Nhân đọc Lục Bát Thương của Trương Tri
Có những giấc mơ mà khi
tỉnh dậy ta chỉ có thể rạch ròi nhớ vài chi tiết. Cái còn lại trong tâm thức
chỉ nhạt nhòa, mông lung về một giấc mơ đẹp. Có những tập thơ mà thảy hết những
bài những câu những hình tượng trong đó ngay đang khi cầm trên tay, đọc bằng
trí óc minh mẫn mà ta vẫn tưởng mình đang lạc vào nơi cửa sóng với âm ba sương
khói, với thác ghềnh ẩn hiện vô định, vừa gợi một cái gì bất trắc lại vừa khơi
một cuốn hút liêu trai. Những bài thơ không xếp theo chủ đề. Những tứ thơ không
se thành “sợi chỉ đỏ dẫn đường”. Những câu thơ như những cánh hoa trôi, lúc ẩn
lúc hiện. Muốn cúi mình vớt lấy mà sợ sự tan biến, sợ mỗi cử động khi chạm vào
sẽ như chạm vào ánh trăng đáy giếng. Muốn hít hà hương để cảm nhận nguồn cội mà
rồi đành cứ nương theo dòng sóng bám mạn để bồng bềnh cùng bao nỗi chênh chao
khôn định. Lục bát thương của Trương Tri là tập thơ như vậy. Nó
là thơ của chiêm bao:
Thanh xuân ngày ấy đi ngang
Ngẩn ngơ thiếu nữ dạo đàn dưới trăng
…
Gánh đàn thao thức mẹ đi
Vầng trăng soi bước những vì sao đêm
(Ánh trăng, đàn và mẹ)
Không thể phân tích, chỉ có thể cảm:
Chị Đỗ thăm Huế du xuân
Phùng thị sắp đá hình nhân trưng bày
Áo nhung lam lộng màu mây
Như phong kín nét thơ ngây thủa nào
(Áo nhung lam)
Người thực chen lẫn với
cổ nhân. Không thấy bóng người thực. Cổ nhân cũng chỉ hiện hình trong hoài niệm
áo nhung lam của một thời xa lắc. Vậy mà vẫn thấy hiện hữu những sắp đặt nơi
Điềm Phùng Thị vừa lướt qua cùng gió xuân xứ Huế. Và
như thoáng phép mầu làm bừng dậy một cảnh trí quanh ta, bài Ánh lung linh:
Hương lê bát ngát rừng lê
Hoa thị trắng xóa bên tê lưng đồi
Nhật nguyệt mãi chốn xa xôi
Yêu thương ban ánh sáng trời lung
linh
Bên kia hạnh phúc là khổ đau, như
tay ta vừa chạm một phận người lỡ dở, cam chịu:
Chờ nhau biết mấy năm trời
Người đi phiêu lãng tình trôi tháng
ngày
Thanh xuân em cạn vòng tay…
(Bùi ngui rừng hạnh)
Lúc ta thấy mình trong
đám trẻ thơ quê hồn nhiên với những giấc mơ trắng trong mà lấp lóa đâu đó có
ánh trăng óng ả bên thềm, bài Buông câu tuổi thơ:
Những hôm óng ả ngoài thềm
Cơm chiều nhai vôi bỏ đèn theo trăng
Tụm ba tụm bảy ngõ làng
Buông cần tĩnh lặng sắp hàng bờ ao
Và những kỉ niệm tuổi
thơ ấy đã mãi theo bước ta đi, dưỡng cho hồn ta, trở thành chỗ trú cho lòng ta
trước sóng gió cuộc đời. Và đây, có phải không những đám trẻ ngày ấy khi khôn
lớn, sau những phiêu bạt lặm lụi mưu sinh, lúc trở về chốn cũ lại được đám mây
chiều thuở nào đón đợi, bài Chào mừng:
Chào mừng bằng hữu tìm nhau
Hàn sinh lưng gánh ngày nào còn đây
Ánh nhật quang hãy đương đầy
Mời bạn thủng thỉnh mây bay chiều
tà!
Câu thơ đã đụng được đến
một tâm thế thiền dù không thấy Phật hay Pháp. “… Thủng thỉnh mây bay chiều
tà” là Pháp của sự an nhiên tự tại, tự hòa theo Lão Tử.
Lục bát thương ít khi có
tên người cụ thể và hình dạng ai cũng chỉ thường được ánh lên trong hình tượng
cỏ cây hoa lá. Đây cũng là một cách riêng của Trương Tri:
Ngủ yên một nửa miềm vui
Đồi thị ngan ngát bùi ngùi
bước chân
Đàn ưng sải cánh phong trần
Mà thương trái chín tần ngần
nhịp bay
…
(Chim
ưng)
Nhọc nhằn em mấy bồ quân
Ngoan ngôn nào biết tình trần cùng
ai
Thùy dung vời vợi gót hài
Đồi lê năm ấy thu phai từng mùa
…
(Giận
mình)
Hạ mòn nhặt sợi thương yêu
Ngồi hong nỗi nhớ qua nhiều nắng lên
Thu phai vồi vội trước thềm
Sợi hong chưa ráo mùa mềm sang đông
Tim côi đánh mất tình hồng
Đánh rơi năm tháng theo dòng gian
nan
Mãi chờ hạ gánh nắng sang
(Chờ
hạ)
Như vậy cái vô tri của
thiên nhiên đã được nhập hồn để cùng phấp phỏng nỗi người. Sắc không là vậy.
Văn chương xuất tự
người. Người làm văn chương lấy cảm hứng thông qua sự giác ngộ. Trương Tri làm
thơ có bài vin vào tích cổ xa xôi với những Nàng Kiều, Tây Thi, Điêu Thuyền,
Hằng Nga, Chức Nữ…có bài lại cận kề cảnh quê hiện sinh bằng nong nia dần sàng,
bằng học trò quê, trẻ mục đồng. Có khi ngất ngư nơi lều cỏ:
Xin người nâng cạn vài chung
Mềm môi cứ mặc mềm lòng vì nhau
(Chia
tay ngày xuân)
Khi tiêu dao miền quê thanh cảnh
lụa:
Một túp lều lá đơn sơ
Bốn bề cỏ nội lặng lờ đồng xa
Côn trùng tấu khúc hoan ca
Tràn
mênh mang gió trăng ngà soi riêng (Túp lều)
Lúc đó tự thấy mình như một kỳ nhân
thả hồn theo chiều rơi:
Kỳ nhân độc ẩm ngâm thơ
Nắn cung đàn khúc bơ vơ trong chiều
(Kỳ
nhân biệt tửu)
Bơ vơ vì nỗi muông cầm
hoa cỏ rồi cũng đượm men nối gót vô thường, chỉ còn trơ mỗi kì nhân:
Một mình biết mấy tóc tang
Chén quỳnh cay xé lệ tràn đôi môi…
Và nhà thơ lại không đao to
búa lớn mà chỉ buông một lời:
…Không còn tri kỷ rượu sầu rầu hơn!
Một lối hành xử của
người thơ. Anh và em - Tôi và Người - Đây và Đó… ẩn mà hiện. Câu thơ cũng không
làm một ám chỉ. Nó buông từng chữ thành một phác họa:
Bóng chiều khuất lấp non tây
Đôi tà áo trắng lối này thướt tha
Vườn ai rào giậu hoàng hoa
Nương tay ngắt cánh giang hà bâng
khuâng…
(Sầu hoa vàng)
Không rõ người hái, người
đang bâng khuâng. Con sóng lòng chồm lên hất tung bọt nước nhưng không thấy
vọng âm:
Mặc con sóng bạc sủi tăm
Xa khơi hát khúc tình câm gửi người
(Trang
đài)
Những câu thơ đẹp
như một giấc mơ. Thơ không có loại thơ dành cho “Công chúng”- cái công chúng
hiểu theo nghĩa khô cứng là Tất cả mọi người. Cũng như món ăn, mỗi người
sẽ thích và chọn cho mình vài món nào đó hợp khẩu vị. Cách ăn cũng vậy, có
người ngồi vào bàn là gắp lấy gắp để rồi nhai nuốt. Có người thích nâng chén nhắp
môi, tiêu dao thư thả.
Đọc thơ cũng thế. Với Lục bát
thương, đọc kiểu nào là tùy cái tạng, cái “gu” của mỗi người. Có
thể đọc như kiểu các bà các chị đi chọn món tươi ngon chợ chiều, nghĩa là đọc
chậm, thư thả và kĩ. Hay như thi nhân đi nhặt cánh hoa rơi khi tiết trời gần
cuối xuân. Bởi khi ấy hơi xuân đã nhạt đôi phần, hoa xuân nhiều loại đã dịu cái
rực rỡ nhưng cũng là khi ta đang có một bầu không khí đầy ắp những liên tưởng,
hoài niệm – vật liệu không thể thiếu của THƠ…
Sài Gòn, tháng 4 năm 2013
Hoàng
Nguyên
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét