Võ Thụy Như Phương
Nội ngồi trên bàn thờ với duy nhất một việc
là nở nụ cười thật tươi. Tươi như bình hoa mà cô Năm tôi đã mua về chưng lên đó
và đang kể lể công cán chợ búa. Cười vì chú Ba
và cô Sáu nghiễm nhiên trở thành các nhà tài trợ mạnh nhất cho đám giỗ
nên chỉ có mỗi một việc ngồi lại với nhau để kể chuyện xưa.
Đám
giỗ đông vui nên nội cười tươi lắm! Tôi ngồi đó, ngay góc nhà, nơi mà bảy năm
trước tôi đã ngồi chết lặng, chẳng một lần dám nhìn lên di ảnh vì sợ mình sẽ
khóc và không thể nào dứt được. Góc tôi ngồi có thể nhìn được bao quát khung cảnh
buổi lễ tiên thường. Ai cũng rôm rả lăng xăng với cái ngày mà cách đây vài năm
họ cũng đã lăng xăng như thế, nhưng tâm trạng thì khác hơn. Đối với tôi thì hôm
nay cũng như ngày đó tôi thấy có gì khác đâu, không khí cũng linh đình ra đó.
Ngày
nội mất đi, đám tang long trọng mà không vui sao được? Tôi vui thật đấy nên đã
cười với mình rất nhiều. Tôi cười vì con người ta dễ dàng khóc đến vậy, cười vì
tận trong lòng mỗi người con của nội ai cũng nuôi một chữ sĩ diện to tướng. Ai
cũng dành phần lo đám tang sao cho nở mặt nở mày. Nhạc lễ, nhạc tây, đãi khách
đến viếng ăn uống rôm rả mà không cần biết người ta có tâm trí ngồi lại ăn bữa
cơm đưa tang hay không? Không cần biết khi còn sống nội đã không thích chuyện
ngồi đám tang ăn uống như thế nào. Nhạc tây nhạc lễ inh ỏi nội đã không thích
ra sao, và dường như chẳng ai thèm để tâm đến những điều đó. Điều các cô quan
tâm là bà con chòm xóm sẽ khen tặng họ như thế nào về tất cả những gì họ đã làm
trong đám tang nội.
Cả
bây giờ cũng thế, con người ta chết rồi đều thành cát bụi cả, có ai nghe được
tiếng khẩn cầu mà bay về ngồi đó ăn được đủ món sơn hào hải vị đâu. Có chăng là
nụ cười của nội còn nguyên vẹn trên đó. Nội cười phúc hậu, chắc nhìn thấy đám
con cháu vui vẻ nên nội cười đó thôi, chắc nội cũng có nghĩ đám con của nội sao
mà có hiếu quá, biết nội thích ăn cá mè vinh kho mẵn nên năm nào cũng làm món
đó để cúng. Đám giỗ thì khách khứa, con cháu đầy nhà, ăn uống rôm rả. Toàn người
sống ngồi ăn, người chết rồi thì ngồi trên cao chỉ biết cười tươi như hoa nở.
Không cười thì cũng làm gì được đâu vì tấm hình con cái nó chọn đã cười tươi
như thế.
Đàn
bà ngồi ăn, đàn ông ngồi nhậu, con cháu cũng cụng ly chan chát. Nhậu rồi ắt
say, say rồi sinh lễ nghĩa, chén chú chén anh, chén thưa chén gửi. Một câu tạm
biệt cũng theo ly rượu đi giáp bàn mới được rời khỏi ghế. Sau đám năm nào cũng
bán vỏ lon bia được đến mấy trăm ngàn, thế mới biết nhà có đám giỗ vui đến cỡ
nào!
Tôi
thấy nội đang cười, mà dường như nụ cười hơi méo mó vì nội nhìn bàn cơm cuối
cùng. Mâm cơm này dành cho những người đi làm về sau. Cháu có, con có, nhưng
hình như trong mâm cơm còn có phần thức ăn của thím dâu Út nấu riêng, được đem
từ trên phòng mình xuống, và duy nhất thím Út chỉ ăn món ăn của thím bày ra.
Nội
lại cười vì đám con cháu nhà mình sao mà đa tài thế! Chúng có thể vừa ăn vừa uống
và vừa ca hát. Mà giọng chúng hát sao mà hay quá, có lẽ sau khi đã ngà ngà say
mới hát hò hay như vậy, làm nội nghe giật cả mình. Mà kệ, người chết rồi còn có
phước hưởng thụ, con cháu nó cúng kiếng hát hò cho nghe chút cũng có sao đâu,
phàn nàn chúng nó cũng đâu có nghe thấu.
Nội
ngồi trên bàn thờ với duy nhất một việc là nở nụ cười thật tươi. Tươi như bình
hoa mà cô Năm đã mua về chưng lên đó và đang kể lể công cán chợ búa. Cười vì
chú Ba và cô Sau nghiễm nhiên trở thành nhà tài trợ mạnh nhất cho đám giỗ nên
chỉ có mỗi một việc ngồi chỉ tay. Cười cho những đứa khó khăn về tài chính phải
bỏ công ra nấu nướng tiệc tùng... Có quá nhiều chuyện cười ra nước mắt cũng phải
cười vì chú con nuôi đang bị quay như chong chóng với hàng tá công việc được
đám con ruột của nội chỉ định. Mà kệ, mặc xác nó, ai biểu nó là con nuôi làm
chi? Nên nội chỉ biết cười dù có thấy tất cả những gì đang xảy ra cho "ngày
vui kỷ niệm bảy năm nội mất".
Nội
cười ba tôi - người đàn ông ngũ tuần với mái tóc và bộ ria được nuôi kỹ lưỡng,
kiểu râu tóc mà nội hay nói là dị hợm. Cười vì ba là đứa con trai đầu nội lo
toan nhiều nhất. Đứa con trai mà suốt bảy năm mới có mặt được trong hai cái giỗ
chỉ vì lý do "con vợ sau của nó không cho đi". Mà kệ, nội cũng biết
cười thôi chứ có khuyên can gì được chuyện gia đình của ba tôi. Nội cười vì lỡ
có đứa con trai trưởng hơi mất quyền đàn ông của mình như thế. Dù sao đi nữa
thì ba vẫn là con của nội nên thấy năm nào ba về cúng giỗ là nội mừng năm đó,
hơi đâu trách móc làm chi.
Tôi
thấy nội cười rất nhiều lần trong buổi tiên thường. Đơn giản chỉ vì tấm ảnh thờ
các cô chú của tôi đã chọn cho nội nụ cười tươi như thế.
Võ Thuỵ Như Phương (Cần Thơ)
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét