Bài
viết này chỉ đề cập đến tình hình thơ trong khu vực văn học Cách mạng, từ sau
1945 đến ngày đất nước bước vào Đổi mới. Trong giai đoạn ấy, nền thơ ta đã có
những thành tựu to lớn. Đã có nhiều bài báo, trang sách viết về điều này. Tuy
nhiên, nền thơ ấy cũng đã bộc lộ những khiếm khuyết. Nếu như mỗi bài viết không
nhất thiết là một bản báo cáo có đầy đủ các mặt của một hiện tượng, mà có thể
chỉ đề cập đến một mặt trong số đó thôi - thì bài viết này tôi chỉ xin được
dành cho một vấn đề: Những mặt còn yếu kém của nền thơ ta trong hơn bốn mươi
năm qua. Hy vọng các bạn đọc thân mến sẽ thông cảm với cách đặt vấn đề như vậy.
Anh
Việt Phương đã có lần tâm sự rất chân thành rằng anh luôn băn khoăn không hiểu
cái thứ bao nhiêu năm nay
mình vẫn viết có phải là thơ hay không. Sách anh in ra được gọi là tập thơ, anh
cũng được gọi là nhà thơ - nhưng băn khoăn ấy của anh là có thật và có lý.
Trường hợp Việt Phương là tiêu biểu, nhưng không hề là cá biệt. Suy rộng ra,
băn khoăn ấy đã ám ảnh
nhiều người làm thơ chúng ta, trong đó có cả người viết những dòng này. Bởi vì,
cũng như anh Phương, khi đối chiếu thơ mình với thơ của tiền nhân và thơ thế
giới, tôi cảm thấy rất rõ một sự khác biệt nhãn tiền. Đây không phải là việc
hay hay là dở - cái khác biệt này nằm ở bản chất của chính thơ.
Thế hệ chúng tôi lớn lên
cùng với cách mạng và một ý thức đã hình thành
và mọc rễ ở trong chúng tôi rằng: Lịch sử đã chia làm đôi một cách quyết liệt -
thành hai nửa: Trước và sau Cách mạng. Mặc dù chúng ta luôn nói đến sự kế thừa,
nhưng quả thật lắm khi, bằng cả lời nói và việc làm - chúng ta tự đặt mình cao
hơn tất cả. Chỉ có ta mới là chân lý, mới là đỉnh cao, ta là một lớp người hoàn
toàn khác, một thời đại hoàn toàn khác. Ta có quyền ngắm nhìn quá khứ và cả
thiên hạ nữa bằng con mắt phán xét và thẩm định mọi giá trị. Thế rồi, cùng với
thời gian, ta như một đứa trẻ càng lớn lên càng rơi rụng bớt những ảo tưởng về
mình. Sau những trả giá sòng phẳng cho những ảo tưởng ấy, ta đã dần dà trưởng
thành để kịp hiểu ra rằng: Ta cũng chỉ là những con người bình thường như mọi
người thôi, rằng mọi sự vẫn cứ diễn ra theo đúng quy luật của muôn đời, không
ai có thể đứng ngoài chúng. Sự thật là hơn bốn mươi năm qua, ta đã sống trong
một trạng thái bất bình thường. Thời gian ẩy đối với một đời người quả là dài
để cái bất bình thường trở thành bình thường, đến nỗi bây giờ đây có nhiều
người vẫn chưa ra khỏi giấc mơ ban đầu đó. Nhưng với lịch sử thì bốn mươi năm
đó chỉ là một ngoại lệ nhỏ bé. Lịch sử vẫn cuồn cuộn trôi đi và cuốn theo những
ngoại lệ vào dòng chảy của mình. Công cuộc hoà nhập trở lại, tuy thế không hề
dễ dàng, nó đòi hỏi chúng ta biết bao dũng cảm, chân thành và sáng suốt - một
khả năng tự thanh lọc rất cao.
Với
những người làm thơ, tình hình diễn ra cũng đúng như vậy.
Ít lâu nay, mỗi khi hình dung về những người làm thơ đích thực - những tiền
nhân của chúng ta và các nhà thơ lớn của thế giới - tôi thường vẽ ra cái cảnh
họ ngồi trước trang giấy trắng mà trong đầu không hề bị ràng buộc vì một cái
gì, trước mắt không có một khuôn mẫu nào, một mệnh lệnh nào, hoặc, như ta
vẫn thường nói, một "đơn đặt hàng" nào. Họ chỉ lắng nghe chính mình,
chỉ khao khát diễn đạt những gì mình khao khát, mình tâm đắc. Ngay cả về hình thức,
họ cũng chỉ đào sâu vào chính họ - nói như Viên Mai: lúc thường một phút cũng
không được quên người xưa, lúc làm thơ một phút cũng không được nhớ người xưa.
Công việc sáng tạo của họ là của riêng một người, họ chỉ chịu trách nhiệm trước
bản thân mình mà thôi. Họ đạt đến tự do.
Còn với chúng ta thì sao? Mỗi khi cầm lấy bút là trong đầu chúng ta đã có sẵn hầu như tất cả những câu
hỏi và gợi ý, tựa như những thí sinh bốc thăm được câu hỏi thì phải biết cần
huy động những kiến thức gì trong kho tàng kiến thức đã được các thầy và sách
vở cung cấp sẵn. Chúng ta có trước mắt nào là: Đề tài, chủ đề, cách giải quyết,
cho đến những kết luận cần thiết. Thậm chí cả về hình thức chúng ta cũng đã có
những định hướng cụ thể: Phải đại chúng và dân tộc như thế nào và phục vụ công
nông binh ra sao,v.v. . .
Nói cho
công bằng, việc đó có cái lợi và cũng có cái bất lợi. Lợi là nó đơn giản hoá
việc làm thơ đi, nó đẩy những thứ như tài năng thiên bẩm, khả năng rung động,
bản sắc cá nhân và nhất là tầm suy nghĩ sâu sắc... vốn là những phẩm chất đặc
trưng của người nghệ sĩ xuống hàng thứ yếu, và giúp cho nhiều cây bút gặt hái
được nhiều mà không cần mấy đến thực tài. Có lẽ vì thế mà từ sau Cách mạng
Tháng Tám đến nay, chúng ta mới có nhiều "nhà thơ" hơn bao giờ hết.
Chỉ cần có hai ba chục bài thơ loàng xoàng in thành một tập là đã được gọi là
"nhà thơ" rồi. Còn cái hại thì có lẽ đến hôm nay ít ai không nhìn
thấy: Nó hại cho thơ đích thực, hại cho những nhà thơ đích thực.
Sự bao
cấp về nhiều phương diện đã đẩy văn học nói chung và thơ nói riêng đến ba con
bệnh khó tránh, đó là: tính công thức, tính sơ lược và tính giả tạo.
Có
người nói, sở dĩ có hiện tượng đó là vì các nhà văn nhà thơ chúng ta là những
người làm công ăn lương. Quả thật trong xã hội chúng ta, hầu hết mọi người đều
là người làm công ăn lương, từ cán bộ, công nhân, viên chức đến thợ thủ công và
cả nông dân cũng là những người ăn lương trên chính sản phẩm của mình. "Ăn
cơm chúa múa tối ngày" cái tâm lý ấy tất nhiên phải có rồi, kể cả ở
những người ăn lương... để làm thơ lẫn những người ăn lương để làm việc khác và
kết hợp làm thơ. Tuy nhiên, đấy chỉ là biểu hiện nhìn thấy của một bản chất sâu
xa hơn. Bởi vì ngẫm ra hầu hết các thi
nhân kim cổ đều có "ăn cơm chúa" cả , nhưng ngoài phần thơ trả nợ áo
cơm, phần riêng của họ còn lại cũng còn nhiều lắm.
Đáng ngạc nhiên khi
chúng ta thấy các nhà thơ của ta có đời sống riêng không hơn gì nếu không muốn
nói là nhiều khi còn thua kém đời sống của những người nghèo khổ trong xã hội.
Ấy vậy mà họ vẫn mắc bệnh "quan liêu", và thơ họ vẫn mang nặng chất
của một thứ văn chương "tháp ngà". Một khi tư tưởng đã có sẵn, thì
cảm xúc cũng phải khuôn theo đó và công việc làm thơ chỉ còn là tìm tòi cách để
ca sao cho thật véo von những điều ai cũng đã biết.
Câu thơ
nửa đùa nửa thật của Xuân Diệu:
Em có tài nấu nướng
Anh có tài ngợi khen
Dẫn ra
ở đây cũng khá thích hợp cho ta suy nghĩ: Em có tài thì anh khen
là phải quá đi rồi, thậm chí nếu em không có tài mà vì anh trót yêu thì anh vẫn cứ
khen mà chẳng ai nỡ trách, nhưng đến cái đoạn tình yêu không còn, món ăn thì
khó xơi mà vẫn cứ khen, thì chỉ có thể
vì sợ, vì vụ lợi hoặc vì... thói quen mà thôi. Và với tinh thần "duy ý
chí" như vậy, cả công việc đi thực tế mà hơn
ai hết chúng ta rất khuyến khích, cũng không còn mang ý nghĩ thực sự của nó.
Cũng như trong văn xuôi và báo chí, chúng ta không tìm cách phản ánh cuộc sống
như nó vốn có, mà đi tìm những chất liệu khả dĩ có thể minh hoạ cho những tư
tưởng định sẵn từ ở nhà. Từ đó mà tạo ra những hình mẫu nhằm mục đích giáo dục và làm gương
cho mọi người. Mà một khi đã là hình mẫu thì dù có đủ cả mọi bộ phận, nhưng vẫn
chỉ là những cơ thể không có sức sống. Văn và thơ đã trở thành những bài học
luân lý mang đầy tính ước lệ mới (có nhiều dẫn chứng cho nhận định này - có thể
thấy tiêu biểu trong những tác phẩm viết về cuộc đời các anh hùng, kể cả
"Trường ca Nguyễn Văn Trỗi" của nhà thơ Lê Anh Xuân tài năng cũng
không thoát ra ngoài tình trạng này).
Ở đây
có lý do bắt nguồn từ một nguyên lý có tính nền tảng - chúng ta coi văn học là
một vũ khí để phục vụ chính trị và cách mạng. Sự thật văn học cách mạng đã làm
được khá nhiều trong sự nghiệp giải phóng nhân dân, giải phóng con người dưới
khẩu hiệu đó, nhưng nếu quan niệm này bị lạm dụng, bị sử dụng một cách thô
thiển và cứng nhắc, như chúng ta vẫn thấy, thì thực chất là đã hạ thấp
văn học xuống rất nhiều. Cũng như vậy, chỉ một bước thôi, nhiều lúc có người
lại coi văn học như một món trang sức, một thứ đồ chơi. Cả hai quan niệm ấy -
như vũ khí hoặc như đồ chơi - tưởng như rất xa mà lại rất gần nhau, vì bắt
nguồn từ một bản chất và hiển nhiên là cả hai đều bất cập. Tôi nghĩ rằng thơ
nói riêng và văn học nói chung có khi là cả hai mà có khi không là cái gì cả -
bởi vì có khi nhà thơ viết cho người đọc, vì người đọc, mà cũng không ít khi họ
viết chỉ vì chính mình mà thôi.
Như vậy
là thơ đã bị bao cấp từ nhiều phía và điều tất nhiên dẫn đến, là đến lượt mình
thơ lại bao cấp lại với độc giả. Thơ không còn là món ăn tự nhiên với mùi vị
của chính thiên nhiên mà là những thức ăn sản xuất từ phòng điều chế theo những
công thức dinh dưỡng cần thiết hoặc giống với những thứ thuốc viên nhiều hơn.
Tuy nhiên, có gò bó thì
có chống gò bó: Trong suốt cả quá trình ấy, đây đó ta vẫn bắt gặp những bài,
những dòng thơ thật sự, những cảm xúc, những suy tư và cả những tìm tòi hình
thức vượt ra ngoài khuôn khổ chung. Những nhà thơ có bản sắc mạnh đã tìm mọi
cách đan cài phần riêng của mình vào tác phẩm (cách đây gần một phần tư thế
kỷ, khi Lưu Quang Vũ mới vào nghề, tôi có hỏi anh về dự tính công việc,
Vũ đáp: Cố gắng đưa được cái "mình" vào càng nhiều càng tốt - như vậy
là anh ý thức về điều này rất sớm và thực tế Vũ đã phần nào làm được theo ý
mình).
Rèn
luyện lâu dài và thường xuyên trong công việc "viết" và
"lách", nên dần dà nhiều người trở nên lọc lõi về khoản này, kỹ
thuật rất tinh vi, thủ đoạn rất cao cường, nếu đem thi thố với thế giới chắc
không chịu thua kém. Thậm chí có người còn nói vui: Chính nhờ như thế mà văn
chương mới thêm kín đáo, hàm súc và tinh tế, chứ nếu cứ mặc sức muốn nói gì thì
nói e lại mất duyên đi!
Trước hết, với lớp thi sĩ đàn anh từ tiền chiến đến với Cách mạng. Có một số
trong các ông hầu như đã chấm dứt ngay dòng thơ, hoặc nếu có viết thì cũng hết
sức mờ nhạt so với thành tựu trước Cách mạng: tiêu biểu là Nguyễn Bính, Hồ
Dzếnh, Đoàn Văn Cừ. Có thể kể cả Tâm Tâm. Họ làm những việc khác không thua kém
bất cứ ai, nhưng thơ thì đã tự thua chính mình. Cắt nghĩa điều này có nhiều
cách, nhưng tôi lưu ý nhất đến câu trả lời của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn trên tờ
"Cửa Việt" ra gần đây, khi được hỏi tạo sao so với trước năm 1975 giờ
đây ông viết ít đi và yếu đi, Trịnh Công Sơn đã nói: "Bỗng dưng tôi mất
hẳn lòng say mê được trình bày những điều mới lạ trong sáng tạo. Chẳng
hiểu bắt nguồn từ đâu. Chỉ cảm thấy mơ hồ một sự trục trặc, một cái gì đó đã
lệch đi trong đời sống tinh thần và tình cảm của mình. Nói chung, hình như tôi
không còn bị cám dỗ bởi những giấc mơ nữa".
Phần
đông trong số họ và là những nhà thơ tiêu biểu, sau một thời gian trăn trở đã
trở lại làm thơ. Họ viết khoẻ, số đầu sách nhiều gấp mấy thời trước, và còn làm
thêm nhiều việc khác nữa. Không thể nói phần đóng góp sau Cách mạng của các nhà
thơ này là không to lớn, nhưng sau hơn bốn mươi năm biến động, giờ đây nhìn lại
thì phần thơ giàu hương sắc nhất của các tác giả này vẫn là phần thơ tiền
chiến. Hầu hết các tác giả, từ Xuân Diệu, Huy Cận, Lưu Trọng Lư.... đều nằm
trong trường hợp này. Tế Hanh bước vào cách mạng khi còn rất trẻ và với
bản sắc của một người sống nhiều bằng cảm tính, nên có lẽ là nhà thơ giữ được
nhiều cái "mình" hơn cả . Chế Lan Viên, người rất giàu lý tính, có
thể nói đã khai sinh ra một đời thơ mới, nhưng với tất cả sức suy nghĩ sâu sắc,
trí thông minh tuyệt vời và một kỹ xảo thơ điêu luyện do tu dưỡng và học hỏi từ
nhiều nền thơ thế giới, thơ Chế Lan Viên vẫn khiến người ta phục vì tài nhiều
hơn là yêu vì tình, làm cho người ta sảng khoái khi nghĩ trong đầu hơn là xúc
động ghi vào trong tim. Và đó phải chăng cũng là một điểm yếu cốt tử?
Tiêu
biểu nhất là trường hợp Xuân Diệu.
Trước
cách mạng, thơ Xuân Diệu là tiếng lòng da diết của một tâm hồn si mê cuộc sống,
lại được một tài thơ mạnh mẽ, cùng với kỹ thuật học được của thơ Pháp, nên đã
gây xúc động to lớn trong người đọc, nhất là tuổi trẻ. Sau Cách mạng, ông hăng
hái đi vào cuộc sống mới. Tài thơ của ông vẫn còn nguyên đó, lại được bổ sung
bằng bao công lao tìm tòi học hỏi không mệt mỏi. Cũng không thể nói tình yêu
cuộc sống của ông giảm sút. Ấy vậy mà thơ ông, xin anh linh ông tha thứ cho,
vẫn mất đi quá nhiều chất đắm say đến liều lĩnh, chất huyền diệu và bí ẩn khi
đi vào cõi u uẩn của lòng người, cái buồn phảng phất vừa ngọt ngào vừa cay
đắng. . . là
những tố chất làm nên vẻ đẹp riêng của thơ Xuân Diệu trước kia. Thơ ông giống
như một tấm vải nhung vẫn rất
bền chắc, màu sắc tươi đẹp, nhưng không còn nữa cái lớp tuyết mơ hồ - làm nên sự hấp dẫn đặc trưng
của chất liệu này. Tôi kính trọng những dòng thơ ông viết về đấu tranh thống
nhất Bắc Nam,
về những mái ngói mới lợp, về xác máy bay B52, v.v. .
. nhưng hình
như đấy lại là một Xuân Diệu khác. Giá như có thể thống nhất trở
lại hai con người ấy ở trong một Xuân Diệu thì hay quá. Nhưng sự thể đã
không thể như vậy. Trong khi đó ở một chân trời khác, Pablô Nêruđa chẳng
hạn, khi ông làm thơ kêu gọi tiêu diệt Nichxơn, hay ông viết về đỉnh Michchu
Pichchu đơn độc và hư vô thì chỉ là chảy ra từ một nguồn thơ mà thôi. Ngay
trong thơ tình yêu, sở trường của mình, Xuân Diệu cũng đã nghèo đi rất nhiều.
Ông đã trở thành người đứng từ ngoài mà ngắm nghía, phân thích, mổ xẻ tình yêu
nhiều hơn là làm người trong cuộc để kêu lên những tiếng buồn vui đến xé lòng.
Ông tỉnh táo và sáng rõ, ông hợp lý và đúng đắn hơn ngày xưa bao nhiêu thì cũng
khô cứng và nhạt nhẽo đi bấy nhiêu. Bài thơ hay nhất của ông về tình yêu là bài
"Biển" cũng không thoát được khỏi tình trạng đó. So với nhiều bài thơ
tình cùng thời, đây là một trong những bài hay nhất và cũng hoàn chỉnh nhất. Nó
đầy đủ hầu như tất cả những biểu hiện của tình yêu mà nhân loại đã đúc rút
được. Nó là một "bữa tiệc" cho các thầy giáo dạy văn. Nhưng chính vì
sự đầy đủ đó, nó giống một mô hình về tình yêu hơn là một cơ thể sống của tình
yêu. Nó giống như một lời gà hộ cho một người đi tỏ tình hơn là lời một người
đang yêu say đắm.
Bước
vào giai đoạn đầu chống Pháp, trong bối cảnh hùng tráng và có cả bi thảm nữa,
với cái không khí tưng bừng của những ngày trăng mật của Cách mạng, thơ ta đã
có những bài thật hay với những tên tuổi mới: Quang Dũng, Chính Hữu, Hoàng Cầm;
Hữu Loan - lúc này cảm hứng thơ của các ông vẫn còn nhiều chất tự phát, chưa bị
gò bó nhiều vì hệ thống quan niệm mới về văn nghệ mà có người cho là nhập cảng
từ Trung Quốc. Rất tiếc là thời gian này quá ngắn ngủi nên thành tựu chưa nhiều.
Như
trên đã nói, thế hệ chúng tôi lớn lên như những đứa trẻ, con đẻ của chế độ mới,
được bố mẹ chăm bẵm lo cho đủ mọi thứ, từ vật chất đến tinh thần. Những ông bố
bà mẹ đầy tự hào về gia thế đã ra sức nuôi dưỡng và giáo dục lũ trẻ một cách
thật nền nếp, nghiêm ngặt. Chúng tôi luôn luôn được xem là trẻ, ngoài bốn mươi
tuổi vẫn là nhà thơ trẻ, in mấy tập thơ rồi vẫn cứ là "mầm non" nhiều
triển vọng... Người ta xoa đầu chúng tôi và chúng tôi cũng thích như vậy.
Tôi có
thể dẫn ra đây rất nhiều ví dụ trong thơ của những người cũng thế hệ . Nhưng để
tránh động chạm đến người khác và vì ít nhiều tôi cũng là một người sáng tác,
nên xin phép được dẫn chính mình.
Là một
người cũng đã luôn cố gắng tìm sự độc lập trong suy nghĩ, nhưng một phần do đã
thấm vào tận máu các giáo lý từ nhà trường và xã hội, và một phần không đủ bản lĩnh để
sống và viết hoàn toàn theo ý mình, nên tôi cảm thấy những gì mình đã viết ra
trước đây thực sự khô cứng
và thiếu sức sống. Trong một đoạn viết trong trường ca sau này, tôi đã nói về ý
nghĩ ấy:
Tôi đi qua tuổi học trò
Nói năng khuôn phép, câu thơ sáo mòn
Cười mình quen thói đại ngôn
Thương vay khóc mướn véo von một thời
Câu thơ dẫu viết xong rồi
Vẫn như thấy thiếu một lời ở
trong
Một lời thốt tự đáy lòng
Một lời vẽ được chân dung của mình
Và tôi
đã quyết định đoạn tuyệt với nó:
Cái véo von mà tôi đã chối từ
Không thương tiếc, không bao giờ ngoảnh lại
Cái
"khuôn phép", cái "sáo mòn", cái "thương vay khóc
mướn" và "véo von" mà tôi nói ở đây là đặc điểm cửa thứ
thơ dở mà thực ra ở thời nào cũng
có, nhưng ở thời chúng ta nó khác ở chỗ đã trở thành phổ cập, và được bảo vệ
bằng lý luận.
Tôi viết ít, in ít, hoàn
toàn không phải là người có thể tiêu biểu cho thế hệ mình, nhưng tuy thế, những
thiếu sót và yếu kém, những hạn chế của chủ quan và nhất là của khách quan thời
đại ở tôi vẫn mang tính điển hình rõ rệt.
Mổ xẻ
hiển nhiên không thể thích thú như được mơn trớn, nhất là lại tự mổ xẻ chính
mình. Tuy nhiên nếu thành thực với
chính mình thì chúng ta không thể làm khác.
Bởi vì nếu chẳng may có đánh mất quá khứ thì đó là điều đáng buồn, nhưng quan
trọng hơn rất nhiều là không thể để mất tương lai, vì mất tương lai là mất tất
cả.
Có thể
những ý kiến trên đây của tôi sẽ bị coi là bi quan và quá nghiêm khắc. Tuy
nhiên, đó thật sự là những suy nghĩ chân thành của bản thân tôi. Và, với những
gì được phát biểu một cách chân thành thì chỉ có thể đúng hoặc sai, chứ không
thể có ác ý.
Ngày 29-3-1991
Anh
Ngọc
(Tạp chí Văn Học, 5/1991)
Nguồn: viet-studies.info
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét