Trong ngôn ngữ tiếng Việt thường thấy kiểu diễn đạt: buổi
sáng tinh sương/sớm tinh sương, và hiếm gặp cách nói: chiều/tối/đêm tinh sương,
bởi từ tinh sương mang nghĩa tinh khiết, tinh tế, trong nguyên nghĩa của sự khởi
đầu. Cho nên kiểu diễn đạt “tinh
sương chiều” là nghịch ngữ từ hai phương diện: đảo ngữ (xét từ hình thức) và ẩn
dụ (xét từ nội dung). Đó không chỉ là kiểu hành ngôn độc đáo, mà cao thâm hơn
là kiểu tư duy mang tính khái quát cao, khi con người có một sự chín từ cảm xúc
đến quan niệm. Trong tập thơ Tinh sương
chiều1, theo chúng
tôi, nghịch ngữ là một trong những phương thức tạo nghĩa cơ bản nhất và mang
tính phổ quát.
Nhà thơ Trịnh Bửu Hoài
Trước hết, chúng ta cần giới thuyết thuật ngữ nghịch ngữ.
Trong các tài liệu phong cách học tiếng Việt, nghịch ngữ được xem như một phép
tu từ gần gũi với phép tương phản, như quan niệm của Đinh Trọng Lạc, trong
giáo trình Phong cách học tiếng Việt,
nghịch ngữ (còn gọi là: nghịch
dụ) là một biện pháp tu từ ngữ nghĩa cốt ở việc kết hợp liền nhau hoặc gần
nhau những đơn vị cú pháp đối lập nhau về
nghĩa trong mối quan hệ ngữ pháp chính phụ (chúng tôi nhấn mạnh), để tạo nên sự khẳng định đôi khi rất bất
ngờ, nhưng lại rất tự nhiên, thuận lý, biện chứng2. Như vậy,
với Đinh Trọng Lạc, nghịch ngữ, xét về mặt cấu tạo ngữ pháp, chỉ được xác lập
trên mối quan hệ giữa các đơn vị cú pháp (từ, ngữ, tiểu cú - cụm chủ-vị); xét về
mặt nội dung ngữ nghĩa chỉ xuất hiện trong mối quan hệ ngữ pháp chính phụ.
Khảo sát sự phong phú và đa dạng của
nghịch ngữ chúng tôi nhận thấy nghịch ngữ mang ý nghĩa rộng hơn. Xét về cấu tạo
ngữ pháp, nó còn vượt lên trên những đơn vị cú pháp (ngôn ngữ/langue) và
vươn sang đơn vị văn bản (lời nói/parole, diễn ngôn/
discours). Ngôn ngữ và tư duy có mối quan hệ biện chứng,
theo Saussure, ngôn ngữ và tư duy xuất hiện cùng một lúc và là một thể thống nhất.
Hình thức của tư duy là khái niệm, phán đoán và suy lí. Khái niệm được biểu thị
trong từ, ngữ; phán đoán được biểu thị trong câu; suy lí thường được biểu thị
trong nhiều câu. Xét về mặt ngữ nghĩa, mặt logic, nghịch ngữ xuất hiện trong
nhiều mối quan hệ ngữ pháp: đẳng lập, chính phụ, và hỗn hợp đẳng lập và chính
phụ giữa các cụm từ, cụm câu.
Qua sự phân tích trên, ta
thấy, nghịch ngữ có biên độ rất rộng xét về kết cấu lẫn quan hệ ngữ nghĩa.
Trong bài viết này, chúng tôi hiểu nghịch ngữ theo cách dùng của Nguyễn Thế
Truyền: Nghịch ngữ là phép tu
từ kết hợp các khái niệm hoặc mệnh đề mâu thuẫn nhau về lôgic hình thức, biểu đạt
một nghịch lý của cuộc sống hoặc của nhận thức, nhằm gây ấn tượng, tạo sắc thái
biểu cảm và khêu gợi những suy nghĩ có tính chất trí tuệ lí thú về vấn đề trình
bày từ những phương diện khác với quan niệm thông thường3.
Trong cách hiểu trên tác
giả cũng chỉ ra giúp chúng ta, nghịch ngữ giống phép tương phản là đều được xây
dựng trên cơ sở quan hệ đối lập, nhưng ở nghịch ngữ, quan hệ đối lập đã phát
triển thành quan hệ mâu thuẫn (phủ định lẫn nhau). Nghịch
ngữ chứa đựng
yếu tố phi lý ở phương diện lôgic hình thức nên mỗi nghịch ngữ là một nghịch
lý. Sự ráo rốt trong quan niệm ấy đã đem đến cho ta kết luận rằng, nghịch ngữ
đã được sử dụng khá phổ biến từ xa xưa4, và nó thể hiện một sự nhận
thức ở mức độ cao, và tạo ấn tượng mạnh mẽ đối với người tiếp nhận.
Tinh sương chiều là thi phẩm thứ 23
trong số 50 tác phẩm của Trịnh Bửu Hoài. Con số ấy chứng tỏ niềm đam mê mãnh
liệt, nỗ lực lớn lao và thành công viên mãn của một đời người và một đời thơ.
Con số ấy cũng thể hiện niềm tự hào, vinh dự của tác giả, người thân, bạn hữu
và ở giới trẻ nó phóng chiếu một niềm thán phục và nung nấu chinh phục những đỉnh
cao mới (trong đó có tác giả bài viết này). Nhưng điều cốt lõi không nằm ở con
số mà nằm trong ý nghĩa những tập thơ được đánh số ấy. Thi phẩm thứ 23 là một tập
thơ rất nền nã, từ hình thức đến nội dung. Tập thơ trên dưới 30 bài thơ, bên cạnh
đó là tranh ảnh, thư pháp, viết lại một số câu thơ của tác giả, các bài nhạc,
ca cổ phổ thơ… Điều này thể hiện Tinh sương chiều đã tạo được sự đồng cảm
cho nhiều thế hệ bạn đọc, hơn thế, lại là nguồn cảm hứng thăng hoa những mộng
mơ nghệ thuật.
Trong lòng mỗi bạn đọc
yêu thơ Trịnh Bửu Hoài đều có khuôn mặt riêng về thơ ông, nhưng đằng sau gương
mặt tinh thần ấy, họ đều nhìn thấy nhà thơ có một đôi mắt tinh tế, một con tim
nhạy cảm, một tấm lòng luôn thiết tha với đời. Với Trần Xuân An, thơ Trịnh Bửu
Hoài có tâm thành, tình thật và nó được phát tiết một cách hồn nhiên.
Trúc Linh Lan bị cuốn hút bởi những con chữ mang đậm tình người cứ lấp lánh
suốt trang thơ. Còn Mang Viên Long có phần ngạc nhiên (với chính mình) bởi
sức sống luôn dồi dào bền bỉ của thơ Trịnh Bửu Hoài nảy nở trong lòng anh,
trong lòng bạn đọc: Thơ Trịnh Bửu Hoài vẫn thường cho tôi những phút giây đồng
cảm bất ngờ như thế, bởi tâm hồn nhà thơ quá rộng mở để cuộc sống xung
quanh - đời sống, quê nhà, tình yêu, bằng hữu, quá khứ, tương lai… có thể đi về,
và mỗi lần trong hành trình vô thường ấy, ông có cách đón nhận riêng, nhưng cốt
lõi vẫn là sự tỉnh táo, chân thật, thâm trầm. Có lẽ, điều này cũng gieo
vào lòng Ngô Nguyên Nghiễm hình ảnh về một nhân cách thơ thấm nhuần đạo lý
phương Đông. Tinh sương chiều là tập thơ thể hiện rất rõ cái nhìn
thâm trầm, cái tình chân chất, cái hồn thơ đạo lý phương Đông ấy. Song, chúng
ta không dừng lại ở chỗ nhận ra vẻ đẹp đó, mà còn có mong muốn biết, bằng cách
nào nhà thơ nói những điều vừa giản dị vừa lớn lao, vừa quen thuộc vừa mới mẻ đến
như vậy ngay trong một lần phát âm nhẹ nhàng. Với tôi, có được điều đó là nhờ sự
đa âm trong cách cộng hưởng nhiều nghịch ngữ. Đó là cái duyên rất riêng của
trang thơ Trịnh Bửu Hoài, rất mộc mạc, với những vấn đề không mới và cũng
không cũ bao giờ, nhưng lại dạt dào thấm đượm một trí tuệ hiền minh.
Chính xác tập thơ có 37
bài, theo khảo sát, chúng tôi nhận thấy, có 20 bài sử dụng phép nghịch ngữ,
trong đó có nhiều bài sử dụng với một tần suất dày đặc. Chính nghịch ngữ đã đem
lại cho Tinh sương chiều vẻ đẹp chín chắn, nền nã, một giọng điệu triết
lý nhưng không phải là một sự lên gân mà rất tự nhiên, một sự nhận thức chín muồi
từ bên trong.
Chúng tôi chia nghịch ngữ
trong tập thơ ra làm hai dạng: nghịch ngữ ở phương diện cú pháp (từ, cụm từ, tiểu
cú - các dòng thơ trong một đoạn), tức là sự mâu thuẫn ở cấp độ khái niệm; và
nghịch ngữ ở phương diện văn bản, nội dung bài thơ là lời đối thoại dài với
tiêu đề, hoặc một vài câu thơ dung chứa một tư tưởng khác, một cách nhìn khác,
qua đó thể hiện sự mâu thuẫn về mặt tư tưởng, bắt buộc người đọc phải đọc lại
và nhận chân lại vấn đề. Trong 20 bài sử dụng phép nghịch ngữ thì có 5 bài (Phù
du, Thứ sáu ngày bảy tháng tám năm lẻ chín, Trên đỉnh núi Cấm, Mê, Thực) có
cả hai dạng nghịch ngữ. Song, chúng tôi không thể thống kê, liệt kê hết nghịch
ngữ trong từng câu thơ, ý thơ, mà chỉ đi vào một số hiện tượng (theo tôi) độc
đáo, tiêu biểu.
Như chúng ta đã biết, nghịch
ngữ là cách nói đa âm, dung chứa nhiều giọng điệu, nhiều ý tứ dựa trên sự mâu
thuẫn, phủ định giữa các khái niệm, các mệnh đề. Phải có một thuận ngôn (cách
nói, kiểu tư duy thông thường) nào đó rồi mới có nghịch ngữ (sự phủ nhận thuận ngôn,
kiểu tư duy, điểm nhìn dựa trên một hệ quy chiếu khác). Phần lớn nghịch ngữ
trong Tinh sương chiều là sự nhận thức ở cách nhìn nhị nguyên luận về những
vấn đề muôn thủa của cuộc sống, con người: sống/chết; thường hằng/hữu biến;
vĩnh cửu/khoảnh khắc; mê/ngộ; tốt/xấu; thiện/ác; ngày/đêm… Đó là những vấn đề
muôn thuở nên cũng rất gần gũi, nó vừa xưa như trái đất nhưng cũng mới như địa
cầu, quyết định là ở điểm nhìn, cách nhìn.
Điều được láy đi láy lại
như một sự nuối tiếc khôn nguôi trong Tinh sương chiều là thời gian. Có
lẽ đây cũng là câu đố hóc búa mà con quái vật Sphinx đã đặt ra cho tất cả chúng
ta. Từ thời cổ đại Heraclitus đã phải ngậm ngùi thừa nhận: Không ai tắm hai
lần trên một dòng sông. Thời gian là vô tận và cũng là hữu hạn. Thời gian
có thể là vĩnh cửu đối với vũ trụ, nhưng với mỗi sinh thể/con người lại là hữu
hạn. Điều này là hiển nhiên nhưng không phải lúc nào và ai cũng nhận ra. Có lẽ
phải đến xế chiều ta mới nhận ra sắc hồng rực rỡ của nắng trưa?
Mở đầu tập thơ là câu thơ
chứa nghịch ngữ để lại nhiều dư âm trong lòng người:
Ta
sinh vào cõi phù du
Nên mãi đi tìm vĩnh cửu
(Phù du)
Phù du/vĩnh cửu là một cặp
đối lập: phù du là kiếp sống ngắn ngủi sớm nở tối tàn; vĩnh cửu là bất biến.
Hai mặt đối lập ấy không chỉ là sự phản ánh hiện thực thuần túy của thời gian
dưới những giác độ khác nhau, mà quan trọng hơn là nói cái nghịch lý trong khát
vọng của con người. Câu thơ như đúc kết cái phúc và cái phận của thân phận người.
Đam mê và khát vọng là ý chí sống/máu sống, nhưng sự phá sản của ý chí niềm tin
là hố thẳm tuyệt vọng. Cái được và cái mất chỉ trong gang tấc, vinh quang và
cay đắng chỉ lìa một bước chân. Quá trình tìm ra bản lai diện mục của mình là vấn
đề nan giải, và chủ nghĩa hiện sinh ra đời như một hy vọng tìm thấy ý nghĩa cuộc
sống qua việc khảo sát miền bí ẩn của cuộc sinh tồn, nhưng Soren Kierkegaard -
ông tổ của học thuyết ấy, đã cùng một lúc tuyên bố sự thành công và phá sản của
mình: Nghịch lý lớn nhất của toàn bộ tư tưởng là cái nỗ lực khám phá một điều
gì đó mà tư tưởng không thể nghĩ ra5. Sự vén màn một nghịch lý
và sự đóng đinh một tư tưởng không thể vén màn nơi thân phận người là bởi con
người, theo Freud, bị điều khiển bởi vô thức, nhưng bản chất của vô thức là gì,
thì đến nay vẫn là ẩn số vĩ đại của tự nhiên.
Hai câu thơ trên của Trịnh
Bửu Hoài, nói đến bản năng Eros (bản năng sống). Đó là khát vọng vượt lên chính
mình, tìm đến một thế giới khác ngoài mình, nhưng khi chạm đến cái thế giới
ngoài mình ấy, vô tình, đến ngõ bản năng Thatanos (bản năng chết).
Ý thơ trên lại được lộn
trái khi tác giả tác giả đứng trước ngưỡng cửa của Năm mới:
Đến khoảnh khắc về trăm năm
Quá
dư cho một kiếp tằm buông tơ
Hay trong Hoài niệm:
Một ngày ví với thiên thu
Một đời ví với phù du thật buồn
… Kiếp người từ tỉnh sang mê
Chỉ là chớp mắt bên lề tử sinh.
Trong cái nhìn nhị nguyên
nhuốm màu sắc Phật giáo, bằng nghịch ngữ, nhà thơ đưa ta đến cái nhìn huyền đồng6
trong triết học Lão Tử. Để ta nhận thấy rằng đến cũng là về trong một cuộc hành
trình; chớp mắt/khoảnh khắc/một ngày/phù du cũng trong cùng một địa hạt với một
đời/kiếp người/thiên thu/trăm năm…; tỉnh và mê đỗ cùng một bến trong hiện tồn của
thân phận; trăm năm là ngắn, một ngày lại quá dư… Vậy chúng ta chọn cho mình
cách sống như thế nào sau sự nhận thức ấy?
Trịnh Bửu
Hoài không chỉ đắm chìm trong những vấn đề siêu hình mà còn lắng lòng nghe những
va đập của cuộc đời. Nhà thơ dùng nghịch ngữ như một kiểu phản tỉnh, phản tư
sâu sắc. Quan tâm và có trách nhiệm với đời, ông nhận thấy những nghịch lý, những
trái tai gai mắt, sự xuống dốc của đạo đức…: Con người sẵn sàng bước qua lòng
nhân đạo, tình yêu thương, lương tri, đức tin… để leo lên đỉnh cao của tham vọng;
nền tảng đạo đức truyền thống bao nhiêu đời nay bây giờ như những xác ướp thuật
ngữ trong cuộc sống kỹ trị này, cuộc sống với triết lý cái búa của Einstein: Tiến
bộ kỹ thuật như một cái rìu nằm trong tay kẻ bị bệnh tâm thần:
Về đâu về đâu về đâu
Khi tên sát nhân được sùng bái
Kẻ nhân từ bị bĩu môi
Người hành khất bị nghi ngờ
Gã xảo trá được niềm tin
Thánh hiền phải sợ quỷ thần
Người thân dè dặt lẫn nhau
Như con thiêu thân, họ bất
chấp tất cả:
Ai
nhanh chân chạy trên con đường danh vị
Đạp lên xác kẻ thù
Đạp
lên xác người ơn
Sẽ sớm đến vầng hào quang đang vẫy gọi
Cứu
cánh không sợ gì tội lỗi.
(Thứ sáu ngày bảy
tháng tám năm lẻ chín)
Đứng bên/trên sự thị phi,
bon chen ấy, nhà thơ buông một tiếng thở dài ẩn một sự thức tỉnh:
Ai
kia chạm bến bờ sinh tử
Mới biết rằng trắng cả
hai tay
Và giữa
cuộc sống ấy, ông chọn cho mình cách hành xử đúng với đạo đức và bản tính của
mình:
Hoa hạnh
phúc nở giữa vườn triền phược
Hạt an vui gieo xuống
bãi ưu phiền
Ta yên bình giữa chốn chẳng bình yên
Ta thánh thiện dù không là thần thánh
(Trăng
của nghìn thu)
Phải chăng vì con người
và nhân cách cao đẹp ấy nên thơ Trịnh Bửu Hoài vẫn ánh lên niềm tin yêu giữa sự
vây bủa của những bế tắc?
Vẫn xanh một niềm hy vọng, vẫn yêu đời
yêu người da diết khôn nguôi, bởi nhà thơ biết chắt lọc, biết gạn đục khơi
trong, biết tự làm mới mình và nhận thức lại dù chỉ là những chuyện nhỏ nhặt,
ai cũng trải qua hằng ngày như một lần qua sông, một ban mai trước biển, một lần
về Hà Nội, một lần sống lại những kỷ niệm xưa… Và con người thủy chung nghĩa
tình ấy luôn giữ cho mình một bầu trời kỷ niệm luôn rưng rức một màu hoa
như một bến đỗ giữa cuộc đời nhiều biến thiên, thay đổi:
Biển
vẫn xanh hoài vị mặn
Với
đời mãi mãi không vơi
Em
là những cơn gió trắng
Cuộn
thành lượn sóng hồn tôi
Ban mai tôi đi biển nhớ
Dấu
chân sóng xóa tan rồi
Chỉ còn trái tim kín ngỏ
Trăm
năm giữ bóng một người.
(Ban mai trước biển)
Nếu
màu xanh của biển là vĩnh cửu, vị mặn của biển là muôn đời, thì em chỉ là cơn
gió vô hình thoáng qua đời tôi. Sóng biển đã xóa tan dấu chân em, thời gian làm
mờ nhòe hình ảnh em. Nhưng cái hay ở nghịch lý: biển là hiển hiện ngàn năm, là
bất biến nên lại trở thành bình thường, còn em trong tôi chưa đến đã vội đi,
như một ảo ảnh nên muôn đời vẫn còn là khoảng trống, vẫn còn luôn mong mỏi, vẫy
gọi khát khao…
Mỗi con người là một ẩn số
đối với chính mình, và chúng ta sinh ra để giải tìm ẩn số ấy. Phải chăng vì thế
mà Lão Tử khẳng định: Thắng nhân giả lực, tự thắng giả cường. Trịnh Bửu
Hoài làm thơ là một hành trình tự giải phẫu mình đau đớn trong hạnh phúc như vậy.
Dạng nghịch ngữ thứ hai
trong Tinh sương chiều có chung một kiểu kết cấu: tác giả đưa ra một
quan niệm, lối sống, một vấn đề… nhưng kết thúc lại mở ra cho ta một con đường
khác, một cách nhận thức khác, độc giả phải tự đặt lại vấn đề và trả lời câu hỏi
ấy theo cách riêng.
Mở đầu là bài Phù du,
cho ta một quan niệm về một kiếp sống ngắn ngủi, chật hẹp… nhưng kết thúc bài
thơ là cõi bao la của kiếp phù du nào đã ai sống đủ, sống hết?
Đứng giữa bao la trời đất
Sống hoài chẳng hết phù du
Trong mạch vận động ấy, Mê
và Thực được cấu trúc như hai mặt đối lập và thống nhất từ hình thức
tổ chức đến nội dung tư tưởng. Hai bài thơ nằm đối diện nhau mà đường biên của
trang sách là chiếc gương phẳng, nếu Mê là vật thì Thực là ảnh và
ngược lại, song vật hay ảnh thì cũng chỉ là một mà thôi, một trong hai mất đi
thì cái kia cũng không còn tồn tại.
Về tư tưởng, đọc xong Mê
thì chúng ta thoát khỏi bến mê và đạt đến một sự nhận thức tỉnh táo về cuộc
đời, ngược lại đọc xong Thực lại thấy nhân vật rơi vào cõi vô minh, mù
quáng:
Mê
Gió không sắc hương
mà thổi thành nỗi nhớ
Rượu không ngọt bùi
lại rót mút cơn say
Ta mê mải đi tìm muôn
thuở
Giữa cuộc đời chỉ một
gang tay
|
Thực
Đêm nằm mộng tưởng
là cõi thực
Ngày loay hoay đuổi
bóng phù du
Đời là tạm mà sao
ta ngây ngất
Cứ yêu người bất chấp
thực hư
|
Vậy thực hay mê, mê hay
thực? Hai trạng thái ấy khiến ta liên tưởng đến giấc mộng hồ điệp của Trang Chu
xưa kia, không biết Trang mơ thấy mình thành bướm hay bướm biến thành Trang?
Người thành bướm hay bướm thành người cũng chỉ là giấc mộng, mê hay thực, thực
hay mê cũng khởi tạo từ nhất nguyên.
Nghịch ngữ là một phép đạo
hàm tư tưởng, một kiểu lộn trái cảm xúc, để ta nhận chân vấn đề đầy đủ đúng đắn
hơn.
Trong 5 bài thơ có dạng
nghịch ngữ thứ hai mà chúng tôi khảo sát, thì bài thơ Thứ sáu ngày bảy tháng
tám năm lẻ chín có cấu trúc nghịch ngôn hơi khác, bởi nghịch ngôn ở đây được
tạo tác trong mối liên hệ tư tưởng giữa khổ thơ đầu với toàn bộ phần còn lại của
bài thơ:
Một ngày trôi
qua ngỡ như bình lặng (1)
Mặt trời vẫn mọc
hướng đông và lặn ở phía tây (2)
Đốt tuổi bao người xế theo bóng nắng
(3)
Thắp lớn vạn
người dưới rặng tinh anh (4)
Nghịch ngôn ở bài thơ này
được sử dụng tối đa, gần như ở câu thơ nào chúng ta cũng tìm được nghịch ngôn. Ở
câu (1) có một tiền giả định, dự báo cho ta rằng: một ngày trôi qua là không
bình lặng. Nhưng câu (2) lại là sự phủ nhận triệt để tiền giả định trên qua từ vẫn.
Câu (3), (4) là sự diễn giải cụ thể của câu (2), nhưng nội tại chúng đã nảy
sinh mâu thuẫn, Mặt Trời đối với người này là đốt tuổi thì với người
khác là thắp lớn, đối với người này là một sự trừng phạt thì đối với kẻ
khác lại là một sự gia ân… Song về đại thể, toàn bài thơ thể hiện sự đối lập giữa
cái bình thường và cái bất thường. Tưởng rằng Mặt Trời vẫn mọc, tưởng rằng
không có gì mới dưới ánh sáng Mặt Trời, nhưng biết bao điều đã thay bậc đổi
ngôi, người anh hùng bây giờ chỉ tìm thấy trong truyện cổ tích và kẻ sát nhân
lên ngôi, ánh sáng đạo đức bị bóng đêm tội lỗi bao phủ, sự lạnh giá đông cứng của
thói vô cảm đang bung nở một cách sống động trong ánh hoàng hôn le lói lụi tàn
trong trái tim nóng bỏng yêu thương ngày xưa, giờ đang dần khô héo. Hiện thực
cuộc sống hôm nay mang màu xám tối qua sự phản quang của nghịch ngữ lại càng rõ
nét. Nhưng không phải vì thế mà ta chìm ngập trong bóng đen của đêm tối, với sự
minh triết tự thân, chúng ta có quyền lạc quan tin tưởng: bóng tối là cửa ngõ của
ánh sáng, như 6 sẽ bị 7 phủ định và 8 sẽ bị 9 bước qua.
Trên đỉnh núi Cấm đưa lại cho ta một màu sắc khác, một ý vị
khác. Khác theo nhiều chiều, nhiều hướng. Nếu những bài thơ trên, nghịch ngữ được
tổ chức theo kiểu diễn dịch thì ở đây câu cuối lại là tiếng chuông đời đánh động
cả cõi Phật và cõi lòng người. Cả bài thơ được chia làm bốn khổ, mỗi khổ sáu
câu, thì ba khổ trên và năm dòng đầu của khổ cuối chìm trong sắc màu Phật, ý vị
thiền, trong niềm an vui phúc lạc của giải thoát, của cõi Niết-bàn, cảnh vật và
lòng người như đã nhập tịch và thăng thiên, trên đỉnh cao - đỉnh núi Cấm. Nhưng
từ trên đỉnh cao của sự nhập đạo/đạt đạo ấy tiếng động đời lại vang vọng: Rơi
về cõi phù du.
Nghịch ngữ ở đây còn được
quy chiếu trong mối liên hệ với quan điểm tư tưởng khác. Người ta đến cửa chùa
cõi Phật chìm đắm trong vị thiền, ý đạo là lẽ đương nhiên, Trịnh Bửu Hoài lên đỉnh
núi Cấm - nơi có bức tượng Phật Di Lặc lớn nhất châu Á trên đỉnh Thiên Cấm
sơn hùng vĩ nhất của vùng Thất Sơn huyền bí và linh thiêng, nơi bầu trời cảnh
bụt mà tâm tưởng lại vọng tiếng đời, mà quay về cõi phù du mới là đại đạo.
Đó là cảnh giới cao nhất của nhà Phật, với huệ nhãn thì cái nhìn mới trở lại
bình thường, núi lại là núi, sông lại là sông…
Nghịch ngữ là biện pháp độc
đáo được nhà thơ sử dụng phong phú, đa dạng và đem cái nhìn, giọng điệu rất
riêng cho Tinh sương chiều. Phải có một độ chín cả đường thơ lẫn đường đời
mới mong hun đúc cho mình được nhãn giới như vậy.
Tinh sương chiều là tên bài thơ khép lại tập thơ như trong một
sự mở đầu, và mỗi bạn đọc yêu thơ Trịnh Bửu Hoài đều tin tưởng và hy vọng những
cánh cửa thơ ông sẽ luôn còn mở ra…
Nguyễn Thị Tuyết
Tài
liệu trích dẫn:
(1)
Trịnh
Bửu Hoài, (2012), Tinh sương chiều,
Nxb Hội Nhà văn, Hội LH VHNT An Giang.
(2) Đinh Trọng Lạc, (1999), Phong cách
học tiếng Việt, Nxb Giáo dục, tr. 267 - 268.
(3) Nguyễn Thế Truyền, Nghịch ngữ - phép tu từ của những mâu thuẫn
thống nhất, http://www.phatgiaobaclieu.com/index.php?option=com_content&task=view&id=2442&Itemid=51
(4) Ở đây chúng tôi chỉ trích dẫn một vài
dẫn chứng, người cổ đại như Lão Tử (Đạo khả đạo phi thường đạo/Danh khả danh
phi thường danh); Khổng Tử (Tri chi vi tri, bất tri vi bất tri, thị tri dã);
ca dao: Đàn ông nông cạn giếng khơi/Đàn
bà sâu sắc như cơi đựng trầu; cho đến những ngày nay người ta vẫn sử dụng
nghịch ngữ như một cách sử dụng ngôn ngữ tinh tế, như Shakespear (Dường như thượng đế làm lung lay đức tin của
tôi để tôi đồng ý với Pythagoras); như Albert Einstein (Tiến bộ kỹ thuật như một cái rìu nằm trong
tay kẻ bị bệnh tâm thần); Freud (Nền
văn minh và sự bất mãn của nó)…
(5) Bryan Magee, (Phan Huỳnh
Anh, Mai Sơn dịch) (2003), Câu chuyện triết học, Nxb Thống kê, Hà Nội, tr.268.
(6) Thu Giang Nguyễn Duy Cần (2013), Lão Tử tinh
hoa, Nxb Trẻ, Tp Hồ Chí Minh, tr. 165-166
Giải phân kỳ - bỏ phân chia, giải thoát tâm hồn trí não của ta ra
khỏi cái óc phân chia sự vật.
Đọc bài viết nầy Mây học được nhiều điều quá! Cám ơn tác giả.
Trả lờiXóa