Hoàng Thị Nhã
Hoàng Thị Nhã
Sinh năm 1994
Quê quán: Hải Dương
Sinh viên trường Đại
học Công nghiệp Hà Nội
Ngoài cửa sổ lờ mờ
sáng, lá cây nhuốm màu xanh lục đen vì màu của bóng tối khẽ rung rung. Tôi nhận
ra ngoài trời đang có cơn mưa nhẹ. Đã một đêm nằm suy nghĩ rồi thiếp đi lúc nào
không hay. Những khung cảnh ngoài kia như thúc giục tôi rằng: Dậy đi! Dậy đi!
Tôi hiểu rằng ngày mới lại trôi qua nếu tôi không bắt đầu công việc của mình.
Điều đó lại càng làm
tôi nhớ người thầy đã dạy tôi. Lòng tôi trăn trở băn khoăn, bao kỉ niệm ngày
xưa không thể trôi theo những giọt nước mưa vô tình rơi tí tách ấy được. Tôi
nhớ về thầy với đôi mắt sâu và một nụ cười hiền hậu mà ngoài bố mẹ ra, tôi mới
chỉ tìm thấy ở người thầy. Mọi thứ đưa tôi trở về ngày xưa, một miền kí ức, nếu
lật giở từng trang hẳn sẽ có trang tôi làm nó nhòe đi vì nước mắt, có những
trang tôi sẽ đánh dấu bằng những nụ cười hồn nhiên trong trẻo nhất.
Thầy ơi! Những lời
thầy dạy con như giọt mưa kia thấm sâu vào đất, có thể một ngày, một năm, thậm
chí chục năm, đi trên con đường đời bằng đôi chân con mới hiểu được và áp dụng
tốt nó.
Trở lại tiết học của 8
năm về trước. Mấy đứa nộp bài nhanh nhất, thầy luôn hỏi chúng tôi chắc chưa mà
đã nộp bài, thầy cười với lũ học trò chúng tôi rằng: “Nhớ nhé! Khi đã nộp bài
đồng nghĩa với việc “bút sa gà chết”!”. Câu này nghe quen quen bởi nó phải là
“cóc sa”. Vậy mà thầy tôi thì luôn thế. Thầy thay đổi ngôn từ đặc biệt để chúng
tôi nhớ lâu hơn. Nộp bài đồng nghĩa với việc chúng tôi được ra chơi.
Lớp học tôi nhắc tới
là lớp học thêm nhà thầy. Ra chơi, chúng tôi túm tụm với nhau bày ra đủ trò.
Nhớ nhất cái dạo chơi trốn tìm, vội vã tìm chỗ nấp mà ông cu Thắng làm vỡ luôn
chậu hoa nhà thầy. Mẹ thầy ra nét mặt tức giận, may mà thầy nhìn thấy ra nói đỡ
cho chúng tôi: “Mẹ! Học sinh của con để con khuyên bảo!” Đỡ bạn tôi dậy, thầy
bảo: “Em không sao là may rồi!”. Chúng tôi mấy đứa mắt tròn mắt dẹt ai cũng
xanh lét. Vậy mà khi vào lớp thầy không một tiếng nặng lời.
Hôm ấy trời cũng lại
mưa! Giờ ra chơi tôi thấy thằng cu Hân leo lên cây nhãn bên nhà hàng xóm của
thầy bẻ xuống bao nhiêu cho cả lũ con gái chúng tôi. Bẻ trộm nên mặt đứa nào
cũng lấm lét. Vào lớp học được lúc thì người hàng xóm sang gọi thầy nói to nhỏ
đủ làm chúng tôi hiểu ra sự việc. Vừa sợ, vừa mừng thầm trong bụng là người ta
chẳng biết ai trèo hái đâu. Ấy thế mà khi người hàng xóm ra về, thầy bảo:
- Cả lớp đứng dậy! Trò nào đã hái trộm nhà bác
bên cạnh thì “được” ngồi xuống!
Cả lớp trố mắt nhìn
nhau, vì nếu không có ai ngồi thì sẽ phải đứng tới sáng mai cũng nên! Năm phút
trôi đi không ai dám ngồi xuống. Thầy đang định hỏi lại lần nữa thì cu Hân tách
ra khỏi bàn đi về phía bục giảng nhận lỗi. Thầy không mắng chỉ nhắc cu Hân đi
theo thầy sang nhà người ta xin lỗi. Quay về lớp, thầy nhắc nhở chúng tôi rằng
hôm nay cả lớp đã có lỗi. Bài học hôm ấy thầy đã dạy chúng tôi không chỉ đơn
thuần là những phép toán, những hằng đẳng thức mà là bài học sâu sắc làm
người. Rằng, khi mắc phải sai lầm, điều quan trọng nhất là phải biết nhận lỗi
và sửa chữa nó. Khi lớn lên một chút, tôi đã vỡ lẽ ra điều này.
Còn nhớ, sâu trong đôi mắt người thầy giáo trẻ ấy là một thứ gì đó sâu sa, trầm
lắng. Đồng thời nó cũng chứa đựng tình yêu thương với lớp học trò chúng tôi,
gieo vào tâm hồn chúng tôi một hạt giống, ươm một mầm xanh tốt nhất cho đời.
Thầy tôi tuổi đời còn rất trẻ, nhưng vì căn bệnh viêm gan tai quái nào đó, thầy
tôi chẳng có được giọng nói sang sảng như bao người thầy khác. Thầy nói nhẹ
nhàng, truyền cảm cho lũ học trò nghịch ngợm chúng tôi đủ nghe rõ hiểu bài.
Tôi nhớ thầy ở buổi học cuối cùng trước khi về nghỉ hè và bước vào kì thi
chuyển cấp. Vẫn lớp học ấy mà sao mọi thứ rưng rưng lạ thường làm tôi và các
bạn chỉ muốn òa khóc. Nhớ những buổi đầu tiên bước vào lớp cấp hai được học bài
văn “Tiết học cuối cùng” mà chúng tôi nuối tiếc thời tiểu học và cảm giác ta đã
lớn rồi đây. Và giờ đây, khi sắp sửa thi vào ngưỡng cửa cấp ba, sau bao lời dặn
dò kĩ lưỡng, tiết học kết thúc, thầy trầm lắng nói câu: “Các con đi đi!”. Chẳng
cần nói quá nhiều nữa nhưng đọng trong câu nói chia tay cuối cùng làm cho chúng
tôi đủ hiểu kì vọng của thầy vào lớp học trò chúng tôi làm hết sức mình có thể.
Một trong những lời nói của thầy mà chúng tôi nhớ mãi. Chúng tôi luôn suy nghĩ
đơn giản học để cho gia đình, bố mẹ tôi thì nói học để ấm vào thân. Nhưng thầy
khác, thầy nói học không chỉ cho chúng ta mà học thay cả phần của anh cha ta đi
trước đã đổ máu xuống cho ta cái sự học bây giờ. Trong lớp học thêm đầy tình
thân thầy trò ấy, tạm biệt người thầy giáo trẻ nhưng đầy nhiệt huyết, chúng tôi
bước ra, mỗi người một phía! Rồi đây trên mọi con đường đời chúng tôi bước đi,
sải chân lớn hơn thì sức lực ấy đã mang trong mình tâm huyết người thầy.
“Các con gắng hiểu những lời thầy đã dặn, đừng để nó vô tình như những giọt mưa
sa!”
Hoàng Thị Nhã (Hải Dương)
Một bài viết ghi lại những tình cảm nặng lòng của người học trò nhỏ đối với người thầy của mình.
Trả lờiXóaTác phẩm dễ thương, làm người đọc cảm thấy xúc động khi nhớ về thời học trò của mình.
Trả lờiXóaBài viết thật hay, dễ thương làm cho người đọc quay về với tuổi học trò, bao cảm xúc chân thật hiện rõ trên bài tùy bút của tác giả Hoàng Thị Nhã. Chúc Vui.
Trả lờiXóacảm ơn lời nhận xét. Nhã sẽ cố gắng có những bước đi tốt hơn trên con đường văn học :)
Xóa