Lá sen chưa kịp đi tu
Mà hoa cúc đã nhuộm thu óng vàng
Yêu em mua cốm làng Vòng
Nâng niu anh gói trong lòng lá sen
Lời thề hôm ấy của em
Thơm như cốm ướp hương sen giữa mùa
Không ngờ anh thật không ngờ
Lá sen rách. Cốm bây giờ thơm đâu?
(Trong tập Buổi Ban Đầu – Thơ tình Nguyễn Đăng Luận NXB Hội nhà văn 2003
)
Sao mỗi lần đọc đến thơ Nguyễn
Đăng Luận là tôi cứ thấy thương cho cái hồn thơ yêu đời, yêu người lắm mà hình
như chưa bao giờ tác giả được đáp lại, được trân trọng cái tình chân thật, đầy
hoài mong và cũng đầy khắc khoải ấy! Mà biết đâu đó chính là cái ý đồ nghệ
thuật, cái nét riêng bình dị đáng quý của tác giả? Dù với dụng ý nào thì trong
thơ Nguyễn Đăng Luận ta không thể phủ nhận thi chất của người nghệ sĩ. Thơ ông
có sự kết hợp hài hòa những cảm thức thẩm mỹ giống lối thơ cổ của Nhật Bản-
không quên bản ngã và cái đẹp được song hành.
Đối với Nguyễn Đăng Luận, thơ với đời, đời với
thiên nhiên là một, trong sự gắn kết mật thiết. Khi đánh giá thơ ông, tôi không
quá chú trọng đến thể thức, vần, nhịp điệu vì trong hai bài bình: “Lời thề lá
sen” của Nhà thơ Ngô Quân Miện, nhà thơ
Nguyễn Khôi đã nói rất rõ ràng rồi. Tuy nhiên, nói thế không có nghĩa là không
cần thiết bởi thơ là sự sáng tạo độc đáo bằng trí tưởng tượng bay bổng của
người nghệ sĩ nên thơ phải có được tính thơ, tính nhạc và tính họa thì nó mới
có được sự cân đối chỉnh thể về nội dung và hình thức. Điều này, nhà thơ đã làm
được nhưng với sự cách điệu rất riêng không thể cưỡng ép, một phong cách riêng
của Nguyễn Đăng Luận!
Bằng sự tinh tế và nhạy cảm, nhà thơ đã phát
hiện và khẳng định những nét đẹp hiện hữu trong những sự vật bình thường của
đời sống: lá sen, hoa cúc, cốm Làng Vòng…Tất cả những sự vật đời thường ấy được
tác giả xâu chuỗi lại mà nên thơ, giàu chất thơ, chất trữ tình hiện đại.
Đến với bài thơ Lời thề lá sen, ta bắt gặp
chính những điều tôi vừa nêu ở trên đó là tác giả đã khéo léo mượn vật, mượn
cảnh để ngụ tình. Nghệ thuật miêu tả mà tác giả vận dụng đó là mượn “Không gian
mùa” để thể hiện ý và tình của mình nên tôi thiên về cảm nhận hơn là sự phân
tích câu chữ trong bài thơ.
Không gian trong thơ Nguyễn Đăng Luận luôn có
sự vận động và phát triển song song với sự vận động và phát triển của thời
gian. Nói đến Sen là ta ngầm hiểu mùa xuân, điều này ai cũng biết nhưng đó
không phải là điều tác giả muốn nói. Cách nói “Lá sen chưa kịp đi tu” là cách
nói, cách hiểu mới mẻ và trừu tượng bởi tác giả đã mượn tính Thiền tông của nhà
Phật làm cho cách nói ấy đã trở nên vô ngại, tự nhiên. Cái điều tác giả bâng
khuâng vẫn là sự trôi nhanh của thời gian và sự biến đổi của không gian mùa (từ
xuân đã vội vàng qua hạ đến thu) khiến cho con người chỉ kịp thốt lên một lời
tiếc nuối “chưa kịp” “mà…đã” và nhân vật trữ tình “lá sen” – một hình tượng ẩn
dụ khiến ta liên tưởng đến hình ảnh một người con gái đang ở độ tuổi xuân thì
tươi đẹp đã vội vàng chớm nhạt, chớm phai trước sự tác động của ngoại cảnh “Mà
hoa cúc đã nhuộm thu óng vàng”. Phải chăng sơi tơ rung của thời gian đã tạo nên
một khúc ngân vào không gian bao la của vũ trụ để con người bắt gặp chính mình.
Có lẽ thế nên bài thơ đã thắp sáng tâm hồn, cảm xúc của tác giả qua sự
bày tỏ và trân trọng “Yêu em mua cốm làng Vòng, Nâng niu anh gói trong lòng lá
sen”. Bây giờ không phải e dè nữa mà là “Yêu” là “Nâng niu” bằng cả tấm lòng,
bằng cả cảm xúc đam mê, lãng mạn và chân thành của nhân vật trữ tình trong tình
yêu.
Trong cuộc sống thường nhật, con người luôn bị
cuốn hút vào vòng danh lợi nên không phải ai cũng có thể phát hiện từ trong cái
bình thường, đơn sơ, mộc mạc, e ấp mà lại chứa đựng ý nghĩa nhân sinh cao
thượng đó là tình cảm đẹp, trong sáng và hoàn hảo đến mức ta nghĩ sẽ không bao
giờ tan vỡ bởi “Lời thề hôm ấy của em, Thơm như cốm ướp hương sen giữa mùa”. Tác
giả nhìn cuộc đời bằng cả niềm tin yêu vô hạn và cũng vô khuyết. Tác giả cứ hòa
mình và lặng lẽ dâng tặng cho đời cả trái tim yêu nồng nàn, tha thiết.
Mọi khoảnh khắc kỷ niệm đều được tác giả đón nhận và khắc ghi vào tâm trí như
chính tình yêu của tác giả cũng rất thắm thiết, nồng nàn và vô hạn.
Nhưng cuộc sống không phải lúc nào cũng giống
ta mong đợi “Không ngờ anh thật không ngờ, Lá sen rách. Cốm bây giờ thơm đâu”.
“Lời thề” ấy của “lá sen” đã bị lãng quên rồi, dầu có cầu mong tha thiết như
tác giả Hà Huyền Chi trong bài thơ Thì Như Sông Cạn cũng có ai hiểu được:
Xin đừng quên tôi
Hoa van tình người
Mai tàn hương sắc
Vui còn thoáng vui
Em là hoa sen
Hương bay màu thiền
Tôi là con ếch
Trong hồ lãng quên
……………………..
Xin đừng lãng quên
Van chi tình ngừơi
Thì như lá chết
Mang theo ngậm ngùi . . .
Có thể Nguyễn Đăng Luận cần sự lãng quên nhưng
những vần thơ nuối tiếc đến “Không ngờ” thì cứ vang vọng mãi trong lòng người
đọc.
Đến giờ ta có thể nói bài thơ lục bát đã có sự
kết hợp hài hòa giữa màu sắc, âm điệu, sự chọn lọc hình tượng và sự phối hơp
giữa cảnh với tình thể hiện được cái tài thơ và tình thơ của tác giả. Chính cái
cảm giác bỡ ngỡ, lạ lùng, hụt hẫng… đã tạo nên những vần thơ đong đầy những cảm
xúc sâu sắc, tế nhị và tình cảm thánh thiện trong hồn thơ Nguyễn Đăng Luận.
Ngô Hồng Nhung (Trà Vinh)
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét