Mến tặng P.L bạn tôi
Ngồi giữa năm người phụ nữ đã luống
tuổi, trông anh như cái nhụy của một bông hoa, nhưng bông hoa không còn cái vẻ
mơn mởn xuân thì, đó là kiểu hoa dù đã phai sắc mà vẫn còn đậm hương. Thì rõ
rồi, cũng như anh, họ, những người bạn học cũ của anh ngày trước, nay tuổi đã
xấp xỉ sáu mươi, ai cũng đã lên mấy lần chức: làm vợ, làm mẹ rồi làm bà.
Năm
tháng đã để lại dấu ấn lên từng khuôn mặt đầy vết chân chim hoặc những mái tóc
dù chưa nhiều sợi bạc nhưng đã hoa râm, thưa thớt. Anh ngồi đó, rít thuốc liên
tục, lơ đãng khuấy ly cà phê, ngó mông lung về một nơi xa vắng. Vậy đó, cái
nhụy của bông hoa, anh chàng với biệt danh “hot boy” của nhóm có đôi lúc xuất
thần như thế. Các bạn anh vốn đã quen tình trạng ấy, nên cứ để kệ, họ vẫn thao
thao với nhau hằng trăm thứ chuyện. Nhóm của họ, đều là những cô giáo già, đã
nghỉ hưu vài năm hoặc vừa mới làm lễ chia tay với nhà trường, bục giảng, bây
giờ con cái đã lớn, họ giết thời gian bằng những buổi gặp nhau thư giãn. Thường
thì Nguyệt, đầu tàu của nhóm là người đứng ra tổ chức sự kiện và sau đó a lô
cho các bạn, ai sắp xếp được thì hồi đáp. Những người bạn của anh, sau gần 40
năm bặt tin nhau, tình cờ gặp lại khi tuổi đã xế chiều, họ quý nhau lắm. Dường như ai cũng ý thức được thời gian với họ đang
đếm ngược, nên họ trân quý những hoài niệm, nâng niu những ngày tháng bên nhau.
Và đã hơn một năm nay, nhóm bạn 12B Trưng Vương ngày ấy vẫn thường xuyên gặp
gỡ, tổ chức sinh nhật cho nhau, cùng nhau đi uống cà phê hoặc hẹn nhau đi nghe
nhạc Trịnh. Chị Minh, chị cả của nhóm, vốn là chị của Nguyệt, nhưng thấy sinh
hoạt của nhóm vui và dễ thương, nên chị cũng tham gia cùng. Trong nhóm, vẫn còn
các chàng trai khác, nhưng hầu hết đều bận bịu với công việc, gia đình, vất vả
trong cuộc mưu sinh. Và duy có anh, chàng độc thân của nhóm là người thường
xuyên có mặt đầy đủ trong các sự kiện dù nhỏ hay lớn của tập thể. Không phải
chỉ vì còn độc thân, không bị vợ bìu con díu, mà cái chính, anh là người rất
nhiệt tình, rất lịch sự, rất ga lăng. Có mấy lần, các bạn nữ trong nhóm nhận
được tin nhắn với nội dung là các quý ông muốn thể hiện lòng ngưỡng mộ đối với
quý lady của nhóm, mời họp mặt. Các chị em hớn hở đến, hóa ra chỉ có đại diện
quý ông là anh, chàng hotboy luôn nhớ đến các bạn nữ trong các dịp 20 tháng 10
hay 8 tháng ba. Quý chị em trong nhóm cảm động lắm. Hơn nữa, anh còn có nhiều
tài lẻ. Anh đàn giỏi, hát hay, sáng tác nhạc rất có hồn, lại biết vẽ mà vẽ rất
đẹp. Nói chung, anh đa tài. Bạn bè vẫn gọi anh bằng cái tên dễ thương “Nhạc sĩ”
bởi anh đã sáng tác cho nhóm rất nhiều ca khúc để hát cho nhau nghe trong các
dịp gặp gỡ, sinh nhật hoặc đám cưới của con cái một bạn nào trong nhóm. Nhiệt
tình, tài năng thế nên anh được các bạn ngưỡng mộ, yêu mến.
Kim nhắc anh :
-
Uống cà phê đi
Phan, ông để đá tan ra hết rồi kìa!
Anh cười hiền:
-
Ừ, mình hút hết
điếu thuốc đã.
Nguyệt nhẹ nhàng
trách, giọng pha chút lo lắng:
-
Thôi, hút ít đi,
coi chừng hai lá phổi của Phan đó, nó lại như tổ ong vò vẽ thì nguy!
Lại tiếng của Đặng:
-
Phan viết xong bài
hát “Chúc mừng sinh nhật” chưa, bữa nào đưa tụi này tập cho kịp mà tổ chức sinh
nhật tháng tới cho Xuân, Hảo và cả Phan nữa.
Chị Minh điềm đạm mà rất sâu sắc, can các bạn:
-
Các em để từ từ
cho Phan thở, gì mà vây nó dữ! Theo chị, sáng tác một bài hát cũng phải có cảm
xúc thì viết mới có hồn, đâu phải viết xổi theo kiểu đơn đặt hàng được.
Bông hưởng ứng:
-
Đúng đó, để bữa
nào Phan bay bổng, thăng hoa trong tình yêu thì bài hát chắc hay hết ý luôn!
Lại nữa rồi…. Các bạn anh nói gì thì nói, cuối cùng họ
cũng không quên những bức xúc về chuyện anh vẫn sớm tối đi về lẻ bóng. Mà cũng
phải, trong khi họ đều đã thành bà nội, bà ngoại, còn anh thì cứ mãi solo, làm
sao mà cam cho được.
Tất nhiên, tình sử của anh cũng đầy những trang lãng
mạn. Thuở trẻ, khi gia đình còn giàu có, anh đã có thời vàng son của một thiếu gia.
Quen biết rộng, lại sẵn tiền, anh không thiếu những bóng hồng đi qua đời. Anh
đã từng yêu say đắm vài cô, và có không ít cô cũng từng thổn thức vì anh. Nhưng
tính vốn phóng khoáng, không chịu ràng buộc sớm, anh đã ngậm ngùi nhìn các mối
tình lần lượt lên xe hoa về nhà khác.
Rồi thời thế đổi thay, gia đình anh không còn sung túc như xưa, các anh chị em
phải ăn học, ba mẹ anh đành bán dần tài sản. Những dãy nhà mặt phố, những sạp
vải to nhất nhì trong chợ đều lần lượt sang tay cho người khác. Già yếu, đau
đớn vì của cải tiêu tán, ba anh mất, để lại đàn con hơn chục đứa, mẹ anh phải
có bản lĩnh lắm mới trụ vững trong những ngày gian khổ ấy. Nhớ lại, anh không
khỏi chạnh lòng, vì chính bản thân anh cũng đã nếm bao tủi cực khi cảnh nhà sa
sút. Anh một đời phiêu bạt, đã có thời gian dạy học ở một thị trấn miền núi.
Sương mù bảng lảng của phố núi không níu nổi chân anh, lại thêm nỗi đau đớn,
hoang mang vì tình phụ, anh bỏ dạy, vào Sài Gòn, làm đủ nghề. Có dạo anh đã
từng gặp gỡ nhạc sĩ nổi danh họ Trịnh, và cũng đã viết một số ca khúc được bạn
bè trình diễn trong các đêm nhạc Sinh viên. Rồi chán chê với ánh đèn sân khấu,
anh lại lao vào kinh doanh, có thời điểm cầm trong tay cả đống tiền, tiêu tiền
như nước. Giữa lúc ấy, bất ngờ em trai anh mãn lính trở về với những vết thương
rất nặng, để lại di chứng. Các anh chị của anh đã yên bề gia thất, công việc,
con cái bận bịu, mà mẹ anh thì già yếu, không chăm sóc được đứa con bệnh tật,
anh đành phải hy sinh, trở về thành phố quê hương, chăm sóc mẹ và em trai. Ngôi
nhà cũ của ba mẹ anh khá rộng, giờ chỉ có bốn người ở: người mẹ đã trên tám chục, anh, cậu em
trai nghễnh ngãng và cô em gái cũng là
giáo viên, sắp nghỉ hưu mà vẫn độc thân như anh. Cái gia đình vĩ đại ngày nào của
anh giờ chỉ còn mấy con người lặng lẽ đi về, còn số đông còn lại đều đang ở xa.
Hàng ngày, thương em gái bận bịu với việc dạy học ngày hai buổi, chính anh là
người nội trợ, lo cơm nước phục vụ cho ba người thân ấy. Tuy vất vả và phải
kiên nhẫn lắm trước những ẩm ương của mẹ già, những hành vi không thể kiểm soát
của em trai, anh vẫn không một lời than vãn, kêu ca. Các bạn anh vẫn thường gặp
anh đi chợ, và họ ngạc nhiên trước việc anh chọn hàng, trả giá cũng giỏi giang,
khéo léo như một bà nội trợ chính hiệu. Cuộc sống vẫn cứ đều đều như thế, anh
cũng chẳng buồn vì không có người sẻ chia, đỡ đần việc nhà. Có ai thắc mắc sao
anh không kiếm lấy một cô để nâng khăn
sửa túi, sớm hôm bầu bạn, anh đều khẳng định:
-
Mình già rồi, vợ
con gì nữa, mà ai đến với mình bây giờ thì rồi sẽ khổ.
Các
bạn anh nghe vậy, nhưng quyết không để yên. Họ ghép đôi anh với vài cô bạn
trong nhóm, những người đã góa chồng hoặc sống đơn thân. Anh cười buồn, khẳng
định:
-
Không được, nhóm
chúng ta như là anh em trong nhà, ai lại thế.
Một sự kiện bất ngờ xảy ra làm xô lệch đời anh. Mẹ
anh, tuy già yếu nhưng hãy còn minh mẫn lắm, bỗng trở bệnh, và chỉ trong một
ngày cụ đã ra đi thanh thản. Đưa mẹ về nơi yên nghỉ xong, anh hụt hẫng. Trước
nay, anh vẫn quen với việc ra vào có mẹ, hình bóng bà in đậm trong từng góc
nhà, trên mỗi đồ vật thân quen. Đã đành ai cũng phải sẽ có ngày trở về với cát
bụi, mẹ anh đã trên 90 tuổi, ra đi nhẹ nhàng như thế là có phước lắm. Nhưng là
người con có hiếu, anh vẫn thấy trống vắng, nhớ mẹ vô cùng. Nhóm bạn muốn giúp
anh qua cơn sốc, họ thường xuyên gặp gỡ anh hơn, cố tạo cho anh tiếng cười để
anh vơi bớt buồn đau. Họ giao việc cho anh sáng tác nhạc, để anh không có thời
gian nghĩ ngợi, trăn trở. Biết ý tốt của các bạn, anh vẫn vui vẻ hòa mình,
nhưng trong sâu thẳm vẫn là nỗi cô đơn.
Nguyệt không hổ danh là trưởng nhóm, cô cất giọng lôi
anh về với thực tại:
- Phan ơi, bữa nào tụi mình đi An Khê một
chuyến. Hôm qua, tui nhận được tin nhắn của trường cũ mời mình lên họp mặt kỉ
niệm 50 năm ngày thành lập trường, Phan đi cùng tui nghen.
Trong nhóm, chỉ có Nguyệt đã từng có thời gian lên
công tác với anh ở phố núi An Khê, vùng quê khi ấy còn nghèo khổ, cơ cực lắm.
Anh cũng nhận được tin nhắn ấy. Thấy số máy lạ, anh phân vân chưa trả lời. Thì
ra trường cũ, nơi anh đã từng sống nhiệt tình những năm tháng tuổi trẻ, vẫn
không quên anh. Anh đã rời nơi đó ra đi, để lại một hoài niệm đau đáu. Nơi ấy,
anh đã yêu và được yêu, Hoài Thương, cô giáo trẻ có hai má lúm đồng tiền khi
cười sâu hoắm và đôi mắt long lanh như biết nói là mối tình sâu sắc nhưng ngắn
ngủi của anh. Những hình ảnh tưởng chừng nhạt nhòa bỗng dưng sống lại trong tâm
trí anh như một đoạn phim buồn. Họ đã từng hứa hẹn, cùng nhau mơ về một tương
lai đẹp đẽ. Anh đã từng nghĩ đến việc chọn nơi ấy làm quê hương thứ hai. Rồi
Hoài Thương vì vướng cái lí lịch không lấy gì làm tốt của gia đình, có cha là sĩ
quan chế độ cũ hiện đang cải tạo, đành ngậm ngùi nói lời chia tay với anh, chấp
nhận về làm vợ của tay cán bộ thuế, con trai vị phó chủ tịch xã để thuận tiện
cho các em nàng tiếp tục việc học tập. Trước mất mát, thua thiệt ấy, anh đã bỏ
nghề, bỏ trường lớp, rồi tha hương phiêu bạt, quên đi Phố núi thân quen đã
thành xa lạ, nghiệt ngã với anh. Cho đến bây giờ, nhớ lại tất cả, anh vẫn thấy
lòng quặn một niềm xót xa, khinh bạc. Anh không mong gặp lại Hoài Thương, nhưng
vẫn nhận lời Nguyệt, sẽ đi cùng cô bạn lên phố núi, họp mặt với bạn bè, đồng
nghiệp, học trò cũ của gần 40 năm trước.
…
Trở về từ ngày hội trường cũ, nhóm bạn 12B ngạc nhiên
trước sự thay đổi của Phan. Anh vui vẻ hơn, hoạt bát nói cười, không còn những
phút giây xuất thần xa vắng. Cả bọn xúm vào điều tra, không thể hỏi trực tiếp
anh, họ tra vấn Nguyệt. Thì ra trong những ngày ở An Khê, Phan đã gặp lại Hoài
Thương. Có điều hiện cô vẫn sống một mình. Cuộc hôn nhân của cô với anh chồng thuế
vụ quá ngắn ngủi bởi họ không hợp nhau. Khi chia tay, cô được Tòa xử quyền nuôi
con. Đứa con gái của Hoài Thương giờ cũng đã trưởng thành, đã lập gia đình ở
mãi trên Đà Lạt. Và Hoài Thương, từ bấy đến giờ
không đi thêm bước nữa, cũng lủi thủi đi về như Phan. Theo lời kể của Nguyệt,
hai người cô đơn ấy đã gặp lại nhau. Biết bao trách giận, buồn thương, xúc động
và cả bao dung, tha thứ, cuối cùng Phan đã hiểu nỗi khổ tâm của Hoài Thương, hiểu
nàng vẫn còn yêu anh và vô vọng mong chờ ngày gặp gỡ. Hai trái tim tưởng chừng
đã khô héo bỗng trào dâng niềm yêu. Họ đã chắp lại mối tình dang dở, sau gần 40
năm thử thách, vắng xa. Bạn bè, đồng nghiệp ở An Khê mừng lắm, ai cũng vun vào.
Phan thấy không còn lí do gì để từ chối mối tình muộn màng mà sâu lắng, cái
chính là anh không còn muốn tiếp tục những ngày hiu quạnh. Phan nhớ đến lời bài
hát của Trịnh Công Sơn:
Bao nhiêu năm rồi còn mãi ra đi
Đi đâu loanh quanh cho đời mỏi mệt..
Ơn Trời, thế là cuối cùng anh chàng hotboy của nhóm
cũng đã tìm được một nửa của mình. Các lady của nhóm lại xúm vào chọc ghẹo Phan:
-
Ông Phan ghê
thật, tình già chung thủy sắt son nghen!
-
Sao, Hoài Thương
của ông có đẹp không? Bằng cỡ đứa nào trong bọn tui?
-
Bữa nào ông dẫn nàng
của ông xuống ra mắt nhóm nghe chưa, làm dâu thì phải ra mắt các bà chị em
chồng cho phải đạo đó!
Anh cười hiền, xua tay:
-
Hà! Được rồi, gì
mà nhặng lên ghê vậy. Để đến dịp lễ 30 tháng 4, cô ấy được nghỉ dạy, tui dẫn
đến ra mắt các bà chị. Nhớ là đừng ăn hiếp nghen. Con gái Phố núi thật thà,
hiền lành, không có sắc sảo như các cô đâu….
Bông, Đặng, rồi Kim, Hảo thích chí tíu tít rủ nhau đi
may váy để còn kịp dự đám cưới của Phan. Anh tuyên bố:
-
Thôi đi các cô,
tui còn phải chờ mãn tang mẹ, các cô đừng vội mừng!
Các
nàng tranh nhau nói:
-
Chu choa, tiếc quá!
Mà cũng phải, chờ mãn tang mẹ Phan, bọn mình phải tổ chức cho hot boy nhóm mình
một đám cưới thật ấn tượng, hoành tráng
miễn chê nghen!
-
Ok, vậy đi nghen. Nhưng mà từ đây đến đó, Phan
cũng vẫn tiếp tục sáng tác, và sinh hoạt nhóm đều đều nghe không!
Chị Minh sâu sắc nhất, đã khuyên các nàng:
-
Đây là dịp để
chúng ta bày tỏ niềm vui trước bước ngoặt cuộc đời của Phan. Các em hãy viết
tặng Phan một vài bài thơ, câu chuyện coi như là quà mừng trước.
Nguyệt hưởng ứng ngay, vì cô nàng trưởng nhóm cũng là
cây bút xuất sắc, là nhà thơ của nhóm. Cô nàng e hèm đọc ngay bài thơ ứng tác:
Mùa xuân tình yêu đậu lại
Ong bướm nghinh chào đôi ta
Cỏ cây đâm chồi nảy lộc
Anh nở nụ cười ngày xa
Em rỡ ràng trong giọng nói
Bạn bè vui mừng hơn xưa
Em là con chim nhỏ
Trong anh bầu trời cao
Nên tình yêu từ đó
Điềm nhiên cất cánh chào
Anh là cành
mai cỗi
Đến muà
xuân em về
Đã bất ngờ
nở vội
Nụ hoa vàng
đam mê...
Những tràng pháo tay cổ vũ vang
lên. Phải công nhận là nữ thi sĩ thiệt giỏi, ứng tác nhanh lẹ mà cũng rất chí
tình, chí lí. Ai cũng vui vì một viễn cảnh đẹp tươi, mừng cho Phan khi đóa tình nở muộn.
T.T.H
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét