Tranh màu nước "Đời Mẹ" của họạ sĩ Trần Thuận
Xoẹt… xoẹt… xọet… xoẹt…
Đó là thứ âm thanh vọng vào tai tôi
khi vẫn đang còn mơ mơ màng màng trong hơi ấm của tấm chăn mong mỏng. Mong mỏng
vì thời tiết của một địa phần thuộc đường xích đạo này vốn được mệnh danh không
có mùa đông. Một tấm chăn mong mỏng cũng chỉ được kéo đến khi vào tiết se se
gần về sáng. Tôi nằm im. Lắng nghe một cảm giác êm đềm, thanh thoả trong tiếng
chim líu ríu tầng cao, cảm giác như nghe được cả nhịp rung của những chiếc lá
trong làn gió nhè nhẹ mơn man, trong lay động của vạn vật trở mình khi ánh mặt
trời như vẫn còn cơn ngái ngủ, trong âm thanh chiếc chổi tre cọ xát trên nền
gạch. Tiếng chổi tre cho tôi hình dung ra một dáng dấp hơi cong cong cúi cúi
theo từng nhát chổi, một vầng trán đã nhăn nhăn theo bao mùa mưa nắng, một đôi
mắt đượm đầy nét ưu tư của bao tháng ngày lo toan tất tả, một đôi tay nổi đầy
những đường gân xanh đã từng bỗng ẵm sớm khuya đến mười đứa con, một đôi chân
sẫm màu đất nâu và những bụi đường với dáng đi hơi ưỡn về phía trước của phần
trên và ẩy về phía sau của phần dưới, dáng đi của sự gánh gồng, dáng đi của sự
thắc thỏm, dáng đi của “Mạ tui”.
Tôi ngồi dậy, nhìn qua lớp kính cửa
sổ. Mạ kia, vẫn màu áo nâu quen thuộc từ một miền đất rộng dài ngày mưa tháng
lũ. Nhìn mạ, tôi tự hỏi, một vóc dáng mảnh khảnh thế kia, sao mang nổi trên vai
một cái gánh nhọc nhằn nhường ấy? Không như bây giờ, một đời sống đa phương
tiện, để có thể với tay là cất nhắc bớt đi chút gì chật vật. Không như ở đây,
một thành phố với nhiều loại hình công việc không quá khó khăn với ngày hai bữa
tàm tạm cá rau. Nơi ấy. Một mảnh vườn không quá rộng cũng không quá hẹp, vừa đủ
cho biết bao là thứ rau từ gia vị cho đến luộc xào. Ngày ngày nhích nhắc dăm
chục bó lớn nhỏ, theo đôi quang gánh trên vai mạ ra một khóm chợ quê, rồi lại
thúc thắc trên vai mạ những gạo dầu mắm muối. Trên rẻo đường từ nhà ra đến chợ,
có những con cá, con gà, mớ tôm, mớ ốc, ai đó của nhà đi bán, mạ lại chất thêm
vào đôi gánh mà nhặt thêm vài đồng. Sau buổi chợ, mạ mua xon một mớ sườn heo,
thịt vụn, làm một nồi cháo thơm phức chiều chiều gánh ra đầu ngõ, tối đến mạ
lại cần mẫn với những lá chuối lá tre, với bột mì bột gạo, với một không gian
sực nức mùi chuối, mùi dừa, mùi đậu mùi khoai - qua đôi tay thoăn thoắt của mạ
thành ra những chếc bánh mà người quanh vùng đã quen đặt mỗi khi nhà có giỗ
chạp cúng quảy. Ngơi tay bếp núc, mạ lại loay hoay với mảnh vườn. Ngày của mạ
dài hơn ngày của chúng tôi nhiều lắm. Hầu như chẳng bao giờ nghe mạ thở than
chuyện cực nhọc, có chăng là mạ nói: “Cực mấy mạ cũng chịu được, nhưng tụi bay
phải lo học hành tới nơi tới chốn, học sao cho bằng người ta. Mạ không ưa con
mạ dốt”. Vậy đó. Phải chăng nhờ thế mà chúng tôi có ngày nay. Còn nhớ hồi đó
làng không có trường, anh chị em tôi phải lội bộ mấy cây số, qua một con sông
để đi học. Chẳng biết giờ giấc chi cả, cứ thấy gà gáy mờ sáng là lồm cồm bò dậy
đi. Có hôm dến trường mới biết chưa tới ba giờ sáng. Hoá ra ông trăng chọc quê
lũ học trò. Về sau thấy con cái đi học xa xôi cực quá, mạ tôi thuê một chỗ ở
gần trường cho chúng tôi, rồi cứ hai tuần một lần, mạ vượt bấy nhiêu đường
nước, lỉnh kỉnh đem lên cho chúng tôi nào là gạo, muối, tương chao, bánh quà. Ba
tôi ngày đó là một công chức tầm tầm, đồng lương cũng chỉ xuê xoa một vài vặt
vãnh, bất chợt một ngày ông té bịnh. Một căn bịnh không quá nan y cũng ngốn hết
hơn hai năm trời thầy kia thuốc nọ. Vào khi thắt ngặt đó, mạ mới chịu để cho
hai anh chị lớn của tôi nghỉ học phụ giúp việc mưu sinh. Những người phụ nữ nhà
tôi giờ nhiều khi cành nanh với mạ.
-
Răng mạ khoẻ rứa hè? Hơn bảy mươi tuổi rồi mà cứ cùi cụi vậy
chẳng ốm đau chi hết.
Mạ lại cười nhỏn nhoẻn:
- Tụi
bây chừ… yếu như sên.
Kể ra thì cũng có đôi lúc trở trời mỏi
vai nhức khớp, vài viên thuốc từ cô dược sĩ mát tay là xong. Phải chăng những
tháng năm gánh gồng xuôi ngược, đã tôn đúc cho mạ một sức bền bỉ dẻo dai, như
một vận động viên miệt mài tập luyện bao năm tháng. Phụ nữ bây giờ, sanh một
hai đứa con là ì ạch đứng lên ngồi xuống lo thở. Cũng bởi hết bàn giấy máy lạnh
thì lại xe máy ô tô. Công việc nhà thì nào là máy giặt, lò vi sóng, bếp ga,
nước máy nóng lạnh. Có đâu như xưa kéo từng gàu nước, gánh từng vác củi, thậm
chí là còn đun bếp bằng rạ rơm khói mịt mù. Thời nào thế nấy. Mỗi thế hệ sinh
ra lại có được thêm một số hỗ trợ tiện dụng từ những phát kiến khoa học. Chẳng
lẽ cứ kéo tụt con người lại mãi cái thời cực nhọc như mạ. Nhưng đã có cả một
thế hệ lớn lên trưởng thành và cứng cáp từ những đôi vai mỏng mảnh của những bà
mẹ quê như mạ. Chúng tôi giờ công ty nọ, cơ xưởng kia, lại vài mạng cũng ăn nên
làm ra ở nước ngoài. Đón ba mạ vào phương Nam ấm áp để tránh bớt cái lạnh giá
tê buốt của những cơn mưa sập sùi hàng tuần của Huế, mạ vẫn đem theo cái nếp
quê vốn dĩ. Vẫn sớm sương trỗi dậy, loay hoay cái cuốc cái chổi. Mảnh vuờn nho
nhỏ tôi trồng một số cây ăn trái cho vui mắt, có mạ vô mặt đất không còn cọng
cỏ. Rồi lại lủ khủ những rau thơm rau ngò rau cải rau lang, những ớt tỏi hành
hẹ…Bảo mạ làm chi cho cực, mua có mấy đồng. Mạ quen rứa rồi, ăn rau nhà mình
trồng thấy ngon hơn, lại thời buổi bây giờ thuốc sâu thuốc kích thích tràn lan,
ăn vô tổ mang bịnh. Rồi như thuận miệng, mạ tiếp: “Còn làm được chi cứ làm, dư
dả thì cho cô nhi người nạn, mạ biết tụi bay giờ làm ăn khấm khá, chuyện mấy
đồng không kể chi, nhưng mà làm chi thì làm nhớ ăn ngay ở thẳng nghe con. Mạ cả
đời không ăn không ăn hỏng, không giựt dọc của ai một cắc, trời cho các con
mạnh khoẻ nên người là mạ vui rồi, đừng có ham nhiều tiền mà rồi để người khi
kẻ nhiếc, lũ nhỏ về sau nó khổ”. Mạ là rứa đó. Không sợ đói không sợ nghèo, chỉ
sợ con mình mang cái tội nhẹ vay nặng trả. Cha mẹ hiền lành để đức cho con. Vẫn
là lời dạy chí thiết của bậc hiền nhân.
- Òa,
dậy rồi hả con. Đi súc miệng rửa mặt đi rồi ăn sáng. Mạ nấu
hủ tiếu trong nớ rồi kìa.
Mạ dừng tay chổi, nhìn trực lên thấy
tôi thì mau miệng. Tôi bỗng ước ngược lại là trẻ nít, để chạy ào ra rúc vào
ngực mạ, để nghe mạ mắng yêu “Cha bây, lớn xộn rồi mà…”
Đàm Lan (Dak Lak)
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét