Lê Đình Danh
Lan sung sướng và hăm hở trước khi bắt tay
vào hoàn thành một tác phẩm nghệ thuật. Nàng nghĩ nó sẽ là một kiệt tác. Còn
mười hôm nữa là đến ngày đưa ông Táo về trời, nhà mình chắc chắn sẽ có một chậu
hoa mai chơi tết. Nhờ trốn Anh về ngoại mà nàng nảy ra ý tưởng độc đáo sẽ làm
nên kiệt tác này.
Sao thằng Đệ đi lâu về quá vậy? Nàng nhờ
nó ra chợ mua những vòng hoa mai nhựa để về tạo nên một tác phẩm nghệ thuật.
Thôi không việc gì phải nôn nao háo hức. Tác phẩm sớm muộn cũng hoàn thành.
Ngồi nghĩ ngơi tý đã. Ngồi không nàng nghĩ về Anh.
Anh đến với mình như một sự sắp đặt của
tạo hóa. Nếu không có Anh sẽ không có kiệt tác mà mình sắp sữa hoàn thành. Nếu
không có Anh, mình sẽ không có việc làm dù ra trường bác sĩ đã được ba năm. Và
có phải ở Anh, mình đã tìm được một tình yêu đích thực?
Ba má Lan những năm gần đây làm ăn sa sút.
Năm đầu vào đại học y khoa nàng phải dạy kèm thêm mới xoay xở tạm đủ tiền khỏi
dở dang việc học. Đôi lúc cũng mệt mỏi bơ phờ… Đôi lúc gặp những thằng con đại
gia không muốn học lại hỗn láo với gia sư, nàng vô cùng chán ngán. Nhờ niềm tin
vào viễn ảnh một tương lai tốt đẹp mà nàng đã vượt qua tất cả những khó khăn
đôi khi còn hơn thế nữa. Mình sẽ ra trường làm bác sĩ, sẽ có công việc ổn định,
sẽ thu nhấp khá để phụ giúp mẹ cha…Vậy mà trong ba năm thất nghiệp sự chán nản
tột cùng cơ hồ khiến nàng không thể vượt qua.
Đã ba năm nàng vác đơn đi nhiều bệnh viện
hoặc cơ sở y tế huyện xã, thậm chí xin làm y tế học đường trong một trường học;
nơi nào cũng lắc đầu bảo chưa có nhu cầu tuyển nhân viên. Những người quen bạn
bè đều nói: “Thời buổi này mà vác đơn không đi xin việc thì sao cho được việc.
Người ta muốn có việc làm phải nhờ quen biết rồi phải lo lót chạy chọt may ra”.
Nàng chưa từng lo lót hay chạy chọt bao giờ nên không biết rằng lời họ nói có
đúng chăng? Chỉ biết sau ba năm vác đơn xin việc, chỉ nhận được những cái lắc
đầu bực dọc, hoặc những ánh mắt thương hại, thậm chí có lần nghe lời từ chối vô
văn hóa của một gã làm ở phòng tổ chức một cơ quan nọ: “Em có nhu cầu xin việc
à? Chỗ anh cũng có nhu cầu. Em sẽ có việc nếu thỏa mãn nhu cầu của anh.” Nàng
mắng vào mặt hắn: “Đồ mất dạy”. Và vác đơn về nhà cất vào hộc bàn từ đó đến
nay. Và từ đó đến nay nàng buộc phải tin rằng quen biêt, lo lót, chạy chọt là
điều hoàn toàn có thật. Gia đình nàng không đủ điều kiện cần có để xin việc cho
nàng. Mệt mỏi chán nản phiền muộn và tuyệt vọng. Tính nàng cam tâm và chịu đựng
không thổ lộ cùng ai. Nhưng Ái biết chuyện.
Ái học cùng lớp với Lan hồi cấp ba. Thỉnh
thoảng Lan có đến nhà Ái trao đổi việc học. Ái biết anh Anh của mình có cảm
tình với Lan từ dạo đó. Nhưng hồi ấy con Lan ngây thơ và chỉ biết cắm đầu học.
Sau lên đại học mỗi kẻ một nơi. Giờ gặp lai, Anh và Ái đã ổn định việc làm nhờ
gia đình bề thế. Chẳng những bề thế mà còn thân thế nữa. Nghe nói bố mẹ Anh và
Ái muốn gửi ai vào bất kỳ cơ quan nào ở thành phố này cũng được. Ái hoàn toàn
có thể giúp đỡ Lan. Nhưng Ái mượn cớ bận để giao việc ấy cho anh Anh của mình.
Ái nói với Lan:
- Công việc tao bận lắm. Mày chuẩn bị hồ
sơ để anh Anh đưa mày đi xin việc nhé.
Lan ái ngại:
- Anh Anh và mày nhờ quen biết mà giúp cho
tao, tao hết sức cảm kích, nhưng lo lót hết bao nhiêu để tao còn liệu…
Ái cười tinh nghịch:
- Mày yên tâm. Anh đã gửi là không tốn
đâu. Mà dù có tốn ảnh cũng tình nguyện mà. Người nhà cả mà!
Lan càng cảm kích hơn vì Ái nói đúng. Anh
Anh đã đưa Lan đến giới thiệu ở cơ quan ấy. Thông thường người xin việc phải
khúm núm trước người tiếp nhận. Đằng này ngược lại. Đủ biết uy tín và tầm ảnh
hưởng của Anh và gia đình anh ấy thế nào rồi. Họ hứa sau tết Nguyên Đán sẽ sắp
xếp việc cho Lan. Đằng nào chưa đến tháng nữa cũng tới tết rồi. Lan yên tâm nhẹ
lòng chờ đợi. Sau vài ngày nàng lại chờ đợi Anh đến chở nàng đi dạo chơi và tìm
một nơi nào nó thanh tịnh để tâm sự. Những lúc Anh chở Lan thường đi vào những
con đường có ổ gà và thường thắng gấp khiến ngực Lan va vào lưng Anh.Sau lần
đó, mỗi lúc ngồi sau lưng Anh, Lan thường xòe hai bàn tay đưa lên trước ngực
như một sự tự vệ. Thế nhưng nàng lại mỉm cười nhớ đến hai câu thơ của Nguyễn
Bính:
“Từ ngày cô chưa có chồng
Đường gần tôi cứ đi vòng cho xa”
Nàng sửa lại trong đầu thành:
“Từ ngày em chưa có chồng
Chở em, anh ghét đường không ổ gà”
Biết mình cố ý mà vẫn chịu cho chở là mình
đã sắp chinh phục được Lan rồi. Hai bàn tay mong manh tự vệ sau lưng mình kia… Ôi,
thất đáng thương quá đi mất. Thôi thì vào quán nước tâm sự vậy.
Ngồi canh Anh trong quán café, Lan mông
lung suy nghĩ và dè dặt tiếp chuyện cùng Anh. Nàng thật sự không hiểu được tình
cảm của mình dành cho Anh là gì? Biết Anh là anh của Ái đã lâu và cũng có đôi
lần chuyện vãn, nhưng nàng chưa hề nhận ra mình có cảm xúc gì. Anh bây giờ vẫn
trắng trẻo đẹp trai, có học vấn, có địa vị, có nhiều cô gái khác chờ Anh ngỏ ý.
Sao mình vẫn không thấy có cảm xúc gì? Sao bây giờ mình thường đi chung với anh
ấy thế? Lan mơ hồ nhận ra mình tiếp nhận tình cảm của Anh như một điều tất yếu.
Như cơ quan ấy sau tết Nguyên Đán sẽ tiếp nhận mình.
Lan giật mình quay về thực tại. Anh khuấy
mạnh ly nước chanh làm bắn lên đùi nàng. Vừa rút khăn tay ra vừa nhẹ nhàng lau,
Anh vừa nói:
- Ồ! Xin lỗi! Anh vô ý quá!
Lan mỉm cười. Nàng biết sự vô ý cố tình.
Thấy Lan mỉm cười, Anh nhìn Lan say đắm và nhẹ nhàng đưa bàn tay vuốt ve đùi
Lan theo hướng đi lên. Tránh ánh mắt Anh, Lan nhìn xuống đùi mình và nắm lấy cổ
tay Anh:
- Đừng Anh ! Người ta thấy!
- Không đâu em! Quán vắng người! Vả lại
khuất cái bàn sao thấy được.
- Em
không phải là người không biết giới hạn. Càng không phải là người có thể dễ
dàng vượt qua giới hạn đó. Về thôi anh.
Về
nhà, Lan nghĩ cử chỉ của Anh có thể thông cảm được. Khi yêu anh nào chả thế!
Sau này dù có tìm ra điểm chung để yêu nhau, mình là gái cần giữ cho nhau sự
tôn trọng. Vấn đề là mình chưa tìm thấy điểm chung, chưa tìm thấy cảm giác yêu.
Sáng hôm sau Anh gọi điện mời Lan đi chơi
ỏ nơi đẹp tuyệt vời và người ta không thể thấy. Lan từ chối rằng mình bận đi về
ngoại. Anh đề nghị sẽ chở Lan đi. Lan nói đã đi ra khỏi nhà rồi, gần đến nơi
rồi. Đề phòng Anh đến nhà sẽ phát hiện ra mình nói dối, Lan lấy xe về ngoại.
Nhà ngoại Lan ở ngoại ô thành phố. Sau nhà
có ngọn đồi mọc đầy cây chành rành. Bà ngoại là người hiểu đời và tế nhị. Những
lời khuyên đúng đắn càng làm Lan thương kính khiến Lan thường xuyên về thăm bà
hơn. Hồi cấp ba học chuyên văn, Lan dự định thi vào đại học Văn khoa; ngoại
hỏi:
- Này con, đại học văn khoa ra trường làm
gì?
- Dạ! Có thể viết văn, làm nhà văn. Hoặc
làm nhà báo, hoặc phóng viên truyền hình. Nói chung các nghề liên quan đến
truyền thông viết lách bà ạ.
Ngoại cười:
- Nghề viết văn không làm ra cơm áo được
đâu. Nếu có năng khiếu khi nào gặp cảm xúc thì sáng tác sẽ cho ra tác phẩm nghệ
thuật cao hơn là xem nó như một cái nghề. Con có nghe câu: “Lập thân tối hạ thị
văn chương” không? Còn làm báo chí truyền hình truyền thanh thời này đều thuộc
các cơ quan của nhà nước. Chính quyền chọn lý lịch rất kỹ. Ông nội mày và cả
ông ngoại mày nữa trước là lính ngụy. Lý lịch không tốt, không thể xin việc
được đâu.
Ông ngoại xen vào gắt:
- Ngụy là láo. Sao bà bảo tôi là ngụy.
Bà nhỏ nhẹ:
- Lâu nay ai cũng nói đi lính cho chế độ
cũ là ngụy. Thì tôi cũng vô tình thôi mà.
Sợ ông bà cãi nhau, Lan cắt ngang:
-Vậy theo bà, con nên thi vào ngành nào?
- Ngành y. Làm thầy thuốc thời nào cũng
tốt con à.
Lan nghe lời bà thi y khoa và ra trường
làm bác sĩ. Càng nghĩ Lan càng phục bà. Làm thầy thuốc xin việc còn khó thay,
huống hồ các ngành chọn kỹ về lý lịch, mà như lời bà nói ông nội ông ngoại mày
đều là ngụy.
Lần này về, bà nhìn vào mặt Lan hồi lâu
rồi hỏi:
- Chưa có việc hả con?
- Dạ! Có người quen xin việc giúp. Họ hẹn
sau tết sẽ nhận vào làm bà ạ.
- Thôi chưa có việc thì lấy rựa ra sau đồi
chặt chành rành làm chổi với bà.
Nhờ ra sau đồi chặt cây làm chổi, Lan mới
biết cây chành rành có khả năng sống trên sỏi đá trong môi trường thiếu nước nó
vẫn chịu đựng được. Thân cây rất cứng và nhiều chi nhánh nhỏ nên người vùng quê
thường chặt làm chổi quét rác ngoài sân, rất lâu mòn.
Bà nói:
- Cây chành rành này có sức sống rất mạnh
mẽ. Dù trong kẹt đá nó vẫn sống được. Nó luôn vươn lên không bao giờ chấp nhận
số phận. Hãy nhớ nghen con. Không bao giờ chấp nhận số phận nghen con.
Lan tò mò đến gần quan sát một cây chành
rành mọc lên trong kẹt đá. Gốc nó trơ trơ trồi lên khỏi mặt đất. Có lẽ phần đất
trên đã bị nước chảy sói mòn. Chỉ còn bốn cái rễ bám sâu vào lớp đất ít ỏi
trong kẹt đá. Lan bỗng giật mình vì thích thú. Cái gốc trồi lên mặt đất và bốn
cái rễ kia trông thật giống với thân mình và bốn chân của một con nai. Gốc nó
nằm ngang, thân cây vươn thẳng đứng trên một đầu của phần gốc. Thân cây bị chặt
chỉ còn lại một đoạn ngắn vừa vặn cân
đối như cái đầu trên cái mình là phần gốc của cây. Trên đầu mọc lên hai nhánh
rồi vươn những chi thẳng đứng về phía trước chẳng khác gì cặp sừng của con nai.
Cây chành rành có dáng con nai này uy nghi đường bệ, khắc khổ và mạnh mẽ. Ôi!
Tuyệt đẹp! Nếu nó không phải là cây chành rành để người ta làm chổi quét rác,
mà là một cây hoa mai thì sao nhỉ? Lan rất thích hoa mai. Nàng từng thấy những
nghệ nhân đã tốn biết bao thời gian công sức và tâm huyết để tạo dáng gốc hoa
mai, cũng không thể tạo được dáng nai đẹp sống động thế này.
Mình sẽ đem nó về lặt hết lá già chỉ để
lại những mầm non mới nhú. Trồng nó vào chậu sứ. Mua hoa và nụ mai nhựa đính
vào cành nhánh nó. Thế không phải là một kiệt tác nghệ thuật của thiên nhân hợp
nhất hay sao?
Giờ này Lan ngồi trước chậu cây có dáng
con nai đang vươn sừng kiêu hãnh. Thằng Đệ - em Lan, đã mua những dây hoa và nụ
mai nhựa về rồi. Nhưng nàng không quấn dây hoa mai nhựa quanh cành nhánh của
cây. Nếu thế người ta nhìn vào sẽ biết ngay là hoa giả. Nàng cắt rời những nụ
và bông hoa, chỉ chừa lại đoạn ngắn dây kẽm dài bằng cuống hoa. Nàng tỉ mỉ dùi
những lỗ nhỏ rồi khéo léo đính từng nụ và bông hoa mai nhựa vào. Cuối cùng tác
phẩm nghệ thuật đã hoàn thành. Tuyệt đẹp! Thân cây cũng giống thân cây mai.
Những mầm non mới nhú cũng màu hồng nhạt, sẽ không ai phân biệt được đó là mầm
non của cây gì. Những nụ hoa cũng xanh mướt mượt mà. Những cành hoa năm cánh
cũng vàng tươi mảnh mai nhẹ nhàng mà kiêu hãnh; chúng cũng rung rinh lay động
sau cơn gió nhẹ thoảng qua. Chắc chắn ai cũng phải trầm trồ: “Tuyệt đẹp”. Lan
nghe lời khen đầu tiên ấy từ Anh:
- Ồ! Tuyệt đẹp! Em tìm đâu ra cây mai dáng
nai quý giá thế? Nghệ nhân nào trồng được cây mai này họ sẽ không bán đâu. Nếu
có bán cũng với giá rất cao. Em tìm đâu ra thế?
Lan mỉm cười không đáp. Nàng biết Anh cũng
yêu thích hoa mai. Mình đã tìm ra được một điểm chung với anh ấy. Nghe Ái nói
Anh cũng thích văn chương. Mình thử tìm xem có thêm điểm chung nữa chăng? Lan
lại mỉm cười lấy bút lông dầu xanh viết chữ thư pháp lên chậu sứ trắng. Anh
nghiêng đầu đọc ngay:
- “Nhất sinh đê thủ bái mai hoa”. Một câu
trong bài thơ của Cao Bá Quát. Em viết thư pháp sao dễ đọc thế? Phải bay bướm
khó đọc mới là thư pháp chứ.
- Em thì nghĩ khác.Viết thư pháp là phải
phổ hồn vào nét chữ, chứ không phải khó đọc mới gọi là thư pháp.
Anh đến gần cúi sát chiêm ngưỡng chậu hoa
mai. Bỗng Anh thốt lên:
- Ủa, hoa nhựa, hoa giả à! Còn gốc thân nó
là cây gì? Nếu là cây mai thì vẫn quý. Năm này không ra hoa, năm sau nó sẽ ra
hoa.
- Thân gốc cây chành rành người ta chặt
làm chổi quét rác.
- Trời ơi, em ơi! Thế thì giá trị gì! Ở xa
nhìn truyệt đẹp, nhưng lại gần mới thấy những đóa hoa kia giả kia cứng nhắc vô
hồn. - Rồi giọng Anh thương cảm- Thôi em đừng khổ công làm gì. Ngày mai anh sẽ
mua tặng em một chậu mai thật chưng giữa nhà chơi tết.
Chậu hoa mai nai vàng ngơ ngác mà Lan xem
như một kiệt tác nghệ thuật. Một tác phẩm mà nàng đã đem cả thần hồn tâm huyết
để sáng tác thì Anh lại cho là không giá trị và cứng nhắc vô hồn!
- Anh đi đi! –Vừa nói Lan vừa đẩy Anh ra
phía cửa. Anh nắm tay Lan cười vui vẻ:
- Để ngày mai Anh sẽ đi mua cho.
Lan vẫn đẩy Anh ra phía cửa:
- Không, anh hãy ra khỏi nhà tôi đi.
Bây giờ thì Anh thật sự kinh ngạc, giọng
hơi hoảng hốt:
- Ủa! Sao vậy Lan? Anh không đi ngay bây
giờ làm em giận à?
- Không! Bởi vì tôi nhận ra anh, cũng như
anh nhận ra chậu hoa mai giả kia. Ở xa thì thấy đẹp, nhưng lại gần chỉ là những
cánh hoa cứng nhắc vô hồn.
Lan đẩy Anh ra ngoài. Cánh cửa gỗ nặng nề
khép lại. Nàng tựa lưng vào như sợ rằng nó sẽ lại mở ra. Nàng thất thần nhìn
vào chậu hoa mai dáng nai sừng sững đứng giữa nhà.
Mình sẽ không thể chấp nhận
tình cảm của anh, như cây chành rành không chấp nhận số phận.Nàng lại nhìn vào
hộc bàn, nơi bộ hồ sơ xin việc được cất giữ từ ấy đến nay. Nó phải chấp nhận số
phận của nó. Mình biết rằng sau cái tết Nguyên Đán này, mình cũng sẽ không lấy
nó ra khỏi hộc bàn.
Thế là mày chấp nhận số phận, hay là không
chấp nhận số phận đây Lan?
Quy
Nhơn 1/8/2013
Lê Đình Danh
*Lê Đình Danh, tác
giả 2 bộ tiểu thuyết lịch sử: Tây Sơn bi hùng truyện và Nẻo về Vạn
Kiếp.
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét