Cùng với thời gian, cùng với những hỉ, nộ, ái, ố, tham, sân, si
đời người đã trải qua - những điều đó lắng lại. Tận thẳm sâu trong tâm hồn,
những ngọt ngào, đắng cay ấy luôn cất lên tiếng nói. Những nghĩ suy chắt lọc
qua thời gian thành con chữ trên trang giấy đến với bạn đọc. Đó là tiếng nói
của sự trải nghiệm, của những “gạn đục khơi trong” dành lại cho đời cái giá trị
đích thực cuối cùng mà qua năm tháng mới tìm ra. Giá trị ấy không chỉ là của cá
nhân mà nó sẽ trở thành tài sản chung của mọi người. Những điều đó, tôi đã nhận
được từ tập thơ Mắt chiều của Phạm Như Vân.
Không phải đến tập Mắt chiều, thơ Phạm Như Vân mới chạm tới cõi vô
thường của cuộc đời, mà ngay từ những tập thơ trước đây như Hương xưa (Nhà xuất
bản Văn nghệ 1998); Mênh mông lòng mẹ (Nhà xuất bản Trẻ 2000); Giọt nắng (Nhà
xuất bản Văn học 2002); Xanh lá bồ đề (Nhà xuất bản Văn học 2012) và Cánh hạc
trong mây (Nhà xuất bản Văn học 2006). Phạm Như Vân cũng đã cho thấy nhân cách
sống của một thi nhân trong trường đời vô vi.
Ai đã nếm đủ đắng cay mới nhận ra chân giá trị đích thực của cuộc
sống. Nỗi niềm rất riêng mà cũng rất chung ấy, chị đã nhờ câu thơ nói hộ.
Câu thơ chất đầy tâm sự
Tình đời dại giấc chiêm
bao!
(Mắt chiều 2)
Độ nặng của thơ nhiều khi không phải dùng những mỹ từ to tát, mà
câu thơ với ngôn ngữ như thoảng qua, nhẹ như gió như mây chất chứa biết bao tâm
sự của người. Đến giấc chiêm bao, chỉ là một hình ảnh ảo cũng còn có khôn, có
dại, thì với điều thực, cái đang hiện hữu trong cuộc sống, tránh sao được những
khờ dại trước đời. Đau mà không thể nói, buồn mà không thể than, tủi mà không
thể kể. Tất cả giữ lại trong dòng thời gian, như con sông đời kia vẫn chảy.
Nhưng những ký ức của một thời, tưởng như đã lùi xa, nằm sâu trong quá khứ vẫn
vẹn nguyên. Từ sự lặng yên như thế đã đưa trả cuộc đời bao vất vả tảo tần về
với chân giá trị của cuộc sống. Đó chính là cái ngày:
... tôi thức trước bình minh
Yên lòng đợi nắng lên
Quên hôm qua trời đầy
giông bão
(Có một ngày)
Tâm phải tĩnh, tình phải lắng, ý nghĩ phải sâu và lý trí phải làm
chủ thì trước những toan tính những bon chen của người và những chua chát trên
đường đời mới có đủ sức mà quên một khoảng “trời đầy giông bão” đã trải. Nếu
nói theo lối nói của nhà Phật là phải đạt đến độ căn cơ của đời, trái tim đủ độ
lớn, đến độ “tính bản thiện” của kiếp nhân sinh mới có thể làm được. Cũng phải
đạt đến độ nhất định, người ta mới có thể quên đi những tháng ngày gian khó.
Phải đến độ vô vi trước những tham, sân, si mới có thể từ, bi, hỉ, xả.
Mượn gió trời lau những giọt mồ hôi
Tôi tìm tôi nơi đài sen Phật pháp
Vứt đi đôi giày vạn dặm ngày xưa
giờ
te tua rách nát
Và những ước mơ vơ vẩn
hão huyền
(Về với chánh tâm)
Chỉ khi đã đạt đến được cái ngưỡng “gió trời làm quạt”, biết được
đâu là hão huyền, đâu là cái thực, thì khi đó, trước những cám dỗ của đời mới
có thể tránh, có thể vững và có thể trụ được. Chỉ khi con người đã nhận thức
đúng, đủ và cặn kẽ, hiểu đến tường tận mới có thể giữ được sự thanh thản trước
những cám dỗ của đời.
Khuôn mặt nào cũng quen
Nụ cười nào cũng đẹp
Sao có thể hồn nhiên cho phép
Lọt vào tai mình những
chuyện ghét ghen?
(Cánh cửa con tim)
Để có thể nhận được đúng chân giá trị của cuộc đời, người ấy đã
phải trải qua những đau đớn, thậm chí đau đến tận cùng mới có thể nhận ra.
Từng bơi giữa dòng sông cuộc đời
Biết nơi nào nước trong nước đục
Chỗ cạn chỗ sâu
Chỗ lành chỗ độc...
(Lẽ nào)
Vẫn biết, đời là biển khổ nhưng không phải ai trong biển khổ ấy
cũng biết sống như thế nào cho ra sống nếu trái tim không biết tự cháy lên. Có
thể làm được điều đó, là khi, trong biển khổ biết chấp nhận, biết tìm ra trong
sự vất vả, trong nỗi đắng cay những điều làm điểm tựa cho ta. Điểm tựa duy nhất
của cuộc đời chính là tình yêu, một tình yêu cuộc sống đã có, đang có, như dòng
máu cha mẹ cho vẫn chảy trong huyết quản. Nói cách khác đó chính là: biết sống
và biết yêu cuộc sống.
Dang tay đón lấy
Chiếc lá vàng bay
Lá mang hương say
Ấm tay gầy guộc
(Lời tình gửi lá)
Cuộc sống hiện tại, có biết bao bộn bề lo toan mưu sinh. Trong đó,
lại có biết bao trái ngang cơ cực, mấy ai nở được nụ cười. Người có thể nở được
nụ cười là người đã trải nghiệm, và nhận đủ đầy những vui buồn, những ngọt bùi
cay đắng đã nhân ra một phần của nhân kiếp. Phải có sự lắng lại, lắng đến tận
cùng của cuộc sống thì mới có cái nhìn như thế. Những điều lắng đến tận cùng ấy
sẽ đưa con người đến với cõi vô thường. Một chân giá trị thực sẽ hiện ra đủ đầy
và nguyên vẹn.
Khoảng trời quanh ta dẫu có lúc mây đen
Sau mây tạnh sắc cầu vồng
sẽ theo mây trôi
về mọi phía
Và em có quyền ngắm nghía
Chân dung mình rất thực,
rất quen
(Em cứ ngồi một mình)
Hiểu được cuộc sống, đi được đến tận cùng của lẽ sống, làm chủ
được cuộc đời và làm chủ được con đường sẽ đi và sẽ qua là cả một quá trình
nhận thức, quá trình rèn luyện. Phải biết chấp nhận song cũng biết hóa giải
những điều tưởng như gánh nặng của đời. Chỉ có tình yêu mới có thể hóa giải
được hận thù. Sách Cổ ngữ có câu: “Tương tâm tỉ tâm tiện thị Phật tâm; dĩ kỷ
chi tâm độ nhân chi tâm”. Nghĩa là: Đem cái lòng của mình ví với lòng người
khác. Được như thế đã là có Phật tâm rồi (như lòng nhân từ của Phật). Hãy đem
cái tâm của mình mà đo lấy cái tâm của người, như thế mới là tốt. Đó chính là
cõi vô thường mà đời người ai cũng mong đạt đến, mong có được.
Vô thường rộn rã tim say
Ta ngồi hát giữa vòng
quay vô thường.
(Hát giữa vô thường)
Suốt tập Mắt chiều Phạm Như Vân sử dụng một lối viết, một
cách thể hiện những cảm xúc thực, những trải nghiệm thực và với một ngôn ngữ
thực từ chính cuộc đời của thi nhân. Điều rất thực đó đã làm nên sự dẫn dụ để
bạn đọc hiểu hơn cuộc đời giữa những bộn bề ngang trái, thấy được cái đích cuối
của hành trình nhân kiếp rồi ai cũng sẽ đến. Tất cả, những hỉ nộ ái ố, những
tham sân si của đời rồi cũng như con tàu trong hành trình sẽ về đến ga cuối. Và
ga cuối ấy chính là cõi vô thường, cõi tâm của đời người. Trong hành trình ấy,
Phạm Như Vân cũng đã đi, đã qua, đã trải, đã nhận ra, tất cả rồi sẽ thành
hư vô, tất cả rồi sẽ chỉ là kiếp phù du. Và bạn đọc hiểu hơn, cùng sẻ chia với
Phạm Như Vân: trong cõi vô thường người thi nhân “ngồi hát”.
Có một Phạm Như Vân đang hát giữa cõi vô thường và một Phạm Như
Vân đang hát giữa đời thường với trái tim tịnh độ, vô vi. Một Mắt chiều trong ngan ngát cõi người.
Hà Nội, tháng 6/2013
Nguyên
Tâm (Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam)
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét