MỘT
Ba ngồi đầu
hồi kéo đờn cò, tiếng đờn vướng trên tán bần kéo mấy trái chín rớt xuống sông.
Chiều nào ba cũng ngồi đó, trên cái ghế đước. Má lui cui dọn dẹp mấy mớ củi chất
trong bếp ngó mông lung nói bâng quơ: “Đứa nào lớn lên ở cái miệt này cũng bỏ đất
mà đi. Người ta vì nỗi gian lao mà bôn ba miệt thứ còn tụi nó thì bỏ miệt thứ
tìm sung sướng ên mình…”. Má trách. Má
buồn. Tiếng kêu “Dzìa ăn cơm bây ơi” cuối
trưa, cuối chiều của má lọt tuốt trong đồng, trong ruộng chớ đâu có vang đến
thành phố cho mấy đứa con má nghe đặng về với má. Mà nghe thấy chắc chúng có về
không? Tiếng chim lủi nhao nhao trong bụi, tiếng đờn của ba trong suốt, êm dịu rồi bi thương như
ai oán, trách móc mà cũng xót xa, thương cảm làm căn nhà đã trống vắng, lại
càng trở nên buồn bã hơn…. Ba nhìn sông tưởng như nghe tiếng cười nói
xôn xao của lũ con hồi trẻ nít, ba cười trầm lặng như đón niềm vui sướng thiêng
liêng chợt ào đến từ trong quá vãng. Nắng ngã về tây nhuộm vàng bông sậy trắng
phất phơ. Ba buông cây đờn, ra sông vươn cánh tay già cỗi với mấy trái bần
chín. Hồi đó bần chín, bần chua gì đám nhóc cũng chọc chấm muối ớt ăn phà phà,
giờ thì chín rụng đầy sông, hết lớp bần này chết, lớp bần khác mọc mà có đứa
nào chịu về quê đâu. Má biểu chặt hết làm củi cho rồi chớ để hoài trên bến mắc
ngó rồi nhớ thương rồi mắc ngóng mấy cái đứa ham sống trên thành phố.
- Ông ơi, vô ăn cơm, chiều dữ rồi
Ba lẳng lặng
đi vô. Ngó mâm cơm má kho cá với trái bần, canh chua cá ngát nấu bần thơm lựng.
Bồi hồi ba hỏi:
- Sao nấu
với bần không vậy cà?
- Ngay mùa bần chín mà ông. Thằng hai, thằng
ba, con út đều thích món này hết trơn.
Ba không
nói gì, gắp miếng cá bống kho bần ăn cơm. Thịt cá trắng kho với bần chín ngọt
thơm nhứt hạng mà sao nghe như có gì đó đăng đắng trong lòng.
Nắng ngã
về tây.
Chim chiều
lẻ bạn cất tiếng kêu tha thiết.
Ví dầu ăn
trái bần chua.
Đêm sụp nhanh, ba ngồi ngoài hàng
ba rít thuốc, mấy bụi tơ hồng giăng trên bụi lức lập loè đom đóm, con sông đen
ngòm thỉnh thoảng lấp loá ánh ánh đèn pin rọi lối đi của mấy chiếc tắc ráng. Xóm
này vắng nhiều, con gái lớn kiếm chồng Đài Loan, Hàn Quốc, con trai lớn bỏ đồng
lên Bình Dương làm mướn, nguyên xóm toàn ông bà già với bọn con nít. Nhiều nhà cứ đóng cửa nín thinh cả
năm vì có ai đâu mà ở. Ai có con nhỏ thì gửi ba má già coi sóc rồi gởi tiền
về hoặc na con đi sống lay lắt theo mình. Sắp nhỏ của ba trốn quê
tìm đất Sài Gòn. Má ngó trái mít chín hồi chiều ở góc nhà thở hắt “Mơi xẻ cho
hàng xóm chớ ở nhà có hai ông bà già, ai ăn?”. Sau nhà có hàng mít, má hay
giăng võng ru sắp nhỏ ngủ trưa, chuyện hồi xưa mà như mới thì, má cất giọng: “Từ là từ phu tướng / Bảo kiếm sắc phong lên đàng / Vào
ra luống trông tin chàng / Năm ơ canh mơ màng / Em luống trông tin chàng / Ôi
gan vàng quặn đau í a …”. Ba cười: “Bữa nay xuống xề rớt nghe trớt quớt nghen bà.
Phải đúng điệu mới hay…”. Ba vô lấy cây đờn cò, má trải chiếu ngồi bên ba. Chú thím
Chín mang mấy con khô chén mắm me nghe tiếng đờn ca vọng sang nhà cũng qua chiếu
ngồi. “Thím hai giọng vậy là còn tốt đó chớ. Vô lại bản Dạ cổ đi chú Hai”- Chú
Chín cạn với ba chung rượu rồi đề nghị. Miệt này ca cổ không ai qua chú Chín,
giọng ngọt sớt ca ngâm luyến láy kiểu Thanh Tuấn hay thần sầu, nghe đâu hồi trẻ
chú có theo đoàn hát cải lương diễn tứ xứ cho đến khi cải lương hết thời chú mới
về Cà Mau. Mê giọng ca chú Chín, thím Chín quảy gói theo không khi ba má thím
xiết không cho qua lại với thứ theo đoàn hát, “xướng ca vô loài”. Người xứ này
người ta lớn lên trên câu vọng cổ, trên con sông sáng chiều mấy đợt lớn ròng.
Tiếng đờn của ba xoáy cuộn da diết, réo rắt như ngắt da ngắt thịt quyện vào giọng
chú chín bảng lãng như có như không.
Bao thuở đó đây sum vầy
Duyên sắc cầm đừng lạt phai
Sông rộng hơn… đêm sâu hơn… biết chừng
nào người bỏ xứ trở lại gia đàng… Má nghẹn muốn khóc.
HAI
Quê má ở Sóc Trăng lận. Hồi đó theo
ghe bán cơm dừa khô xuống Cà Mau gặp ba rồi thành duyên chồng vợ. Má chồng của
má khó có tiếng xứ này. Mới về làm dâu má chồng biểu con dâu đi xúc mấy cái lu
đợi mùa mưa hứng nước để dành uống. Má kì cọ kĩ dữ lắm, sạch bong, thấy cái kim
nhỏ xíu dưới đít lu, má dắt trên áo. Mà kì cái lu nào cũng có món này món nọ,
không cây kim thì cái nút áo. Má chồng ra coi, biểu kì lu kĩ chưa, có thấy cái
chi không? Con dâu dạ thưa rồi lấy cái kim, cái nút áo nói còn mới xài được nên
dắt đỡ trên tà áo. Má chồng nhai trầu gật gật khen vợ thằng hai là đứa có ý tứ,
biết thu vén. Má cố tình thả mấy thứ đó vô lu
để coi con dâu làm công chuyện có kĩ không đó chớ, không dưng sao có
kim, có nút áo. Mấy mươi năm làm dâu, bà nội sắp nhỏ khó với ai thì khó chớ với
má chỉ có chỉ dạy, thương yêu. Đến khi bà nội sắp nhỏ về với tổ tiên người được
trao đôi bông hột xoàn là má. Mà má chồng đi nhẹ lắm, không đau bệnh gì, không
phiền ai. Má chồng biểu vợ thằng hai nấu nồi nước lá xả tắm cho má rồi má đi…
như người ta đi ngủ. Má sanh cho ba được ba đứa con hai trai một gái. Mấy chục
công đất lớp trồng lúa, lớp trồng chuối dừa, dưới mương cá đồng nhóc nhách đủ
nuôi sống cả nhà lại còn có chút tiền dành dụm đặng mai này cưới gả cho mấy đứa
con. Năm 1997, ngay năm má sanh út Hạnh chính quyền bắc loa thông báo xả mặn
chuyển dịch vùng nuôi tôm. Ruộng vườn nhà ai cũng xới tung, đào thành ô, thành
đầm. Mấy năm đầu bà con xôm dữ lắm, thu tiền trăm, tiền triệu từ tôm đã gì đâu.
Tới năm út Hạnh học lớp một cả xóm lao đao vì tôm chết, nhà nước cho vay tiền cải
tạo vuông đầm. Cải tạo đâu không biết chớ đất nhiễm mặn thêm, chuối dừa chết lần
lần, tôm cá như bốc hơi đi đâu hết. May thời hàng mít sau nhà ba bồi đất cao
còn sống sót nhưng trái cũng nhỏ đi nhiều. Người ta bỏ đồng đất đi xứ khác mần
ăn kiếm sống, trả nợ ngân hàng. Riêng mấy đứa con của má còn được đi học dù học
không giỏi bằng ai cũng mỗi năm lên mỗi lớp. Ông già hai, chồng má xót đất, xót
đồng buồn như trái dừa khô rơi xuống sông, trồi lên trụt xuống giữa làn sóng bạc
rồi giạt vướng vô bờ vô bụi mắc cạn, thân hóp lại, da héo khô. Ba bồi từng gánh
đất lên bờ liếp để má trồng đồ. Út Hạnh lớn lên căng da nứt thịt tới tuổi dây
thì đẹp rỡ ràng, thân tròn mẩy, tóc đen láng, đôi mắt lúng liếng, da trắng như
bông bần. Bà Sáu mai mối mới chuyển đến xóm này đâu mấy năm trước dèm má hoài,
biểu: “Cỡ út Hạnh, gả cho Đài Loan là bộn tiền mang về xây nhà sắm vàng à
nghen. Để tui tính cho.”. Má nghe rồi để đó chớ lời bà Sáu mai mối đâu có lọt
vô lỗ tai, má nuôi con thương không hết sao bán con cho đành. Riêng ba thì khó
chịu càm ràm má: “Mơi mốt tui mà thấy bà Sáu vô nhà là tui lấy chổi chà đuổi à
nghen! Thứ đó ưa không nổi. Tui thấy bà nói chuyện với bả là biết tui…”. Nhà má
không giàu nhưng đứa con nào của má cũng được cưng như trứng mỏng, đứa nào cũng
giỏi giang công chuyện, má đâu có ham tiền bán con mà ba lo. Út Hạnh học lên tới
nửa kì lớp 12 tròn trèm 17 tuổi, không biết cậu Hai Sang con đại gia hãng nước
đá nổi tiếng trên huyện yêu út Hạnh hồi nào mà kêu gia đình lặn lội tới nhà coi
mắt. Ba má muốn út Hạnh học hết cấp ba rồi mới tính tiếp nhưng bên đại gia muốn
gia đình hai bên “xoá bỏ rào thưa” kết thân bằng lễ hỏi. Bà con xóm giềng nói tới
nói lui nhà má có phước mới gả con vô chốn giàu sang, má nghe cũng xiêu lòng
hơn nữa út Hạnh tiếng một tiếng hai thẻ thọt: “Con với anh Sang thương nhau thiệt
tình mà má…”. Thì má ưng dù ba có nhằn: “Vô nhà giàu không có dễ sống đâu nghen
con. Đời con gái có một lần lựa chỗ nào cho chắc chắc…”. Thấy con nóng lòng, bên đằng trai hối thúc, lối
xóm hai bên tiếng ra tiếng vô kêu: “Kén quá coi chừng mất mối ngon” má cũng
xuôi xuôi. Thương con ai biết đâu dại, đâu khôn. Đám cưới út Hạnh lớn nhất Vàm
Cái Đôi từ trước tới giờ chưa có đám nào qua, đằng trai chạy cả chục cái bo bo
với cái du thuyền lộng lẫy đón dâu, má mát ruột, hai anh của út Hạnh vững bụng
tin em mình vô chỗ ăn sung mặc sướng. Riêng có ba, tàn đám cưới, ba mang đờn cò
ngồi dưới gốc mít kéo não nuột. Chừng tháng ngoài bên sui đại gia gọi điện mắng
vốn biểu ba má không biết dạy con gái để nó hư hỏng mất trinh, còn đóng phim
sex mà giấu nhẹm đem gả vô nhà người ta làm hư danh tiếng mấy đời giàu có lừng
lẫy. Bên sui kêu lên mà dắt con gái hư về chớ bên đó người ta không chứa cái thứ
rác rưởi. Ba má chết điếng, tai bay vạ gió ở đâu xô tới, hồi nào giờ Hạnh ngoan
hiền làng trên xóm dưới ai cũng khen, hay bên bển lộn với ai? Ba muốn nằm sụi, thảng
thốt: “Tui nói trước rồi bà không nghe. Nhà giàu khó sống lắm. Không điều nọ
thì tiếng kia. Nhục ơi là nhục..”. Hai anh của út Hạnh đòi lên trển để quậy cho
biết, ba chống cán cuốc biểu chưa đủ nhục hay sao còn vác mặt lên đó, đứa nào
bước ra khỏi nhà ba đập chết hết. Chưa kịp đón con thì út Hạnh về. Út Hạnh quỳ
trước cửa khóc: “Ba má, anh hai, anh ba phải tin con. Con không làm cái chuyện
xấu xa đó...”. Má không tin con gái má thì tin ai đây trời. Nhưng cái chuyện
con gái ông già Hai mất trinh, đóng phim sex chưa rõ trắng đen ra sao mà cả tỉnh
này, cả cái nước này người ta nói. Nhà má cả đời không đọc báo mấy người trong
xóm cũng kêu trên báo người ta viết về vụ con út Hạnh dữ lắm. Lại còn cái chuyện
gả con gái được tháng ngoài bên đại gia cưới con dâu khác về cho thằng chồng út
Hạnh. Người ta coi phẩm giá con người như trái bầu, trái bí. Đau gì như thể cứa
thịt… Má đâu có ngờ má gả vô nhà giàu mà lòng người ta hẹp như cọng rơm khô,
tình cạn như lòng vuông phơi nắng. Út Hạnh chịu không thấu bỏ nhà đi để thư lại:
“Con lên Sài Gòn kiếm chuyện làm chớ ở dưới quê chắc con chết. Ba má cho con đi
nguôi chuyện con về…”. Má chết lặng. Ba đọc muốn nát lá thư nhìn mấy đứa con
nít chơi sậm chơi sụi với nhau, ngó bâng quơ mấy cây bần ngoài bến nói trổng: “Trời
sanh trời diệt, đừng có lo quá phát bệnh. Nó biểu về là nó về…”. Được vài tháng
hai thằng lớn cũng xin ba má đi Sài Gòn học nghề. Ba hỏi: “Đi ráo vuông bọng ai
lo?”. Thằng hai nói: “Mình đâu có thu được gì đâu ba. Cho hai con đi học nghề rồi
tìm út Hạnh về cho ba má”. Ừa, đi hết đi…”. Má lẫy nhưng cũng dấm dúi đưa tiền
bán lứa heo đợt rồi cho hai con rồi má khóc khi hai đứa xuống bến đón đò… Ba
ngó chuyến đò chở hai con trai xuôi dòng Cái Đôi buồn hiu như mấy tàu dừa đã mục
trên đọt rũ xuống.
Con nước
vơi đi rồi nước lại đầy
Chim có
bay xa rồi cũng hiệp bầy.”
BA
“Thím
Hai ơi, có chuyện lớn rồi. ” – Thím Chín hổn hển chạy tới chỗ má đang bắc xoong
cơm rượu kêu.
“Gì
bây? Sao thở dữ…”
“Trời
ơi, nhỏ Thương con bà Tư Chà lấy chồng Hàn
đợt hổm chết queo rồi. Bên bển mới cho hay tin biểu qua lấy cốt”
“Bây nói sao? Con Thương bạn
học với út Hạnh heng? Sao chết…sao chết...”. Má buông cây giá thảng thốt hỏi. Mới
kinh động chuyện con Hồng giờ thêm con Thương, nội năm nay có tới hai đứa lấy
chồng Hàn, chồng Đài chết bên xứ người. Má réo: “Ông ơi, coi dùm tui nồi cơm rượu,
tui qua bà Tư Chà ngheo”. Ba đang thả lú ngoài sông nói vọng vô: “Bà qua bển
chi?”. Má vừa lật đật theo thím Chín vừa nói: “Về thủng thẳng tui kể…”. Chiều nổi
gió cuộn như có giông, hai bóng người đàn bà men theo bờ kinh đi tắt lên đầu
xóm. Im lặng. Chỉ có gió. Sóng. Những bước chân. Bà Tư goá chồng hơn chục năm
nay, có duy nhất Thương là con. Nghe bà Sáu bơm đặt sao Thương ưng bụng rồi về
thẻ thọt với bà Tư rồi theo bà Sáu lên
Sài Gòn học tiếng. Hồi cưới Thương nguyên xóm không ai biết, nghe đâu cả trăm
cô dâu Việt trong đó có sáu, bẩy đứa xóm này cưới tập thể tại Đầm Sen. Qua bển
đâu chừng năm, sáu tháng Thương gởi tiền về xây cho má cái nhà tường lộng lẫy
nhập chung vô nhóm nhà Uôn, nhà Đài. Bà con ngồi chật nhà bà Tư. Ba má con Hồng
cũng ngồi đó. Than ai, trách ai? Cái hồi những người đờn ông đờn bà mặc áo nhuốm
những vệt mồ hôi muối ở trong căn nhà lá ăn cơm trắng cá đồng vậy mà vui. Con
gái đi Đài, đi Hàn nhà tường mọc lên rần rần mà xóm lạnh vắng như bãi hoang cỏ
lác mọc. Bà Tư Chà khóc hụ hụ, ba má con Hồng khóc hụ hụ, bà con người khóc
thành tiếng, người quẹt nước mắt, mấy người đờn ông tỉnh táo hơn bàn bạc coi cử
ai qua bển lấy cốt cháu mình. Má thấy lòng đắng ngắt, nhà rộng thênh như vầy bà
Tư sao sống, xây nhà rộng chi rồi để máu mủ ruột rà phân ly. “Mày chết bỏ má Thương ơi… Về với má đi
Thương ơi… Thương ơi…”. Những tiếng khóc kéo dài quyện vào nhau, những khuôn mặt
cũ kĩ rầu rượi nhoà lẫn. Má rưng rức khóc theo. Má muốn nói câu gì đó với bà Tư
nhưng má nghẹn. Má nói không có nổi…Ủi an sao cho nguôi lòng người mẹ mới mất
con…
Mưa hơi hơi rớt hột
bùi ngùi. Má với thím Chín về… Thời tiết chi lạ, mưa trái mùa tôm tép chết sạch.
Vuông thím Chín thả tôm đợt hổm cũng chết. Hồi hổm thím nói sơ qua với má là
hai vợ chồng thím tính đi Bình Dương mần đặng kiếm tiền lo cho đứa con gái duy
nhứt đang học đại học ở Cần Thơ. Chú Chín mà đi ba vắng người lai rai đờn ca. Chiều
muồn muộn, đã thấy mấy chòi vịt trên đồng liu riu ánh đèn. Giờ tháng ba, vịt
mùa đẻ trứng chạy đồng mà đồng ở đây lúa gặt thưa hột dữ lắm, có đâu như xưa mà
chạy đồng… Nói thì nói vậy đám vịt tình nghĩa hệt người khi những khoảng ruộng
còm vịt ăn rồi đẻ trứng rơi. Y như nó muốn trả nghĩa trước khi rời bỏ đất đã
nuôi nó để đến với xứ khác. Dạo trước có dịch cúm gia cầm nhiều nhà mất trắng.
Vịt chết rồi tới tôm chết nợ ngân hàng chất cao mà ngọn lúa thì gục thấp. Nghèo
thì khổ chớ đâu dí người ta chết được. Đường tắt qua kênh chỗ trồi chỗ sụt, má
với thím Chín nín thinh đi xiết. Mưa lây rây, tiếng chó sủa khan, đồng lơ thơ
vài khóm bồn bồn vài thửa cỏ lác. Thím Chín tới lối rẽ về nhà quay qua má hỏi:
“Sắp nhỏ chừng nào về thím Hai?”. “Thằng hai nó biên thư, nói tìm được con Hạnh
rồi, thủng thẳng mấy anh em nó về. Con gái bây học hành sao?” “Còn năm nữa mãn
thím. Nó học tài nguyên môi trường chi đó, nghe nói mơi mốt về xứ mình làm việc…
Vợ chồng con mừng hết lớn luôn, tính ráng mần kiếm tí đỉnh tiền đặng còn lo nó
học, còn xin việc.” “Ờ, bây ráng….”. Lòng cha mẹ là vậy. Lành như bông bần,
bông súng.
Ba rải men lên phần
cơm rượu đã tải ra mấy cái xịa. Cơm sắp sẵn ra bàn, má dòm ba cười cười: “Bữa
nay siêng dữ…”. Ba nhìn má: “Chuyện nhà Tư Chà tui biết rồi… Tội lắm nhưng biết
làm sao. Sớm mơi tui qua bển coi chuyện đón rước con nhỏ về bên này như thế nào
cho yên cái dạ…”. Ai không thương cho được, cục nghẹn đắng còn mắc nơi cổ má
nè. Tiếng khóc hụ hụ của bà Tư Chà còn đọng trong lỗ tai má nè. Má tính nói với
ba chuyện má lo nghĩ… Mà thôi, má lo riêng má kéo ba vô chi.
Má hỏi ba sao
không đem đờn cò ra gẩy má nghe rồi kêu chú thím Chín qua làm mấy xị ca cổ cho
mùi. Ba cười hiền như đất, nói bữa nay ba không muốn đờn ca, mình vui hay buồn
để trong bụng trong dạ chớ để bà Tư Chà nghe tiếng đờn vọng qua mấy con kênh buồn
thêm. Mà dù tiếng đờn không vọng qua thì ba cũng muốn bữa nay im lặng như vầy,
nghe tiếng vạc đêm nhớ tụi nhỏ cay mắt. Sắp nhỏ đi cũng hai mùa bần chín rồi… Vuông
bọng lay lất. Con nước chảy xuôi, sắp nhỏ theo con nước mà biệt tăm…
“ Hay mơi ông lên
Sài Gòn coi tụi nhỏ sống sao” – Má buột miệng.
“ Ờ, tui tính nói
với bà chuyện đó. Hồi chiều tui có nghĩ…”
Má dòm ba, mắt ba
như có nước. Khoé mắt ba túm lại xẻ ra những đường chân chim rồi xoè ra như
bông lau. Đám đồi mồi kéo đến phủ đầy đôi tay ba. Mai ba đi Sài Gòn có kéo mấy
đứa con của má về quê được không? Đất quê có bạc mầu nhưng nhẫn nhục ngậm phù
sa. Cây vẫn cho trái. Ngọt nhờ đắng chịu…
N.T.V.H (Cà Mau)
Mình không phải người miền Nam, nhưng đọc truyện thấy nao lòng, xúc động với cốt truyện dung dị, thấm đẫm tình đời, giọng văn chân chất mà vẫn lắng sâu.
Trả lờiXóaCám ơn chị Tạ Hoa, những comment của chị đều rất chân thành...
Trả lờiXóa