Mùa lũ. Đó là những ngày nằm cuộn mình trong chăn chiếu, nghe
mưa lả chả cả ngày mà không biết chán. Má biểu: "Trời ni không có đi chợ
được, đợi ba mày bắt cá về nấu".
Vậy là ba đứa ngồi chùm hum trên giường, thỉnh thoảng chạy về
phía cửa sổ để nhìn mưa, nhìn ngoài cánh đồng trắng xóa
màu của nước. Nước ngập cả cánh đồng rồi leo lên bờ đê, lên cả sân nhà. Xa xa
là những con người nhỏ bé đang chạy thật nhanh về mái ấm của mình.
Cái lũ khiến bao đứa con nít sợ hãi chạy trốn trong các nóc nhà.
Cái lũ khiến cho cá lóc, cá rô, cá phi kéo về đồng như trẫy hội. Hôm qua trời
còn khô nắng cháy đồng, vậy mà hôm sau, chúng lênh loáng trên một biển nước.
Thoáng chút mà trời đã trưa nhưng không thể nào phân biệt được trời sáng, trời
trưa, trời chiều gì cả vì bầu trời lũ chỉ một màu xam xám nghe mát dịu cả ngày.
Vui nhất đó là khi lũ rút. Bầu trời đã hết mưa nhưng nước rút rất
chậm. Chúng tôi không bao giờ đợi lũ rút hết mới ra khỏi nhà. Chiến lợi phẩm mà
mùa lũ đem lại thật nhiều và...lạ. Những con tôm bắp còn cuộn tròn rồi thả ra
nghe ten tét, những con lịch huyết đỏ au... Ba đứa ngồi ăn mà hỏi ba hoài:
"Con ni ăn sao vậy ba" hay "Con ni lạ quá". Ba gỡ từng miếng
thịt con tôm tít, tôm bắp cho ba đứa rồi nói: "Tụi bây là dân sông nước mà
không biết mấy con ni là dở tệ". Ba đứa ngồi ăn rồi cưởi tủm tỉm.
Có hôm bầu trời còn chưa sáng hẳn, những con cá rô to cỡ hơn
ngón chân cái đã lăn lóc trốn từ dưới nước qua bờ bên kia để tẩu thoát. Vậy là
có thể bắt chúng mà không tốn chút công sức nào.
Thương ba nên không dám ra ngoài lúc trời lũ. Ba biểu: "Sợ
tụi bây té nước, lỡ không có người lớn thì chết..." Nhưng cái tuổi tinh
ranh của trẻ thơ vẫn không ai ngăn cấm được. Đợi ba má ngủ trưa thì thể nào cũng
ra ngoài đồng cho bằng được.
Mùa lũ cuốn trôi đi nhiều thứ nhưng cũng mang lại vô số những
cái lạ lẫm. Không biết chúng từ đâu tới, chỉ biết rằng tụi trẻ con rất thích.
Đó là những cái phao to lớn trôi dạt vào đồng lúa, hay những con chuồn chuồn nước
khổng lồ mắc vào những bụi cỏ sát mép nước. Tụi tôi cắt những miếng phao để
đóng tàu thả chạy theo phương gió. Khi nào không chạy được thì ném đá, ném đến
khi nào tàu nát mới thôi!
Nhưng có một thứ mà tất cả tụi con trai đều thích: trái mù u. Mù
u ở đầu nguồn cuốn theo dòng nước lũ trôi đến tận đây. Vậy là có trò để chơi,
trò bắn bi.
Trái mù u nổi nhiều lắm, có khi được cả nhánh, tha hồ mà làm bi.
Trái mù u cạo hết vỏ ngoài, mài đi mài lại cho thật loáng rồi đem ra chơi ngay.
Lũ kéo về rất nhanh rồi
sau đó tan nhanh. Sáng, nước lũ đã lên đến nhà, vậy mà đến tối chúng đã rút ra
đến ruộng. Trời vừa chập tối, đó cũng là lúc ếch nhái kêu râm ran ngoài đồng. Đứa
bạn ngoài bờ đê chạy tới, mặt hớn hở: "Soi ếch tụi bây ơi, năm ni ếch nhiều
lắm". "Ừ, soi thì soi". Vậy là mấy đứa trong xóm chuẩn bị đèn
pin, đứa chuẩn bị nơm, đứa lấy giỏ.
Ếch thì nhiều vô kể nhưng không phải con nào cũng bắt được. Chỉ
bắt những con trên 2 ngón tay. Gặp lúc hên thì được những con to bằng 4 ngón.
Không bao giờ tụi tôi đi dưới 2 người. Bởi ban đêm sợ ma, hay sợ bị sụp xuống
hô sâu. Thế là cả xóm đi soi ếch. Mấy anh lớn tuổi đi trước, tụi nhỏ hơn đi
sau. Ếch đem về lột da, nấu cháo hay nướng, thịt ếch đồng thơm và ngon, có thể
xào xả ăn với cơm.
Đó là những kỉ niệm không thể nào quên trong mỗi đứa con sông nước
miền Trung. Lớn lên chút nữa mỗi đứa học mỗi nơi rồi ở lại thành phố, nhưng cũng
có đứa bám trụ tại quê nhà, lâu lâu gặp lại ôn kỉ niệm xưa, nghe hoài mà không
chán, lại nhớ cái thuở hàn vi ấm áp hai tiếng gia đình. Mỗi khi xa nhà, thế là
đem hết cái hay cái đặc sản quê mình ra mà khoe với chúng bạn.
Quảng
Nam,
tháng 12 năm 2012
H.V.D
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét