Cuộc kháng
chiến chống Mỹ bảo vệ nền độc lập, tự do của dân tộc ta đã kết thúc từ lâu
nhưng âm vang của nó còn vọng mãi cho đến tận bây giờ. Và, một trong những
phương tiện truyền tải cái âm vang đó dễ làm ấm lòng người chính là thơ ca. Tập
thơ Nhật
ký hành quân của tác giả Trần Thanh Hải thuộc dòng chảy truyền tải ấy.
Trần Thanh
Hải quê ở Tiền Hải, tỉnh Thái Bình nhưng do cuộc chiến nên anh trở thành công
dân của tỉnh Bình Dương, cũng chính là mảnh đất một thời anh đã góp phần cùng
đồng đội sẵn sàng đánh đổi tính mạng của mình, là đích “hành quân” tới của
riêng cuộc đời anh,
chứ chưa phải là “cái đích” cao cả như anh đã cần mẫn ghi chép trong Nhật
ký hành quân.
Có thể nói,
niềm lạc quan cách mạng của người chiến sĩ là chủ đề bao trùm cả tập thơ. Niềm
lạc quan ấy được khắc đậm như một dòng kẻ đỏ xuyên suốt kể từ cái ngày Rộn ràng buổi họp xã đoàn/ Vui mừng
đưa tiễn trai làng tòng quân…cho đến khi Đóng quân nghỉ lại nơi này/
Sẵn sàng chờ lệnh những ngày tiếp theo.
Tập thơ được
sắp xếp rành mạch theo trật tự logic của thời gian với ngót ngét 40 bài. Thơ
Trần Thanh Hải thường không dài, và mỗi bài chỉ và đã truyền tải được một vấn
đề hoặc sự kiện thiết thực. Bởi vậy, tập thơ tuy có vẻ nhẹ tay nhưng vẫn “nặng”
khi lột tả ý định của tác giả.
Có lệnh là
lớp trẻ như Trần Thanh Hải lên đường ngay lập tức, ấy là thông điệp đầu tiên
anh muốn gửi gắm. Với ý chí hừng hực lấp lánh niềm tin, anh viết:
Ra đi tạm biệt ruộng đồng
Xa rời bến nước, dòng sông quê nhà
Anh vào nơi chiến trường xa
Nắm chắc tay súng xông pha công đồn.
(Lời hứa)
Tình
dân đối với bộ đội trên đường hành quân vào Nam, như người ta vẫn thường nói,
là “tình cá nước”, đó vừa là “sự kiện tinh thần”, vừa là sự biết ơn mà Trần
Thanh Hải muốn kể lại với bạn đọc:
Đang đào công sự mệt nhoài
Cụ già mang nước ra ngoài chỗ tôi
Cụ rằng: Anh bộ đội ơi!
Dừng tay uống nước chè tươi của già…
(Cảm tạ)
Thơ Trần
Thanh Hải có những câu rất thật mà vẫn đẫm chất trữ tình:
Ra đi lòng dạ vấn vương
Nhớ khi gánh nước trên đường giúp em
Nhớ con ngõ nhỏ mới quen
Nhớ mùi hương bưởi tóc đen vương dài.
(Chia tay)
Hoặc:
Bóng em in dưới ráng chiều xiên xiên
Nhanh tay tát nước, cười duyên
Cùng anh bê cả sông nghiêng lên đồng
Tóc bay, đôi má ửng hồng…
(Kết nghĩa)
Chấp
hành nghiêm mệnh lệnh, cố gắng và kiên trì luyện tập để chuẩn bị bước vào trận
chiến chính là đức tính cần phải có của người lính vì nghĩa nước. Đó có thể
được coi là thông điệp thứ hai mà tác giả Trần Thanh Hải muốn chia sẻ với bạn
đọc. Lẫn trong tình quân dân đậm đà, tình cảm thi vị nên thơ của đôi lứa, cho
dù ở đâu và bất kỳ lúc nào, đức tính trên của người lính đều không vì thế mà bị
lãng quên: Xà beng, cuốc xẻng đâu nào?/
Chúng mình cùng xúc, cùng đào hầm sâu!/ Nhịp nhàng quay đất lên mau/ Mồ hôi
chảy giọt, thi nhau ta đào (San đồi). Còn khi hành quân: Súng AK, ruột gạo đầy khoác vai/ Mồ hôi
thánh thót giọt dài/ Đế giày mòn vẹt, chân chai đá mềm/ Từng ngày một gạch tăng
thêm/ Dần dần quen với sức bền dẻo dai…
(Mang gạch).
Trong
cuộc hành trình của mình, tác giả Trần Thanh Hải còn kể lại nhiều điều và nhiều
sự kiện nữa. Anh đã đi qua nhiều vùng đất, từ Thái Bình quê hương anh đến Hải
Dương, rồi bắt đầu từ đó lên tàu vào Nam, đã cùng đồng đội chứng kiến sự cần
cù, sáng tạo trong lao động sản xuất,
sự kiên cường và khí thế chiến đấu của quân,
dân ta suốt dọc chiều dài đất nước như ở Thanh Hóa, Nghệ An… rồi đến Hà Tĩnh,
Quảng Bình…
Từ Quảng Bình, theo mệnh lệnh, Trần Thanh Hải sang nước bạn Lào, để rồi từ đó
trở về Kom Tum, nương theo những con đường thân yêu của Quảng Nam, Gia Lai, Đắc
Lăk…vào trận đánh. Trong cuộc hành quân gian lao, dằng dặc đó, không thể tránh
được những mất mát, hy sinh. Vấn đề là những mất mát đó càng hun đúc ý chí của
người chiến sĩ trong công cuộc giải phóng miền Nam thân yêu. Đó chính là đích đến
của cuộc hành quân mà Trần Thanh Hải đã ghi lại, là những hình ảnh thu nhỏ cuộc
hành quân của toàn dân tộc trước năm 1975. Đó là thông điệp lớn nhất, trọng tâm
nhất của toàn bộ tập thơ.
Có thể nói, Nhật
ký hành quân là cuốn sách đã ghi lại được rất nhiều sự kiện. Điều đáng
trân trọng là tác giả của nó, anh Trần Thanh Hải, đã ghi lại bằng thơ. Bởi vậy,
hàng chuỗi sự kiện cứ lung linh hình ảnh, ý quyện với tình, nên người đọc cảm
thấy không “khô khát” khi
thuởng thức.
Như đã nói,
niềm lạc quan cách mạng, ý chí sắt đá của người chiến sỹ là chủ đề bao trùm của
tập thơ. Tất cả được diễn tả như một cuốn phim quay chậm trên từng sự kiện dọc
theo chiều dài đất nước xoay quanh cuộc kháng chiến thần thánh của dân tộc, nên
Nhật
ký hành quân chính là thông điệp thực sự có ý nghĩa đối với chúng ta,
những ai quan tâm đến lịch sử của đất nước và cũng là của chính mình.
Hà Nội, tháng 4 năm 2011
P.T.B
Một chiến sỹ có tâm hồn nghệ sỹ và lạc quan cách mạng. Rất trâng trọng và ngưỡng mộ.
Trả lờiXóa