Cây bút trẻ Phạm Tử Văn
- Người già đâu mấy ai
đủ sức để đợi những lời hứa hẹn của con cháu trở về. Con ráng thu xếp công việc
rồi về đi, một ngày cũng được. Bà nội cứ nhắc con không à. Hơn hai năm con
không về rồi còn gì nữa.
- Con… con xin lỗi…
- Mẹ sẽ còn phải nghe bao
nhiêu từ xin lỗi ấy nữa đây? Con hứa nhưng không thực hiện, sau đó thì xin lỗi.
Hay mẹ gửi vào cho con cây roi mây của ông nội nhé?
Từ đầu điện thoại bên kia,
mẹ im lặng không nói thêm gì. Nhưng có tiếng thở dài rất khẽ vọng lại. Tôi tự
nhiên thấy rưng rức nơi lồng ngực. Hình ảnh cây roi mây của ông nội lại hiện
ra, vàng coóng đến nhói lòng.
****
Ngày ông nội mất, tài
sản quý giá nhất mà ông để lại cho con cháu là cây roi mây cùng những bài học
làm người hữu ích. Trong giây phút lâm chung, ông đã trăng trối: “Đồ của tao,
tụi bay vất bỏ thứ gì cũng được nhưng cây roi mây thì ráng mà giữ. Treo nó trong
nhà, ra vào trông thấy nó, còn nhắc nhau sống cho tốt. Đừng để bà con lối xóm
phiền hà, đặng dưới kia, tao cũng không yên lòng được”. Vậy nên sau khi ông đi,
bố tôi đã treo cây roi mây ở nhà thờ. Mỗi lần con cháu tới thắp hương, đều
trông thấy cái hình ảnh vàng vàng, cong cong của cây roi ấy.
Theo
như những gì bà nội tôi kể thì cây roi mây đó có từ khi bố và các cô chú tôi
còn rất nhỏ. Trong số những người em của bố thì người chú giáp út rất hiếu
thắng. Một lần, chỉ vì chuyện cái bút đẹp với không đẹp, chú đã đánh cho bạn
mình đến chảy máu đầu. Buổi tối, phụ huynh của người kia đến nhà chửi xéo ông
bà, nói là quân mất dạy, vô giáo dục. Ông gầm gừ nhìn chú rồi lẳng lặng ra vườn
chặt cây mây, tróc vỏ mang về. Ông bắt chú nằm úp xuống sân, ngay trước mặt bác
phụ huynh kia. Giọng ông sin sít: “Học làm người không học, muốn làm quân mất
dạy hả? Tao đánh coi mày chịu nổi không mà mày đánh con người ta như vậy”. Rồi
ông giơ cao cây roi lên, thẳng tay vụt tới tấp xuống. Chú tôi khóc thét lên,
van nài ông tha tội. Mọi người thì sợ hãi đứng nhìn, không ai dám vào can.
Kể
từ đó, mỗi khi các con phạm lỗi bất kể lớn hay nhỏ, ông đều dùng cây roi mây để
giáo huấn. Bố tôi cũng bị ông đánh một lần vì bất cẩn để lửa bén ra ngoài khiến
bếp bị cháy. Mọi người trong xóm bảo ông ác. Nhưng ông chỉ tặc lưỡi: “Mỗi cây,
mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh. Không ác với chúng thì sau này chúng sẽ ác với đời
thì ai chịu”?
Sau
này, khi con cái đã khôn lớn, ông không dùng roi mấy để trị nữa. Nó được chuyển
giao cho bố tôi và các chú.
Lần
tôi bị bố đánh đầu tiên và cũng là duy nhất là năm tôi học lớp 4. Khi tan học,
tôi không về nhà ngay mà ra sông tập trận cùng lũ bạn trong lớp. Đến tối mít
tôi mò về thì mọi người trong nhà đang dáo dác đi tìm. Bố rất giận nhưng vì mới
lần đầu phạm lỗi nên bố chỉ dứ dứ cây roi vào người rồi nhắc nhở. Tôi cũng hứa với
bố sẽ không tái phạm nữa. Nhưng đến hai ngày sau, tôi lại ham chơi quên mất giờ
về. Lúc bố lôi vào nhà, tôi vừa khóc vừa mếu máo nói lí do thăm bạn ốm ở xóm
bên nên mới về muộn như vậy. Nhưng thật xui xẻo cho tôi bữa đó, đúng lúc bố tôi
định tha tội thì người bạn kia tung tăng chạy qua nhà mượn sách mà không có
biểu hiện của ốm đau. Biết tôi nói dối, bố càng giận hơn. Mặc cho tôi van nài
khóc lóc, bố tôi vẫn lấy cây roi mây treo trên cột xuống rồi ấn tôi nằm sấp
xuống nhà. Giọng đanh thép, bố tôi nạt: “Mới tí tuổi đầu đã học thói dối cha,
lừa bạn. Như vậy sau này còn ai tin tưởng nữa, hả”? Vừa dứt lời thì lằn roi mây
từ tay bố cũng hằn lên trên mông tôi. Rồi liên tiếp những roi thứ hai, thứ ba.
Khi tôi tru lên khóc thì bố quát: “Im”. Sợ hãi, tôi bặm môi lại thật chặt. Từng
tiếng ư ử giữ lại ở cổ họng. Bố lại rành rọt từng tiếng: “Oan ức lắm mà khóc hả?
Khi sinh ra, mày đã khóc còn mọi người đã cười. Bây giờ mày phải sống sao cho
đến khi nhắm mắt nằm xuống, mày sẽ cười còn mọi người sẽ tiếc thương mà khóc
chứ”. Rồi lại thêm tiếng vun vút bổ xuống. Tôi nhắm nghiền mắt lại nhưng lần
này nhẹ tênh. Tôi he hé mắt, ngoái lại sau nhìn. Ông nội tôi đang chắp tay đứng
bên cạnh bố. Tôi làm bộ khóc to lên.
Sau
lần ấy, tôi không dám phạm thêm lỗi nào nữa. Và theo thời gian, cây roi mây cũng
đã cùng tôi lớn lên với những bài học làm người bố dạy. Hình ảnh vết hằn của
làn roi mây đã luôn bên tôi, cả trong những tháng ngày tôi xa quê sống giữa đất
Sài Gòn náo nhiệt. Tự sâu thẳm lòng mình, tôi vẫn luôn trân trọng, cảm ơn những
lằn roi ấy. Nó đã luôn nhắc tôi phải sống tốt giữa những bon chen, toan tính
của phố phường.
*****
Nhưng
tôi đã trở thành người thất hứa với bà nội của mình. Với hai năm quay cuồng
giữa cuộc sống phố thị, nhiều khi quay quắt nhớ nhà nhưng những nỗi lo của đời
sống thường ngày lại cuốn tôi lao đi. Vậy nên những lời hứa về thăm nhà, thăm
bà nội lại đành bỏ ngõ. Giá như khoảng cách giữa Sài Gòn và Thái Bình chỉ là
một bước chân thì hay biết mấy.
Chiều
nay đi làm về, mẹ lại gọi điện vào. Bà ốm nhưng vẫn cố đi ra đầu ngõ đứng ngóng
chuyến xe Bắc- Nam chạy qua nhà. Cây roi mây trong
tay của bà như run rẩy. Tôi đã như chết lặng khi nghe mẹ nói vậy. Hai từ xin
lỗi, tôi cũng thể bật ra như mọi lần. Phải hồi lâu sau, tôi mới bật ra được
tiếng nấc:
-
Vâng, sáng mai con sẽ về. Chắc chắn là như vậy. Mẹ nói với bà vào nhà nằm dưỡng
sức, để mai con về, bà quất cho con vài roi, mẹ nhé…
Phạm Tử Văn
Đọc di đọc lại mãi vẫn thấy hay và cảm động lắm con. Có những chiếc roi cho chúng ta tình yêu thương nữa. Chúc con thành công nhé.
Trả lờiXóaCon cảm ơn cô Mây đã chia sẻ ạ. Cuối tuần vui nhé cô!
XóaBài viết chân thành, đầy xúc cảm sâu lắng về tình yêu thương gia đình qua hình ảnh “chiếc roi mây của nội” rất sắc nét, làm người đọc... cảm động! Xin chúc mừng Tử Văn nhé!
Trả lờiXóaXin chân thành cảm ơn Nguyen Ngoc Tho đã chia sẻ với bài viết của Văn nhé. Chúc Ngoc Tho nghỉ lễ vui nhé
Xóa