Viết tặng Nguyệt Ánh bạn tôi
Đã gần nửa đêm. Thành phố ồn ã, sôi
động cũng đã chìm vào thinh lặng, trả lại bầu không khí êm đềm cho tự nhiên
huyền diệu. Chỉ còn thi thoảng vang lên tiếng rả rích của chú ve sầu trong bụi
hoa ti gôn và tiếng chắt lưỡi như lời thở than của cô thằn lằn cô đơn trên bờ
tường. Nguyệt hết trở mình sang bên trái lại quay sang bên phải, lục đục mãi mà
vẫn không tài nào chợp mắt. Cô đã cố ru mình vào giấc ngủ, bằng cách đếm ngược
đếm xuôi, đếm đến hàng trăm, hàng nghìn mà hai mắt vẫn cứ không chịu nhắm. Việc
mất ngủ cũng có lí do của nó. Mấy năm gần đây, Nguyệt thấy tuổi tác đã bắt đầu
để lại những dấu hiệu khó chịu trên người cô. Da mặt cô đã có một số vết tàn
nhang, thâm nám, tuy mờ nhưng nhìn kỹ vẫn thấy. Đôi mắt long lanh khi xưa giờ
vẫn còn đó nét duyên nhưng khi cười bắt đầu để lộ vết chân chim bên khóe. Đi
đâu, cô cũng phải mang theo đôi kính lão, bởi thị lực đã giảm nhiều. Và những
cơn đau đầu thỉnh thoảng xảy ra, theo lời bác sĩ đó là dấu hiệu của phụ nữ tuổi
trung niên, từ chuyên khoa gọi là suy thoái tuần hoàn não thời tiền mãn kinh. Bên cạnh đó, Nguyệt còn bị
hành hạ bởi đôi chân đau nhức, hậu quả của cú ngã vừa qua trong dịp Nguyệt vào
Sài Gòn thăm con, cú ngã khiến Nguyệt tưởng mình lại gãy chân như ba năm về
trước. Hồi ấy, Nguyệt ngã xe máy, gãy một rẻ xương sườn bên trái, phải bó bột
và nẹp cố định, nằm một chỗ hàng tháng. Phải mất cả năm sau, Nguyệt mới dám đi
xe máy lại mà rất yếu. Lần này, Nguyệt
chỉ ngã trong nhà, khi đang lau nhà thì trợt chân té nghiêng như trời giáng về
bên phải, phía đối xứng với lần gãy xương trước. Khi đi chụp phim, Nguyệt lo
lắng sợ lại gãy xương thì không biết để đâu cho hết khổ. Nhưng may quá, kết quả
cho thấy không ảnh hưởng đến xương, chỉ bị chấn thương phần mềm, Nguyệt mừng
đến chảy nước mắt. Bây giờ các vết sây sát đã lành miệng, nhưng xương cốt người
có tuổi thì đã rảo hết rồi, nên đêm nào Nguyệt cũng đau nhức như dần. Nếu có
anh Thái chồng Nguyệt ở nhà, thể nào anh cũng sẽ xoa bóp, day các huyệt đạo dọc
hai bên sườn, suốt bắp chân, Nguyệt sẽ
êm ả đi vào giấc ngủ hạnh phúc. Nhưng
hôm nay anh Thái đi công tác, ra mãi Hà Nội họp, căn nhà mênh mông chỉ có
Nguyệt và con gái, bé Ngọc, mà nó thì ngủ trên lầu trong phòng riêng, còn cô
nằm đây, mắt nhìn trân ra ngoài cửa sổ, theo dõi bóng trăng thấp thoáng sau tấm
rèm voan màu trắng sữa.
Nguyệt vẫn chưa ngủ, đầu óc cứ miên
man về đủ thứ chuyện. Chỉ vài hôm nữa, khi anh Thái đi công tác về, nhân mùa
nắng ráo nhà Nguyệt sẽ khởi công sửa chữa, sao cho kịp đến cuối năm làm đám
cưới cho thằng Tuấn con Nguyệt. Lần sửa nhà này coi như đại tu luôn. Thực ra,
nhà còn vững chãi lắm, dễ đến hai chục năm sau cũng không hư hao gì. Sinh thời
bố mẹ Nguyệt cũng khá giả, nên hai cụ xây nhà rất kiên cố. Ngôi nhà dài lắm,
hai phía đều quay ra mặt tiền hai con đường, một con đường là trung tâm, dẫn
vào cổng chính của Chợ Lớn, hiện gia đình chị Minh, chị gái Nguyệt sinh sống. Đấu lưng với nhà chị
Minh là căn nhà của vợ chồng Nguyệt, cũng là mặt tiền nhưng đường này yên tĩnh,
râm mát những hàng cây, không ồn ã, sôi động. Nguyệt thích thế. Trước giờ, nếu
có sửa chữa, Nguyệt chỉ cho sơn tường hoặc lát lại khoảng sân trời, lắp thêm
vài thứ máy móc trong các phòng. Chẳng qua lần này đại tu vì Nguyệt muốn làm
mới luôn diện mạo ngôi nhà, lát lại gạch phòng khách, sửa chữa dãy hành lang,
mở rộng không gian trước tiền sảnh. Và cái chính là Nguyệt chuẩn bị một phòng
uyên ương cho thật lịch sự, tiện nghi cho vợ chồng con trai trong lễ cưới. Tất
nhiên, trong thời buổi này, dịch vụ gì cũng bao trọn gói từ A đến Z. Bên xây
dựng cũng thế, tay chủ thầu sẽ lo từ khâu thiết kế, mua sắm vật liệu đến thi
công, nhà mình có thể khoán hết, chỉ chờ ngày nghiệm thu. Nhưng tính Nguyệt vốn
chu đáo, cẩn thận, cô đã bàn cụ thể với chồng, từ yêu cầu sửa chữa đến mọi thứ
vật liệu, kể cả màu sơn tường, loại đá lót nền… Nếu khoán hết cho thợ thì khỏe,
nhưng cô muốn tự mình giám sát công việc để kịp thời phát hiện sai sót, yêu cầu
thợ chỉnh sửa ngay, và không để tình trạng lãn công của cánh thợ. Nguyệt muốn
thợ làm việc cẩn trọng, nhiệt tình nên cô đã chuẩn bị nước, trà, thuốc lá lẫn
cà phê... đủ cả. Cả tuần nay, anh Thái và Nguyệt đã hì hục dọn nhà. Mọi thứ gọn
nhẹ, Nguyệt đóng gói hết trong các thùng giấy, mang đi gửi bên chị Minh. Còn đồ
gỗ cồng kềnh như giường, tủ, xa lông có lẽ sẽ đưa hết ra giữa nhà, rồi mua bạt
về phủ lại, sau đó làm đến đâu, di chuyển đến đấy theo kiểu cuốn chiếu. Người
ta vẫn bảo xây nhà không khổ bằng sửa nhà. Có lẽ đúng thật. Bởi nếu xây nhà,
mình đâu có vất vả với đồ đạc, ở tạm một nơi, bao giờ xây xong thì dọn về nhà
mới. Còn sửa nhà thì bụi bặm, đồ đạc linh tinh, đi đâu cũng vướng. Nhưng nghĩ
đi rồi nghĩ lại, sửa nhà chủ yếu để mình ở, chẳng qua chỉ đẹp mặt họ hàng, hãnh
diện với dâu con trong ngày cưới, con trai mình có thể tự hào vì sự chu đáo của
bố mẹ. Còn sau đám cưới, vợ chồng nó lại bay vào Sài Gòn, chúng nó làm việc
trong ấy, đã có nhà mình mua cho nó từ thời học đại học, nó có ở đây đâu. Nguyệt
hoàn toàn yên tâm với quyết định sửa nhà, không phải băn khoăn gì nữa.
Từ thời còn đi dạy, Nguyệt vẫn hết sức thoải mái, không
bận bịu nhiều với việc kiếm tiền. Anh Thái là một người giỏi giang, cuộc sống
của vợ chồng Nguyệt khá thong thả. Ngày trước, thấy đồng nghiệp cùng trường lao
vào dạy thêm, họ kiếm được rất nhiều tiền, có người còn làm giàu hẳn hoi nhờ
dạy thêm, Nguyệt cũng muốn dạy lắm. Vả lại nhiều học sinh và phụ huynh yêu mến
Nguyệt, nằn nì mãi để được cô dạy thêm cho. Nhưng anh Thái không đồng ý. Anh
khuyên cô cứ toàn tâm việc dạy dỗ ở trường, rồi quản lí cho xong việc cơm nước,
con cái, lo sao cho ba bố con anh cơm ngon, canh ngọt là tuyệt vời lắm rồi,
không phải lăn tăn chi ba cái chuyện dạy thêm dạy kèm. Bộ Giáo dục nghiêm cấm
việc dạy thêm ngoài nhà trường, mình lén lút dạy là phạm pháp. Vì thế mà bao
nhiêu năm qua, Nguyệt vẫn cứ thong dong, không phải ngay ngáy chuyện làm thêm,
dạy thêm chi cả. Bây giờ khi đã nghỉ hưu, con cái đã lớn, cô lại càng rảnh rỗi.
Bạn bè vẫn thường gọi cô là “Nhà giáo hưu du”. Ban đầu Nguyệt không hiểu, nhưng
khi được giải thích, cô cười ngất. Thì ra, có vị nào đó đã tinh nghịch, nghĩ ra
cách phân loại thế này : Hưu trí có ba loại, loại thứ nhất là “hưu du”, nghĩa
là không phải vất vả chuyện áo cơm, thích thì đi du lịch chỗ này, chỗ khác, như
Nguyệt chẳng hạn. Loại thứ hai là “hưu trâu” nghĩa là về hưu không làm việc cơ
quan nữa nhưng vẫn làm thêm kiếm tiền, nghĩa là vẫn cày như trâu. Loại cuối
cùng là “hưu chó” nghĩa là về hưu lủi thủi trong nhà vừa giữ nhà, vừa làm ô
sin, rồi giữ cháu, chẳng khác gì chó giữ nhà. Trời ạ, nói như thế thì bạn bè
Nguyệt, như Bông, như Định hay là nàng Kim chẳng hạn đều chiếm hết cả hai danh
hiệu “hưu trâu” và “hưu chó” vì bọn họ nghỉ hưu mà vẫn cày như trâu, vẫn dạy
thêm tối mắt tối mũi, và vò võ trông nhà để chồng con đi chơi, đi nhậu! Hôm nào
gặp các bạn, Nguyệt sẽ khuyên họ, bớt cái đời làm trâu làm chó đi, hãy cứ sống
thoải mái như Nguyệt, nếu có điều kiện hãy là “hưu du”, đi du lịch thư giãn cho khỏe cái thân già,
tội gì mà vất vả cho lắm, nếu một mai nhắm mắt xuôi tay, liệu mang theo được gì
mà cố ….
Nhớ lại nhóm bạn thân, Nguyệt cười thầm. Anh chàng
Phan, người bạn chí cốt của Nguyệt, chàng trai đa tài của nhóm, trông thế mà
lại thẹn thùng như là mới lớn. Gần 40 năm trước, họ học với nhau trong lớp 12B,
năm học đầy dấu ấn. Đó là năm học thời miền Nam vừa giải phóng, cũng là năm đầu
tiên mà con trai, con gái học chung ở cấp trung học. Trước đó, bọn Nguyệt học ở
trường Nữ Trung học, chỉ toàn là gái, còn bọn mày râu thì học bên Cường Để hoặc
Bồ Đề. Buổi đầu còn ngượng ngùng, nhưng càng về sau, nhóm bạn của họ thân thiết
lắm. Hồi ấy, Nguyệt đã nổi tiếng, bởi cô có giọng hát tuyệt vời, vút cao, ngân
vang, được mệnh danh là con sơn ca, là giọng oanh vàng trên sóng phát thanh của
thành phố. Trong lớp, bên nam cũng không kém cạnh. Ngoài lớp trưởng tên Văn
Nghệ có tài sáng tác thơ và ngâm thơ, còn có Xuân Khuê học giỏi, vẽ đẹp, có
Thanh Huy đá bóng tuyệt vời, sau này là cầu thủ của đội tuyển quốc gia. Trong
các tài năng ấy, Phan là người khiêm tốn, không hay phô mình, nhưng ai cũng nể.
Anh chàng đã biết sáng tác nhạc, biết dàn dựng một hợp xướng với nhiều bè.
Nguyệt còn nhớ ca khúc của lớp cô trình diễn trong đêm văn nghệ của trường năm
đó đoạt giải nhất vì các giọng sô lô và các bè ăn ý nhau không thể chê….Thời
gian gần đây, nhóm bạn của họ gồm Phan, Nguyệt, Bông và Kim, Đặng, Dũng,
Tín…gặp lại nhau, thường xuyên sinh hoạt với nhau, thi thoảng cùng hẹn nhau
uống cà phê, nghe nhạc, hoặc tổ chức sinh nhật cho nhau, rất vui. Phan là “nhạc
sĩ” của nhóm, anh chàng khi ngẫu hứng có thể sáng tác nhiều bài rất hay. Đêm
nay, chị Minh có nhã ý mời cả nhóm các
bạn đi uống cà phê nghe nhạc ở một quán có chương trình ‘Hát cho nhau nghe”,
giao lưu giữa ca sĩ và khán giả. Tuy bận bịu là thế, nhưng Nguyệt vẫn dành thời
gian để tham gia với các bạn. Chị Minh đã đăng kí cho Nguyệt, Kim, rồi cả Phan,
mỗi người sẽ hát một bài giao lưu, chủ yếu là hát với nhau, cho nhau nghe. Vậy
mà, khi được giới thiệu lên trình diễn bài hát do chính Phan sáng tác - “Tình ca cho nhau” - thì anh chàng lại thẹn thùng, còn toan không
lên, nếu bọn Nguyệt không ý ới thúc
giục. Mà Phan hát rất hay, giọng ấm lắm, bài hát lại thực sự xúc động, nên bạn
bè và khán giả nhiệt liệt cổ vũ.
Tự nhiên, một ý nghĩ thoáng qua khiến Nguyệt cảm thấy chua
chát. Mới tuần trước, nhóm bạn của cô đã đến chia buồn, phúng viếng một người
bạn, cũng là giáo viên, mới nghỉ hưu được vài tháng, nay phát bệnh hiểm nghèo,
ra đi chóng vánh. Nguyệt điểm lại trong số các bạn bè, đồng nghiệp của mình, không ít người đã trở thành thiên
cổ. Có người đau ốm mãi, thường là ung thư, tiểu đường, dặt dẹo mấy năm trời
mới buông xuôi. Có người gặp tai nạn, cũng có người đột quỵ, nhồi máu cơ tim,
ra đi không một lời trăn trối. Đối với nhiều người, chuyện chết chóc là cái gì
đó ghê gớm, nhưng Nguyệt thì khác. Tính cô rất đơn giản, phải nói là lạc quan
mới đúng. Nguyệt nghĩ, con người ta sống là đang đến gần cõi chết, chẳng qua
kiếp nhân sinh chỉ là kiếp tạm. Vậy thì cứ sống thanh thản, không việc gì phải
bon chen, sau này có nằm xuống thì đó cũng là lẽ thường, không ai tránh được,
tại sao phải sợ? Mà sợ thì cũng có trốn tránh được đâu. Nghĩ thế, Nguyệt yên
tâm hơn, sống yêu đời, nhẹ nhõm. Có điều, cô chỉ băn khoăn một nỗi là hai đứa
con của mình đã lớn, mà vẫn không chịu lập gia đình. Bạn bè Nguyệt hầu hết đều
đã lên chức ông bà. Thấy họ khoe hình cháu nội, cháu ngoại, những đứa nhóc bụ
bẫm, hồn nhiên, đáng yêu quá chừng, Nguyệt thèm lắm.
Mà thật nghiệt, hai đứa con của Nguyệt không đứa nào
chịu lập gia đình để bố mẹ còn được tự hào đã lên chức! Con bé Ngọc vừa ra
trường, đã có việc làm, bảo còn trẻ, chưa muốn bị ràng buộc, vướng bận chồng
con. Con bé cao, dáng chuẩn, mặt thanh thoát, bạn bè Nguyệt vẫn khen là nhìn nó
đẹp như diễn viên. Nó mới 26 tuổi, hình như cũng đã có bạn trai, nhưng nếu chưa
chịu lập gia đình cũng tạm thời chấp nhận, chưa vội. Bực là cái thằng Tuấn, con
trai cả, năm nay đã 30 tuổi, việc làm cũng ổn, mà Nguyệt biết nó cũng đã có
người yêu, thế mà có nhắc thì nó cứ bảo:
- Mẹ ơi, con chưa muốn lập gia đình đâu! Mẹ đừng thúc
con. Bao giờ con về thưa với ba mẹ cho phép con cưới vợ thì lúc đó mẹ hãy tính
chuyện lên chức bà nội chứ.
Nguyệt so sánh nó với bọn bạn cùng lớp, đứa nào cũng
đã có vợ con, thậm chí có đứa con gái
học lớp nó còn kịp đẻ sòn sòn hai nhóc nữa kia. Thằng Tuấn tỉnh bơ:
- Kệ tụi nó mẹ à, thời buổi này đâu phải như hồi xưa
mà lấy chồng lấy vợ cho sớm, khổ sớm chứ được gì!
Mà thế thật. Bạn thằng Tuấn, cùng tuổi với nó, nhưng
những đứa con gái lấy chồng sớm, bây giờ nếu đi cùng, có lẽ phải già hơn thằng
Tuấn đến mấy tuổi. Còn nói chi xa, thằng Lợi, thằng Cương, nhà ở cùng phố với
Nguyệt, trước học cùng lớp với Tuấn, cô vẫn thường gặp, bây giờ đã có gia đình,
chỉ vì vất vả sinh kế mà trông sạm đi, phong trần lắm. Nhìn lại thằng Tuấn,
Nguyệt yên tâm bởi nó vẫn rất trẻ so với tuổi. Hai đứa con của cô, thừa hưởng
những nét đẹp tinh túy chắt lọc từ cả bố mẹ. Đứa nào cũng cao, da trắng, mũi
thẳng. Hồi còn đi học, thằng Tuấn vẫn được xếp vào hàng những anh chàng đẹp
trai của khối. Lúc này, Nguyệt dò hỏi, biết con bé người yêu của nó cùng tuổi,
cũng làm chung cơ quan với nó. Con bé vốn dân Sài Gòn, người thành phố ăn trắng
mặc trơn nên khá đẹp. Và cũng như thằng Tuấn, nhìn nó cũng trẻ, bảo đã 30 tuổi,
có người không tin. Tuy nhiên, Nguyệt chỉ lo nếu tụi nhỏ chưa chịu cưới thì đến
khi con bé lớn tuổi, việc sinh nở sẽ không thuận lợi, còn chưa nói đến chuyện
“cha già con muộn”, chừng ấy thì có mà kêu trời. Vả lại, thời điểm này Nguyệt
đã nghỉ hưu, rảnh rỗi, sức khỏe lại không có vấn đề gì lớn, có thể ẵm bồng chăm
sóc cháu tốt. Để đến vài ba năm nữa, ai biết ra sao.
Vừa qua, Nguyệt đã bàn với anh Thái, cô phải đi hẳn một
chuyến vào Sài Gòn, vừa là thăm con, vừa ra tối hậu thư yêu cầu nó cưới vợ gấp.
Đem chuyện đó ra hỏi ý kiến bạn bè, ai cũng đồng tình là phải giục mới được.
Qủa là đông người nhiều sáng kiến, các bạn mỗi người góp một ý, khiến Nguyệt
quyết tâm hơn. Vào gặp con, Nguyệt bảo nó:
- Mẹ đi xem thầy bói, tuổi mày năm nay lấy vợ rất tốt.
Để đến sang năm gặp cái “tam tai”, phải chờ đến qua 34 tuổi thì muộn mất con ạ!
Thằng Tuấn lại thoái thác:
-
Mẹ ơi, lại nữa rồi! Gì mà mẹ nôn nóng thế, con chưa chuẩn bị tâm lí cưới vợ đâu!
- Con à, nghe mẹ nói đã. Bố mẹ ngày một già đi,
đâu có sống đời hoài được. Thời buổi này, bệnh tật đủ kiểu, sống nay chết mai,
nếu con không lập gia đình, thì rủi bố mẹ có việc gì, ai lo cho con?
- Mẹ đừng nói gở như thế. Bố mẹ còn khỏe, mẹ đẹp
như thế, sao lại cứ nghĩ chuyện không hay.
- Con phải hiểu chuyện sinh tử là lẽ thường, muốn
tránh cũng đâu có được. Vả lại, mẹ thấy
bạn gái con nó lớn tuổi, bằng tuổi con tức là cũng đã 30 rồi. Cho dù nó có trẻ
hơn so với tuổi, nhưng cái chính là khoa học đã khuyên phụ nữ sinh con tốt nhất
trong giai đoạn từ 24 đến 28 tuổi. Đàn bà càng lớn tuổi, càng khó sinh đẻ, đã
thế con cái dễ có nguy cơ bị thiểu năng trí tuệ, có đứa còn bị « đao »,
con đã nghĩ đến điều ấy chưa?
- Con đồng ý với mẹ. Tụi con cũng đã bàn kỹ rồi,
không phải không muốn lập gia đình, nhưng con định tiếp tục học lên Cao học,
nếu được thì làm tiếp Nghiên cứu sinh như một số bạn bè con. Bây giờ mà lập gia
đình, con sợ ảnh hưởng đến kế hoạch ấy.
- Tưởng gì! Nếu con đi học thì cứ đi. Vợ con mày
có sinh đẻ thì đã có mẹ. “Bà nội” này tuy chưa có kinh nghiệm nuôi cháu
nhưng nhiệt tình thì dư. Mẹ sẵn sàng nuôi cho mày mấy đứa nhóc cũng được, việc
học hành của con không ảnh hưởng gì, không phải băn khoăn!
Thằng Tuấn cuối cùng cũng đã nghe
ra. Nó đồng ý với lí luận chặt chẽ của Nguyệt. Nhưng nó đặt điều kiện, Nguyệt
đến thăm nhà đàng gái, coi như cái lễ sơ kiến, chưa nên bàn việc gì cụ thể. Bao
giờ mình đã sắp xếp đâu đó, chỉ cần thông báo với nhà gái là tiến hành luôn cả
lễ hỏi và cưới luôn thể. Nó nghĩ cũng phải. Hóa ra bọn nhỏ bây giờ chu đáo hơn
mình tưởng rất nhiều. Xa xôi như thế, việc đi lại, lễ nghĩa càng giản tiện càng
hay, vừa đỡ mệt vừa đỡ nhiều chi phí. Nếu nhà gái thông cảm, thương con mà đồng
ý việc tiến hành gộp hai lễ làm một thì rất tốt. Thằng Tuấn khẳng định:
- Mẹ yên tâm, về bàn với bố chi
tiết mọi chuyện. Còn con sẽ lo việc thuyết phục gia đình bên ấy.
Chuyến đi Sài Gòn của Nguyệt thế
là mỹ mãn. Dù có tí xíu bất tiện vì việc cô bị ngã, nhưng không sao. Anh Thái
nghe tin, vội sắp việc cơ quan, vào
ngay, trước là xem tình hình vết thương của Nguyệt, không việc gì anh mừng lắm;
sau nữa là hai vợ chồng đã đến thăm gia đình bạn gái của Tuấn, coi như là bước
đặt vấn đề đầu tiên. Trên chuyến máy bay trở về, Nguyệt bàn ngay với chồng việc
sửa nhà để cưới cho con. Thái phì cười:
- Em nôn nóng lắm à? Việc trước mắt là phải về nằm
im một chỗ cho anh, chờ cho cái chân nó lành hẳn, lúc ấy hãy tính tiếp. Bà xã
tui từ giờ đến cuối năm còn khối việc phải làm đấy!
- May
ghê, anh nhỉ! Lúc ngã xuống, đau quá, em tưởng gãy xương. Nếu thế thật thì đúng
là ăn mày! Lần trước nằm một chỗ cả tháng, nghĩ đến em còn sởn cả da ra đây.
Còn chuyện thằng Tuấn, thế là em yên tâm. Bước tiếp theo là về vợ chồng mình đi
xem thầy, coi ngày lành tháng tốt lo cưới cho con.
- Anh
không tin lắm chuyện bói toán. Nhưng thôi, đó là chuyện của đàn bà. Anh giao em
việc ấy. Còn chuyện sửa nhà, theo ý anh, nhà mình còn vững vàng lắm. Nếu có
sửa, chỉ nên tân trang. Dở ra bây giờ tốn khối tiền, mà vất vả. Chỉ sợ em lo
quá, ảnh hưởng tới sức khỏe. Anh bận suốt ngày trên công ty, cái chính là em ở
nhà, em khổ nhất thôi.
- Cảm
ơn anh đã lo cho em. Em không sợ khổ. Đã sửa thì ta đại tu luôn. Sau này đôi ba
chục năm, nếu mình già, làm không nổi, thì chuyện sửa chữa nhà cửa là của con
cái. Đằng nào cũng một lần khổ, làm luôn cho đàng hoàng đi anh!
- Được
rồi, bà xã tui nói gì cũng hợp lí hết. Đa đoan hết mọi điều rồi mai mốt có khổ
đừng rên rỉ hay đổ quạu với anh à nghe!
- Ok
, ông xã tui “number one” lắm!
Nhớ lại cuộc chuyện trò ấy với chồng, Nguyệt lại cười
tủm tỉm. Cô cảm nhận một cách rõ ràng niềm hạnh phúc đang ngự trị trong gia
đình mình. Nguyệt tưởng tượng đến lúc vợ chồng cô đứng trên sân khấu đám cưới,
trước sự chứng kiến của họ hàng hai bên, của bạn bè thân hữu, hai con của cô đến
mời rượu song thân để thể hiện lòng biết ơn các đấng sinh thành. Lúc ấy, cô
nghĩ mình sẽ khóc, những giọt nước mắt tự hào, sung sướng vì được chứng kiến
con cái phương trưởng, yên bề gia thất.
Ánh trăng đã lặn tự bao giờ. Có tiếng gà của nhà ai
bắt đầu cất lên những tiếng gáy lảnh lót. Sáng mất rồi. Nguyệt cố nhắm mắt
thanh thản, xua đi mọi ý nghĩ, lo lắng. Giấc ngủ muộn nhưng êm ả cuối cùng cũng
đến với cô, có lẽ cô sẽ đến với những
giấc mơ đẹp, ở đó cô được tắm mình trong bến bờ yêu thương, uống no đầy mật
ngọt cuộc đời, ngụp lặn giữa suối nguồn hạnh phúc…
T.T.H
Ôi...sao cuộc đời và tâm trạng của Nguyệt trong câu chuyện lại phảng phất chuyện của mình thế nhỉ!
Trả lờiXóa"con người ta sống là đang đến gần cõi chết, chẳng qua kiếp nhân sinh chỉ là kiếp tạm. Vậy thì cứ sống thanh thản, không việc gì phải bon chen, sau này có nằm xuống thì đó cũng là lẽ thường, không ai tránh được, tại sao phải sợ? Mà sợ thì cũng có trốn tránh được đâu."
Lo xa là điều quá tốt nhưng, có nên chăng khi, con đã lớn, còn mình thì đã hưu; vậy thì, hưu trâu, hưu chó, hưu du chẳng nghĩa lý gì bởi vì cả cuộc đời đã ngụp lặn trong bể khổ trầm luân, cho dù có một đôi lần thấy ánh lên niềm hạnh phúc. Cho nên, kết của câu chuyên giá như là cả chuổi đời đã và đang sống thì hay biết mấy. Chuyện hay lắm, đấy là thực tế cuộc đời nhưng, như Vũ Thành An đã nói;Hãy cố yêu người mà sống, lâu rồi đời cũng qua đi,vậy thì, tại sao chúng ta không thể cố quên đi, đặc biệt khi mình đã hưu rồi, còn gì mà mong...nữa hở bạn!...Kết chuyện có hậu, trung chuyện đa mang, mở bài đau đáu hoài niệm. HAY... NHƯNG!()
XóaCảm ơn sự góp ý chân tình của các anh chị. Tìm được người đồng cảm là niềm hạnh phúc của người cầm bút. Chúc các anh chị vui, hạnh phúc
Xóa