Phạm Tử Văn
Những ngày tác nghiệp
tại rốn lũ Hương Khê – Hà Tĩnh.
Tháng 10 năm 2010
“Cái xứ chi mô, bão với lũ riết”. Tiếng chậc
lưỡi ta thán của bà cụ gần bảy mươi tuổi ngồi cạnh tôi như làm cho mưa mỗi lúc
một nặng hạt. Tôi quay sang nhìn bà. Tay run
run, bà đang cố bám chắc lấy mạn thuyền đang dập dềnh trên mặt nước. Mưa hai
ngày cộng với lũ trên thượng đổ về nên cả vùng Hương Khê mênh mông nước. Dòng
nước đục ngàu cuộn chảy như muốn nuốt trôi đi tất cả những công lao bao ngày
của người dân lam lũ. Sau cái thở dài thườn thượt, bà cụ lại ngao ngán: “Kiểu
ni, chắc bỏ xứ mà đi quá”. “Mình biết đi mô, mạ”? Cô con gái ngồi đỡ bà cụ phía
sau hỏi. Ánh mắt bà cụ vẫn đang xa xăm: “Ừ, biết đi mô bây chừ? Nỡ bỏ tổ tiên,
ông bà mà đi răng”?
Tôi ngồi bên lặng im mà nghe trong tim mình
buôn buốt. Vì tháng trước, quê tôi cũng ngập trong biển nước mênh mông. Người
dân cũng phải gồng mình lên chống lũ. Và vì tôi, hình như cũng đã có một lần
mang ý nghĩ… bỏ xứ mà đi.
**-**
Thái Bình là nơi tôi sinh ra và lớn lên. Đó
cũng là nơi đã không ít lần tôi chứng kiến những cảnh tan hoang khi những cơn
bão từ biển đổ về. Bão trước đi qua chưa kịp khắc phục, bão sau lại ập đến.
Người ta lại mau chóng tìm cách chống đỡ để níu lại những gì còn sót lại.
Tôi vẫn còn nhớ trận bão năm 1996. Khi đó,
tôi lần đầu tiên mang trong đầu suy nghĩ “bỏ xứ mà đi”.
Trước hôm bão ập về một ngày, mưa đã bắt đầu
những cơn nặng hạt. Do có thông báo từ trước nên mẹ đã chằng níu lại bốn góc
của nóc nhà. Nhưng mẹ vẫn phập phồng lo. Vì mùa bão năm nay bố đi làm xa, anh
trai học cấp ba cũng đang trọ học trên huyện. Nhà chỉ còn hai mẹ con.
Mưa ròng suốt một ngày. Nước ngập mấp mé bờ
ao. Qua hôm sau, nước đã lên đến bậc thềm nhà. Bầu trời vẫn mọng nước. Gió cũng
đang vần vũ trên những ngọn cây. Mái nhà lợp bằng rạ nên một số chỗ đã bị gió
tốc ngược lên. Mẹ đội mưa bắc thang leo lên dặm lại. Nhưng được chỗ nọ thì chỗ
kia lại bị gió tốc. Ở trong nhà, tôi dùng thau nồi hứng những nơi bị dột. Nhưng
chỗ dột còn nhiều hơn những đồ chứa nước. Không còn cách nào, hai mẹ con ì ạch
chuyển đồ dùng lại chỗ khô ráo hơn. Hai con lợn ngoài chuồng cũng được mẹ đưa
vào trong nhà và để chúng nằm trên cái giường ở gian bên.
Hai mươi một giờ. Bão
chính thức đổ về. Tôi ngồi co ro trên giường nhìn ra màn đêm đen kịt ngoài sân.
Mẹ thì vẫn lõm bõm chuyển đồ dùng lên chỗ cao hơn nữa. Bên ngoài, mưa vẫn xối
xả. Gió từng hồi rít lên một cách ghê rợn. Liên tiếp sau đó là tiếng gẫy soạp
của những cây chuối ngoài vườn cùng tiếng nổ đôm đốp của mấy cây tre bị gió
quật đổ bên hông nhà.
Gió càng lúc càng mạnh, tưởng như muốn nhấc
bỗng ngôi nhà hất phăng đi nơi khác. Tôi nghe rõ mồn một từng tiếng ken két của
mấy thanh xà gồ đang bị gió vặn trên nóc nhà. Mẹ nhìn ra ngoài lẩm bẩm: “Đài
thông báo gió giật cấp 10 mà sao mạnh thế chứ? Van vái cho ông đi mau không thì
sập nhà mất”. Vừa dứt câu, hai mẹ con hoảng hồn khi một góc bên nóc mái sau bị
gió lật tung. Mưa tạt mạnh vào nhà. Hai con lợn đang nằm cũng vội giật mình ì
ét kêu lên. Mẹ và tôi lại ì ạch khiêng chiếc giường có hai con kợn sang phía
bên này. Sau đó mẹ giục tôi phải sang bà nội tránh cho an toàn.
Mẹ khoác vội áo mưa lên người tôi rồi cõng ra
ngoài. Gió tạt nước mưa vào mặt, rát rạt. Nước ngập đến bụng mẹ. Gió và nước
như muốn cản bước chân mẹ tôi lại. Mẹ khom người xuống và bước từng bước nặng
nề. Ra đến đầu ngõ, bỗng mẹ khựng lại. Trong ánh đèn pin nhập nhòe tôi nhìn về
phía trước. Đoạn ngõ chạy dài dẫn vào trong nhà bà nội đã bị gió quật bụi mây
đổ rạp hết ra ngõ. Mẹ cõng tôi quay về đi lối bên hông nhà. Nhưng lối ấy có
hàng tre dây cao vòi vọi chắn ngang. Muốn qua, mẹ phải phá ra một lỗ để chui
qua. Mẹ tìm vị trí cao cho tôi đứng soi đèn pin rồi một mình mẹ dùng sức của
hai bàn tay kéo từng cây tre sang một bên để tạo lỗ trống. Gió táp mạnh, nhiều
lần mẹ chúi theo bụi tre nhào về phía trước. Tôi nhớ đã có lần mẹ kể, cũng vị
trí này, trong đêm khuya mẹ một mình bì bõm phá lối để đưa chị gái và anh trai
sang nhà bà tránh bão. Đó là năm 1986, trong bảy ngày có hai trận bão liên tiếp
càn qua. Bố tôi khi đó cũng vắng nhà.
Sau hai mươi phút, khi người tôi đã run lên
cầm cập vì lạnh thì mẹ cũng mở được lỗ trống. Mẹ giục tôi đứng yên một chỗ để
mẹ trườn sang gọi ông nội ra giúp. Lúc sau ông đi ra. Ông đứng bên kia đỡ tôi,
còn mẹ ở bên này xốc nách tôi đẩy qua. Tôi khó nhọc chui qua cái lỗ nhỏ. Suýt
mấy lần bị mẹ buông tay vì gió kéo bụi tre rạp sang một phía. Ông cũng bị bụi
tre đè chúi xuống nước mấy lần. Rồi tôi cũng an toàn sang đến nhà ông bà sau
khi bị mấy vết xước của ngạnh tre để lại bên mạng sườn. Mẹ vẫn ở nhà, một mình
chống chọi với gió mưa.
Hôm sau, mưa ngừng, gió lặng và bão cũng đi
qua. Đứng bên hiên nhà bà nhìn về nhà. Nóc chỉ còn trơ khung, rạ đã bị gió thổi
tung đi hết. Tôi hoảng hốt định lao xuống nước đi về nhưng ông đã kéo tay lại:
“Đêm qua mẹ mày bị cây xà gồ rơi trúng người bất tỉnh. May mà ông sang kịp nên
không sao, đang nằm trong buồng với bà kìa”. Tôi vội chạy vào. Mẹ đang ngồi dựa
lưng vào tường, khuôn mặt phờ phạc. Mẹ đưa tay kéo tôi lại gần. Những vết xước
chằng chịt trên tay mẹ cọ vào má tôi, ran rát.
Hai ngày sau, nước rút hẳn. Mẹ và tôi mới đi
về nhà. Tôi đã không thể nhận ra đó là nhà mình với những gì còn sót lại. Cây
cối đổ rạp hết ra vườn. Mấy ngọn tre bị gió đánh gãy nằm vắt vẻo trên nóc nhà
trơ khung. Trong nhà, đồ đạc cũng ngổn ngang trên lớp bùn đất đặc sịt. Hai con
lợn sình bụng nằm chết chương trên giường. Mẹ nắm chặt tay tôi lặng lẽ đứng
nhìn. Có cái gì đó nóng hổi vừa rơi xuống tay tôi.
Im lặng một lúc rồi tôi khẽ giật tay mẹ: “Mẹ
ơi, bão về năm nào nhà mình cũng bị thế này. Hay mình chuyển đi nơi khác sống
đi mẹ”. Mẹ ngồi xuống cạnh ôn tồn: “Đi đâu bây giờ? Bão lũ ở đâu mà không có
chứ. Tổ tiên, ông bà mình ở đây mà con”. Mẹ lặng im một lúc rồi tiếp: “Chỉ có con
người là tìm cách để an toàn trong bão, chứ bão không tránh một ai đâu con. Các
con gắng học cho tốt. Mai này đi làm kiếm tiền, xây nhà kiên cố như nhà ông bà
nội. Bão về, nhà sẽ không bị mất nóc nữa”. Rồi mẹ mỉm cười, nước vẫn long lanh
trên viền mi của mẹ.
**-**
Ước mơ một đời của cha mẹ đi qua những mùa
bão dập dềnh đã nuôi ba chị em tôi khôn lớn. Giờ đây những mùa bão về, bố mẹ
không còn nơm nớp lo gió sẽ tốc mái đi. Mẹ cũng không phải lõm bõm khuân đồ
chất lên vị trí cao khi nước ngập. Tôi cũng không còn mang ý nghĩ bỏ xứ mà đi.
Có chăng là xa quê hương và chăm chỉ làm việc. Cho nếp nhà mình bình yên khi
mỗi mùa bão đi qua.
Phạm Tử Văn
Cô chào mừng con. Có con cộng tác trang HQN tăng thêm uy tín và phong phú hơn. Chúc con luôn thành công và hạnh phúc nhe.
Trả lờiXóadạ,con cảm ơn cô ạ. Cô cũng luôn vui và có nhiều sk nhé cô
Xóagió bão lạnh như vậy, tan nát như vậy, nhưng mình thấy có gì đó âm ấm.. cám ơn bạn
Trả lờiXóaEm cảm ơn anh đã chia sẻ nhé
Xóa