Nhà thơ Ngô Văn Cư
Một điệu nhạc quen thuộc vang lên từ chiếc điện
thoại di động, Cường vói tay cầm lấy. Màn hình hiện lên một số điện thoại lạ,
Cường không nghe nhưng vẫn không tắt máy. Anh vẫn có thói quen như thế, không
nghe những cuộc gọi từ số máy lạ gọi đến lần đầu và không tắt máy, giả vờ như
không nghe tiếng chuông reo. Anh thường cho đó là cuộc gọi nhầm số hoặc ai đó
bấm ngẫu nhiên, khi được bấm máy trả lời thì họ tắt máy, mình gọi lại thì nghe
lời xin lỗi… Sự nhũng nhiễu từ số máy lạ thường làm Cường bực dọc. Nếu ai cần
trao đổi thì sẽ gọi lại, khi chắc chắn người bên kia thật sự muốn gặp mới bắt
máy. Điệu nhạc lại vang lên.
- A lô!
- Xin lỗi! Đây có phải là số máy của anh Cường? Trần
Xuân Cường?
Một giọng nói phụ nữ. Cường ngạc nhiên:
- Vâng, chính tôi là Trần Xuân Cường đây!
- Đúng là anh rồi! Anh còn nhớ đến Nguyễn Thị Hoàng
Liên không?
Một cái tên lạ lẫm. Cường cố nhớ những người quen,
những người anh từng giao tiếp là phụ nữ có cái tên như thế, nhưng không tài
nào nhớ được! Anh thăm dò:
- Hoàng Liên? Hoàng Liên nào? Tôi không…
- Anh còn nhớ đến lớp học Văn một không?
À,
thì ra… Cường hồi hộp:
- Hả?
Liên đang gọi anh đấy phải không? Bất ngờ quá! Liên bây giờ ra sao? Làm sao
biết được số điện thoại này?...
- Anh
thật sự quên hết rồi à? Phải thôi, hơn ba mươi năm rồi còn gì!
Hơn
ba mươi năm rồi, còn gì! Khi ấy...
Đó
là những ngày đầu của đất nước vừa được giải phóng. Tất cả còn bề bộn và thiếu
thốn. Từ cơ sở vật chất hạ tầng đến con người tham gia hoạt động xã hội đều chắp
vá, vụn vặt để kịp thời quản lí một nửa đất nước vừa giải phóng. Cường và Liên
là một trong những người trẻ tuổi được cấp tốc đào tạo để kịp thời bổ sung cho
đội ngũ cán bộ lúc bấy giờ.
Cường
là học sinh vừa hoàn thành xong chương trình học phổ thông ngay sau khi đất
nước hoàn toàn giải phóng. Với lí lịch bản thân trong sáng và kiến thức ấy anh
được tuyển vào lớp sư phạm cấp tốc để kịp khai giảng cho năm học mới. Đây là
lớp sư phạm đẩu tiên của địa phương đào tạo giáo viên. Chương trình chỉ là
những kĩ năng lên lớp với những tình huống sư phạm thường gặp trong giảng dạy.
Trọng tâm là những bài giảng về rèn luyện những phẩm chất đạo đức cho người giáo
viên trong xã hội mới, về lập trường tư tưởng vững vàng trong giai đoạn giao
thời.... Cường học giỏi và năng nổ nên được tín nhiệm làm lớp phó học tập. Thật
ra, trong lớp cũng có một số giáo sinh giỏi. Họ là những sinh viên học dở dang
ở các trường đại học trước năm bảy lăm nhưng phần lớn họ dè chừng, không bộc lộ
hết khả năng, kiến thức; họ dò dẫm về sự tin cậy của chế độ mới đối với những
người như họ....
Còn
Liên là học sinh tốt nghiệp trung học phổ thông hệ mười năm ở miền Bắc theo cha
về quê hương. Cô được giáo dục chu đáo về những kĩ năng sống tập thể, sự cống
hiến; tuy nhiên cô rất ngây thơ, vụng về trong giao tiếp.
Ra
trường, Cường được phân công về giảng dạy ở một trường xa thành phố, là nơi
trong kháng chiến, ta và địch tranh nhau từng tấc đất. Hoàn cảnh của Cường lúc
bấy giờ có thể xin dạy ở thành phố hoặc một nơi thuận lợi hơn. Tuy nhiên, với
tinh thần tuổi trẻ sẵn sàng anh đã xin về đây. Đến nơi công tác anh mới thấy
hết nỗi khó khăn mà thầy giáo và học sinh phải cố vượt qua. Những thiếu thốn
vật chất luôn là nỗi ám ảnh của mọi người. Cha mẹ học sinh rất quý mến thầy cô
nhưng sự giúp đỡ của họ chỉ là những món quà dân dã tìm được từ những mảnh vườn
cằn cỗi... còn lương tháng của Cường không đủ trang trải cho nửa tháng! Anh
đành phải phụ lòng tốt của mọi người để về thành phố cùng với những tiện nghi
có sẵn.
Những
ngày đầu ấy, đến nay đã hơn ba mươi năm rồi!
Khi
có điều kiện, Cường nhanh chóng vươn lên. Sau vài lần đổi nghề, thay vài nơi
công tác, hiện giờ anh là giám đốc một công ty xuất nhập khẩu ăn nên làm ra.
Nhiều lần anh đã xuất hiện trên truyền hình địa phương, nhờ đó Liên nhận ra
anh. Bên kia vẫn giọng nói nhẹ nhàng:
- Em
vẫn đi dạy bình thường anh à!
- Không
giữ chức vụ gì trong ngành sao?
- Không!
Trước đây thì có đấy... nhưng cuộc sống bản thân khó khăn quá em xin nghỉ, chỉ
chuyên tâm vào công tác chuyên môn thôi.
- Con
người năng nổ, nhiệt tình cống hiến của em đâu rồi?
- Hoàn
cảnh chi phối tất cả mà anh!
- Em
đầu hàng hoàn cảnh à?
- Anh...!?
Liên
tắt máy! Cường lưu lại số điện thoại rồi lan man suy nghĩ về việc tự nhiên Liên
điện đến mình rồi lại đột ngột tắt máy! Hay là Cường đã chạm niềm tâm sự sâu
thẳm nào khiến Liên tự ái. Phải chăng do từ “đầu hàng” mà Cường vừa thốt ra?
Những cảm xúc mới mẻ đến với Cường, như những ngày xa xưa...
Những
ngày tháng học ở trường, tình cảm của Cường và Liên đang trong thời kỳ mặn
nồng. Lời hứa hẹn của Cường, sự vun quén của Liên đã được tổ chức cho phép. Hồi
ấy, tình cảm cá nhân phải xin phép và được các đoàn thể cho phép mới được tìm
hiểu, quan hệ...yêu nhau mà tiến tới hôn nhân. Hai người đã mong ước về công
tác chung một trường vùng sâu vùng xa khó khăn nào đó để giúp đỡ những học sinh
bị thiệt thòi. Nhưng khi ra trường, hai người không thể ở chung trường, chung
huyện mà mỗi người được phân công cách nhau một huyện cách xa hơn năm mươi cây
số. Phương tiện đi lại thiếu thốn, khó khăn, thư từ đến với nhau chậm chạp...
Năm học đầu còn thư qua tin lại... đến năm học sau thì những lá thư của Liên bị
trả lại địa chỉ người gởi! Mòn mỏi đợi chờ suốt nhiều năm không tin tức gì của
Cường, Liên đã nhiều lần dò hỏi nhưng chỉ biết là Cường đã chuyển về thành phố.
Và, danh sách giáo viên được phòng giáo dục thành phố quán lí cũng chẳng có tên
của Cường. Liên lại vùi đầu vào công việc quên đi tuổi xuân đang trôi dần. Đến
khi Liên nghĩ đến hạnh phúc riêng mình thì tuổi già đã ập tới. Những người từng
đeo đuổi Liên đã yên phận với gia đình, trong khi Cường vẫn bặt tin. Có thể nói
Liên đã chịu thua trước hoàn cảnh, còn Cường mới là kẻ đầu hàng hoàn cảnh.
Ngay
ngày hôm sau, Cường về huyện... ,nơi trước đây Liên dạy học để tìm...
Ở
phòng giáo dục, ai cũng biết đến cô giáo Nguyễn Thị Hoàng Liên, và nơi đây,
Cường nắm sơ bộ hoàn cảnh của Liên. Là lớp giáo viên đầu tiên của đất nước vừa
giải phóng trong một huyện khó khăn, cô Liên được đào tạo khá bài bản cộng với
sự năng nổ, nhiệt tình, cô nhanh chóng trở thành hạt nhân của ngành được nhân
dân tin yêu, học sinh quý mến. Cô từng là giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh, giữ đến
chức Hiệu trưởng của một trường. Rồi cô vin vào lý do sức khỏe xin ra trực tiếp
giảng dạy. Đến giờ cô vẫn chưa lập gia đình. Nhiều thế hệ giáo viên đã xem cô
như một mẫu người để phấn đấu. Sắp tới cô sẽ đi dự hội nghị chiến sĩ thi đua ở
trên tỉnh...
Nhà
của Liên cũng dễ tìm. Một ngôi nhà nhỏ xinh xắn giữa khu vườn xanh um cây trái
không cách xa trường học bao nhiêu. Cánh cổng vẫn để ngỏ như đang chờ bước chân
của Cường. Chân anh bước qua cánh cổng không mấy tự tin như khi bắt đầu lên
đường tìm Liên. Anh ngạc nhiên là chủ nhân chỉ khóa cửa nhà chứ không khóa
cổng, trong khi, trong vườn những cây ăn trái đang lúc lỉu những quả dễ tạo
những ước thèm nghịch ngợm, phá phách của bọn trẻ. Nhìn quanh khu vườn, Cường
thấy được sự chăm chút của chủ nhân. Tán cây được tỉa cành tạo dáng rất ưa nhìn
như những cây cảnh. Dưới mỗi gốc được quây bồn bằng gạch thô để khi tưới nước
không chảy tràn lan. Những luống hoa làm viền cho những chậu cây cảnh được cắt
tỉa cẩn thận với nhiều dáng vẻ như có bàn tay của nghệ nhân sinh vật cảnh chạm
vào thật bắt mắt. Chung quanh ngôi nhà được dọn dẹp sạch sẽ, ngăn nắp... Cường
ghé mắt qua cửa sổ nhìn vào phòng khách ngắm bình hoa tươi trên bàn thì nghe
tiếng người:
- Anh
tìm ai?
Cường
ngoái nhìn, ngỡ ngàng! Hoàng Liên ngày xưa của anh đây sao? Vẫn dáng người thấp
đậm, nhỏ nhắn; khuôn mặt tròn, đôi mắt sáng nhưng không còn nét thơ ngây mà
thay vào đó là sự đằm thắm, dịu dàng.
- Hoàng
Liên! Em không nhận ra anh à?
-...
- Trần
Xuân Cường đây!
- Ôi,
bất ngờ quá! Với lại... sao anh không báo trước?... Anh vào nhà đi....
Liên
bối rối mở cửa mời Cường vào nhà.
Khi
đối diện với Liên, Cường lại lúng túng chẳng biết mở đầu câu chuyện như thế
nào. Liên là người phá vỡ sự im lặng nặng nề:
- Công
danh sự nghiệp của anh em đã biết được phần nào. Chuyện gia đình riêng của anh
hôm nay ra sao?
Cường
trầm ngâm:
- Sau
khi về thành phố vài năm thì anh có vợ và sinh được một trai, nay đã lập gia
đình và công việc làm cũng ổn định. Nó mồ côi từ khi mới ba tuổi. Mẹ nó bị tai
nạn giao thông.
Liên
thấy chạnh lòng:
- Rồi
anh một mình nuôi cháu?
- Không!
Anh không thể vừa làm vừa chăm sóc con được nên sau đó ít năm anh lại một lần
nữa...
- Chị
bây giờ...?
- Không
còn ở với anh nữa...
- Hả?
- Sau
mấy năm chung sống, vì công việc anh phải đi xa nhà luôn. Không ngờ ở nhà người
vợ đã đổi lòng. Anh không chấp nhận nên đã chia tay rồi. Gần mười năm nay anh
chỉ biết có công việc và chăm sóc đứa con.
Liên
lại buộc miệng:
- Anh
tệ lắm!
Không
rõ đây là lời trách Cường đã tệ bạc bỏ rơi Liên hay là sống quá tệ với người vợ
sau khiến chị ta phải tìm đến tình cảm khác. Dẫu sao, nhờ đó mà Cường đã bộc
bạch tấm lòng:
- Đúng
là anh đã trốn chạy khỏi nơi công tác đầu tiên khi cuộc sống quá khó khăn, chối
bỏ mong ước được giúp đỡ những học sinh thiệt thòi và đánh mất niềm tin nơi em
khi anh bỏ về thành phố. Anh không quên em nhưng cảm thấy xấu hổ... Người vợ
đầu đã cho anh hạnh phúc ngắn ngủi, người vợ sau là cơn ác mộng của anh. Cảm ơn
em đã gọi điện cho anh, trao cho anh dũng khí để tìm đến đây. Anh đã hiểu hết
cuộc sống của em... em... Liên cho anh chuộc lại lỗi lầm và chúng ta lại bắt
đầu em nhé...
Cuộc
hạnh ngộ sau ba mươi năm quá bất ngờ nhưng bất ngờ nhất đối với Liên là lời xin
kết nối lại tình xưa của Cường. Liên gọi điện cho Cường đâu phải là vì mục đích
này.
- Không
thể được đâu anh. Mỗi người đã yên phận với cuộc sống riêng rồi, với lại chúng
ta đã già ...
- Chúng
ta vẫn còn một chặng đường dài phía trước... Anh không thể để mất em một lần
nữa đâu.
Liên
chuyển đề tài:
- Thôi,
trưa rồi! Anh ở lại ăn cơm với em nhé... Em đi nấu nướng gì một chút...
Liên
đứng dậy quay lưng vào bếp thì bị một vòng tay ôm riết, tiếng Cường rủ rỉ bên
tai:
- Em
hãy về sống với anh nhé! Chúng ta không thể xa nhau nữa đâu! Em hãy nói với anh
một lời...
Liên
quay mặt lại thì bắt gặp một nụ hôn nóng hổi của Cường. Anh vẫn cuồng nhiệt như
xưa làm ký ức êm đẹp của mối tình đầu bừng dậy. Liên không trả lời nhưng trong
sâu thẳm tâm hồn cô đã chấp nhận tha thứ. Họ đứng yên cảm nhận được những rung
động của nhau nhưng mỗi người đeo đuổi một suy nghĩ...
Hình
như, ngày đã bắt đầu trưa. Ánh nắng rực rỡ xuyên qua cánh cửa bừng sáng trên
những cánh hoa tươi trong bình. Cánh hoa đung đưa như rung động hòa vào hai con
tim run rẩy nhịp yêu thương. Tiếng con chim sâu ríu ran trong kẽ lá như nốt
nhạc lòng từ vòm cây ngoài vườn đang mùa sai quả.
Tất
cả như mới bắt đầu.
Ngô
Văn Cư (Bình Định)
Bai moi cua anh Cu day ha? Than vua doc xong, rat thich. Chuc anh khoe va co nhieu bai viet hay!
Trả lờiXóa