BS Nguyễn Đắc Thắng có mối giao cảm đặc biệt với
nhà thơ Đơn Phương
Trại phong Bến Sắn (Tân Uyên) có một người thầy thuốc đã 26 năm gắn bó
với bệnh phong. Điều đặc biệt là trong hành trình miệt mài chiến đấu cùng căn
bệnh quái ác, tâm hồn thi sĩ và sự đồng cảm sâu sắc với người bệnh đã đưa chân
người bác sĩ (BS) nghèo lạc vào thế giới của... văn chương.
Một bác sĩ yêu văn thơ
BS Nguyễn Đắc Thắng không phải là
một nhà văn chuyên nghiệp, anh chỉ là một người yêu văn thơ, một “nhà phê bình
nghiệp dư” như nhiều bạn bè thường dùng khi nói về hành trình sáng tác kỳ lạ
của anh. Sinh ra tại vùng đất nghèo cằn cỗi Tây Sơn (Bình Định), bước chân mưu
sinh đưa Nguyễn Đắc Thắng vào tận TP.HCM rồi học trường y. Để rồi cuối cùng,
định mệnh đưa BS Thắng đến công tác tại Trại phong Bến Sắn vào năm 1985.
BS Thắng khám bệnh cho một bệnh
nhân phong
Nguyễn Đắc Thắng không phải là
người thuộc thế giới văn chương, dù lúc nhỏ anh có một vài bài thơ học trò và
thuở học ở trường Y TP.HCM anh cũng có để đầu giường vài cuốn thơ. Thậm chí,
khi về công tác tại trại phong, anh còn cắn răng đốt đi những tập thơ theo lời
khuyên của một sơ làm việc tại đây. Tuy nhiên, dù công tác tại trại phong với
nhiều khó khăn và bệnh tật đến rợn người, BS Thắng vẫn cứ yêu thơ rồi lân la
sáng tác, viết truyện, phê bình văn học... Đến căn nhà nhỏ của BS Thắng nằm
khiêm tốn tại một góc của trại phong Bến Sắn, dễ nhận một điều rằng nó quá bề
bộn nhưng lại ẩn chứa một tâm hồn yêu văn chương đến lạ kỳ của anh. Nguyễn Đắc
Thắng có nhiều bạn văn chương trong quá trình vừa làm thầy thuốc, vừa làm một
nhà sáng tác. Anh có thể ngồi hàng giờ với bạn hữu yêu văn chương, lại thuộc
hàng trăm bài thơ tâm đắc. Điều đặc biệt, trong tủ làm việc của anh, bên cạnh
những sách y khoa dày cộm những thuật ngữ, con số, thống kê về bệnh phong vẫn có
riêng những góc trang trọng dành cho truyện ngắn, tiểu thuyết, phê bình văn
học, tập thơ... của bạn văn chương gần xa.
Sau 26 năm miệt mài chữa bệnh,
cứu người và gắn bó với trại phong, BS Thắng giờ đây cũng được xem là một...
thi sĩ. Tháng 8-2010, anh được trở thành Hội viên Hội Văn học nghệ thuật tỉnh
Bình Dương với nhiều sáng tác và đóng góp trong vườn văn thơ tỉnh nhà. Đặc biệt
là cuốn “Những dòng tơ” xuất bản năm 2009 được xem là có những đóng góp lớn lao
trong việc nghiên cứu, tập họp nhiều giai phẩm.
Tình thơ nảy nở giữa khô cằn
Dù tự nhận mình là một người yêu
văn thơ, nhưng BS Thắng vẫn cho rằng tình yêu ấy sẽ không thể còn tới tận ngày
hôm nay nếu như anh không có duyên kỳ ngộ cùng một người bạn thơ, một bệnh nhân
của nhà thơ Đơn Phương. Năm 1995, khi Nguyễn Đắc Thắng quyết định cùng vợ con
chuyển về ở hẳn tại trại phong thì cũng là lúc anh tiếp nhận bệnh nhân Trần
Hồng Phương, thường gọi là nhà thơ Đơn Phương.
Ban đầu, BS Thắng vẫn ngày
đêm chữa trị cho bệnh nhân đặc biệt của mình như bao bệnh nhân khác. Tuy nhiên,
đến một ngày đầu năm 1996, anh được Đơn Phương đưa cho đọc cuốn “Quần tiên
hội”. Ban đầu anh cứ ngỡ là đọc vui sau những giờ làm việc căng thẳng nhưng
càng đọc càng thích, càng tò mò. Cũng từ đó, giữa BS và người bệnh này nảy nở
mối giao cảm đặc biệt. Giữa họ có một dấu gạch nối chung: tác phẩm “Quần tiên
hội” của Hàn Mặc Tử (41 câu) rồi sau này Đơn Phương chấp bút viết thêm 659 câu.
BS Thắng nhớ lại: “Những ngày ấy
trại phong Bến Sắn khô cằn. Sống giữa rừng cây với hàng trăm người bệnh không
thể không khiến con người đôi phen nhụt chí. Nhưng may mắn cho tôi khi có một
người bạn tri kỷ như Đơn Phương. Đêm đêm tôi và anh Nam Chu cùng Đơn Phương vẫn
ngồi bình cho nhau nghe những câu thơ hay rồi gật gù tâm đắc”. Chính nhà thơ
Đơn Phương cũng lấy làm ngạc nhiên khi dần dần người bạn hàng xóm của mình trở
thành người phê bình bậc thầy cho tác phẩm “Quần tiên hội”: “Ban đầu tôi chỉ
nghĩ anh ấy nói chơi về thơ ca. Nhưng rồi đến một ngày BS Thắng đưa cho tôi xem
bản thảo những bài viết của anh về tập thơ của mình, tôi hết sức ngạc nhiên và
xúc động. Không ngờ giữa cuộc đời này lại có một BS yêu thơ đến thế”.
16 năm dọn về ở chung trong trại
phong, BS Nguyễn Đắc Thắng xem Đơn Phương là người bạn tâm giao không thể
thiếu. Bởi ngoài cái tình giữa người BS với bệnh nhân, tại nơi khô cằn, bệnh
tật, anh và nhà thơ Đơn Phương trở thành đôi bạn thơ không thể tách rời.
“Những dòng tơ” và sự thừa nhận biệt lệ
Tình yêu thơ ca và mối giao cảm
đặc biệt với nhà thơ Đơn Phương đã thôi thúc BS Thắng đi đến quyết định dấn
thân vào sưu tầm, khảo cứu và phê bình tác phẩm “Quần tiên hội” suốt từ năm
1996 đến nay. Một hành trình kỳ lạ! Là một người ngoại đạo của văn chương nhưng
với tình yêu thơ mãnh liệt, Nguyễn Đắc Thắng tự cho phép mình dấn sâu vào công
việc khảo cứu, phê bình. Đến tháng 6-2009, anh cho ra đời tập sách “Những dòng
tơ” với biết bao công sức nghiền ngẫm, cảm thông với người bạn thơ: thi sĩ Đơn
Phương.
Có thể nói, với “Những dòng tơ”,
BS Nguyễn Đắc Thắng chính thức được khoác thêm một tấm áo khoác mới như là một
sự thừa nhận của thế giới văn chương bên cạnh tấm áo blouse trắng mà anh vẫn
mặc suốt nhiều năm ở Trại phong Bến Sắn. Đọc “Những dòng tơ”, người đọc thấy
hầu như anh chẳng bỏ sót một chi tiết nào, từ tu từ, dụng vần, chọn ý; kể cả
dấu chấm, phẩy, ngoặc đơn, ngoặc kép...
Từ sự biệt nhỡn liên tài và giao
cảm với nhà thơ tật nguyền Đơn Phương, BS Nguyễn Đắc Thắng cất công nghiên cứu
và sưu tầm, tự tìm tòi sách vở học về thi luật, về gieo vần, nghệ thuật tu
từ... trong thơ để phục vụ cho công việc biên khảo của mình. Có lần, để tìm ý
dẫn chứng cho bài viết của mình, BS Thắng đã phải lục tìm tất cả các sách văn
chương trong các hiệu sách cũ từ Tân Định, Bà Chiểu, Đồng Khởi, Bến Thành...
Anh đã đi như thế gần một năm rưỡi, để cuối cùng đành tặc lưỡi: tạm được, chỉ
sợ viết không hay.
Từ vị thế của một người ái mộ văn
thơ đến vai vế của một người viết văn là một khoảng cách dài không dễ vượt qua.
Nhưng ngưỡng mộ trước thi tài và đồng cảm với bệnh tật của hai nhà thơ tài hoa
mà bất hạnh: Hàn Mặc Tử cùng Đơn Phương, BS Thắng đã trở thành một nhà phê bình
bất đắc dĩ. Sau cái sự bất đắc dĩ mang nhiều tình cảm ấy, anh đã được giới văn
nghệ sĩ ít nhiều thừa nhận. Nói như nhà văn Sơn Nam khi nhận xét về “Những dòng
tơ”: “Anh Nguyễn Đắc Thắng và Đơn Phương hiểu nhau hơn bao giờ hết. Anh đã
nghiên cữu kỹ về Hàn Mặc Tử và quá trình sáng tác của Đơn Phương, thậm chí đến
từng câu thơ, từng chữ, một cách làm việc cần mẫn. Với một bút văn lý luận chặt
chẽ, thanh thoát và phong phú như một nhà phê bình có tâm và có tầm, anh giúp
người yêu thơ hiểu hơn về Đơn Phương”.
Lý Khánh Vinh
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét