Tác giả Đào Văn Đạt
Đào Văn Đạt
Sinh năm 1973
Quê quán: Bình Dương
Quan điểm sáng tác: Viết văn đã cho tôi thêm nhiều người bạn, mà bản thân tôi luôn quý trọng thứ tình cảm không cánh này. Chính vì vậy tôi yêu văn chương như yêu bạn bè.
“Trời
mưa trời gió đùng đùng
Cha
con ông Bùn đi đánh xe trâu
Chở
hành, chở tỏi, chở rau
Vất vả
cả đời kiếm gạo từng đêm”
Mỗi khi nghe đám trẻ trong xóm hát bài
đồng dao ấy tự nhiên tôi giận và buồn vô cùng. Giận là hồi xưa tay nào đặt mấy
câu đó đúng phóc vào cái tên cúng cơm của cha tôi, Trần Văn Bùn. Làm cho đám
nhóc trong xóm cứ trời chuyển mưa là réo gọi tên ba tôi khắp làng khắp xóm. Còn
buồn là không phải tủi thân phận mình nghèo, bởi cái nghèo đối với tôi như là
sự hiển nhiên, nghèo từ lúc tôi còn ở
dưới gót chân rong ruổi của ba đi khắp các tỉnh miền Đông để mưu sinh. Cho đến
khi tôi có mặt trên cõi đời này thì mỗi ngày vẫn tối ăn khoai đi ngủ, sáng ăn
củ đi làm. Thế mà cha con tôi vẫn tồn tại giữa đất trời. Chỉ hơi chạnh lòng một
chút, là tại sao bài đồng dao của đám trẻ không ca rằng cả gia đình ông Bùn mà
chỉ có cha con ông Bùn đi đánh xe trâu. Cái động tác thường ngày quen thuộc như
trở thành cái nghiệp của cha con tôi, là đánh chiếc xe trâu đi chở đồ thuê khắp
làng, khắp xóm. Ai kêu giờ nào đi giờ đó, bất kể nắng mưa. Vậy mà mỗi khi cúi
xuống ôm mớ cần xé lên xe trâu, tôi cảm thấy chơi vơi thiếu vắng một bàn tay
của người mẹ. Nếu có mẹ bên cạnh thì dù
làm thuê làm mướn cực khổ thế nào tôi vẫn thấy ấm lòng.
Tập truyện ngắn đầu tay của Đào Văn Đạt
Một người có máu giang hồ như ba
tôi, làm đủ mọi nghề tay chân trên cõi đời này mà sao đến giờ này cũng không
tìm được một người đàn bà nào để nâng khăn sửa túi cho mình và làm mẹ của tôi,
cho dù là mẹ ghẻ. Ngó qua ngó lại trong nhà chỉ có mình tôi, hàng ngày phải
gánh chịu những vui buồn khô như ngói của ông già. Sống chung với bản chất cứng
ngắt, đôi lúc cộc cằn của ba đã cho tôi có một suy nghĩ rằng trên cõi đời này
đàn bà là tất cả. Nếu có đàn bà trong nhà thì những vật dụng vô tri như cái
bàn, cái ghế cũng sẽ sinh sôi nẫy nở huống chi là một con người. Tôi luôn ước
ao một sáng mai thức dậy nghe tiếng lục đục dưới bếp, bước xuống thấy một người
đàn bà bên nồi cơm sôi. Hình ảnh ấy thật bình thường trong những gia đình khác,
nhưng đối với tôi nó đẹp như một bà tiên.
Đàn bà đã làm gì nên tội với ba tôi mà
ông ghét cay ghét đắng. Ghét đến mức mỗi khi nghe tôi kể về bất cứ người đàn bà
nào trong xóm đem cho tôi cái củ khoai hay cây mía lao khi ông vắng nhà, là ông
đòi đá tôi văng ra đám đất cày ải. Nhiều lúc quá tủi thân, ngồi một mình ở góc
nhà mà nước mắt chảy ròng ròng. Nếu ba không ưa đàn bà thì thôi, chứ mắc mớ gì
mắng chửi tôi như con ghẻ vậy. Mà thiệt tình, nếu như bị ông đá ra đám đất cày
nằm tôi còn dễ chịu hơn phải ở trong căn nhà chật chội, lạnh tanh bếp lửa trong
những chiều vắng gió thế này. Tự nhiên tôi thèm khói bếp nhà dì Tư bán bánh bò
ở gần bên quá chừng. Hai nhà cách nhau chỉ có một hàng tre, nhưng ba tôi đối
với dì Tư như người xa lạ. Có lần ba bệnh nằm liệt giường, dì Tư nấu nồi cháo cảm kêu tôi đút cho ba ăn. Ăn
xong tôi thấy ông toát mồ hôi, có vẻ khỏe trở lại. Ông liền hỏi tôi: “Đất ơi,
con nấu tô cháo sao mà ngon quá vậy?”. Thấy ba vui vẻ cười cười dù rằng nụ cười
rất hiếm hoi trong đời, đã làm cho tôi tin rằng ông đã dễ dãi nên nói thật tô
cháo ấy là của dì Tư nấu cho ba. Tức
khắc ông đứng dậy, dẫu đầu còn choáng váng, ông bước ra hè móc họng ói ra tất
cả những thứ gì vừa nuốt vào. Chỉ tay vào mặt tôi, ông nói như tát nước: “Mày
không nấu nổi một nồi cháo cho ba mày thì mày đi ra khỏi nhà này đi! Chứ tao
không cần một ai hết”.
Quê mùa như tôi, đầu óc lại ngu mụi của
một thằng con trai thất học. Nhưng tôi cũng thừa biết tôi có trên đời này là
cũng do ba tôi với một người đàn bà nào đó sinh ra. Chứ chẳng lẽ tôi từ đất nẻ
chui lên, rồi thấy ông già đen thui đánh chiếc xe trâu chở đồ thuê trong những
buổi chiều mưa gió, vội chạy lại ôm lưng nhận làm ba của mình. Có nghĩa là trên
đời này tôi vẫn có một người mẹ. Ba tôi biết rõ điều đó, nhưng không hiểu sao
ông lại dị ứng với đàn bà. Những lúc hiếm hoi thấy ông vui, tôi đem chuyện mẹ
ra hỏi, ông lại lãng sang chuyện khác. Riết rồi chán, tôi không muốn nhắc đến
cái từ thiêng liêng “Mẹ” trước mặt ba nữa. Tôi nghe từ miệng của nhiều người
đàn bà trong xóm nói rằng tôi không có mẹ là bởi vì ba tôi quá nghèo nên mẹ tôi
bỏ đi. Lẽ nào cái nghèo đã cướp mất của tôi nhiều thứ trên cõi đời này, nay nó
cướp luôn của tôi cả tình mẫu tử sao?
Những lúc nghĩ đến sự giàu
nghèo, tôi thường cắm đầu chạy tuốt ra ruộng đến chỗ dì Tư, cô Chín với bé Ba
đang làm để ngồi nói chuyện bâng quơ. Những người đàn bà bần nông này cũng tay
lấm chân bùn nhưng không hiểu sao đến với họ tôi lại được cái diễm phúc là quên
đi sự túng quẩn trong gia đình mình. Bé Ba trạc tuổi tôi, bao giờ thấy tôi đến
nó cũng khép nép đứng sau lưng cô Chín nhìn tôi, rồi lúi húi bên bếp lửa dã
chiến với gương mặt đỏ hồng. Một lát sau trên tay em có những cái củ khoai
nướng thơm lừng để mời tôi. Khoai đó ở đâu mà nó thủ sẵn chờ tôi không biết, hay
là đời nó cũng như tôi thường ăn khoai để trừ cơm. Ở nhà mở mắt ra là thấy
khoai ngán muốn chết vậy mà ăn khoai chung với bé ba tôi lại thấy ngon, chẳng
lẽ khoai của nó có thuốc mê? Dì Tư với cô Chín thì khỏi chê, lần nào tôi đến
ngoài những câu hỏi thăm ân cần, mấy dì còn đãi tôi một bữa cơm đồng quê thật
ngon lành. Ăn cơm với người dưng tôi mới cảm nhận hết thế nào là mâm cơm đầm ấm
của gia đình. Trong lúc tôi ăn, mấy dì ngồi bên chỉ dạy tôi từ cách đi đứng, ăn
nói, cư xử ở đời hệt như một người mẹ. Khi ra về bao giờ dì Tư cũng gửi đồ cho
ba tôi. Khi thì cái nón tai bèo, lúc thì mấy cái quần đùi, hay vài cái áo thun
ba lỗ. Dì luôn căn dặn tôi: “Đừng nói của dì cho!”. Đương nhiên là tôi không
nói thì ba tôi làm sao biết được. Chính vì vậy mà trên người ba tôi luôn có sự
chăm sóc gián tiếp của một người đàn bà mà ông không hề biết. Lúc nào ông cũng
vô tư cho rằng tất cả món đồ đó là sản phẩm của những đêm giăng câu của tôi.
Đối với ba sự nghèo khổ đã đẩy ông
xạ lạ với đàn bà. Nhưng với tôi càng túng quẩn, bần hàn tôi lại càng thân thiện
với đàn bà nhiều hơn. Có những buổi chiều trong bếp lửa của cha con tôi vắng
tanh không một chút khói, nhìn ba ngồi ngoài hiên một mình buồn như ly rượu đế
đầy mà không có bạn tri kỷ. Chân tôi lại muốn chạy đến chỗ có đàn bà ở. Không
phải tôi mê đàn bà đến mức bỏ ba ở nhà một mình hiu quạnh, mà tôi lui tới với
đàn bà là muốn chia sẻ những túng thiếu, cô đơn trong gia đình mình. Biết đâu
nhờ đàn bà mà có thể hóa giải cái tính cộc cằn của ba và tôi cũng học được từ
đàn bà những đức tính mà từ cha sanh mẹ đẻ tới giờ tôi chưa từng biết đến.
Bây giờ nói chuyện với ba câu nào tôi
cũng biết dạ thưa đàng hoàng, chứ không như hồi trước trả lời nhát một. Tuy ba
không nói gì nhưng nhìn gương mặt ông tôi thấy có cái gì đó dìu dịu thật nhẹ
nhàng. Một lần ông hỏi tôi: “Ai đã dạy mày bớt đi cái thói mất dạy vậy Đất?”.
Tôi dõng dạc thưa: “Dạ thưa ba, dì Tư dạy con ạ!” Chữ ạ tôi kéo dài một đoạn
làm cho gương mặt ông bật lên một tia cười nhỏ nhoi. Tôi không biết ông cười về
cái gì mặc kệ, miễn sao có cười là tôi mừng rồi. Mấy ngày không để ý, sáng nay
bước ra cửa thấy một luống bông dừa cạn tôi trồng ra hoa tím đỏ cả một khoảng
sân. Ông lại hỏi tôi: “Ai trồng bông trước nhà mình vậy Đất?”. Tôi lễ phép
thưa: “Dạ thưa ba, con với bé Ba trồng!” Ông không nói gì lẳng lặng vác cái
xuổng ra đồng. Tôi nghe trong gió hình như có tiếng hát rất khẽ.
Những đêm trốn nhà đi chơi với đàn
bà, bao giờ tôi cũng mang về cho ba một chút dịu ngọt, một chút êm ái, một chút
ân cần mà hồi trước có nằm mơ tôi cũng không tìm thấy được ở ba. Không biết từ
lúc nào, ba bắt đầu quan tâm đến tôi. Ông thường nhắc tôi về tóc tai, cách ăn
mặc hay những vật dụng cần thiết khi tôi đã trở thành một thanh niên vừa bể
tiếng. Ông đã chịu ăn những món ăn ngon mà ông thừa biết không phải chính tay
tôi nấu. Sáng nào trước khi đi làm, ba cũng kêu tôi ôm mớ củi khô bỏ qua hàng
rào. Hỏi ba chi vậy, ông làm thinh vác cuốc đi tuốt ra đồng. Hỏi vậy thôi, chứ
tôi biết ba muốn phụ củi cho dì Tư hấp bánh bò.
Mùa gặt năm đó bé Ba rủ tôi đi
qua đồng bên cắt lúa mướn. Chuyến đi có thể kéo dài cả tháng. Ngày hôm sau
trong bữa cơm chiều, tôi mở lời xin phép ba: “Thưa ba, mùa lúa này ba cho con
đi làm ăn xa với người ta nghen ba!”. Ông nhìn tôi hồi lâu rồi nói: “Con đi một
mình liệu có ổn không?”. Tôi thưa: “Dạ con nay đã lớn rồi, vả lại con đi
với…..”. Tôi định nói tôi đi với bé Ba, nhưng nghĩ lại liệu tôi đi với đàn bà
con gái, ba có thích và đồng ý cho đi không? Nên tôi đành nói dối ba là tôi đi
với anh Sáu. Im lặng một hồi lâu, ba đồng ý, nhưng tôi biết từ đây ba tôi bắt đầu buồn. Cha con bấy lâu gắn
bó, tuy hai suy nghĩ có khi bốc đồng với nhau. Nhưng những đêm mưa dầm nằm nghe
gió rít từng chập ngoài hiên, tôi chợp mắt trong phập phồng lo sợ. Thức giấc
thấy mình nằm gọn trong vòng tay che chở của ba, lúc đó tôi cảm thấy thật bình
yên và tình phụ tử thiêng liêng rộn mãi trong tôi hơn bao giờ hết. Lần này tôi
bỏ ba đi không biết có thật sự là đi làm ăn hay tôi đi tìm một người đàn bà cho
riêng mình, nếu vậy thì tôi thật là ích kỷ với ba, nhưng khi nhìn thấy bé Ba
đứng chờ tôi ở ngoài bờ đê là chân tôi lại muốn bước ra khỏi căn nhà nhỏ bé và
buồn tẻ này.
Ngày tôi từ giã ba khăn gói lên
đường, ra tới đầu xóm, bé Ba đã đứng đó chờ tôi từ lúc nào, nó đưa cho tôi cái
nón rộng vành rồi nói: “Đội đi, để bớt cái đen đúa trên gương mặt lì lì của
anh!”. Rồi em đưa tay tháo cái túi tôi đang mang trên vai để xuống đất xếp lại
gọn gàng. Nhìn bé Ba lo cho tôi từng li từng tí hệt như một người mẹ hay một
người chị. Mà không. Nhìn ánh mặt thẹn thùng của bé Ba tôi mới chợt nhận ra tôi
và em có mối thân tình gì đó lạ lắm!
Mặt trời đã lên khỏi hàng cau, hai
đứa tôi bắt đầu rời xóm. Trước khi đi tôi quay đầu nhìn lại ngôi nhà thân quen
của mình lần nữa. Thấy bóng ba ở ngoài sân dõi mắt theo hướng tôi đi, dáng
người liêu xiêu thật cô quạnh. Tôi đứng lại nhìn thật lâu chợt thấy mình có lỗi
với ba. Phải chi giờ này có một người đàn bà nào đó ở bên cạnh ba thì bước chân
ra đi của tôi có lẽ vững vàng hơn. Chợt ánh mắt tôi sáng lên khi nhìn thấy phía
sau hàng tre có bóng dáng của dì Tư đang lom khom ôm củi vào nhà. Với tài nấu
nướng của dì, tôi tin chắc rằng rồi đây khói bếp của hai nhà sẽ tỏa mãi trong
những buổi chiều vắng gió...
Đào Văn Đạt (Bình
Dương)
Chào ĐV Đạt. Buồn quá khi xem Truyện của ĐVĐ. Mình cứ liên tưởng đến Ông bố trong "Cánh đồng bất tận" của Nguyễn Ngọc Tư. Có lẻ sẻ quang dần đám mây ...và rồi mình cũng sẻ thông cảm thêm cho nỗi buồn ấy của cha !
Trả lờiXóaChúc Đạt viết khỏe nhé. Thân mến.
Em viết hay lắm! Chị rất thích bài viết này!
Trả lờiXóaRất cảm ơn anh Trần Hữu Hội và Chị Nguyễn Thị Mây đã đọc truyện của em và có vài dòng chia sẻ. Hạnh phúc lớn nhất của người viết là được anh, chị bạn bè góp ý và ca ngợi tác phẩm của mình. Rất mong được học hỏi nơi anh chị nhiều hơn nữa. Chúc anh chị luôn thành công trên mọi lĩnh vực.Kính!
Xóa