất nhiều điều, nhất
là cách ứng xử của con người với thiên nhiên hoang dã, trở thành một cuộc phiêu
lưu đầy thú vị của cậu bé. Cậu đã tận mắt chứng kiến cảnh người ta phá rừng để
lấy đất trồng tiêu, săn bắt chim rừng đem bán lấy tiền và những kẻ phá rừng,
tàn sát muông thú đã phải chịu những cái chết thảm thương ra sao. Chính cậu bé
đã tìm cách giải thoát cho những con chim vô tội đang bị mắc bẫy.
Cũng tại khu
rừng đó, sau khi thành công trong việc học theo tiếng hót của chim mặt người,
hai ông cháu đã được gặp sứ giả của loài chim huyền thoại này. Với sự sắp đặt
của chim mặt người, trong khi ngủ, phần hồn của hai ông cháu yêu chim đã có một
chuyến phiêu lưu đầy thú vị tới xứ sở của chim mặt người. Đó là một xứ sở yên
bình, thân thiện, công bằng, đầy tính nhân văn… Và từ chuyến đi ấy của hai ông
cháu, thế giới chim mặt người đã quyết định ra mắt với thế giới loài người, như
một thông điệp kêu gọi về sự chung sống hòa bình, hòa hợp giữa con người với
thiên nhiên hoang dã.
Chim mặt
người là
một câu chuyện kể về mối quan hệ giữa chim và người. Trong đó, chim mặt người
biểu tượng cho tính thiện của con người, vốn đang có phần bị khuất lấp đi trước
lòng tham, sự thiếu hiểu biết… Câu chuyện được kể lại bằng những tình tiết ly
kỳ, hấp dẫn, phù hợp với trí tưởng tượng và suy nghĩ của tuổi thơ. Tuy nhiên, ở
nhiều chỗ, giá như nhà văn đừng cho nhân vật chính (đứa cháu) nghĩ và nói như
người lớn, nhất là về những vấn đề bảo vệ cây cối, chim muông …, hay có thể nói
là ý đồ giáo dục bảo vệ môi trường của tác giả đối với độc giả nhỏ tuổi không
bị lộ quá, thì cuốn truyện sẽ trọn vẹn hơn.
T.S
(Nguồn: Nông
nghiệp Việt Nam)
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét