Tôi trở về làng Đục vào
đúng mùa ngải đắng ra hoa. Nhìn từ xa những bông hoa màu trắng cứa vào lòng tôi
nhoi nhói. Chợt nhớ đến câu thơ của Olga Bergholtz mà ngâm lên khe khẽ “Rồi
tôi vẫn nghiến răng bướng bỉnh/ Ngẩng cao đầu khép chặt lòng đau/ Hoa ơi hoa,
hoa nở vì đâu/ Hoa ngải đắng của tình tôi yêu dấu?...” Trong những vạt ngải trải
dài ngút ngát tầm mắt kia, tôi biết có một cây ngải mọc lên từ hạt mầm nỗi đau
mà mẹ tôi đã gieo ở mảnh đất này. Sau hơn hai mươi năm tôi trở về nơi đây không
hiểu vì hận thù, yêu thương hay day dứt... Tôi thành kẻ lạ đến làng, khi những
dấu ấn trên khuôn mặt tôi đã vĩnh viễn bị vùi sâu trong kí ức.
Điểm
đầu tiên khi tôi đặt chân đến làng Đục là ghé qua ngôi nhà mẹ tôi từng ở. Vẫn
mảnh vườn với những rặng mồng tơi xanh rờn mọc chênh chếch phía đầu nhà. Vẫn là
hai bụi tre mọc hai bên cổng cong xuống như mái vòm cung, lá tre rụng, gió khua
xào xạc. Vẫn là cái giếng đất, thành giếng chỗ còn chỗ mất, cây ổi đá đứng
khòng khoeo giữ trời như một hình nhân tiều tụy. Tất cả đều nguyên vẹn trong
trí tưởng tượng của tôi qua những lời kể ngập tràn kí ức của mẹ. Có khác chăng
chỉ là căn nhà lá vách đất ba gian đã được thay bằng nhà ngói. Những viên ngói
đã úa màu thời gian, xập xệ và già nua đến tội.
Trước
mặt tôi chợt chập chờn hình ảnh người mẹ bế con ra hiên đứng ngóng người đi xa trong
nhạt nhòa nước mắt. Gió thốc vạt áo và quấn mớ tóc mẹ rối mù trong cái nắng
hanh hao còn đượm mùi ngải đắng. Rồi hình ảnh mẹ tôi khép tấm liếp tre, lặng lẽ
ôm con bỏ trốn vào một đêm trăng khuất, dáng liêu xiêu trên bờ đê hun hút gió.
Chỉ bấy nhiêu mường tượng cũng đủ làm tôi thấy đắng lòng khi trở lại nơi đây.
Giờ căn nhà này chắc chắn đã qua nhiều người đàn bà khác ở, họ mang những thân
phận và nỗi đau khác nhau. Tôi nghĩ thế bởi mẹ từng nói với tôi rằng những nỗi
đau như những hạt cát nằm trong mình con trai, rồi nó sẽ chắt chiu thành hạt
ngọc.
Tôi đi
ra vạt ngải bên sông, hít hà căng lồng ngực cái mùi ngải hăng hăng, đăng đắng. Nơi
đây mẹ đã tôi đã từng trồng bao mùa ngải, hái bán bên sông hay bến phà cho chở
xuống miền xuôi làm thuốc. Khi dời xa nơi này, có lẽ thứ mà mẹ tôi nhớ nhất vẫn
là cái vị đắng của loài cây thân cỏ này. Có lần mẹ bảo:
- Loài
ngải cứu đắng thật đấy nhưng nó là một
loài thảo dược có công dụng rất tốt để chữa nhiều bệnh. Ngày con gái, tuần kinh
nguyệt mẹ đau đớn vô cùng nhưng cũng nhờ những nắm ngải đắng mà cơn đau vợi
bớt. Những ngày một mình mang thai con giữa bao nhiêu tủi cực, đêm động thai
cũng nhờ nắm ngải đắng mà giữ được đến ngày mẹ tròn con vuông. Thế nên sau cái
đắng ấy là vị ngọt.
Tôi ngắt thử ngọn ngải đắng cho lên miệng nhai.
Một cảm giác đắng đến tê lưỡi, dòng nước tứa ra từ ngọn cây, tác động vào vị
giác khiến tôi buồn nôn. Nước mắt tôi trào ra, chắc cũng đắng như ngải vậy. Chưa
khi nào tôi lại thấy vị đắng đáng sợ đến thế, như thể nó sắp nhấn chìm hoặc sẽ
hành hạ tôi đến chết. Bởi từ nhỏ tôi có thể ăn chua, cay, mặn nhưng không khi
nào có thể nuốt được bất cứ cái gì mang vị đắng. Kể cả những hôm đau bụng quằn
quại trước ngày kinh, mẹ chạy khắp ngõ phố mới xin được ít ngải của bà bán bánh
mì trứng mang về vò nát lấy nước cho tôi uống. Nhưng chỉ cần ngửi thấy mùi hăng
là tôi đã nôn thốc nôn tháo. Lần nào mẹ cũng bảo “thuốc đắng thì dã tật...”. Bây
giờ mẹ đã về với cõi thinh không rồi, bỏ lại mình tôi với trần gian, lơ ngơ
cười, lơ ngơ khóc...
* * *
Tôi đến làng được vài tiếng thì từ đầu
làng đến cuối làng ai cũng biết. “Người lạ” là cái danh từ người ta dùng để nói
về tôi. Trẻ con, chúng mới hồn nhiên và đáng yêu làm sao. Chúng chọc ghẹo tôi,
ẩn nấp đi theo tôi như một trò trốn tìm thú vị. Đáp lại, tôi nhìn chúng âu yếm,
tôi muốn ôm chặt chúng vào lòng mà vuốt ve, hôn hít. Chúng đẹp đến thánh thiện.
Bởi đơn giản tôi không có tuổi thơ, những năm tháng ấy tôi thường ngồi thu lu ở
góc chợ, cạnh hàng cá tanh ngòm đến lợm giọng, chờ mẹ rao, bán mía. Tôi thường
ngủ gật trước những âm thanh đơn điệu, những ngôn từ đơn điệu mà ở đó không có
sự chiều chuộng, nâng niu, ngọt ngào. Mà tôi thì cần những thứ đó vô cùng. Tôi
không bao giờ nói với mẹ về điều ấy. Cứ lầm lũi trong sự im lặng, trong những
giấc ngủ ngắn ngủi vì bị xô đẩy, vì mọi người quát tháo, mặc cả, chê bai... Để
đến bây giờ tôi không làm sao nhớ nổi một kỉ niệm êm đềm nào cả.
Tôi hỏi mua một miếng đất nhỏ trong mảnh
vườn mẹ tôi từng ở. Chủ nhà nhìn tôi đầy nghi hoặc:
- Cô ở đâu đến mà lại muốn mua đất nhà
tôi? Tại sao bao nhiêu nơi đất bằng phẳng lại đẹp mà cô không mua? Đất nhà tôi
cằn lắm.
Rồi dân làng kéo đến. Người thì bảo:
- Tự nhiên về đây mua đất chắc phải có lý
do, hay ông bà tổ tiên, gốc tích cô ấy ở đây?
Người khác lại nhìn săm soi vào mặt tôi
rồi thốt lên:
- Trông cái cô này quen lắm nhé, như là
mình đã gặp ở đâu rồi ấy mà nhớ mãi vẫn không ra.
Lúc ấy tôi dám cược rằng họ sẽ không nhận
ra tôi, dù tôi thừa hưởng mọi đường nét trên khuôn mặt đều rất giống mẹ. Bởi đã
hơn hai mươi năm, đã quá lâu cho một khuôn mặt, một dáng hình còn đọng lại
trong kí ức những người nông dân hàng ngày vốn lam lũ sinh nhai. Cuối cùng tôi
vẫn không mua nổi mảnh đất ấy, họ hoài nghi mọi thứ. Nghi tôi đang mưu toan,
tính toán một điều gì đó, nghi sẽ có dự án nào đó của nhà nước chạy qua mảnh
vườn này, thậm chí họ còn nghi dưới đất có chôn vàng. Những người nông dân họ
vẫn thường như vậy, họ sợ những kẻ lạ mặt, lại càng sợ những việc khó hiểu khi
người lạ làm. Tôi làm sao có thể giải thích cho họ hiểu, chả nhẽ tôi lại bảo
rằng tôi là con người đàn bà bị cả dân làng đuổi đến chân tường, cuối cùng phải
bế con bỏ đi trong một đêm tăm tối cách đây tròn hai mươi ba năm trời.
Tôi thuê trọ tại một hiệu thuốc khá rộng
trong làng với cái giá rẻ bèo. Ở trọ cũng tốt, vì thực sự tôi cũng không biết
mình sẽ ở lại nơi này bao lâu nữa. Có thể là một tháng, mười tháng, cũng có thể
là một năm hay mười năm. Chừng nào tôi còn thấy sợ, thấy ám ảnh về cái vị đắng
của những vạt ngải bạt ngàn nơi đây.
Chừng nào tôi tìm thấy người đàn ông của mẹ để nói với ông ấy rằng tình
yêu bà đã dành cho ông suốt cả cuộc đời này chưa khi nào thay đổi. Tình yêu ấy
đã hóa những viên ngọc trai sau bao năm chắt chiu buồn đau, khổ cực. Và... Chừng
nào tôi cảm thấy lòng mình thật thanh thản, khi đó tôi sẽ tạm biệt mảnh đất
này.
Sau một tuần làm quen với cuộc sống nơi
đây, tôi nhận ra rằng cuộc sống của những người nông dân không đơn giản như tôi
vẫn nghĩ. Đằng sau những nói cười hời hợt là những phút lặng im, là
khoảng sâu hun hút như chứa đựng hàng vạn nỗi cô đơn nhốt kín. Đã có lúc, tôi
muốn bước lại khe khẽ bằng bước chân của mây và bàn tay của gió để chạm vào nỗi
cô đơn ấy. Nhưng khi đến gần tôi liền rụt tay lại vì bỗng sợ phải gặp hình hài
vết thương của chính mình nên tôi chỉ dám ngồi lặng im bên họ, lặng im đến nỗi
vô hình.
Ngày thứ mười, tôi lân la hỏi mấy người
hàng xóm về một người đàn ông bí mật. Họ nhìn tôi, thoáng chút sững sờ rồi lẳng
lặng quay đi như thể tôi chạm vào một điều cấm kị. Tôi không hề e sợ. Người ta
càng im lặng càng khiến tôi tò mò, người ta càng muốn giấu kín hay bưng bít thì
tôi càng muốn đảo lộn tung lên, không bỏ quên bất cứ một chi tiết nào. Tôi hỏi
về người đàn ông bí mật ấy lần hai, lần ba, lần bốn... Tôi hỏi cho đến khi một
trong số họ phải gắt lên rằng:
- Cái con bé kì lạ này, mày hỏi làm gì
những chuyện ấy. Đấy là một người đàn ông tốt bụng nhưng luôn bị tiếng oan, đến
khi chết vẫn còn không rửa nổi tiếng oan. Chuyện đã hai mươi năm rồi moi lại
làm gì cho tội người nằm dưới đất.
Tôi nghĩ họ đã nhầm. Có thể họ đã nhầm.
Chắc chắn họ đã nhầm. Người đàn ông của mẹ làm sao lại có thể chết dễ dàng khi
còn chưa gặp mặt tôi. Chưa trả lời xem ông có đúng là cha tôi không? Nếu không phải
tôi sẽ bỏ đi ngay lập tức mà không làm phiền hà đến cuộc sống của ông. Còn nếu
đúng thì ông phải giải thích với tôi xem vì sao suốt bao nhiêu năm sau cái đêm
hẹn hò với mẹ, ông lại không đi tìm mẹ con tôi? Vì sao ông lại để mẹ tôi ra đi
với bao nỗi đau bị người đời thêu dệt và hắt hủi? Suốt bao nhiêu năm tôi đã cố
để không tức giận, không thù hận một người đàn ông xa xăm, mơ hồ. Cố bình tĩnh
để tìm về mảnh đất này bằng tất cả sự hiền hòa, trong trẻo vốn có trong mỗi con
người. Nhưng nếu ông ấy đã chết thật thì tôi biết phải giải tỏa những ẩn ức ấy
đi đâu? Chẳng phải đau đớn nhất trong mỗi con người là việc không có ai để mà
yêu thương và thù hận. Thế nên tôi không tin họ, mà tin vào linh cảm của mình.
Người đàn ông ấy chưa chết. Nhất định là như thế.
Ở trên núi có một ngôi chùa âm u tĩnh
mịch. Tôi lên đó ngồi một ngày dài mà lòng không thấy tĩnh. Lũ trẻ chăn bò hỏi
tôi:
- Cô ơi, cô thất tình à?
Tôi hỏi chúng sao lại nghĩ vậy. Chúng nói
tại vì những người ở làng lên chùa toàn là người thất tình, chửa hoang hoặc
muốn tự tử. Tôi mừng vì chúng chỉ nghĩ tôi thất tình chứ không phải là những
trường hợp thảm thiết kia. Tôi ngoảnh mặt, lòng chợt hỏi không biết ngày xưa
khi mang thai tôi mẹ đã từng đặt chân đến chùa này không? Khi ấy mẹ đã nghĩ những gì?
*
* *
Nơi mẹ con tôi ở cũng là một thị xã ven
đê sông Hồng, đi khoảng nửa cây số là bến đò ở ngay cạnh cái điếm canh đê. Thi
thoảng, vào những đêm mưa gió, mẹ vẫn thường đội áo ni lông ra bến ngóng chờ
một điều gì đó. Lúc bé, khi phải ở nhà một mình vào những đêm giông bão tôi rất
sợ nên đã có nhiều lúc tôi giận mẹ ghê ghớm lắm. Lớn lên, mỗi đêm mưa giả vờ
nằm yên ngủ, quay mặt vào tường thở đều đều, nghe thấy tiếng mẹ lách nhẹ qua
cách cửa rồi lẫn vào đêm mưa mà lòng buồn hiu hắt. Buồn như cơn mưa đang xối xả
táp vào ruột gạt lạnh buốt. Bởi tôi biết mẹ đang ngóng đợi một người, có lẽ
người ấy hẹn sẽ trở về vào những đêm mưa. Thế nhưng mờ sáng nào cũng chỉ đơn
độc một mình bước chân người đàn bà tội nghiệp trở về. Mãi sau này, khi sắp từ
giã cõi đời mẹ mới nói với tôi rằng ngày xưa người đàn ông ấy từ biệt mẹ ra đi
vào một đêm mưa và hứa mùa mưa năm sau sẽ quay về làm đám cưới. Sao tôi thương
hoang hoải cái áo cưới mơ hồ đã khoác lên đời mẹ suốt mấy chục năm trời.
Thế nên tôi phải trở về làng Đục tìm
người đàn ông ấy. Để có tiền sinh sống và cũng tiện việc hỏi dò tin tức, tôi mở
một quán nước nhỏ bên bến đò bán mấy thứ lặt vặt, linh tinh. Quán rất đông
người, người bên này ngồi chờ sang bên kia đò, người bên kia sông vừa sang cũng
dừng lại nghỉ chân. Tôi mời chào đon đả, hỏi thăm người này vài ba câu, người
kia vài ba câu mà cũng hết một ngày dài. Cũng có khi tôi ngồi im lặng, nhìn rất
kĩ những khuôn mặt người qua lại để xem tôi có giống ai trong số họ. Dĩ nhiên
là tôi thất bại.
Ở làng được năm tháng thì tôi gặp Quân.
Quân là bộ đội chuyên nghiệp đóng quân tít trên biên giới mới về phép thăm nhà.
Hôm đó, như thường lệ, tôi mở quán rất sớm, cứ ngỡ chưa có khách nào nhưng ông
lái đò đã bị đánh thức bởi ba thanh niên bên kia sông từ đơn vị về trong đêm.
Mỗi người gọi một chén trà nóng, nói chuyện, xuýt xoa và tỏa ra một cái lạnh
đến tái tê của trời đất. Tóc họ đầy sương, vai và lưng áo cũng ướt sương, chỉ
nụ cười là ấm. Trong ba người, tôi để ý đến Quân ngay từ cái nhìn đầu tiên.
Quân trông vạm vỡ, cười rất hiền và đôi mắt thì ánh lên niềm vui trong trẻo đến
khó tả. Anh hỏi tôi từ đâu đến đây? Tôi nói với anh tôi đi tìm một người. Anh
chăm chú nhìn tôi, ánh mắt trìu mến và đáng tin cậy đến lạ lùng. Anh về phép ba
ngày thì đi, trong ba ngày ấy, chiều nào anh cũng qua quán uống nước chè và
chuyện trò cùng tôi. Trước kia tôi chưa từng cảm nhận được sự ấm áp từ một
người đàn ông nào hết. Cho đến khi tôi gặp anh.
Quân đi, chiều nào tôi cũng nhìn lên
đường đê thấy vắng lặng, buồn tênh, lòng cồn cào nhung nhớ. Có lẽ vui nhất vẫn
là những buổi chiều thấy tiếng cô văn thư của làng gọi í ới, những nét chữ thân
quen nhảy múa trong tim tôi khúc nhạc vui nhộn và rạo rực. Câu đầu tiên bao giờ
Quân cũng bảo rất thèm hương vị một chén chè nóng ở quê. Tôi viết thư hồi âm
bảo vẫn còn phần anh ấm chè ngon nhất, khi nào anh về sẽ đãi. Thư qua, thư lại
được vài tháng Quân ngỏ lời yêu tôi. Như cái cây khát sự trong trẻo của nước,
sự dịu dàng và vỗ về của gió, tôi lao vào yêu Quân điên cuồng, mụ mị.
Lúc này, khi đã quen với những người dân
nơi đây, tôi bắt đầu nghe được câu chuyện về người đàn ông của mẹ. Ông ấy tên
Kiên. Người làng bảo ông Kiên chết khi đang đãi vàng trên Yên Bái. Chết vì cứu
bạn cùng làm trong một cuộc tranh cướp vàng giữa những người đi bới tìm của
quý. Người làng còn bảo ông ấy chết mà không nhắm mắt được chỉ vì mang tiếng
nhục bởi một người đàn bà chửa hoang đĩ thõa, lăng loàn lại đổ vấy cho ông ấy.
Khi họ nói đến đây, tôi thấy tim mình như bị ai đó bóp nghẹt, thắt lại từng
cơn. Tôi hỏi họ:
- Người đàn bà mà các cô nói đến có phải
tên Ngân?
Họ gật đầu.
- Tại sao mọi người lại nghĩ cái thai
trong bụng bà Ngân không phải là của ông Kiên?
Họ thản nhiên trò chuyện:
- Cả cái làng này ai mà chả biết. Khối
người hôm đó bắt gặp bà ấy nằm với mấy thằng con trai ở đống rơm ngoài đồng.
Lúc đội tuần tra soi đèn pin, bà ấy không có một mảnh vải trên người, bọn đàn
ông chạy hết, chỉ còn bà giàn giụa nước mắt vì xấu hổ. Vụ đấy chả bị lôi lên
tận ủy ban làm việc là gì. Làm đàn bà mà như thế thì nhục quá, lại còn phá vỡ
hạnh phúc bao nhiêu gia đình khác. Ở đâu mà có loại đàn bà kiếm ăn bằng nghề ấy
thì ở đó còn tan nát, thế nên mới bị cả làng tẩy chay, phải bế con đi biệt
tích. Chả biết bây giờ sống chết ra sao.
Họ đang nói về mẹ. Tôi rất muốn hét vào
mặt họ rằng người mà họ đang nói đến chính là mẹ tôi. Mẹ cái đứa ngồi ngay
trước mặt các người. Nhưng cơn uất ức khiên tôi không thể cất lời mà chỉ biết
ngồi câm lặng. Tôi bỗng nhớ đến những đêm tôi đi học thêm về muộn, mẹ tất tưởi
đạp xe đến tận cổng trường đón tôi. Nhiều đêm không có trăng, trời tối om, mắt
mẹ kém nên thường ngã dúi ngã dụi, thương mẹ quá tôi nổi quặc bảo mẹ: “Lần sau
không phải đi đón con nữa, con lớn rồi chứ có phải trẻ lên ba đâu mà đưa đón”.
Nhưng hôm sau mẹ chờ tôi ở cổng trường, mẹ nói con gái lớn không được về khuya,
nhỡ gặp đám thanh niên mất nhân tính thì nhục cả một đời. Chỉ cần bấy nhiêu
thôi cũng đủ để tôi tin mẹ và nhen nhóm một cảm giác hận thù khó tả. Vì đâu mà
mẹ tôi nên nỗi?
Khi tôi biết được câu chuyện về mẹ, cũng
là lúc người ta nhận ra khuôn mặt tôi giống với người đàn bà mà họ vẫn gọi là
hư hỏng. Họ bắt đầu cảnh giác, xa lánh tôi. Họ bắt đều thêu dệt về tôi bằng trí
óc tưởng tượng đầy sáng tạo của mình. Họ nói, tôi cũng hư hỏng giống như mẹ,
chắc chơi bời chán rồi mới tìm về cái làng này quơ chồng. Họ mánh khóe về mối
quan hệ giữa tôi với Quân, họ nhìn tôi bằng cái nhìn nghi hoặc, đôi khi là miệt
thị. Cứ mỗi lần như thế, tôi không thể nào chịu đựng được khi nghĩ rằng những
ánh mắt ấy vẫn hướng về mẹ sau hơn hai mươi năm. Họ xoáy vào tôi bằng những mũi
kim châm chọc, sắc và lạnh. Một lần nữa họ lại muốn đuổi tôi đi như đã từng
đuổi mẹ. Tôi sẽ không ra đi đơn giản thế.
Tôi muốn cưới Quân. Quân hẹn một mùa ngải
nữa sẽ về. Lòng tôi chờ đợi trong tan nát khi gia đình anh liên tục gây áp lực
cho tôi. Họ đốt quán nước, họ dằn mặt tôi bằng sự độc đoán. Tôi vẫn kiên quyết
đợi chờ. Họ gọi Quân về, nói với anh rất nhiều điều về hai mẹ con tôi và bắt
anh phải chọn lựa. Tình yêu của anh dành cho tôi không đủ mạnh cho một cuộc đấu
tranh đến tận cùng. Tôi nhận ra trong mắt anh sự đau đớn và thoáng chút hoài
nghi. Sự hoài nghi ấy khiến tôi bị tổn thương ghê ghớm lắm. Cuối cùng tôi thành
kẻ bị bỏ rơi, bị lăng mạ. Tôi thật sự giống như một ngọn đuốc được tẩm xăng,
cháy bừng lên lòng thù hận. Chính họ đã giết mẹ tôi trong mòn mỏi đợi chờ,
trong nỗi nhục nhã không có người minh oan. Tôi mường tượng ra hình ảng mẹ xiêu
vẹo trong đêm tối, nước mắt nhạt nhòa. Tôi nhớ đến những đêm trời mưa mẹ ra điếm
canh đê ngóng đợi. Tôi nhớ đến cái chết của mẹ sau một đêm mưa gió đứng lặng
ngoài trời. Mẹ đã sống những tháng ngày lầm lũi như thế. Bây giờ họ cũng muốn
tôi dẫm đúng vào bước chân của mẹ. Tôi quyết định sẽ trả thù.
*
* *
Tôi không nhớ nổi mình đã qua đêm với biết bao
người đàn ông ở cái làng này. Họ là những thằng thanh niên nghịch dại, những
đứa trẻ ngựa non háu đá hay nhưng ông già có lẽ bằng tuổi bố tôi muốn kiếm tìm
của lạ. Nhan sắc và sự chiều chuộng của tôi đủ để mê hoặc họ, đủ để sau đó tôi
mang về trên tóc mình mùi lá ngải hắc nồng và đắng ngắt. Tôi mang đến cho họ sự
hoan lạc, nghiền nát họ không phải bằng bản năng tính dục mạnh mẽ của một người
đàn bà hay sự điêu luyện thành nghề của một con điếm. Mà tôi dẫn dụ họ bằng sức
mạnh của lòng thù hận, sự hả hê vừa mãnh liệt vừa sâu kín mà họ không bao giờ
nhận thấy.
Nước mắt tôi từng đôi lần giàn
dụa giữa cánh đồng ngải đắng khi một cậu con trai chỉ đáng tuổi em, với khuôn
mặt đẹp thánh thiện, da thơm mùi nắng. Sau buổi đi học về cùng đám bạn lao đến
chỗ tôi mặc cả từng đồng lẻ, để rồi sau cuộc khám phá thế giới hoan lạc, nhăn
nhó nhét vào ngực tôi những đồng tiền nhàu nhĩ. Hay khi vị khách của tôi là một
người đàn ông vốn có tiếng là sống đạo đức, là người được kính trọng trong
làng, gia đình năm nào cũng được nhận bằng khen gia đình văn hóa, được tổ chức
tuyên dương. Thế mà cũng lao vào tôi như một kẻ tục tĩu, ngốn nghiến tôi như một
con vật đói khát để rồi chỉ sau một đêm mây mưa nhất quyết đòi bỏ gia đình, rủ
tôi đi biệt xứ. Đêm nào cũng có một kẻ tìm gặp tôi để cửi bỏ chiếc mặt nạ hiền
lành, tử tế, thủy chung. Hỡi ôi những người đàn ông, sau cuộc vụng trộm họ lại
trở về bằng cái vẻ ngoài đạo mạo. Còn tôi, sau mỗi cuộc trả thù tôi chạy như
điên dại trên cánh đồng ngải đắng. Mắt rỏ từng giọt đắng.
Tôi hả hê và cay đắng khi
nhìn những người đàn bà vật vã vì đau khổ. Tôi thản nhiên nhìn nhiều gia đình
tan vỡ, như thể đấy là cuộc sống đã định sẵn cho họ. Bởi chính họ đã đẩy mẹ con
tôi vào bước đường cùng. Tôi trở thành con thú hoang ẩn nấp, rình rập trong
hiểm nguy. Còn những người đàn bà trong làng Đục trở thành những thợ săn khát
máu. Chúng tôi giống nhau ở chỗ đều muốn tiêu diệt kẻ thù. Nguyên cớ gì đã đẩy
những người đàn bà như chúng tôi xa nhau đến mức ở hai giới tuyến hận thù...
Tôi không còn ở một chỗ cố
định, tôi chỉ trở về làng sau khi nhận được dấu hiệu của những người đàn ông đi
ăn đêm. Tôi mải miết cho những cuộc báo thù đến tàn rạc ngay cả khi tôi nhận ra
mình đang làm mẹ bởi giọt máu của một người đàn ông nào đó đã cấy vào cuộc đời tôi.
Sau mỗi cuộc báo thù trở về, sinh linh trong bụng tôi đạp mạnh như thể nó đang
giận dữ và đau đớn lắm. Nhưng sự thù hận vẫn kéo tôi đi cho đến khi vị khách
đặc biệt xuất hiện. Quân đến, xoa dịu sự đau đớn, ê chề và cả lòng thù hận của
tôi bằng nụ cười rất ấm, bằng những cái hôn nồng nàn lên khóe mắt tôi như những
ngày còn ở bên nhau. Đêm đó, lần đầu tiên tôi cảm nhận thấy sự hòa hợp giữa hai
người như cuống riết lấy nhau. Tôi quên mình là một con điếm, quên lòng thù
hận, giữa ánh trăng tròn vành vạnh, tôi thấy mình trong trắng, đẹp tròn trịa
như trăng. Tôi lao vào yêu anh, như một cô gái đôi mươi bỡ ngỡ và hạnh phúc
trong lần đầu trao gửi cho người đàn
ông mà mình thương yêu. Nhưng ngay sau đó, khi tôi còn chưa kịp bừng tỉnh khỏi
cảm giác đê mê thì anh quăng về phía tôi một xấp tiền sau khi kéo vội khóa quần
rồi bảo:
- Hóa ra em cũng chỉ là
một người đàn bà như thế!
Sòng phẳng và thành thạo cho hành
động “bóc bánh trả tiền” như bao thằng đàn ông khác. Một cảm giác ê chề, đau
đớn khiến tôi như chết đứng. Tôi không hiểu nổi nguyên cớ nào Quân lại xử sự với
tôi như vậy. Cứ như thể anh phải tận mắt
nhìn thấy tôi là một người phụ nữ lăng loàn như lời đồn thổi bấy lâu để thấy sự
lựa chọn của anh là đúng và việc anh bỏ rơi tôi hoàn toàn chẳng có gì là tội
lỗi. Chẳng nhẽ anh khinh rẻ tôi đến mức ấy sao? Hàng ngàn vạn những câu hỏi như
đang giày vò, dằng xé ruột gan tôi.
Tôi lại chạy như điên dại
trên cánh đồng ngải đắng. Kẻ bại trận nhất trong cuộc báo thù này hóa ra lại là
tôi. Khắp cơ thể tôi là hàng nghìn, hàng vạn vết thương đang rỉ máu như bị ai
đó chà xát muối. Nó nhức nhối đến mức tôi tưởng như đó là sự gộp lại của tất cả
những nỗi đau trong mỗi người đàn bà làng Đục mà tôi đã từng gieo rắc. Nỗi đau
bị phản bội bởi những mặt lạ rẻ tiền. Tôi không còn khả năng để tự vệ. Nỗi đau
đã nhấn chìm tôi, bóp nghẹt tôi. Cũng chỉ đến lúc ấy, tôi mới thấy mình tàn
nhẫn và độc ác với những người phụ nữ làng Đục
đến nhường nào. Tôi giật mình nhận ra cái vòng xoáy của lòng thù hận như
một mê cung không có điểm dừng.
Khi bị đau, như một bản
năng tôi nhớ về mẹ và cảm thấy có lỗi với bà, tôi đã sống thật tàn tệ để trả ơn
nghĩa mang nặng đẻ đau, nuôi nấng và sự hy sinh của mẹ như thế đấy. Bất chợt sờ
xuống bụng, tôi giật mình nhận ra đã khá lâu tôi bẵng đi cái bổn phận làm mẹ
thiêng liêng của mình. Con tôi đang lớn dần, lớn dần, hiện hữu và gắn kết. Nó
nhắc nhở tôi rằng tôi vẫn còn có một người thân thiết, máu mủ ruột rà trên cõi
đời này. Vì thế tôi không có quyền được sống cho riêng bản thân mình, không thể
mụ mị lao vào vòng thù hận như một con thiêu thân để rồi tự làm tổn thương mình
thêm nữa.
Con sông Hồng đêm nay
trăng loa lóa ánh phù sa, loa lóa một mùa hoa ngải đắng. Tôi nhớ mẹ tôi, nhớ
những lần mẹ vò lá ngải dỗ dành tôi uống, nhớ cái đêm mẹ ra đi còn cố nắm tay
tôi thật chặt. Tôi chợt thấy cuộc đời mình nhỏ bé và leo lắt biết bao nhiêu.
Nỗi đau ở đời giống như
những hạt cát rơi vào trong mình con trai sò mà chúng không có cách nào đẩy nó ra. Sau khi
chịu những tổn thương bởi dị vật, chúng nhanh chóng tiết ra chất ngọc từ màng
ngoài và dần dần bao lấy nó để bảo vệ mình. Thời gian trôi đi, bên ngoài hạt
cát được bao bọc bởi chất ngọc rất dày đã biến thành một viên ngọc trai đẹp và
quý giá. Tôi không muốn nỗi đau của mình biến thành những viên ngọc trai để
người đời mang ra ngắm nghía, làm vật trang trí cho mình. Tôi chỉ mong sao, nỗi
đau sẽ giống như ngọn ngải đắng mọc ngạo nghễ giữa mảnh đất cằn cỗi để rồi sau
sự đắng đót nơi đầu lưỡi là những dịu êm, những ngọt ngào thương yêu lan tỏa ra
từ vô số cánh hoa trắng muốt như được gột rửa, được tẩy trần dưới đêm trăng.
Đêm nay tôi một mình lặng
lẽ ra đi. Dưới ánh trăng. Tôi và một sinh linh bé nhỏ.
Vũ
Thị Huyền Trang (Hà Nội)