1.
Là trưởng phòng hành chính
của một công ty, vậy mà chỉ sau hơn ba năm nhận chức, ông Chu
đã xin về nghỉ hưu. Điều ấy khiến mọi người hết sức ngạc nhiên. Người ta rì rầm
bàn tán. Có người bảo, ông Vụ, giám đốc cũ đã chuyển hướng đời rồi. Nghe đâu
ông ta vào nhập liên doanh với một công ty ở thành phố Hồ Chí Minh. Ông Chu
biết ông Thành, giám đốc mới về thay ông Vụ, không hợp với mình. Bởi lẽ đó, với
ông Chu, ba mươi sáu chước, chước chuồn là
hơn. Lại có người nói rằng, ông Thành mới về, tuy chưa hiểu hết lại lịch cội
nguồn của mỗi người. Song, ông Thành có tầm nhìn xa, ông biết lựa chọn các cộng
sự của mình. Chẳng qua ông đồng ý cho ông Chu
về nghỉ hưu ở cái tuổi năm mươi, chính là giám đốc Thành đã trút đi được một
gánh nặng. Ông đã xóa đi một mẫu người lạc lõng trong danh sách những người
thuộc quyền ông quản lý.
Thực ra, trên đời này, miệng
thế gian như sóng biển. Người ta có bàn tán xôn xao đến thế nào đi chăng nữa
thì sự thật vẫn là sự thật.
Ngày ấy vào một buổi chiều
cuối thu. Ở phòng giám đốc công ty ra về, ông Chu
cảm thấy nửa buồn nửa vui. Vui vì nguyện vọng của ông được chấp thuận. Còn
buồn, vì ông đã thoáng cảm nhận thấy một cái gì hiu quạnh. Ông vừa nghĩ vừa
lững thững bước đi. Dưới vầng trán thấp lặng lẽ một cái nhìn viên mãn. Ông tự
bằng lòng với sự tính toán cuối đời mình. Điều này có lẽ chỉ riêng ông biết.
2.
Năm 16 tuổi, Chu mới đì đẹt thanh toán xong cái trình độ văn hóa cấp
hai, đỗ vớt. Vốn tính dầy ăn mỏng làm… bước vào đời, Chu
đã ý thức chọn cho mình một công việc an nhàn. Cần gì phải học nghề - Chu nghĩ – Dẫu người ta bảo, ở đời nhất nghệ tinh nhất
thân vinh. Nhưng Chu thì ngược lại. Với Chu thì nghề gì sẽ thăng hoa cho anh
đây? Lái xe ư? Không. Tay lái đường trường,
mưa, nắng… Vất. Thợ cơ khí hay thợ điện? Suốt ngày tay chân dầu mỡ, cờ lê, tô
vít… Cho qua. Thế thì thợ xây vậy! Chu ngán
ngẩm. Vôi vữa công trường, mồ hôi đẫm áo. Chu
từ chối tất cả. Đứng giữa ngã ba đường, anh sẽ chọn nghề gì?
… Thời ấy, con người thương
nhau, bằng lòng đáp ứng những sở nguyện của nhau một cách dễ dàng.
20 tuổi, Chu
được nhận vào làm tạp dịch ở một của hàng bách hóa do ông Vụ phụ trách. Hình
như công việc tạp dịch phù hợp với nguyện vọng của Chu,
nên anh thay đổi tính nết khá nhanh. Từ một anh chàng ưa sự nhàn tản, Chu bỗng trở nên một người chăm chỉ. Ở cửa hàng thôi thì
thượng vàng hạ cám, việc gì cũng đến tay anh. Mỗi ngày từ sáng sớm tinh mơ, Chu đã trở dậy quét dọn, đun nước, pha trà cho ông Vụ.
Mỗi trưa… Chu xách chiếc quang lỉnh kỉnh xoong
nồi sang nhà ăn tập thể lấy cơm về cho cán bộ nhân viên cùng phòng. Rồi, khi đi
lĩnh hàng, vận chuyển, lúc dọn kho. Việc nào Chu
làm cũng khá cả.
3.
Chiến tranh.
Sự sống còn của Tổ Quốc và
danh dự của mỗi công dân giục người ta lên
đường. Trai, ba sẵn sàng. Gái, ba đảm đang. Chu
biết thế. Nhưng anh do dự, ngại ngùng. Thực ra anh sợ. Nghe nói vào Trường Sơn
vắt, sên nhiều vô kể. Rồi núi cao vực thẳm. Phải ăn lương khô thay cơm, uống
nước hố bom. Rồi sốt rét, bom đạn. Chu nghĩ mà
kinh. Ở khu sơ tán, hễ nghe tiếng máy bay Mỹ gào rú, trút bom xuống một nơi nào
đó, còn xa, Chu đã rủn cả người. vậy, nói chi
đến chuyện Chu tình nguyện nhập ngũ.
Nhưng thật là may mắn. Chu được giữ lại ở hậu phương vì một lý do chính đáng.
Những chàng trai khỏe mạnh cường tráng đã xung phong tình nguyện vào mặt trận.
Cửa hàng còn lại hơn chục người đàn bà chia nhau đi các ngả bán hàng cho dân,
chưa đủ. Ông Vụ, cửa hàng trưởng thì ở cương vị lãnh đạo rồi. Chỉ còn Chu là đàn ông. Mình Chu gánh vác công việc những thanh
niên vừa đi xa để lại. Như thế, màn kịch của đời anh sẽ xoay sang một hướng
khác. Thằng chột sẽ làm vua xứ mù cho coi! Chu
tự hứa như vậy, phải! Dẫu ta phải cam chịu nhẫn nhục, vất vả. Nhưng mà tránh
được cái cái chết vẫn hơn. Vả lại, đây là thời cơ thuận lợi cho ta tiến thân!
Và tình yêu. Có lúc bất chợt Chu đã nghĩ thế.
Chao ôi! Thanh niên trai tráng đi hết rồi. Cửa hàng có bao nhiêu là đàn bà. Chu là một gã trai khỏe mạnh, là chỗ dựa của họ, vậy mà
anh chưa được tận hưởng vị ngọt của một nụ hôn đầu. Nhưng thôi hãy nghĩ đến
chuyện tình yêu. Hãu nghĩ đến cái bổn phận mới mà ông Vụ của hàng trưởng vừa
đặt lên vai mình. Chu thầm nghĩ. Từ một anh
chàng nhân viên tạp vụ nhì nhằng, Chu được kéo
lên làm anh cán bộ tiếp liệu. Chu nguyện, từ
nay anh sẽ là một cái đầu tầu, là con thoi giúp ông Vụ tới các điểm bán hàng.
Năm sau, Chu
lấy vợ.
Người đàn bà đến với anh khi
đó hòa nhập với những điều anh nghĩ, anh cảm. Cô ta tên là Thùy Dung. Thời
thiéu nữ. Thùy Dung mê đọc tiểu thuyết thứ bảy, tiểu thuyết trinh thám. Những
“Kim Hồ điệp”. “Người đi tìm vàng”. “Trong hang ma”… rồi “Thiếu nữ bên song
cửa”… đã in vào tâm khảm Dung bao cảnh hãi hùng, ly biệt. Giờ đây Thùy Dung chỉ
ước một cuộc sống êm đềm. Lấy chồng, được sống bên chồng bên con. Thùy Dung đã
quá ngán với cảnh chiến tranh ly biệt. Cô đã yêu, yêu đến nồng nàn. Song, cô sợ
phải chờ đợi. Những chàng trai cô yêu từ năm trước, nay đã ra trận. Cô biết
nhiều người trong số họ không còn trở lại. Và thế là Thùy Dung đến với Chu.
Thùy Dung có thể xem như hoa
khôi của cửa hàng. Sống với Thùy Dung, Chu cảm
thấy thực sự hạnh phúc. Ngày trước, giữ cái chân tạp vụ, suốt ngà Chu phải nhún nhường, phải hạ thấp mình xuống để hầu hạ
mọi người, cung phụng mọi người… Bây giờ, những, những ngày ấy đã qua, ông Vụ
đã nhắc Chu lên làm người đàng hoàng. Chiến
tranh, sống nay, chết mai. Ai cũng phải lo đi sơ tán. Ai cũng có vợ có con, ai
lo phận nấy. Còn ai có thì giờ để tâm đến công việc, tâm trạng của những người
xung quanh. Vậy, cờ đã đến tay Chu, anh phải
phất chứ!
… Thế rồi, ông Chu mở mày mở mặt ra trong những lô hàng bách hóa: Xà
phòng díp đánh răng, áo may ô… Diêm thống nhất, đá lửa… Rồi dầu thắp, đường,
sữa, nước mắm, xì dầu… Những thứ ấy, thời bình chỉ là những vật phẩm nhỏ nhoi.
Thời chiến, bỗng quý giá như vàng. Ông Chu hái lượm tiền bạc trong sự thỏa
thuận giá cả giữa người mua và kẻ bán. Xin mở một dấu ngoặc đơn cùng bạn đọc
thân mến. Ông Chu còn còn được hưởng cả tiền chênh lệch giá của những người sơ
tán. Họ được mua hàng theo ô phiếu, tiêu chuẩn. Nhưng các điểm bán hàng ở xa,
hầu hết người ta đành bỏ không mua. Ông Chu mua tất tật tiêu chuẩn của họ. Thực
ra, ông đã kiếm lợi trên cái miếng ăn hàng ngày của mọi người.
Như thế, với ông Chu, chiến tranh, mặc ai ly biệt, mặc ai khổ đau… ông vẫn
sống với Thùy Dung trong một tổ ấm êm đềm.
Một năm sau ngày cưới, Thùy Dung
sinh con gái đầu lòng. Yêu vợ, ông Chu đặt tên
con là Thùy Trang.
Ba năm sau, ông Chu mua tặng vợ một chiếc JAVA vừa bóc hộp. Bởi, Thùy
Dung đẻ cho ông một cậu quý tử.
Năm tháng trôi.
4.
Hòa bình.
… Rồi đến những tháng năm của
thời kỳ thương mại theo cơ chế thị trường.
Chu được ông Vụ cửa hàng trưởng kéo sang một
doanh nghiệp khác. Đó là một doanh nghiệp được mang tên “Công ty kinh doanh
tổng hợp hàng mỹ nghệ”. Ông Vụ là giám đốc công ty. Tất nhiên, ông có quyền lựa
chọn ê kíp của mình. Một bước lên ngôi. Chu
được đề bạt chức trưởng phòng hành chính.
Đó là năm 1990. Ông Chu bước
sang tuổi 46.
Từ đó ở công ty, ông Chu có phòng riêng, cát sét Sony hai cửa băng, ti vi màu,
tủ lạnh. Rồi bàn làm việc tráng phoóc mi ca cẩm thạch, ghế tựa đệm mút. Lại
nữa, một bộ xa lông bằng gỗ cẩm lai. Thứ gì cũng sang trọng đắt tiền. Thường
ông Chu tiếp khách bằng chè móc câu, thuốc lá
Vinataba. Có khách sộp, ông đãi bia lon, thuốc lá ba con năm. Của công ty mà.
Khách hàng là thượng đế. Mình được tiếng là lịch lãm, hào phóng, hiếu khách.
Người sang quần áo phải sang… Phong độ của ông trưởng phòng ngày qua tháng lại
dần thay đổi. Nếu như trước kia có một anh Chu
hóa thân vào tất cả những công việc lam lũ trong một bộ dáng khó gần… Mùa hè,
quần soóc lửng, áo may ô màu cháo lòng. Mùa đông, chiếc áo bông Trung Quốc to
xù. Bây giờ, mọi người gặp một ông Chu lịch
sự, khoan thai. Ông ăn vận rất mốt, rất hợp thời trang. Khác hẳn sự đua đòi của
các thiếu nữ thị thành, một đêm ngủ năm lần mơ áo đẹp. Ông Chu theo mốt trong
sự im lặng tính toán khôn khéo. Là trưởng phòng, ông cần có những trang phục
bốn mùa. Và dù đó là những bộ com lê sang trọng nhất, ông cũng tính cả vào tiền
tiếp khách của công ty. Rồi, bia lon, thuốc lá, cà phê… Tiếp khách ở nhà cũng
thế, ông đều được ông Vụ thông cảm đưa vào chi phí hành chính.
Ông Chu thoắt quên đi quãng
thời gian lam lũ ngày nào. Cán bộ nhân viên cùng phòng thường bình phẩm cho ông
là một người rất thoáng. Này nhé! Mỗi lần tiếp khách, còn thừa bánh kẹo, thuốc
lá… ông chia đều cho tất cả nhân viên phục vụ. Có ai đó cần một bộ đồ sứ Tàu,
một chiếc áo Ki-mô-nô, hoặc có một bức thảm len mừng đám cưới cho con hoặc
cháu, ông ký duyệt cho. Phòng làm việc của ông là cái cửa ngõ của Công ty. Nào
Công ty sứ Hải Dương, Công ty làm hàng mỹ nghệ sông Lam, Xí nghiệp thảm đay
xuất khẩu Thái Bình, Hãng sơn mài Chúc Sơn. Tất cả. Tất cả… Ai muốn vào gặp
giám đốc Vụ đều phải qua phòng ông Chu. Khách
ăn ý, biết điều, ông tiếp. Khách không hợp ý ông, ông tìm cách từ chối khéo.
Vai kịch ông đóng với đối tượng nào cũng có bài bản, lớp lang. Ông ăn mỏng mà
êm. Mưa lâu thấm dần, sẽ giúp ông nên cái giàu sang.
Chỉ sau hai năm giữ chức
trưởng phòng, đến năm thứ ba, ông đã xây xong cho mình một ngôi biệt thự xinh
xắn ở mặt tiền một phố lớn. Cô con gái cưng Thùy Trang thích trưng diện, nhưng
lười học, cũng được ông Chu cấp, lo lót đưa
vào hệ ưu tiên của một trường Đại học. Còn cậu con trai quý tử, 15 tuổi vẫn
chưa đi hết cuộc hành trình cấp II văn hóa. Cậu bỏ học, rồi đi du ngoạn. Nay
lên biên giới, mai về Thủ đô. Chiếc Dream phóng vèo vèo. Tháng trước cậu vừa
điệu đi của ông một chiếc Mi pha. Bố con chưa gặp nhau phân xử, cậu đã lại theo
các “Đại ca” trên các tuyến xe khách. Có tin đồn đại bán tín bán nghi… hình như
cậu còn cả gan ngồi sau xe những đối thủ đua xe võng.
Rồi đến vợ ông – bà Thùy Dung
– cũng bỏ ông mà ra đi. Chẳng rõ bà đi tìm hạnh phúc ở chân trời xa xôi nào
nữa.
Càng nghĩ ông Chu càng cảm thấy bế tắc, chán chường. Cơn mê giàu sang
bằng một cái không thuộc về mình. Phải. Về hưu, ông sẽ có điều kiện đi tìm bà
Thùy Dung. Rồi ông sẽ lên Hà nội xem xét việc học hành của con Thùy Trang. Và
thằng Vận, con trai ông nữa. Nó đang lưu lạc, tụ bạ ở phương nào.
5.
Mùa đông năm nay đến sớm.
Chẳng hiểu do những đợt gió
lạnh đầu mùa làm ông Chu khó chịu, hay bởi một
lẽ gì?
Ông Chu sực nhớ, hình như hai
năm trước đây không có mùa đông. Giữa tháng mười một, tháng chạp mà Hải Phòng
vẫn có những ngày nắng ấm. Ông vận sơ vin. Ông được sống trong không khí nồng
nhiệt của những bữa tiệc đứng, tiệc ngồi. Chủ và khách cụng ly. Rượu sâm banh
nổ đôm đốp, ly rượu tràn sóng sánh. Đắm mình chìm trong nhưng cuốn phim Video,
những băng nhạc hải ngoại run rẩy, thê lương… Ông thấy mình đang mê đi, được
nuông chiều, vuốt ve…
Đời ông như trẻ lại, đầy xuân
sắc. Còn mùa đông năm nay, đợt gió mùa đông bắc đầu tiên tràn về, ông thấy ớn
lạnh. Sau ngày về hưu, ông mới nảy ra cái ý định đi tìm gặp những người bạn cũ.
Vila của ông ở
một phố sẽ được mở một tiệm cà phê. Thời đương chức, là một trưởng phòng ông đã
từng quen với giao dịch đón khách. Mở tiệm, chắc hẳn ông sẽ lại ăn nên làm ra.
Thế nhưng, cái vila xinh đẹp với đầy đủ
trang bị nội thất, ngoại thất của ông một tháng, hai tháng vẫn chẳng có ai đặt
chân đến. Bạn bè cùng thời với ông, ông Phách, ông Hải đã nghỉ hưu. Suốt ngày
hai ông cuốn vào những hoạt động từ thiện của Hội cựu chiến binh, còn ai chưa
nghỉ hưu thì mỗi người một hướng đi. Ông Trọng đang phụ trách một đội thi công
trên tuyến trải đường dây 500 kilôvôn. Ông Vĩnh ở dầu khí Vũng Tàu. Ông Phong
thì quá nửa cuộc đời gắn bó với những chuyến tàu xuyên Việt, đi Nam về Bắc. Ông
càng nghĩ càng thần người ra. Bạn bè ông mỗi người một hoàn cảnh. Họ đi xa mà
con cái họ đứa nào cũng khá. Có học, có nghề nghiệp hẳn hoi. Họ chẳng được cảnh
tiền, vàng không thiếu, nhà cửa khang trang như ông. Nhưng lúc này. ông muốn
tìm đến họ để có chỗ dựa. Song hình như họ đã quên ông, một con người ích kỷ
nhỏ nhen với những điều ước muốn tầm thường.
Còn biết bao người trước đây
đã đến với ông. Những tư thương ân sủng, có người nịnh nọt, có người níu lấy
vai ông, để qua ông, dựa vào công ty của ông mà làm giàu. Bây giờ, có đưa vênh
vang mặt lên. Có đứa vỡ hụi phải bỏ quê hương bản quán ra đi. Cũng có đứa phải
ngồi tù. Ông vẫn tưởng rằng lúc nào chúng cũng vây bọc che chở cho mình. Nhưng
ông đã lầm.
6.
Chiều nay nghe đài, ông Chu được biết, sẽ lại có một đợt gió mùa đông bắc tràn
về. Nửa đêm còn có sương muối.
Lúc này ông đang ngồi trầm tư
trong cái khuôn viên nhỏ, lối đi vào biệt thự của ông. Vẫn cây tùng, cây bách
đứng im lìm. Vẫn hòn núi non bộ nhô lên giữa cái bề hình bầu dục. Ông chợt nhận
ra mình dưới đáy nước. Mới cách đây gần nửa năm trước khi về nghỉ hưu, mái tóc
ông mới đốm tiêu, nay đã bạc trắng. Mặt ông chảy sệ, ông vẫn cảm thấy lạ lùng.
Sao cái thần sắc của ông xấu đi nhanh thế. Trời lạnh quá. Mấy con cá vàng có lẽ
không chịu được rét, chúng đã chết trong làn nước lạnh như băng giá. Xác chúng
nổi lên trên mặt nước đét lại như có ai vừa ướp đá. Cụm hoa tóc tiên và mấy cây
trúc kim ông trồng trong các kẽ đá của hòn núi giả, có lẽ cũng không chịu được
rét, chúng đã chết khô.
Xế chiều, không chịu được cơn
gió đông đang gầm rú từ xa, kéo theo gió lạnh ùa vào cái khuôn viên, nơi mình
đang ngồi, ông Chu nặng nhọc đứng dậy, chậm
chạp đi dọc theo dãy hành lang, bước vào nhà. Ông lập cập mở cái công tắc điện
lò sưởi. Căn phòng ấm dần lên trong trống vắng.
… Ngoài kia, bóng đêm đang
tới. Hải Phòng đã lên đèn. Phía trước cái vila
của ông Chu vẫn sôi réo nhịp điệu đô thị. Ồn ã
và cuốn hút. Những kíp thợ đi làm ca đêm. Tiếng còi tầu thúc gọi ngoài bến
cảng…
Đêm. Lúc ông Chu vừa chợp mắt. Bỗng nghe đâu đó một tiếng rao khuya
“Ai bánh mì nóng giòn đây”. Tiếng rao run rẩy, yếu ớt của một cô bé tan vào
sương lạnh. Ông Chu bừng tỉnh. Động lòng trắc ẩn, ông chợt nghĩ đến Thùy Dung
và những đứa con. Giá như cô bé bán bánh mỳ đêm nay có được sự cưng chiều như
cái Thùy Trang và thằng Vận, con ông… Có lẽ phải là một điều ước trong chuyện
cổ tích đối với cô bé. Tiếng rao đêm khiến ông Chu
không thể ngủ lại được nữa.
Về sáng, trời càng lạnh, ông Chu bỗng cảm thấy một cảm giác nặng nề ập tới vây bủa
chiếm cứ khắp tâm hồn thể xác ông. Khí lạnh khiến cổ họng ông bật ra một tiếng
ho khan. Miệng ông đắng ngắt. Quái lạ! sao lúc này ông thấy thèm một hớp nước
trà đến thế. Ông bải hoải đứng dậy lọ mọ quờ tay trên mặt cái tủ ly tìm hộp
chè. Có lẽ hương chè sẽ làm ông tỉnh táo. Song lạ sao, tách trà ông vừa đưa lên
miệng vẫn nhạt thếch!
Lương Sơn (TP. HCM)
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét