Nói là người của xóm Mạch Nha, biết cúng lạy, biết ăn
tương một tháng bốn ngày, thì ai cũng nhất trí với việc làm của vợ chồng ba
Tịnh. Nhưng mỗi lần gió bấc thổi già, cái lạnh thấm qua hơi thở, tủa từ trong
xương tủa ra là người xóm Mạch Nha nghĩ tới nhà lão. Mà hễ nhắc tới đó thấy bụng
quạu. Kể lại chuyện nhà lão, con sông trước nhà dường như cũng lận quận nhiều
hơn, máu trong mình của từng người dường như ngừng lại rồi vận hành theo một
dòng chảy ngược. Người chứng kiến muốn kể hoài dù càng kể càng thấy nghẹn thở.
Người nghe không biết thực hư nhưng luôn thấy chộn rộn bụng dạ. Ba Tịnh rầy dân
xóm Mạch Nha.
- Mấy người lúc
này không nấu mạch nha ở không quá ha. Rảnh thì đi qua chặt thuốc nam tiếp tui nè,
ngồi đó nhắc chuyện củ mèm hoài, không ngán hả?
Chuyện quá “xưa” rồi, mấy đứa nhỏ nghe mà không hình
dung là hồi đó cái lòng Ông Chưởng này nước có lững lờ vầy không…? Có, bữa đó gần
tết, lạnh nhức xương, nước dưới sông lừ đừ như là thèm chui vô mền chớ không
thèm chảy đi đâu hết. Mùa đó thả lưới dưới sông dính cá linh tròn bằng ngón
chân cái, thịt trắng phau. Nhưng giăng lưới mùa đó lạnh tới trăm năm…
Nghe tới khúc này ba Tịnh nhíu chân mày cản liền.
- Tại nó chớ đổ thừa ai, bún bán đầy dọc đường không
ăn, mắc mớ gì tới xe bún chỗ trường gà.
- Người ta khoái ăn chỗ đó thì ăn thôi. Nhà nước có để
bảng cấm không được mua bún cạnh trường gà đâu à?
- Sao mấy người giống thằng Lẫm quá vậy? Nói cái gì
cũng cãi được. Biểu đi cưới vợ đi, có một mình nó tao thèm cháu lắm. Làm mạch
nha cũng sống được qua ngày. Một hai đòi đi học, có sự nghiệp rồi mới tính vụ
vợ con. Mạch nha ngọt cỡ nào cũng đâu có trói được đời nó.
Ừ thì học. Thằng con tính hay cãi nhưng được cái có
chí lớn. Vì vậy mà ông bà phải lo cho nó học vì biết nó sẽ làm được cái gì đó. Còn chuyện thắng mạch nha để ông bà làm. Họ
đã quen với mùi hầm hầm của mọng lúa.
Thằng con học được cái gì, có biết đâu à. Ông bà đã giã, đã nhồi đã
thắng bao nhiêu mẻ mạch nha? Cũng có phương nào đếm cho xuể. Họ đã
mặt nám tay chai, lưng còm tóc trắng.
Có hề gì. Ông bà nuôi nó xong đại học là được rồi. Bữa gần tết nó khoe. Công
ty phỏng vấn rồi. Nó khoái công ty này. Chọn người kỹ nhưng công việc đảm bảo.
Làm ở đây tuy không có thù lao khơi khơi nhưng lương bổng sống được, tiền
thưởng tết cũng nhiều. Ba má từ đây khỏi còng lưng chụm lửa thắng mạch nha. Nhưng
người xin vô làm đông quá, chen không biết lọt không. Vô được phải ăn mừng ba
má à.
Nó làm ở đâu ông bà không có ý kiến. Ví dụ có biết
cũng cãi không xong với nó. Cái lý của nó thường làm ông nhức đầu. Tuy hồi hộp
không biết có được chọn không nhưng ông bà đều thấy nhẹ được nửa mình. Ông bà
chỉ sợ nó mê học điên chữ. Nó siêng học quá, xài phí lại tiện tặn. Mỗi lần lên
thăm, nhìn con ăn uống kham khổ lại hì hụi với chữ nghĩa thâu đêm, ông bà xót lắm.
Nhưng nói không có lại nó “Con ăn không biết bao nhiêu cái mọng lúa nếp từ nồi
mạch nha của ba má. Vậy mà học không xong thà về quê nấu mạch nha còn có ích
hơn”.
Khôn ba năm dại một giờ. Còn đằng này nó khôn hai mươi
bốn năm dại một ngày. Dại từ tô bún cho tới cái cổng văn phòng ấp, rồi tới ủy
ban xã. Nếu nó chịu nhịn, ký nhận mình có đá gà thì người ta phạt chút đỉnh rồi
về. Giả dụ như có lỡ bị trói vì cái lỗi hay cãi cọ cũng đâu có mất miếng thịt
miếng cá nào. Đằng này nó lại dứt khoát “đã nói không có đá gà mà biểu ký nhận có
chơi, ký sao được”. Có ai cầm súng kê vô đầu nó đâu mà nó phải “vượt ngục” giữa
đêm. Bị đuổi bắt cùng đường phải nhảy xuống sông kiếm đường trốn.
Chết chóc gì. Nó lội giỏi như rái. Nhưng nó quên là
bốn năm đại học như gà tây nuôi thức ăn công nghiệp, đâu có sức như hồi còn ở
truồng tắm mưa. Mùa gió bấc nước sông dường như đặc kẹo, quíu chặt những thứ
rớt vô bụng nó. Mới tới giữa sông nó đã thấy tay chân không nghe lời nó nữa.
Gặp một xuồng thả lưới đêm nó bơi riết tới, giơ tay kêu tiếp. Người nông dân
hiền lành đưa tay ra... Phía bờ kia có tiếng kêu lớn “đừng có vớt nó, nó ăn
trộm đó.” Nó chồm lên cãi “con không có ăn trộm…”. Phải ở trên bờ nó cãi trốc
gốc. Tại nước cứ chụp vô miệng nó hoài…
Người giăng lưới thấy phân tâm quá. Rốt cuộc nó có ăn
trộm không? Mà nó ăn trộm gì ở xóm Mạch Nha nghèo nàn này? Cứu nó cái đã. Nhìn
lại, ông chỉ thấy một màng nước đen thui. Gió bấc hất phần phật cái áo mưa siêu
mỏng trên người ông. Ông để nguyên áo nhảy xuống sông quờ quạng. Ông đụng phải
những cơn run co giật tay chân và đông cứng quai hàm.
Ông về giải nghệ nghề giăng lưới đêm luôn.
Hai ngày sau người ta vớt được xác Lẫm cách đó ba cây
số.
Cả xóm Mạch Nha nhìn lom lom cái hàng, ai cũng muốn
nổi khùng.
- Chú ba đừng có chôn, phải làm cho ra lẽ.
- Rồi nó có sống dậy được đâu? Cũng tại cái tánh ham
cãi của nó. Mà cũng may nó cãi, chớ
không thôi giờ này vợ nó còn nhỏ xíu mà đã góa bụa. Con nó nối dõi cho mình lại
mồ côi mồ cút thì lòng dạ nào mình hưởng khói nhang.
Bà ba Tịnh nói theo:
- Có lẽ kiếp trước nó cũng làm gì ác lắm đây nên kiếp
này lên trả cho xong nợ rồi về - Tay bà run
run, đốt thêm nhang lên bàn thờ còn nghi ngút khói hương của con trai.
Họ sợ phải mổ xẻ khám nghiệm tử thi. Chuyện rành rành đó
còn khám xét gì nữa. Thôi thì hãy để nó mồ yên yên mả.
Khi động quan thì nhân viên chi nhánh Viettel ngừng xe
lại trước nhà hỏi kiếm người tên Lẫm.
- Công ty nhận anh Lẫm rồi. Vượt qua mười mấy người đó
nghe chú, lương bổng ngon lành lắm. Ngày mai tới công ty trình diện.
Ông già lấy dĩa đèn cầy dằn cái thư lên nắp quan tài:
- Người ta nhận rồi nè, con.
Anh viettel
than một câu. Uổng quá, phải chi ảnh làm được một vài ngày cũng có bảo hiểm.
- Ừ, rõ ràng là tại nó kém phước - Bà già lại run tay thắp
lên bàn thờ Lẫm lần nhang mới.
Bây giờ người ta có máy móc, làm một mẻ mạch nha nhiều
gấp chục lần cái mẻ nhỏ xíu vợ chồng ông hồi đó hì hụi cả ngày trời. Giải nghệ
từ đó. Đỡ phải nhìn từng cái mọng lúa nhớ câu nói của con, nhớ ước ao của con. Vợ
chồng già, chay lạt nên có tốn kém gì đâu. Ngày ngày ông bà đi chặt thuốc nam
về làm phước. Tối tối thắp nhang cho con “Ba má gỡ bớt những khổ nạn cho con.
Kiếp sau con lại được đi học, được đi làm…”
Mỗi cuối năm nghe hơi bấc lao xao ngoài trời, người xóm Mạch Nha lại
nghe cơn xốn xang chạy dài qua các ngõ. Con sông trước nhà bườn lặng lẽ giữa
mùa đông. Mà, có ai giận hờn nó miếng nào đâu.
V.D.T (An Giang)
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét