Tôi là một người mồ côi từ nhỏ, may mắn nhất của tôi là
được sống trong sự bảo bọc và lớn lên ở một gia đình mà bố mẹ nuôi là cán bộ
công chức. Bố mẹ dạy bảo tôi không phải là áp đặt hay bắt buộc phải vào một
khuôn khổ nào đó, mà lòng yêu thương, sống vị tha của bố mẹ là cách sống cao
đẹp nhất của mỗi con người, là tấm gương để tôi học, nhìn và cảm nhận ở cái
tuổi được gọi là đẹp nhất của đời người.
Một buổi trưa khi tôi đi học về, tôi mua được cây viết mới
toanh từ tiền ăn vặt để dành được, mà mẹ cho mỗi ngày là một nghìn đồng. Người
anh lớn hơn tôi một lớp học, thấy cây viết của tôi đẹp và mới nên nổi lòng tham
rồi lấy cây viết của tôi, bị tôi phát hiện, lấy viết lại và không quên thốt ra
những lời chua chát từ mình, cuộc xô xát diễn ra, kết quả là cây viết gãy đôi.
Đứa thì trật tay, đứa thì rách mặt, khi ấy tôi chỉ nghe vẻn vẹn từ bố một câu:
"Hai đứa thôi đi". Chiều hôm đó, bố gọi hai anh em ra bàn làm việc
của bố, trên bàn là hai cây viết rất đẹp, trước khi cho chúng tôi, bố ôn tồn
nói rất nhẹ: "Hai con nên nhớ, lấy của người là một việc làm tồi tệ và xấu
hổ. Khi các con sống hãy biết tha thứ và cho đi bằng tấm lòng với những gì mình
có thể, rồi sẽ nhận được cái quý giá hơn cái mà mình đã cho đi. Phải có lòng vị
tha và sự im lặng trong lúc nóng giận, nếu làm được điều đó hai con sẽ chiến
thắng được thể xác và bình yên trong tâm hồn." Cây viết mà bố cho tôi, đã
viết đè lên những sân si trong con người tôi, bằng những dòng thấm đậm của một
cuộc sống tươi đẹp
Ngày nghe tin bố bệnh nặng, tôi tức tốc lên xe từ Sài Gòn
về Kiên Giang. Ngồi trên xe, tôi lấy cây viết của bố và quyển nhật ký của tôi,
tôi viết, viết tiếp những ngày xa bố và giờ đây chuẩn bị viết những ngày về bên
bố. " ... Cây viết của bố, con đã viết ra những bài học đáng giá nhất của
cuộc đời, con đã viết được bài tập để tốt nghiệp, con đã viết ra kế hoạch cho
những hành trình của tương lai mình, nhưng con chưa viết được lời cảm ơn bố.
Điều con muốn viết nhất bây giờ, bố hãy mau khoẻ mạnh, vượt qua căn
bệnh này, để đọc được lòng biết ơn của con đối với bố ...". Khi về đến
nơi, tôi vào ngay bệnh viện. Trước mắt tôi là hình ảnh người bố với khuôn mặt
tái nhợt, đôi môi khô tróc những lớp da mỏng, người gầy gò, xanh xao. Bố nhìn
thấy tôi, bố vẫn gượng cười, cổ họng tôi nghẹn lại, môi tôi thấm ướt vì nước
mắt. Tôi thay phiên với anh và mẹ để chăm sóc bố, đêm hôm đó khi nhìn thấy bố
đã ngủ, tôi ngồi bên bố rồi lấy cuốn nhật ký ra viết tiếp, tôi mệt mỏi và ngủ
gục lúc nào không biết. Khi thức dậy, tôi thấy bố đang đọc cuốn nhật ký của
tôi, bố mỉm cười, cố lấy tay xoa vào đầu tôi và nói: "Con trai bố nay đã
lớn thật rồi!". Tôi thấy nước mắt bố chảy ra, đó là những giọt nước mắt
hạnh phúc của bố mà lần đầu tiên cũng là lần cuối cùng tôi nhìn thấy được. Ngày
bố lâm chung, bố cố gắng thều thào bên tai mẹ: "Con mình nó còn nhỏ lắm bà
à, bà cố gắng thay tôi nuôi dạy chúng nó tốt hơn nữa nghe bà... " Rồi bố lịm
dần trên giường bệnh, mẹ gục vào vai tôi nấc nghẹn ngào, nước mắt tôi không rơi
được nửa, tôi sụp đổ hoàn toàn khi phải bất lực chứng kiến người bố kính
yêu đang dần xa mình.
Mười ba năm trôi qua, bố đã không còn bên ba mẹ con tôi nữa.
Cũng chính cây viết ấy đã viết ra cho tôi những bài học mỗi khi tôi vấp ngã, đã
viết nên con người tôi để biết sống chia sẽ và yêu thương. Mỗi ngày, khi cầm tờ
báo của pháp luật, của xã hội trên tay, tôi thật sự chạnh lòng khi nhìn những
con người phạm tội ấy. Họ hành động bằng lòng đố kị, đua chen, bằng sự
ích kỷ và tham lam, rồi để trả giá bằng những bản án nặng nề của pháp
luật. Ai cũng có một hoàn cảnh và cách sống khác nhau, môi trường sống chung
quanh ta cũng là một yêu tố để tạo nên bản chất của con người, có thể tôi may
mắn hơn họ. Ước gì mỗi người chúng ta và
các em ở thế hệ sau, ai cũng có được cây viết giống như tôi, để tự viết ra cách
sống tốt đẹp nhất ở mỗi người, thì cuộc sống này, những tờ báo kia, sẽ viết đầy
những bài viết màu hồng.
Phạm Minh Hiền (Gò Vấp,
TP. HCM)
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét