(Thương tặng những người bạn Sóc Trăng mến
khách)
Cứ như câu nói cửa miệng của Trần
Huy thì mọi sự tùy duyên. Có thể vì duyên xưa đáo lai nên tôi được trở về vùng
đất của điệu hát Dù kê nổi tiếng. Mảnh đất mà mỗi bận đi ngang qua nếu không
ghé lại bên đường để gọi một tô bún nước lèo thì cũng mua về làm quà cho gia
đình, bè bạn vài cây bánh pía. Còn không thì cứ kể mãi cho bạn bè nghe chuyện
hơn hai mươi năm về trước được ghé Cống đôi ăn bánh cống. Loại bánh được chế biến
từ bột gạo pha chút bột đậu nành chiên bằng loại khuôn chuyên dùng. Mỗi cái
bánh be bé bằng cái chung nhỏ được chiên ngập dầu vàng ruộm, trên mặt bánh là một
lớp đậu xanh nguyên hạt và hai con tôm tuyệt ngon.
Quán nằm ven quốc lộ. Mỗi bàn được trang bị một chiếc đèn dầu ống khói hột vịt.
Bên cạnh là dĩa rau sống với đầy đủ những cải bẹ xanh, cải bèo (sà sách ta)
húng cây, húng quế, húng lủi (lá bạc hà)... Chén nước chấm chua ngọt có sẵn đồ
chua được thái nhuyễn thật bắt mắt. Chỉ cần bấy nhiêu đủ để được đợi chờ để thưởng
thức đặc sản miền quê lại là cái thú của người sành ăn.
Bánh cống ở miệt Cống đôi chỉ là bột gạo, đậu xanh và tôm chiên giòn rồi cuốn với
rau sống. Kiểu bánh na ná như bánh Tôm dùng chung với món bánh ướt chả lụa ở
Sài Gòn. Thi thoảng người Sóc Trăng xa quê vẫn mua riêng bánh Tôm về cuốn rau
thay cho món bánh đặc trưng của xứ sở, âu cũng chỉ là cho thỏa cái sự thèm quê
của mình vậy.
Lần này đến xứ sở dù kê, lòng tự bảo lòng phải tìm cho ra bánh cống. Chạng vạng,
sau khi tìm được thông tin về quán bánh cống quán Phượng Vỹ thì tôi bắt đầu cuộc
hành trình. Miền Tây quê mình không quen dùng địa chỉ cố định như Sài Gòn, chỉ
cần bạn hỏi bất kỳ ai đó kèm theo một cái tên ấp, tên xã là sẽ có người tận
tình dẫn bạn đến tận nhà. Quán ăn cũng vậy, không số nhà, thông tin chỉ là “cái
quán đối diện thư viện trên đường Trần Quang Diệu” lập tức sẽ tìm đến được.
Vừa đi dạo vừa ngó dáo dác tìm xe ôm thì gặp thư viện bên kia đường, nhìn lại
bên này thì bánh cống đã ngay trước mặt. Quán bình dân, bàn ghế được kê
trong sân của một phòng tập thể hình. Cô chủ quán người dân tộc đon đả mời:
“Vào ăn bánh cống đi cô, có gỏi cuốn nữa đó.” Chọn cho mình chỗ có góc nhìn bao
quát, tôi yên vị cố ra vẻ như người bản xứ và gọi bánh cống một dĩa (ngó thấy
bàn trên cũng vừa gọi nước sâm) và nước sâm một ly. Một số thực khác ngồi dãy
bàn trong cũng đã râm ran tính tiền và ra về, một số vừa vào ngồi chung quanh.
Ai cũng đi ăn chung ít nhất là một đôi, có bàn cả gia đình con cái cùng đi. Duy
nhất mình tôi ngồi ăn ênh*.
Rau sống, nước chấm cũng là các loại rau đặc trưng ăn kèm với bánh được mang ra
bàn trước. Nước sâm cũng đã yên vị trên bàn và tôi chỉ mỗi việc ngồi chụp vài tấm
hình lấy tư liệu rồi chờ... Bánh cống quán Phượng Vỹ có màu vàng nâu sậm hơn
bánh ở Cống đôi, dĩa bánh dành cho một người là hai cái được chủ quán dùng kéo
cắt làm tư thật khéo. Nếu ở Cống đôi bánh được chế biến từ bột gạo, đậu xanh và
tôm trên mặt thì ở đây, bánh cống còn có thêm nhân thịt ở giữa. Loại thịt băm
được trộn chung với của hành tím, ít củ sắn băm nhuyễn và chút tiêu. Vị giống
như xíu mại viên dùng chung với bánh tằm bì của Bạc Liêu vậy.
Để chuẩn bị thưởng thức món ngon, tôi nhìn sang góc bên phải xem người bản xứ họ
ăn bánh như thế nào. Bàn trên thì cô bé dùng miếng cải bèo trải rộng ra, bên
trên đặt một lá cải bẹ xanh, thêm một ít húng cây, húng quế và húng lủi rồi
dùng đũa gắp một góc tư bánh đặt vào giữa và gói các thứ lại gọn gàng thành một
gói vuông vức. Sau đó dùng đũa gắp gói bánh vuông vuông đó chấm một ít nước chấm
mới từ tốn cho vào miệng. Tôi thoáng nghĩ có thể mình sẽ ăn bánh cống bằng cách
đó. Lại nhìn sang bàn bên cạnh thấy thực khách khác gắp bánh cho vào chén, ngắt
nhỏ một ít rau cải cho luôn vào chén, gắp thêm dưa chua trong chén nước chấm đặt
lên trên rồi bưng chén nước chấm chan vào bánh. Sau đó mới bưng chén lên rồi
dùng đũa cặp mỗi thứ vào với nhau ăn cùng.
Ở mọi nơi, mọi lúc. Cho dù có cố hòa nhập cũng chẳng bao mình trở thành họ được.
Thôi thì ăn bánh cống theo cách của mình vậy. Đầu tiên là lá cải xanh, kế đó mới
là cải bèo và các loại rau thơm, trên cũng cũng là một góc tư bánh rồi cuốn lại
thành một cuốn thon dài, chấm ít nước chấm sau đó cắn một miếng... Cơ man nào
là cảm xúc. Này nhé, miếng bánh có tôm giòn giòn, đậu xanh bùi bùi và phần nhân
thịt thơm mềm cùng với các loại rau xanh pha chút nước chấm chua ngọt thật
không dễ gì lột tả được. Gắp thêm ít dưa chua cho vào miệng để cảm nhận hết cái
cái ngon của bánh, cái tình của người miền Tây chơn chất, để biết vì sao người
Sóc Trăng xa quê luôn tìm đến bất kỳ quán nào có bán bánh cống chỉ để nguôi
ngoai nỗi nhớ quê nhà, dù bánh cống thị thành không bao giờ giữ được mùi vị
bánh quê mình.
Đến
đây, ăn được món bánh cống chưa hẳn đã thấm được hết cái hồn của Sóc Trăng.
Ngoài món bánh cống trứ danh còn có bún nước lèo nổi tiếng ở một số quán như
quán Cây nhãn xéo xéo đình năm ông, bún nước lèo Mỹ Xuyên trên đường từ trường
Cao Đẳng Sư Phạm về Tham Đôn hay quán ở số 15 Lên Hồng Phong. Riêng mỗi bận về
ngang Sóc Trăng tôi hay ghé ăn bún nước lèo quán cô Lan ven quốc lộ (gần cây
xăng 27). Có lần kể cho Trần Huy nghe về cô Lan bán bún thì gã thi sĩ của Sóc
Trăng cười cười “cô Lan á? Ổng là đờn ông một trăm phần trăm” Thì tôi biết mà,
chắc do hết duyên làm đờn ông nên muốn làm đờn bà giỏi dang mới tự ênh nấu món
bún của quê hương để phần nào quảng bá cái hồn của xứ sở. Đâu phải đờn ông nào
cũng làm được chuyện dành cho đờn bà như vậy.
Rồi
còn bún gỏi dà, bún vịt nấu tiêu, bánh pía, mắm bò hóc... Mỗi món có một nguồn
gốc khác nhau được chế biến từ sự kết hợp hài hòa giữa ba dân tộc Khơ me- Hoa-
Việt đã tạo nên một địa chỉ ẩm thực Sóc Trăng kỳ bí. Riêng bản thân tôi, dù đã
được đến đây đôi lần, từng được chạm vào vùng đất nồng nàn những thân tình này
những vẫn thèm được một lần nữa ghé lại, dù chỉ để được nghe điệu dù kê hát
đình và...ăn bánh cống.
V.T.N.P
*Ăn
ênh (tiếng miền Tây Nam bộ): ăn một mình
Bài viết của chị đậm đà hồn quê, khiến người ngoại tỉnh như mình cũng thấy yêu ngay quê hương Sóc Trăng. Mong được một lần đến đấy để tận hưởng hương vị đặc sản bánh cống...
Trả lờiXóa