Thạch Cầu, tên thật là Đặng Ngọc Thăng,
quê Nghệ An. Như một cánh chim, anh phiêu bạt mưu sinh, làm việc ở nhiều nơi
rồi cuối cùng “đậu” lại Sài Gòn vài chục năm. Cái tên Đặng Ngọc Thăng mang đi
từ xứ Nghệ khá nổi trên thương trường đất phương Nam, nhưng giới văn nghệ, đặc
biệt dân văn nghệ mạng lại biết nhiều đến cái tên Thạch Cầu hơn. Thạch Cầu có
một trang mạng trong Vnweblogs.com và nhiều người biết đến anh qua những trang
viết về Trường Sa, những bài viết về văn hóa xứ Nghệ, và tất nhiên cả thơ,
truyện ngắn của anh.
Tập Truyện ngắn và Tạp văn “Chuyện đống
rơm” của Thạch Cầu xuất bản lần này là tập hợp khá nhiều truyện ngắn cùng những
bài viết anh rút từ trang blogs đó.
Thực ra lúc mới lật sơ qua mấy trang của
cuốn sách không ít người sẽ thấy khó nắm bắt. Nội dung quá rộng, bố cục không
theo bài bản. Nhưng khi đọc từng bài người đọc sẽ thấy thích thú.
Truyện ngắn Thạch Cầu có thế mạnh riêng
cho mình, đó là những mảng hiện thực của đời sống được anh đưa vào hết sức sống
động, tự nhiên tạo nên một hơi thở mới cho tác phẩm. Có thể bắt gặp trong
truyện ngắn của Thạch Cầu khá nhiều những gương mặt mà đọc lên ta cứ như đã
nhìn thấy đâu đó ở ngoài đời: Từ chuyện Tết nhất xưa và nay. Những con người
của thế hệ mới đang chen lấn gạt ra ngoài dần những người như cụ Tố mà lối sống
nề nếp truyền thống đã bị thế hệ nay coi là cổ hủ... Rồi chuyện sướng hay khổ
của các doanh nhân… đến một cô gái quê trong trắng vì miếng cơm, manh áo mà lạc
chân chốn Sài thành hoa lệ, bị người lừa, rồi đi lừa lại người, kiếm bộn tiền,
những đồng tiền nhơ nhớp (trong Chuyện đống rơm), đến một lão Giòn na (Lão trẻ
con nhiều tuổi) vốn xuất thân khá ấn tượng là anh lính đã có ít nhiều cống hiến
thời chiến tranh, nay trở về quê lại mang thói công thần khệnh khạng để rồi trở
thành trò cười cho thiên hạ… từ Chân dung Thằng bán tơ chỉ biết vun lợi vào
mình, quên cả tình làng nghĩa xóm, cuối cùng lộ mặt, sống lủi thủi trong sự
khinh miệt của bạn bè…
Mùa thu Singapore cũng là kiểu viết truyện
về một mối tình thuở trai trẻ giữa Hòa và Thanh Loan - người phụ nữ thông minh
nhưng gặp bất trắc trong tình duyên phải rời đất nước. Truyện có hậu theo
truyền thống: ở hiền gặp lành.
Như vậy, rõ ràng truyện của Thạch
Cầu không có sự gò bó hay câu nệ thường thấy. Có sao nói vậy, như một trang
nhật kí, như ghi chép của người làm phóng sự, lấy sự chân thực làm trọng. Nhưng
cũng có truyện như Thụ thụ bất thân lại giống một phác thảo, đúng hơn như một
quan niệm. Thạch Cầu đã qua truyện của mình để bày tỏ một thái độ, một quan
niệm về sự trinh bạch của tình bạn, tình yêu chân chính giữa hai người đàn ông
và đàn bà. Họ đã vượt qua được ranh giới mong manh để giữ cho tình yêu và tình
nghĩa được trọn vẹn. Với nhiều khi khác, anh lại đóng nghiêm túc vai khách quan
ngoài cuộc, không phê bình, không đưa ý kiến chủ quan vào để áp đặt, để mặc sự
phán xét cho độc giả, nghĩa là anh kéo độc giả vào cùng mình sáng tác tác phẩm
tạo nên một hấp dẫn riêng với người đọc. Trong mỗi một vấn đề của xã hội,
thường không phải bao giờ ý kiến và quan điểm nhìn nhận đánh giá vấn đề của mọi
người đều giống nhau. Sẽ có nhiều luồng ý kiến. Vậy thì bạn có quyền đưa ra ý
của mình, đưa ra cách hành xử, cách giải quyết vấn đề cho riêng mình nếu bạn ở
trong hoàn cảnh tương tự. Cách làm này ta thường thấy trong truyện ngắn của
Nhật và là một kiểu tư duy truyện khá hiện đại. Nhưng thành công nhất với Thạch
Cầu lại được ghi nhận ở một mảng khác: Tạp văn! Tạp văn có khả năng mở rộng
biên độ tư duy của người viết tới nhiều vấn đề trong những liên tưởng khá thoải
mái. Để bày tỏ một vấn đề nào đó của xã hội, có nhiều đoạn tác giả nhảy vào
thẳng thắn đưa ra quan điểm của mình, bày tỏ thái độ một cách thẳng băng và
không hề có ý nhân nhượng: “Bàn về đỏng đảnh và thành đạt”… Dễ nhận nhất vấn đề hợm hĩnh là có
của, có tiền, mặt vênh vênh váo váo coi thiên hạ không ra gì. Huênh hoang,
thiếu thực tế, khoe mẽ với đời, cốt sao để thiên hạ biết mình là ai. Họ càng
như thế, thiên hạ càng nhanh chóng nhận ra họ là loại “con” gì! Tôi thấy tội
nghiệp và thương thay cho họ hơn là ghét. Nhưng thật sự vô cùng bất bình...
kiểu người làm cuộc đời này thay đổi theo chiều hướng rất tốt, đó là: Người vấp
ngã nhiều lần nhưng vẫn tồn tại và gượng dậy, đứng thẳng đi tiếp là kẻ anh
hùng. Họ luôn biết tạo thời cơ và chớp lấy cơ hội để đạt mục đích. Mục đích
thật sòng phẳng… hoặc Văn hóa “chảnh”: Phê phán lối sống hình thức lấy của cải
để lòe nhau, chạy đua theo trào lưu, ganh nhau con gà tức nhau tiếng gáy… Văn
hóa đua đòi, văn hóa “chảnh” là thứ văn hóa tồi tệ, thiếu tử tế và khập khễnh
nhất. Một kiểu “văn hóa” không có văn hóa nhất. Có thể khi đọc những dòng
trên nhiều người sẽ có ý khác. Nhưng đó là Thạch Cầu. Anh có quan điểm riêng.
Nhưng đến những bài viết của Thạch Cầu về những chuyện về riêng xứ Nghệ, chuyện
mới nghe cứ ngỡ vớ va vớ vẩn, vụn vặt… lại cuốn hút độc giả hơn cả. Đọc những
bài này, lại nhớ đến câu Thạch Cầu viết về mình: May! May mà bố mẹ đẻ ra cái
thằng tôi tếu ta tếu táo đến mức tào lao và rồi thấy khoái. Có lẽ lão này đã vẽ
chân dung lão khá chuẩn. Chuyện ở quê, chuyện đi nhà nghỉ cũng có, lại lôi cả
chuyện bãi biển Cửa Lò quê choa với đặc sản mực nháy kèm Becberin ra, vậy mà
cuốn hút. Ai hâm, ai tử tế, ai thành đạt, ai anh hùng, ai nhân hậu, kẻ nào là
hạng… vứt đi? Cả đến chuyện giá cả của lòng tin nữa. He he… “nhà thơ” “Thạch
Còi”... Bằng giọng bông phèng, cười cợt tự giễu mình mà… ngẫm lại thấy ngấm sâu
xa, một nhắn gửi gì đó khi thời bây giờ đang rộ lên kiểu “tự sướng” bằng cách
nhiều người tự phong, tự gán cho mình danh hiệu nhà này, nhà nọ với bao thứ văn
chương vè không ra vè, văn không ra văn… Chỉ rặt những à ơi nhẽo nhợt. Ngấm!
Đọc thấy Thạch Cầu lang thang khắp
các chốn của Sài Gòn. Từ một quán nhỏ bên đường đến một ngã tư nhộn nhạo người
xe, vào cả công trường xí nghiệp, mò tới cả các cơ quan hành chánh xem mấy em
viên chức làm le giữ gôn cơ quan và mấy mày râu lỉnh ra cà phê võng nằm tán
gái... Đến chuyện tha hóa của một “thằng xã trưởng”, một Giám đốc công ty… Theo
chân lão và nghe lão “Ní xự” như ngồi xem một cuốn phim quay chậm mà toát mồ hôi… Bàn búa xua tùm lum.
Vậy
mà không ngán mặc dù có lúc thấy hình như chạm cả đến mình, tức như bò đá. Có phải là kiểu “võ
quảng cáo hàng” riêng của Thạch Cầu? Những trang viết về các món ăn dân dã, đặc
biệt là những đồ ẩm thực truyền thống của xứ Nghệ có một sức hấp dẫn riêng. Món lòng thuôn…. Nhút Thanh Chương, bún - giá - cá - ruốc…
của chợ Đồi Quỳnh Đôi, Quỳnh Lưu, theo những dân Nghệ di cư đem vào Nam Bộ mà
rồi thành đặc sản của miền đất mới. Món canh lá lằng của Quỳnh Lưu… Rồi các món
ăn. Chỉ là những món ăn dân dã. Và có cảm giác Thạch Cầu cũng là bậc ma xó
trong lĩnh vực này. Phải ăn nhậu, phải lê la, phải uống… tất nhiên rồi. Nhưng
muốn viết ra cho người ta đọc cho thú thì lại phải đeo bên mình một cái nghiệp
của nghề viết nữa. Không thể cắm đầu cắm cổ cứ bước vào quán là chỉ những nuốt
cùng nhai được. Một món uống chết rượu, rẻ như biếu không là nộm củ chuối. Củ
cây chuối hột đang thì tơ, bằm thái thành sợi, ngâm nước muối nhạt, trụng qua
nước sôi, trộn với lạc rang miền Diễn Châu, rắc nhúm lá chanh thái nhỏ thành
sợi, một nhúm khuyếc (tép nhỏ) biển, thành món nộm. Ăn món này phải kèm với
bánh khô vừng (bánh đa mè), mà phải bánh đa Đô Lương, Yên Thành dày vừng mới
đã. Chừng nửa củ chuối, mấy cái bánh khô, độ bốn ông nhâm nhi hết dăm ba lít
rượu… Thân cây chuối ấy đừng có bỏ mà lãng phí. Đem nó thái nhát thật mỏng,
trộn một nắm lá kinh giới, cùng lá chanh thái nhỏ, trộn đều, chấm nước kho thịt
lợn, hoặc ăn với nước xáo gà, lòng thuôn. Nghe nói ở quận Gò Vấp, nơi gần nhà
Thạch Cầu cũng có một quán cháo miến lươn xứ Nghệ với cái tên: CHÁO LƯƠN CHƯƠNG
MẬP khá nổi tiếng. Nào là cháo lươn, súp lươn, lươn xào giòn, lươn hầm chuối
xanh, hầm cà pháo non… gia vị là ớt cay, lá lốt, nghệ tươi, bột tiêu… Lươn phải
là con lươn tự nhiên của cánh đồng xứ Nghệ, nó có cái bụng vàng óng, thân dài,
thon nhỏ. Thiên hạ thêu dệt và đồn thổi rằng người xứ Nghệ nuôi lươn bằng... củ
nghệ(?) Thịt con lươn xứ này nó ngọt, nó thơm, nó bùi, nhất lại là rẻ và bổ
dưỡng... ngon đến lịm ga! Đồn rằng Thạch Cầu cũng hay lang thang, ngồi lê la ở
đây lắm. Ở mấy quán thịt chó cũng rứa. Là đoán vậy thôi. Bởi với một người ra
đi từ một miền quê mà nghe đồn bây giờ món thịt chó 7 món đã được nâng lên
thành ti tỉ món, và lại mê thịt chó như lão, có trong bụng cả một mớ kinh
nghiệm “thịt bằng một nồi, úp lá chuối, đậy vung thật kín, trừ món nướng. Rựa
mận, dưới cùng, giữa là món hấp, trên cùng là món dồi. “Thằng dưới, thằng trên”
cứ bổ sung cho nhau về hương vị qua quá trình đối lưu nhiệt và hơi nước cùng
gia vị trong lòng cái nồi ấy. Nhưng cái độc đáo, làm thịt chó ngon thơm dậy
mùi, có lẽ là do mắm tôm nguyên chất của xứ này. Món dồi, dứt khoát là phải có
đọt ổi, đậu xanh rang và lá mơ trơn, thì mới tuyệt chiêu. Nhớ làm tẩn mẩn, chớ
ẩu mà phí, mất gốc!”Thì chả nhẽ lại không đem ra truyền, cho dù học phí có khi
chỉ là… một khúc dồi để mai kia
nếu bị Giời gọi thì hành trang mang theo sẽ là nó để khoe với Diêm Vương? Có lẽ
để viết được những dòng chỉ như trên thôi, Thạch Cầu cũng đã phải tốn khá nhiều
tiền và thời gian cho công cuộc “Đi thực tế”, những cuộc ngồi xổm dân gian lắm.
Và thú thật, đọc xong những trang viết của Thạch Cầu tôi cứ ngơ ngẩn tiếc. Tiếc
rằng sao anh không để nhiều bụng dạ vào mấy cái món này. Đi, nhớ lại, tìm hiểu
thêm… và viết nó cho bàn dân thiên hạ đọc. Biết đâu Thạch Cầu đã có thể thành
một nhà “Nghệ ẩm thực” kiểu Sơn Nam
của Sài Gòn? Rồi lại nghĩ mách qué một chút, nếu ông Chủ tịch Hội Nhà văn VN
đọc được những dòng này, biết đâu hàng năm ông lại chả cấp thêm cho các hội
viên của Hội một ít tiền đi thực tế… Một ít tiền đi thực tế mà đem về được
những trang viết có mùi rau chuối thái, có vị riềng mẻ mắm tôm như thế này thì
cũng bõ lắm chứ.
Xin được chúc mừng tác phẩm đầu tay của
Thạch Cầu và hi vọng nhiều ở những cuốn sách tiếp theo của anh.
TP. HCM, tháng 3 năm 2013
M.N
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét