Nhà thơ Đinh Hùng
1. Năm
1971, tốt nghiệp Đại học Văn Khoa Sài Gòn, tôi về dạy Văn tại trường trung học
ở quê nhà. Sau gần 40 năm dạy học, về hưu nghỉ tại vườn nhà ở quê, được sống
với bà con thân thương, và nhiều dịp gặp gỡ các lớp học sinh cũ tóc giờ đã bạc.
Lớp học sinh lớn tuổi của những năm đầu (trước 1975) bây giờ là những quan chức
tầm cỡ, những doanh nhân thành đạt, những thầy cô giáo kỳ cựu, những người lao
động bình thường…đã là ông (bà) nội, bà (ông) ngoại, gặp lại tôi vẫn nắm tay
mừng rỡ, nhắc lại kỷ niệm ngày xưa học văn với thầy, và bài “Cảm thu” thầy
giảng, không sao quên được! Có người còn chứng tỏ bằng cách đọc cả một đoạn văn
dài. Chắc tại bài văn hay quá, nên có nhiều học sinh nhớ dai đến thế!
Giờ đang là mùa thu,
sắp tựu trường rồi! Lại nhớ những ngày xưa dạy học nên tìm đọc lại “Cảm thu”
năm nào tâm đắc!
2. Cảm thu
Thu năm
nay, tôi lại đi trên con đường vắng này nghe từng chiếc lá rơi trên bờ cỏ...
Nước trong như một cặp mắt tuyệt vời. Những cây liễu xanh đứng buồn như những
nàng cung nữ thời xưa, và trong vườn nhà ai thấp thoáng, hoa phù dung nở trắng
như một linh hồn còn trẻ?
Nắng ở đây vẫn là nắng ngày xưa và linh hồn tôi vẫn là linh hồn tôi năm trước.
Tôi vẫn ngờ như không sự thay đổi, vì lại thấy mình đi trên con đường này, thu
năm nay, giữa lúc cây vàng rơi lá. Ðường này hiu hắt, tôi đem lòng về để gặp
mùa thu thương nhớ cũ, và may cũng thấy thu về để nước hồ xanh. Chân ai đi xa
vắng đằng kia, hay đó chỉ là gió thoảng mong manh? Và gió nào vương vấn hồn
tôi, hay cũng chỉ là dư thanh của một ngày xưa cũ? Chao ôi! Buồn lại nhiều rồi,
nhưng chỉ buồn như năm trước. Lòng tôi chẳng biết tìm ai mà nhớ, hôm nay nhớ
lại buồn qua mới thấy nắng kia nhiều dĩ vãng.
Tôi nhớ một người lữ khách nào xưa, ra đi từ một mùa thu... Thế rồi cũng một
mùa thu trở lại những bước đầu tiên trên con đường bạn, mắt buồn như nước, mảng
tìm hồn mình hiu hắt trong hồn thu mới...
Thu đã về đây, tôi làm lữ khách đi hết sông này, sông khác, cả núi, cả đèo và
lại cả rừng, cả suối, bây giờ tôi cũng về đây để buồn thêm một ít, nhớ thêm một
ít, và yêu thêm rất nhiều.
... Từ hôm rời chân ở bến sông vàng, từ biệt con thuyền phiêu bạt, tôi đã hết
nhớ dãy núi xanh phơn phớt đằng xa và bâng khuâng trở lại con đường quê thân
mật.
Ði trên đất đỏ, giữa hai ruộng ngô thơm nghe ngào ngạt.... Hương này có phải
hương xưa? Ồ! Những dây đậu vẫn còn non mà luống khoai lang đã xanh tươi
rồi nhỉ?
Ði trên
đất đỏ, bên những đồng rau cải cúc và giẫm lên cỏ may vàng. Ðây là những con
bướm cũ, những cánh hoa xưa. Và này đây tất cả ngày xưa: từng cơn gió nhỏ, từng
sợi mây buồn...
Thôi! Thôi! Tôi không còn trẻ thơ nữa để say sưa đuổi bắt bướm đồng, và chẳng
ngắm gió sầu mây, chỉ hoa lòng nở cũng nhiều bông trắng!
Thương nhớ vì sao! Tôi sớm giã từ hồn niên thiếu, hôm nay đi giữa cánh đồng lại
thấy tuổi nhỏ của mình tản mạn trên từng cánh bướm, sắc hoa, và chân bước đi
những bước ngậm ngùi, bởi chưng lòng tưởng con đường tan tác cánh hương của đóa
xuân hồng thuở cũ.
(Đinh Hùng)
Đây là phần đầu một
bài tùy bút vốn không đề của thi sĩ Đinh Hùng (1920 – 1967), nói lên nỗi cảm
hoài trong một mùa thu sang. Một áng văn “cảm thu” đặc sắc cả về tình ý lẫn
điệu văn.
Thời gian và không
gian của mối tình hoài được xác định rõ: “Thu năm nay, tôi lại đi trên con
đường này, nghe từng chiếc lá rơi trên bờ cỏ”. Nhà thơ tìm về quê hương, như để
quên đi một dĩ vãng không vui, kiếm tìm những cảm xúc mới. Với những hình ảnh
quen thuộc: nước trong,
cây liễu xanh, hoa buổi sáng nở trắng, nắng , gió, lá vàng rơi, mảnh hồ xanh và bằng nhạc điệu du dương, nghệ thuật so sánh, ẩn dụ tài
tình, tác giả đã vẽ nên một bức tranh quê có sức hấp dẫn sâu xa, biểu hiện được
mối hòa nhập giữa cảnh thu buồn và một tâm hồn cô đơn.
Từ hiện tại với cảnh
quê thân mật (tượng trưng cho thời hoa mộng tuổi thơ) tác giả nhớ về thời phiêu
bạt vừa qua: “...tôi làm lữ khách đi hết sông này, sông khác, cả núi cả đèo, và
lại cả rừng cả suối…”, để “bây giờ tôi cũng về đây để buồn thêm một ít, nhớ
thêm một ít và yêu thêm rất nhiều”. Thật cảm động khi tác giả nhìn màu đất đỏ
của con đường bên ruộng ngô mà cảm nhận mùi “thơm ngào ngạt”, để hoài niệm
“Hương này có phải hương xưa?” Mới đấy, mà rất cũ, cảnh vật có đổi thay nhưng
hồn quê cũ không hề phai mờ trong ký ức: “Đây là những con bướm cũ, những cánh
hoa xưa. Và này đây tất cả ngày xưa: từng cơn gió nhỏ, từng sợi mây buồn…”.
Nhịp văn dồn dập như hằn sâu nỗi niềm bâng khuâng, kinh ngạc, sôi nổi, sung
sướng trong tâm trạng người về, bắt gặp lòng mình lắng sâu trong làng quê quen
thuộc.
Về cuối, ta thấy hình
ảnh một con người thấm sâu nỗi buồn tiêc những gì đã qua, không sao tìm lại
được. Một câu hỏi thảng thốt: “Thương nhớ vì sao?” Vì mùa thu gợi nhớ
“tuổi nhỏ của mình tản mạn trên từng cánh bướm, sắc hoa”, nhưng sao có lại được
“và chân bước đi những bước ngậm ngùi, bởi chưng lòng tưởng con đường tan tác
cánh hương của đóa xuân hồng thuở cũ”.
Đọc đoạn văn, ta như bắt gặp hồn mình đang
bay bổng cùng hồn thu hiu hắt. Thực ra tâm hồn, nhất là tâm hồn thơ trẻ làm gì
có hình ảnh, có màu sắc để ta nắm bắt hay nhìn ngắm được. Chỉ thông qua những
hình ảnh quê hương quen thuộc hằn sâu trong tâm tưởng, gợi lại trong hiện tại
mới thấy được bức chân dung trong trẻo, sáng trong của “một linh hồn còn trẻ”.
Ðinh Hùng cho ta cảm giác giáp mặt với linh hồn thơ trẻ mà thời gian đã tàn
nhẫn cướp đi và để lại nỗi ngậm ngùi với những dư âm thảng thốt, những
mùi hương phai tàn, bay theo từng cánh bướm, sắc hoa, mây gió và “chỉ biết hoa
lòng nở cũng nhiều bông trắng”.
Một tùy bút mà từng
hình ảnh, câu chữ trôi theo dòng cảm xúc, gắn bó thiết tha với nỗi niềm riêng.
Nhờ sức gợi, sức cảm đặc biệt, mà tâm tình riêng của nhà thơ như xoáy sâu, hòa
nhập vào tâm hồn chúng ta, cái riêng hòa vào cái chung, và trôi chảy êm xuôi
như một dòng sông đưa nước về biển cả.
3. Hình như ngày
trước tôi đã miên man bình giảng cái hay, nghệ thuật đặc sắc của bài văn này
trong vài giờ liền. Bây giờ không phải là phân tích, mà là cảm văn theo lối
“cảm thu” của Đinh Hùng. Già rồi, nên sức cảm yếu lắm, không còn sôi nổi như
xưa! Sống ở nhà quê, trong mùa thu này, tôi đồng cảm rất sâu với những ý tình
mà nhà thơ muốn nói. Khác chăng là nơi người cảm thụ không có nỗi buồn, nỗi
khắc khoải của người lữ khách trong lần qui cố hương năm nào. Nhưng biết đâu
đấy, trong đáy sâu tâm hồn mình vẫn còn chút gì “dợn dợn” sầu, mà mình chưa hay
biết? Ôi, cũng là một kiếp người mà thôi!
12.8.2013
Huy
Nguyên
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét