Trong suy nghĩ của tôi, từng là
cán bộ cao cấp thì việc nâng niu một con chó đắt giá là lẽ thường tình. Đắt giá
chắc chắn phải là giống quý hiếm. Cứ coi như thú chơi của tao nhân sau ngày làm
việc căng thẳng, mệt mỏi. Ông Nam
thuộc diện người như thế. Nhưng dần dà, tôi nhận thêm ra rằng, ông còn hơn thế,
vượt trội sức tưởng tượng của tôi.
Nói về chó, tôi không rành,
nhưng phải thừa nhận Rắcki - con chó của ông Nam quá đẹp. Đẹp thật đặc biệt. Ông
cho hay rằng, Rắc là giống thuần chủng xuất xứ từ vùng trung du nửa ôn đới nửa
nhiệt đới thuộc miền Nam
nước Tây Ban Nha. Trọng lượng không thay đổi suốt đời của Rắc khoảng 3 kilôgam.
Rắc mặt tròn, mắt xanh, nhìn vào có cảm tưởng như đang dầm mình giữa biển xanh
dào dạt của trời Âu. Mũi tẹt, nói đúng hơn không khác một quả cà chua bao tử tí
tẹo vẫn thường bày bán nhiều ở Madrit - Thủ đô Tây Ban Nha. Đôi tai của
Rắc giống bàn tay xoè cỡ người lớn, lúc nào cũng ngoan ngoãn rũ xuống như tai
voi, mềm mại và óng vàng. Nần nẫn, lớn bằng cái chén tống, có khía chẻ theo
móng vuốt, đó là bàn chân của Rắc. Nổi bật nhất là bộ lông màu xám bạc điểm những
chấm đen trông như những cúc áo, trừ hai tai như dát vàng, có lẽ tạo hoá đã lọc
lựa từng sợi “tơ lụa” rồi kết công phu lên thân thể Rắc, trông nó thật điệu
đàng, phù du lại vừa khí phách, phong trần.
*
Một hôm, tôi được vợ chồng ông Nam mời
cơm. Quanh bàn ăn còn có thêm một vị khách nữa. Anh ta trạc tuổi bốn mươi lăm,
bốn mươi bảy gì đó, da đỏ hồng, các thớ thịt đều căng như bắp chuối tươi. Nếp
tóc bồng bềnh sóng của anh ta thật hợp với bộ comple màu sáng được may cách tân
cho lớp công chức khá giả đã luống tuổi thời nay. Mõm giày loáng bóng, đến nỗi
có thể nhìn thấy được một vài cảnh vật bên ngoài. Màu vàng là gam chủ đạo trên
người anh ta. Trước tiên là dây chuyền vàng, rồi đến đồng hồ màu vàng, tiếp đến
nhẫn vàng đeo trĩu mấy ngón tay. Cho đến khi anh ta đặt cái móc khoá và chiếc
điện thoại di động lên bàn cũng màu vàng nốt thì ý nghĩ trên đây của tôi hoàn
toàn chính xác.
- Đây là anh Thưởng, trước làm
trợ lý cho tôi - Ông Nam
giới thiệu khi mấy cái ly sực mùi Hennessy cụng lạch cạch vào nhau.
- Anh Thưởn chứ ông! - Vợ ông Nam nói.
Ông Nam dốc trọn ly rượu, khà nhẹ một
cái rồi hắt tay:
- Thì đúng là Thưởn, nhưng nghe
nó ngang ngang thế nào ấy. Gọi Thưởng cho nó...
- Dạ, cho nó có lộc ạ! - Thưởng
đỡ lời - Cái gì cũng được “thưởng” cả thì thật là tuyệt!
Cả nhà cười vui vẻ.
Hôm ấy có khăn ăn lạnh. Mỗi người
bóc khăn mỗi cách. Nhưng cách bóc khăn của Thưởng hiếm khi tôi thấy. Thưởng
dùng ngón tay trỏ và ngón cái siết chặt ở giữa, đến độ nilon phồng căng lên như
hai quả trứng ở hai đầu. Rồi rất nhanh, anh ta dùng bàn tay trái vỗ mạnh. Hai
tiếng nổ phát ra khiến bà Nhân vợ ông Nam né người như tránh đạn. Ông Nam tỏ
ra khoái lắm, cười ừng ực, khen Thưởng sành điệu. Điều đáng nói là bấy giờ Rắc
đang thưởng thức món nem chua trên chiếc ghế tựa dành riêng cho nó, đang khi nó
nhai chèm chẹp thì Thưởng vỗ khăn, thế là cu cậu giật mình, nhảy tót lên bàn
ăn, làm nước canh nước chấm hắt vung vãi. Bà Nhân tỏ ra bực bội lắm, gắt: “Ôi
dào, chó với má của ông kìa! Nét ăn đã xấu, nét ở còn tệ hơn! Nó quý ở điểm nào
nhỉ?”. “Thế chị không biết thật ạ?” - Thưởng húp một môi nước canh, súc miệng,
nuốt đánh ực, tiếp: “Mũi như quả cà chua bao tử này, móng vuốt hổ này, lông xám
bạc điểm nốt ruồi này... Mỗi điểm quý có giá khoảng...”. Anh ta xoay mặt sang
ông Nam:
“Khoảng bao nhiêu, sếp nhỉ?”. “Một tờ đô!” - Ông Nam chém tay. “Ôi, nhiều thế
kia à? Tính sơ sơ...” - Thưởng đặt mạnh cái bát xuống, bấm ngón tay: “Dễ đến
hai ngàn đô chứ bỡn!” “Hơn! - Ông Nam vểnh mặt lên cười – “Tính chi
tiết thì nhiều lắm!”. Ông Nam
chưa dứt lời, Rắc đã són ra mấy “viên bi” dính dáp lên mặt bàn.
Bà Nhân: - “Đấy, thêm thứ quý nữa
kìa! Ôi dào, chó với má!”.
Thưởng: - “Phân của nó có gì là
ghê, không thối...”.
Bà Nhân lừ mắt nhìn. Thưởng im bặt.
Tôi cứ nghĩ lần này ông Nam
sẽ cáu với Rắc, nào ngờ:
- Sao “con” hư thế, hả? Lần sau
nhớ vào nhà vệ sinh, nghe chưa? - Ông ôm nó vào lòng, vỗ về.
Bà Nhân: - Thế đã đo đuôi cho nó
lần nào chưa? Phải đặt que vào nhà vệ sinh mấy ngày ấy. Nó ngửi rồi quen dần.
Ông Nam: - Rồi!
Bà Nhân: - Đã bảo mà, giống này
ngu hơn chó ta.
Ông Nam: - Ờ, thì con Mực của bà thông
minh! Chỉ đủ cho nhà này chén một bữa thôi. Nhìn kìa, trông phát chán!
Bấy giờ tôi mới để ý đến con chó
ta độ khoảng mười lăm ký, đen tuyền đang bình thản nằm sấp ở một góc nhà. Thưởng
quẳng cho nó miếng thịt, nó tỏ ra không vồ vập, hết nhìn bà Nhân lại đánh mắt
ra phía ngõ, nghe ngóng. Bà Nhân bảo nó ăn, bấy giờ Mực mới thong thả đứng dậy,
ngửi chán một lúc rồi mới nhấm nháp ăn. Bà còn nói với Thưởng không cho chó ăn
kiểu ấy, nó quen nết đi. Thưởng vâng dạ nhưng tỏ ra không vui.
Xong bữa, Thưởng lấy vỏ chanh
lau miệng. Đoạn, anh ta co chân lên ghế, lau giày cũng bằng miếng vỏ chanh ấy.
*
Theo bà Nhân kể, quê vợ chồng bà
mãi tận Thái Bình. Sau khi ông Nam
chuyển ra dân sự, cả nhà mới theo ông về Hà Nội. Vợ chồng bà chỉ có mỗi đứa con
gái. Hồi ấy khó khăn, cực khổ lắm. Ông Nam thì ở miệt Trường Sơn, một mình
bà chèo chống nuôi con và bố mẹ chồng. Khốn nỗi, con gái bà bấy giờ ốm yếu lắm,
hơn ba tuổi vẫn ngồi một chỗ, chưa biết đi. Người làng bảo nó bị bệnh “cù lần”,
phải ăn thịt cóc vàng thật nhiều mới mong đi đứng được. Quê bà ngoài bốn bức
vách chỉ có lúa, không phải là nơi trú ngụ của lũ cóc vàng thì phải. Thế là Luyện,
con nhà bác Cái hàng xóm, hơn Thanh những mười hai tuổi, tự nguyện đến các làng
xã khác để tìm cóc vàng cho con gái bà. Thằng bé chẳng quản mưa nắng, giông
bão, quần cộc chân đất, ngày nào cũng mang về một giỏ cóc đầy. Nhìn nó mà
thương, tóc cháy, đen nhẻm, má lõm, chỉ có đôi mắt là lúc nào cũng ánh lên rất
sinh động. Nhờ thế, sau hai năm liền, Thanh đã tự đứng dậy được rồi biết đi,
nhưng món thịt cóc thì bị nghiện mất rồi, không thể thiếu. Luyện tiếp tục đi
tìm cóc cho Thanh ba năm nữa thì có giấy gọi nhập ngũ.
Cuộc đời lắm khi thật trớ trêu.
Khoảng sáu tháng sau, không ngờ Luyện lại là lính “gác-đờ-co” cho ông Nam, bấy
giờ đang điều trị vết thương tại Quân y viện chiến trường. Vết thương ở bàn
chân, tuy không nặng nhưng đi đứng hết sức khó nhọc, chỉ có nước cõng hoặc “hầu
bô” là tiện nhất. Ông Nam
tỏ ra hài lòng với bản tính chịu khó, tận tuỵ của cậu lính mới nhưng điểm ông
không ưa ở Luyện là hơi chậm, ít nói quá hoặc khi nói không mấy dõng dạc. Ông
có biết đâu, là nếu không có “gã ít nói” ấy, con gái ông ở quê chắc gì đã biết
đi. Còn Luyện khi cõng ông Nam
đâu có biết thủ trưởng lại chính là bố đẻ của người mình yêu?
Một hôm, ngoài suất ăn thông thường
của nhà bếp, Luyện mời ông Nam
nếm thử một món thịt do chính anh chế biến. Ông Nam tấm tắc khen ngon, hỏi, bấy giờ
Luyện mới cho biết là thịt cóc.
- Nghe nói thịt loại cóc vàng
này rất bổ cho trẻ suy dinh dưỡng, chậm đi?
- Dạ, đúng như thế, thủ trưởng ạ.
- Cóc vàng thường có nhiều ở
vùng nào? - Ông Nam hỏi nhưng lơ đễnh với câu trả lời của Luyện. Ruột gan ông
đang hướng về quê. Nơi đó, ông có đứa con gái từ hồi lên ba mà vẫn chưa biết
đi. Ông cũng biết thịt cóc rất tốt đối với con ông nhưng thư đi rồi mà mãi
không thấy hồi âm. Có thể do chiến tranh, cũng có thể do vợ ông lười viết thư
trả lời. Con ông bây giờ ở quê hay ở đâu? Nó đã biết đi chưa? Theo cậu lính trẻ
này thì quê ông lấy đâu ra loại cóc vàng?
- Dạ, vùng trung du. Đồng bằng
thì làng nào có gò đồi. Vùng rừng núi có nhiều nhất, nhưng ở đây hiếm lắm. Có lẽ
do bom đạn cày xéo nhiều, chúng bỏ đi đâu hết. Em sục sạo lắm mới tóm được hơn
chục con...
Luyện chợt nhớ người yêu da diết.
Rồi những nẻo đường làng tràn ngập chiến tranh khi anh đi tìm cóc. Cả những lần
anh thận trọng mổ từng con cóc nữa. Mủ cóc rất độc, nếu bị dây vào thịt rất
nguy hiểm cho người sử dụng. Vì vậy, phải mổ cóc dưới dòng nước xiết để mủ cóc
cuốn trôi nhanh. Sau đó lột da, lấy phần đùi. Cả giỏ cóc đầy chỉ được dăm ba lạng
thịt là nhiều...
*
Cơm xong, ông Nam, Thưởng và tôi lại quây quanh ấm
trà Thái. Bà Nhân không uống bởi chứng mất ngủ. Ông Nam đi đến đâu, Rắc theo đến đó. Rồi
khi ông vừa yên vị, Rắc đã nhảy phóc lên nằm gọn lỏn trên đùi ông. Ấm trà vừa đủ
độ ngấm, đã nghe thấy tiếng ngáy khè khè của Rắc. Bây giờ thì nó đã nằm
nghiêng, bốn chân toé hoe phơi hết những gì đáng phải che kín. Miệng Rắc khép hờ,
có thể vì thế mà có tiếng ngáy chăng? Khi ngủ, mắt Rắc không nhắm hẳn, như thể
tỏ ra là ta đang tỉnh táo, không phải thuộc loại đại biếng, chỉ biết có hai thứ
là ăn với ngủ... Ông Nam
một tay vân về cằm, một tay vân vê phần bụng dưới của Rắc, nói với Thưởng:
- Anh nên tiếp tục phát huy thế
mạnh của mình là ngoại giao tốt, phong độ, biết “đắc nhân tâm”. Tôi quý anh là
bởi cái nết ấy. Tôi sẽ có lời hay với thủ trưởng mới của anh.
- Dạ, dạ. Cảm ơn sếp! - Bất ngờ
Thưởng đặt miếng vỏ chanh vừa lau giày lên bàn, vồ lấy chén nước dâng lên gần
sát mặt ông Nam.
Nhấp một ngụm nhỏ, khẽ khà như uống rượu, ông Nam nói tiếp:
- Lúc nào cũng sẵn sàng với tinh
thần đối thoại. Cố gắng nắm bắt được ý định của đối phương... Còn việc anh muốn
ngồi ở cái ghế Vụ A, tôi cũng sẽ có lời với “ông” tổ chức...
- Dạ, dạ ạ. Cảm ơn sếp. - Thưởng
ngừng xỉa răng, đặt cái tăm đã nhai nát lên bàn, lại vồ lấy chén nước dâng lên.
Bỗng Rắc sủa. Hoá ra cu cậu đã
thức tự bao giờ, đang khật khừ với con Mực ở dưới gầm bàn. Thưởng đưa tay gãi
nhẹ lên đôi tai của nó, cu cậu giơ hờ chân sau lên, giần giật tỏ ra rất khoái.
Thưởng thu tay về, Rắc vẫn giữ nguyên trạng thái, nhìn Thưởng chằm chặp, chờ đợi.
Thưởng mãi say sưa với hứa hẹn của ông Nam, thế là Rắc phóng nhẹt sang người
Thưởng, khiến Thưởng giật mình vung tay, Rắc rơi bịch xuống đất, kêu ăng ẳng.
Chợt nhận ra rằng, hành động vừa rồi của mình có thể khiến ông Nam xót chó, Thưởng
nhoài người xuống bế Rắc lên, không ngờ Rắc ngoạm cho một cái, mấy ngón tay đầm
đìa máu. Ông Nam
vừa ôm Rắc xuýt xoa, vừa kêu bà Nhân lấy thuốc lào dịt vào vết thương cho Thưởng.
- Chết em rồi, chị ơi. Chó nhà
mình có làm sao không? Nhỡ là chó dại thì... - Mặt Thưởng tái xanh. Anh ta lo lắng
thật sự. Bà Nhân kêu lên:
- Ối dào, không ngờ chú dát thế.
Mà nếu chó dại, cứ đi tiêm phòng là yên tâm!
- Thế chị không biết à? Thuốc
phòng bây giờ chất lượng kém lắm, không được kiểm định thường xuyên, toàn quốc
đã có ối mạng chết vì tiêm phòng rồi đấy - Giọng Thưởng chợt trở nên nhợt nhạt,
run rẩy - Khổ thân em quá, bây giờ biết tính sao, hả chị?
*
Thưởng đi rồi, bà Nhân mới ngồi
vào bàn trà góp chuyện. Thi thoảng, bà nghiêng người xuống, đưa tay quờ quạng.
Thì ra Mực đang nằm cạnh chân bà từ bao giờ, đầu hướng ra ngõ cảnh giới.
Ông Nam bóc nào giò tai, trứng vịt lộn
“bồi dưỡng” cho Rắc, tiện tay vứt cho Mực nửa khâu giò. Bà Nhân khéo léo nhặt lấy,
giấu vào lòng bàn tay, không cho Mực ăn. Rắc quả là ăn khoẻ và tạp ăn. Món gì
có chất tanh, Rắc đều xài hết, không câu nệ. Một người bạn nói với tôi rằng, giống
thuần chủng không ưa thức ăn có chất tanh. Nhưng đây là xứ Việt, đến mắm tôm rồi
Rắc vẫn phải ăn. Rắc đã thành “Tây rau muống” từ lâu rồi!
Ông Nam vẫn chưa dứt mạch ra được khỏi
Thưởng, bèn nói:
- Phong độ lắm! Ngoại giao giỏi
lắm. Rồi vù vù cho mà xem!
Bà Nhân: - “Ông nói ai phong độ?”.
- Thằng Thưởng chứ còn ai! - Ông
Nam gật gù.
- Thì ông cứ gọi là Thưởn đi.
Tôi thấy anh ta hợp với cái tên ấy đấy. Cứ Thưởng, Thưởng... Nghe sốt ruột!
- Gọi Thưởng cho nó có... có...
- Có lộc chứ gì? - Bà Nhân ngắt
lời ông Nam
- Mà này, giấy tờ tuỳ thân của anh ta đều ghi là “Thưởn” thì dù ông có cài nguyệt
cắm hoa, nó vẫn thế.
Khoảng nửa tiếng sau, “cha con”
ông Nam
lên gác nghỉ trưa, bà Nhân mới cho Mực ăn. Bà lấy bát sạch, lau khô rồi mới xúc
cơm còn hôi hổi vào. Bà lấy nửa khâu giò lúc nãy giấu ông Nam, thái nhỏ, trộn đều bát cơm, đoạn
đổ thêm môi canh cho Mực. Bà đặt bát cơm xuống nơi nó nằm. Nó nhìn bát cơm, lại
nhìn bà, không tỏ ra sốt sắng. Cho đến khi bà nói: “Ăn đi Mực”, bấy giờ nó mới
đứng dậy, xoạc hai chân trước như để giãn xương cốt, rồi mới thư thả vục mõm
vào bát cơm. Tôi cứ nghĩ nó ngoạm vài cái là bát sạch sành sanh, nào ngờ “anh
chàng” còn hít ngửi chán rồi mới ăn từng miếng nhỏ.
Tôi quan sát Mực, không bỏ sót một
chi tiết, động thái nào. Phải thừa nhận là Mực đạt chuẩn theo giống chó ta: ức
nở, phần đuôi thon, tai cụp nhưng cử động liên tục, bốn chân thẳng, chắc, đặc
biệt bộ lông đen mịn, mượt mà, điểm một chấm trắng ở ức lớn bằng đồng xu...
Theo bà Nhân, ngày nhập ngũ, Luyện
đưa tặng mẹ con bà con chó nói là nuôi cho vui cửa, vui nhà. Nhưng bà biết, đó
là tình cảm chân quê của chàng trai mới lớn dành cho con gái bà. Thanh, đứa con
duy nhất của vợ chồng bà, bà có công sinh, nhưng công nuôi dưỡng một phần lớn
thuộc về Luyện. Con Mực bây giờ là thế hệ chút chít của con “chó bố” thời đó. Mực
không chỉ được hình thức mà còn cả tính nết. Bởi vậy, mẹ con bà không quý làm
sao được. Nhưng cách nuôi dạy của bà Nhân khác hẳn với ông Nam. Bà không chiều vặt. Từ ăn uống,
nơi ngủ, đến cách tập nằm, ngồi v.v... bà đều đưa vào khuôn phép và có bài bản...
*
Da ngăm, đôi mắt sáng, vóc người
tầm thước, ngang dọc cuộc đời khắc lên vầng trán... Đó là những gì bước đầu tôi
cảm nhận được ở Luyện.
Hôm ấy, tôi thấy bà Nhân vui nhiều
hơn ngày thường. Lại thấy thấp thoáng màu áo bộ đội. Khi bà Nhân mời sang uống
nước, tôi mới biết Luyện vừa từ Thái Bình lên thăm. Con Mực cứ quấn lấy Luyện,
chứng tỏ anh là khách quý của gia đình bà Nhân.
Ông Nam đi đâu đó chưa về. Thiếu chỗ dựa,
Rắc cứ vẩn vơ vào ra. Cuối cùng, nó đứng cạnh bàn uống nước, hóng hớt. Cu cậu hết
nhìn tôi, bà Nhân lại nhìn Luyện, thi thoảng đánh tiếng ư ử rất khẽ. Nếu ai đó
nhìn lại, tỏ ra là quan tâm, lập tức Rắc phóng ngay lên người, hôn hít. Bà Nhân
là người hờ hững với Rắc nhất. Tôi thì không thích chó. Chỉ còn lại Luyện. Khi
anh vừa chưa dứt lời từ R...ắ...c, cu cậu đã gọn lỏn trên người rồi. Luyện đặt
Rắc xuống trở lại, móc túi lấy ra phong lương khô chia đôi cho Rắc và Mực. Mực
ngửi chứ không ăn, nhìn ra ngõ, đôi tai dỏng lên. Còn Rắc, không ngờ lại là món
khoái khẩu của nó. Lương khô hơi cứng, trong khi mõm thì bé, móng vuốt ẩn, cu cậu
xoay xở đủ chiều, tỏ ra cực kỳ vất vả nhưng vẫn không kém hứng thú. Luyện cầm một
bên tai kéo Rắc, có lẽ bị đau và khó chịu, nhưng cu cậu không chịu buông tha miếng
lương khô hoặc kêu lên. Thấy thế, bà Nhân cười như bị cù. Ít khi bà biểu lộ
thái độ như thế. Phải chăng vì có Luyện bên cạnh?
Đến đây, hẳn bạn đọc sẽ thắc mắc
Thanh, cô con gái yêu của vợ chồng bà Nhân, bây giờ ở đâu? Xin thưa, chị đang
là kẻ tu hành tại một ngôi chùa tĩnh mịch thuộc tỉnh Hà Tây. Giọng bà Nhân từ
dưới phòng ăn vọng lên:
- Mẹ hỏi thiệt (bà vẫn xưng với
Luyện như vậy), con còn thật lòng yêu thương nó không? Nếu còn, phải đưa nó về
đi con! Kéo bằng được nó về đi!
Sau câu đó, cả ngôi nhà ba tầng
bề thế chợt trở nên yên ắng lạ thường. Luyện biết điều gì sẽ xảy ra: bà Nhân
đang khóc. Cung cách khóc của bà lộ rõ nét chân chất mà đằm thắm của một thôn nữ
gia giáo. Bà ngồi bó gối trên ghế thấp giữa nền nhà, tay bưng mặt, chỉ có đôi
vai rung lên. Bởi thế nó cứa sâu và ngọt hơn vào nỗi đau của kẻ cùng cảnh ngộ
như Luyện. Luyện vẫn còn yêu Thanh lắm chứ, sao quên được? Năm năm liền bàn
chân anh bươn bả khắp hang cùng ngõ tận chỉ vì nàng. Tiếp đến là chuỗi thời
gian xa cách, sợi nhớ càng căng, sợi thương càng chứa chất, để rồi ngày gặp mặt,
không ngờ là cả một bể nước mắt!...
Nhớ lại thời còn là lính cần vụ,
ông Nam
thường quở Luyện: “Trâu chậm uống nước đục đấy, cậu lính à. Phải bằn bặt lên, mồm
mép lên một chút!”. Sau mỗi lần như thế, rõ ràng là Luyện có ý thức “khắc phục
nhược điểm” để thủ trưởng đỡ phiền lòng, nhưng không hiểu sao, bản tính của anh
chẳng được cải thiện mấy. Cuối cùng, một kết cục tất yếu sẽ xảy ra, kiểu “thủ
trưởng càng la, lính ta càng cà cuống!”. Ông Nam bực bội ra mặt. Nhưng kể từ đó
tuyệt nhiên không thấy ông nhắc nhở Luyện như trước nữa. Chưa đầy hai năm sau,
đột nhiên Luyện nhận được quyết định chuyển công tác xuống bộ phận hậu cần. Cậu
ta khóc, như thể bắt buộc phải xa ông Nam là điều vô cùng đau khổ vậy.
Hôm chia tay, bấy giờ Luyện mới lại được nghe thủ trưởng Nam răn: “Làm cái anh hậu cần cũng
phải nhanh nhảu đấy. Cứ ề à, lính trận có mà... chết... đói! Bằn bặt lên, cậu
lính trẻ!”. Rồi miệng ông xoè một nụ cười ngắn. Luyện vâng dạ rối rít, nghĩ rằng
thủ trưởng không hề ghét bỏ gì mình cả. Chí quyết tâm khắc phục nhược điểm bỗng
nén căng lên trong lồng ngực cậu ta. Hôm ấy trời đổ mưa. Cả cánh rừng sũng nước,
Luyện đi men theo con đường mòn dọc con suối sâu, phía có những mảnh trời lốm đốm
sáng, bỏ lại chiều tàn đang sầm sập sau lưng. Nơi ấy, có một người đàn ông đã
luống tuổi mà Luyện từng thèm được gặp để gọi là “bố vợ”, nhưng cậu ta không hề
hay biết.
Suốt mấy năm tiếp theo, tuy biết
là ông Nam
vẫn ở sư bộ, nhưng Luyện không có cơ hội được gặp lại, dù chỉ một lần thôi. Có
hai dấu mốc anh muốn gặp thủ trưởng Nam nhất để “cầu cứu” nhưng đều thất bại,
cho đến bây giờ anh muốn gột rửa vẫn không thể hết được. Chính trị viên đại đội
nói với Luyện mà chẳng cần ý tứ gì: “Tại sao cậu không được cử đi học? Lạ thật,
danh sách vừa lên sư bộ là tên cậu lại bị gạch!”. Ấy là thời điểm vừa qua mùa
xuân 1975, trên có chủ trương cho lính trẻ đã tốt nghiệp phổ thông chuyển tiếp
đi học hoặc ra dân sự học. Luyện làm hồ sơ xin đi học Đại học Xây dựng, là
ngành nghề anh nghĩ rất cần sau cuộc chiến. Song, không hiểu vì lý do gì, nguyện
vọng của anh cả hai lần đều không được trên chấp thuận, trong khi nhiều đồng đội
của anh đã lần lượt lên đường. Luyện buồn lắm. Anh chợt nhớ đến thủ trưởng Nam.
Phải rồi, thủ trưởng vẫn đang ở sư bộ. Nếu thủ trưởng chịu “can thiệp”, chắc chắn
giảng đường sẽ chào đón anh. Thế là Luyện viết thư gửi thủ trưởng Nam.
Anh cắn bút cân nhắc từng câu chữ, thể hiện thật thiết tha nguyện vọng được đi
học, rồi lại cạy cục nhờ người chuyển... Nhưng than ôi, những lá thư của anh
như những cánh chim mất hút trên nền trời bàng bạc nhuễ nhoã nước giữa mùa mưa
triền miên, dai dẳng năm nào của Tây Trường Sơn.
Rồi thời kỳ “đãi ngộ” cũng mau
chóng qua đi, Luyện đã yên tâm trở lại với công việc thường nhật là giúp việc
cho anh nuôi. Chẳng công việc nào Luyện từ nan, đều được anh làm tận tâm và chu
đáo. Cái bản tính chậm chạp của Luyện bỗng nhiên biến đâu mất. Anh đã nhanh nhảu
hơn, “bằn bặt” hơn như cách nói của ông Nam. Mấy “sếp” đại đội khoái Luyện
lắm, đang tính cách để anh được đi học trường sỹ quan hậu cần thì đánh đùng một
cái, Luyện nhận được quyết định cho xuất ngũ.
Khi Luyện trở về làng, không ngờ
gia đình người yêu vừa chuyển lên Hà Nội trước đó không lâu. Nhưng Luyện vẫn rất
vui bởi bà Nhân đã để địa chỉ lại và qua lời kể của mẹ, anh biết hai gia đình bấy
lâu nay vẫn là chỗ đi lại thân tình, hứa hẹn một tương lai tốt đẹp cho anh và
Thanh. Mẹ còn kể thêm rằng, những tháng ngày anh biền biệt trong quân ngũ,
Thanh đã tự nguyện là con dâu thảo của bà, luôn ở cạnh bà khi tối lửa tắt đèn.
Mang ngọn lửa tình âm ỉ cháy, một sáng mùa đông, anh bắt xe lên Hà Nội rồi lần
theo tờ giấy tìm đến nhà người yêu.
Chỉ trong khoảng một tiếng đồng
hồ mà bao điều ẩn náu bấy lâu vỡ oà ra trong ngôi nhà của bà Nhân: Thanh ôm riết
lấy Luyện rồi giàn dụa nước mắt vì nhớ nhung; bà Nhân ôm chầm lấy đứa con rể
tương lai vì vui sướng; đoạn cánh tay Luyện chợt chuội xuống khi bàn tay ông
Nam bất ngờ giơ ra kèm câu chào: “Ồ, cậu lính! Sao lại ngẫu nhiên thế này?”.
Loáng thoáng một vài khuôn mặt Luyện thấy quen quen trong ký ức hồi ở Tây Trường
Sơn. Song tâm trí anh không víu vào đó, chỉ có cái bàn tay đang giơ ra kia hút
lấy anh. Luyện cứ thộn ra. Anh luống cuống mãi mới nẩy ra được mấy lời: “Xin...
xin chào... ào... thủ... thủ...”. “Thủ cái đầu anh à! Vẫn không tiến bộ chút
nào. Bằn bặt lên, cậu lính!”. Thanh: “Thế ra bố và anh Luyện đã biết nhau rồi
à?”. “Biết quá đi chứ, tỏ tường là đằng khác”. Luyện: “Đây là... là bố em?”.
Thanh: “Tuyệt quá, con đỡ phải giới thiệu...”. Ông Nam: “Giới thiệu cái gì...?”. “Cái
gì nữa! - Bà Nhân nhấn giọng rành rọt - Đây ... là ... con ... rể ... tương lai
... của ... ông ... đấy!”. “Hả?” - Ông Nam kêu lên, đến mức miệng khép lại thật
khó khăn. Đoạn, ông rơi phịch xuống ghế. Quan khách không hiểu chuyện gì, cứ xốn
xang cả lên...
*
Chuyện gì đã xảy ra sau đó, Luyện
không còn nhớ rõ nữa. Bản tính anh vốn thế, dễ bỏ qua. Vết cứa sắc lẹm như cật
nứa lại càng phải quên mau để vết thương chóng liền da. Có thể là Luyện đã nhầm,
bởi khi “trái gió trở trời” thì vết thương lại tấy lên, nhức buốt không tả xiết.
Nếu như hôm ấy Luyện không vô
tình nghe được bạn chiến trường của ông Nam nói với bà Nhân rằng, chính ông Nam
không chấp thuận việc xin đi học của Luyện, thì anh đã chẳng trở thành con người
cùng cực như bây giờ. Giữa đêm, mặc dù bà Nhân khuyên ngăn và Thanh năn nỉ,
nhưng Luyện vẫn quyết định bắt xe về quê. Ngay sau đó, anh chạy vạy bạn bè cộng
với số tiền chế độ, quyết định thành lập công ty xây dựng dân dụng tại thị xã,
với ý chí không chịu nhục, chứng tỏ mình đâu phải là hạng quê cục như ông Nam nghĩ. Anh vừa
làm vừa học, quên ngủ, bỏ cả ăn. Nhờ trời, mấy công trình đầu tay thi công được
trót lọt, thu lợi khá. Đến hai công trình lớn hơn, có nhiều chi tiết và công đoạn
phức tạp từ thiết kế đến thi công thì Luyện bó tay. Anh có cảm tưởng bản vẽ như
hoa rối, thực sự lúng túng trước những khái niệm như “kết cấu”, “sức bền vật liệu”
và vân vân... Qua công ty môi giới, anh thuê được một kỹ sư bề ngoài khá “lai
láng” trí thức: kính cận, trán cao, mắt sáng, mái tóc bồng, dạn dày thời
gian... Điều khiến Luyện khoái anh ta hơn nữa là rất ít nói, xem xét kỹ mới
nói, đã nói là có sức thuyết phục. Thế là Luyện khoán trắng cho anh ta, không còn
cách nào khác. Để rồi, kết cục thật thảm hại: một cái lún móng, mái võng, nước
mưa tong tả như dội qua vải màn; một cái sập trần, hai công nhân chết, ba người
khác bị thương nặng. Thương con, bố mẹ anh rút xuống nhà bếp ở, còn lại bán hết
để bồi thường, tuy không được là bao song án tù của anh cũng giảm xuống gần một
nửa, chỉ còn phải thụ án năm năm. Bác Cái, bố anh kêu lên: “Con ơi, không học
mà làm được thì thiên hạ đã chẳng sinh ra thầy...”. Suốt năm năm Luyện ở tù,
Thanh là người thăm nuôi chính. Lần nào gặp, chị cũng khóc hết nước mắt. Chị
nói rằng, chị vẫn yêu anh. Chị sẽ là vợ anh ngay sau khi anh mãn hạn tù, mặc
ông Nam
có ngăn cấm, chối bỏ chị. Trước ngày làm vợ anh, chị sẽ quỳ trước mặt cha dập đầu
tạ lỗi, rồi ra sao thì ra... Thật lạ, lần nào chị vào thăm Luyện, con Mực cũng
theo. Chị xua nó về, nó lánh tạm đâu đó rồi lại xuất hiện sau lưng chị. Khi lên
xe khách, chị yên trí nó đã từ bỏ ý định, không ngờ cánh cửa xe vừa mở, nó lao
vọt ra, khiến mọi người trố mắt sửng sốt. Hoá ra anh chàng chịu thu mình dưới
ghế trên quãng đường dài hơn một trăm cây số...
*
Ông Nam về, Luyện chào, ông chỉ gật đầu
rồi lặng lẽ pha trà. Rắc phóc lên lòng ông Nam, và chỉ mấy phút sau, đã nghe
thấy tiếng ngáy khè khè của nó. Rồi Luyện lui xuống bếp nhưng vẫn len lén quan
sát gương mặt của ông Nam.
Giờ thì anh đã thấy sợ vị thủ trưởng cũ của mình, không còn ngây thơ như thời
còn ở Tây Trường Sơn nữa. Bà Nhân trò chuyện gì đó với Luyện, giọng bà thì thào
nhưng vẫn không xua được không khí trĩu nặng trong ngôi nhà.
Nếu là mấy bà hàng tôm hàng tép ở
chợ thì mọi thứ đã được đặt lên bàn cân, đằng này đều là người trong nhà, khó
quá. Mỗi người mang một khối nhọt cực kỳ nhức nhối nhưng đều cố tỏ ra không có
gì, ai cũng sợ va chạm, sợ làm sứt mẻ tình cảm thêm. Vả lại, nếu cứ rành rẽ mọi
nhẽ thì còn giải quyết được gì nữa đâu!
... Tối ấy, có lẽ là buổi tối buồn
thảm nhất của gia đình ông Nam
kể từ ngày gia đình đoàn tụ. Khi vỡ lẽ câu chuyện, vẻ mặt ông Nam chợt lặng căng. Câu qua lời lại
quanh mâm cơm chỉ để lấp khoảng trống trong lòng của mỗi người. Sau khi khách
khứa rút, ông Nam
thẳng thừng tuyên bố rằng, con rể của ông có kém cỏi đi chăng nữa cũng phải là
hạng như Thưởng! Thanh khóc. Chị xin bố đừng chia duyên, ngăn phận của chị. Bà
Nhân chỉ biết kêu trời. Bà ôm lấy Luyện rồi nói: “Ông ơi, báu vật mà biết nói
thì còn gì là báu vật nữa!”.
Luyện không còn đủ bình tĩnh để
nghe lời qua tiếng lại. Anh đi như chạy về phía bến xe. Đêm thả mình khập khiễng
lên những ổ gà của con đường cái quan. Mãi đến gần mười hai giờ đêm, một chiếc xe
tải mới chịu cho anh quá giang.
Ngay sau đó, Thanh nhiều lần về
Thái Bình gặp Luyện. Nhưng lần nào cũng thế, đều bị anh lẩn tránh. Không phải
Luyện tự ti mà chính là do cái “tôi” của anh nó lớn quá, bóng đè kín cả miền
sáng suốt. Thanh lại khóc. Chị chỉ biết khóc thôi. Thế mà hết ông Nam,
nay lại đến Luyện chẳng chịu mủi lòng. Suốt cả thời gian Luyện ở tù, chị kiên
trì đi thăm nuôi anh và kiên nhẫn chờ anh nghĩ lại, song anh đều nói: “Em hãy
quên anh đi. Với em, anh chỉ là kẻ chậm chạp và kém cỏi. Với đời, anh là kẻ thất
bại, tù tội...”. Chị lại khóc. Biết làm gì hơn? Dường như chị được sinh ra là để
đời lấy nước mắt! Thế rồi, ba ngày trước khi anh ra tù, chị đã lặng lẽ khăn gói
vào Hà Tây...
... Có tiếng chuông điện thoại.
Ông Nam
chộp lấy ống nghe khiến Rắc giật mình tỉnh giấc. Cu cậu bỗng sủa đổng lên: “Gau
gau... gau gau...”. Mực nghiêng tai, ngạc nhiên dán mắt vào đồng loại như thể lần
đầu tiên được gặp. Giọng ông Nam:
“Thưởng, Thưởng đấy à? Có tin vui cho... cho anh đây!”.
- Thưởn
chứ không phải Thưởng! Ông lại gọi lẫn rồi! Nghe khó chịu quá! - Bà Nhân cau có
kêu lên.
Phạm Thái Ba (Hà Nội)
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét