Nhà thơ Cao Thoại Châu
Nhà văn Mang Viên Long
Cao Thoại Châu:
Tôi vốn dễ cảm nhận thơ hơn là truyện, đầu óc lại không tập trung
cho nên những gì tôi nắm được ở một nhà văn thực ra chỉ tàm tạm đủ. Với nhà văn
Mang Viên Long thì thời gian đọc anh đã lâu quá, sách vở sau những năm dâu bể
chẳng còn, chúng tôi lại chưa quen nhau ngoài đời, như thế là bất tiện nhưng
cũng có cái tiện. Tính tôi hay nghĩ gì nói nấy, và mong khi trò chuyện trong
mục này, Mang Viên Long cũng sẽ làm như thế. Cốt là lấy được ý “tươi”
không chế biến, trang điểm. Các tập truyện ngắn của Mang Viên Long từ 1969 đến nay: Trên Đỉnh Sa Mù (1969), Mùa
thu Trống Trải (1970), Phố Người (1971), Có Những Mùa Trăng, Đoá Hồng Cho Người
yêu (1972), Biển Của Hai Người, Hỏi Lại Chính Mình (2006), Trái Tim Còn Lại
(2007), Ông Già Và Con Chim Hoàng Ly (2008).
Là giáo viên nghỉ dạy, Mang Viên Long hiện sống tại Bình Định,
thành Đồ Bàn, nơi anh sinh ra.
Cao Thoại Châu (CTC): Tên thực lấy làm bút danh của anh khá
lạ. Kinh nghiệm không lý giải được của tôi là bút danh có góp phần lớn tạo
nên một người cầm bút. Với anh, từ hơn 30 năm trước điều tôi chú ý cũng chính
là ba chữ Mang Viên Long để từ đó mới nhận ra những điều anh viết hồi ấy. Anh
có nghĩ, nếu chọn một bút danh khác thì những gì anh có được đến nay sẽ khác? Tôi
có “duy tâm” không?
Mang Viên Long (MVL): Anh hỏi điều tôi chưa từng nghĩ đến - nhưng cũng
rất thú vị! Bút danh tuy chỉ là “bề ngoài” chẳng ăn nhằm gì đến tác phẩm, nhưng
có lẽ, nó “gây ấn tượng” đầu tiên cho người đọc. Thấy cái bút danh lạ, dễ
thương, người đọc cũng… có cảm tình hơn so với cái bút danh “cộc lốc, cải
lương” hoặc “dễ ghét” chứ anh? Riêng MVL thì nhiều người nghĩ
là “bút danh” chứ không phải là tên thật! Ngay vài bạn văn đã quen cũng
nghĩ vậy! Anh Trần Phong Giao (Thư ký Toà soạn Tạp chí Văn) cũng đã gởi thư bảo
tôi: “Anh cho biết tên thật để gởi nhuận bút”! Còn
chuyện “nếu chọn một bút danh khác thì những gì anh có được đến nay
sẽ khác” như anh hỏi thì… có thể lắm chứ, anh không “duy tâm” đâu! Tôi cũng rất
tin về chuyện “duyên nghiệp” mà...
CTC: Trước 1975 truyện của anh đăng trên những tờ báo “quý tộc”
như Vấn Đề, Văn, Bách Khoa v.v.. - những
“khung cửa hẹp” theo cách nghĩ của tôi - còn ngày nay, những người viết không
có những “khung cửa hẹp” để… lập thân lập nghiệp văn chương. Tôi cho rằng nếu
hồi năm 1970 gì đó mà tờ Bách Khoa không đăng truyện ngắn “Dì Lucia” thì có thể
anh mất một cơ hội để nâng niu bàn chân
Việt. Báo chí hiện nay hình như không mặn lắm với việc “đào tạo” người viết,
anh có tiếc không?
MVL: Đúng như anh nghĩ, báo chí vào thập niên 1960 - 1970 còn quá ít,
nhất là các báo chuyên về Văn học nghệ thuật. Do vậy, việc có tác phẩm được
chọn đăng trên những tờ báo ấy là rất khó! Đó là một thử thách lớn cho người
cầm bút, nhất là những nguời trẻ tuổi như chúng ta thời ấy! Nhưng phải nhìn
nhận một điều là những ai đã được “cộng tác” thường xuyên với họ đều có thể đi
xa hơn và trong nhiều trường hợp trưởng thành hơn, viết chuyên nghiệp hơn… Hay
nói theo cách khác, có thể “trụ” lại được với cây bút của mình! Tôi viết thường
xuyên trên Vấn Đề, viết ít trên Văn, Bách Khoa, Trình Bày, Khởi Hành, Phổ
Thông, Ý Thức… Truyện Dì Lucia là truyên
đầu tiên tôi gởi cho Bách Khoa và được chọn đăng ngay! Nếu tờ báo ấy không
“mặn” thì tôi có tờ Vấn Đề luôn sẵn sàng! Ngày nay, báo xuất bản
nhiều, việc chọn bài cũng có phần dễ hơn xưa nên người đọc rất khó “ấn tượng”
về tác giả… Có điều vui, cũng có điều buồn! Và, nếu… “Dì Lucia” không xuất
hiện mà bị nằm trong ngăn kéo báo Bách Khoa thì cũng thật là tiếc bởi vì… Dì
Lucia rất đẹp!
CTC: Trở lại với “Dì Lucia”, gợn lên một tình yêu như cái mầm…
không mọc tiếp (nhưng cũng không thui chột), người nữ tu này rất “người” một
cách trong sáng, phần tôi rất mê những chút tình lãng mạn, éo le mà sương khói
như thế. Kết thúc truyện: “Tôi sẽ tới, thưa dì. Chắc là ở đâu tôi cũng sẽ về
đây ngày Chúa Giáng sinh. Dì hãy cầu nguyện cho tôi còn sống để trở lại”. Hoà
bình hơn 30 năm, không còn nỗi sợ chết của người lính bị động viên, anh có biết
Lucia ở đâu?
MVL: Tôi biết! Dì Lucia ở tại Ninh Hòa (thời điểm 1972-73) và sau đó,
cho tới hôm nay sau hơn 30 năm, Lucia đang ở trong… Trái Tim tôi! Có một điều
rất an ủi là nhà văn Khuất Quang Thuỵ từ Hà Nội cũng đã comment góp ý với tôi
về chuyện ấy: “Tôi đã đọc trên báo Văn Nghệ Già nay đọc lại trên
blogs của anh, cảm thấy đó là một truyện ngắn rất hay!”
CTC: Được biết, một trong những đề tài ruột của truyện ngắn Mang
Viên Long là tình yêu - hạnh phúc gia đình. Anh “hiền” thật đấy! Và trong cuộc
sống thực tế của bản thân anh có thu hoạch được điều anh viết? Hạnh phúc
gia đình thú vị lắm chứ nhưng người làm thơ thì thường bị ngược lại, có phải vì
họ mơ nhiều hơn thực?
MVL: Trong thực tế đời sống, tôi “chẳng thu hoạch được gì
cả”. Nghĩa là tôi là kẻ bất hạnh trong Tình Yêu, Hạnh phúc gia đình! Vì vậy nên
tôi sống cho “ước mơ” trong những trang viết! Viết là để ước mơ để hy
vọng, có khi là “ăn cơm nhà vác ngà voi” cho người khác thế thôi! Tức là,
nếu có thể, “nhắn gởi”cùng người đọc điều tâm huyết chia sẻ kinh nghiệm để… họ
tránh một vết xe đổ! Hạnh Phúc gia đình là niềm Hạnh Phúc lớn của đời
người luôn hướng vọng tìm cầu nhưng hình như rất ít người có được trọn
vẹn! Còn Nhà Thơ ư? Đâu có ngược lại! Tôi cảm thấy quí Nhà Thơ Hạnh
Phúc lắm cơ mà! Còn nếu có… thơ thất tình thì chỉ “thất tình” trong tâm
tưởng và, đôi khi “tự làm khổ mình”! Nói tóm lại, vì bản chất
là “mơ theo trăng và vơ vẩn cùng mây” nên… trắng
tay! Nghèo. Mà … nhà thơ là người “nghèo nhất thế giới”, nên chi…
thất tình cũng “nhất thế giới” là chuyện… thường ngày, có chi mà anh
quan tâm?
CTC: Tôi không nghĩ nhà thơ không hạnh phúc vì nghèo,
trái lại, anh ta rất giàu những thứ... không có thật. Trở lại với tác
phẩm của anh. Nhân vật ông ngoại (truyện “Ông ngoại tôi”) là một mẫu
cán bộ đẹp. Sau nhiều năm lăn lộn ngoài chiến trường, khi trở về ông chỉ làm
cho bản thân mỗi một việc là bảo lãnh cho con rể được rời trại cải tạo sớm. Và
ông xin hưu với một tâm trạng thảnh thơi khi chưa tới 50 tuổi, ông ngoại khi
đoàn tụ còn khá trẻ nhưng bà ngoại (tất nhiên cũng mới chớm trung niên) lại cạo
đầu ăn chay. Bây giờ nghĩ lại anh có thấy mình cực đoan khi viết như vậy
không?
MVL: Anh nhận xét rất “trúng ý” của Tác giả! Ông Ngoại là một mẫu
cán bộ đẹp, cao thượng, đạo đức nhưng tiếc thay, lại rất ít! Ông bà gặp
lại nhau sau 21 năm đều chưa ngoài 50 - xem như cũng còn trẻ - nhưng, nhà thơ
ơi, sự thật nó như vậy thì làm sao tôi viết khác? Tôi có “cực đoan”
chăng? Xin nói nhỏ với nhà thơ: Đó là ông bà Ngoại của các con tôi đấy! Chuyện
nó thật như vậy… Có lẽ, đây cũng chỉ là một trường hợp trong đời sống của chúng
ta mà thôi!
CTC: Này anh MVL, trong truyện ngắn “Điều bất ngờ đã đến”, người
phụ nữ đứng đắn tên Khải, cuối cùng chỉ vì thương con mà bị người ta la “Ăn
cắp, quân ăn cắp” và đạp lên người, đánh đập ngay trong cửa hàng. Sao lại
đau lòng đến thế? Hạnh phúc gia đình mà anh coi là một đề tài ruột, có bị
phản chứng khi tác giả “tàn nhẫn” với nhân vật?
MVL: Tôi cũng rất đau lòng khi phải viết như vậy anh à! Viết truyên
này, tôi cũng đã có đôi lần sụt sùi vì thương cảm! Nhưng, thực tế nhiều
lúc thật quá phũ phàng. Nếu nhớ lại khoảng 10 năm sau hoà bình, có lẽ anh
sẽ không trách tôi “phản lại điều mình tâm niệm là viết vì Hạnh phúc
gia đình, vì lợi ích cho nhiều người”! Tôi chỉ là “một người chứng”
và sau đó, là một người sẵn lòng chia sẻ mà thôi! Tôi ghét kiểu viết cường điệu
thổi phồng hay bóp méo sự thật! Rất cám ơn anh Cao Thoại Châu đã dành cho tôi
buổi “mạn đàm” thú vị này. Tôi nghĩ rằng, anh là người Hạnh Phúc nhất đấy!
CAO THOẠI CHÂU thực
hiện
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét