Nhà văn Võ Diệu Thanh
Lời giới thiệu của nhà thơ Trịnh Bửu Hoài:
Võ Diệu Thanh sinh năm
1975, quê gốc xã Châu Phong, thị xã Tân Châu, An Giang; hiện giờ là giáo viên
mỹ thuật một trường trung học ở thị trấn Chợ Vàm, huyện Phú Tân; hội viên Hội
Nhà văn Việt Nam.
Thanh viết văn từ thời
còn ngồi ghế nhà trường và từng đoạt giải nhất giải Văn chương Thủ Khoa Nghĩa
dành cho học sinh trung học của Hội liên hiệp Văn học nghệ thuật An Giang.
Truyện của Thanh gắn liền với con người và vùng đất đậm sắc màu sông nước của
An Giang. Đọc truyện của Thanh, ta thấy cô không đơn thuần là cảm nhận và thể
hiện sâu sắc về những con người đầy cá tính và bản sắc ở nơi cô đang sống; mà
mảnh đất nầy và những con người kia đã trở thành máu thịt, là tâm hồn của những
trang viết cô gởi tới người đọc.
Những năm gần đây, Võ
Diệu Thanh đã chứng tỏ tài năng, bản lĩnh của mình qua giải thưởng Văn học tuổi
20, giải thưởng của Uỷ ban toàn quốc liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam...
Nhà thơ Trịnh Bửu Hoài
Sự nhạy cảm và cái nhìn
xuyên thấu của Thanh đã làm nên một truyện ngắn ngoài thế giới sống của cô,
nhưng khi cô đặt bút vào viết tưởng như đang đi trên những lối mòn quen thuộc.
CON NƯỚC SAY MÈN với hình tượng đa dạng và phong phú đến khắc nghiệt của những
người con sông nước, đã để lại cho ta nỗi bàng hoàng khi bất lực chứng kiến
những kẻ sinh ra từ nước đã trở về cùng nước bởi vì nỗi đam mê với nước.
Trịnh Bửu Hoài
Người ta ngồi nhậu, ông ngồi nói chuyện với
dòng nước. Con kia, tụi nó có lạ lẫm gì mày? Thằng nào cũng mê nước từ hồi còn
lẫm đẫm mà. Mày thiệt là…
Ông rành vậy vì chính ông tập
lội tụi nó mà. Cha mẹ tụi nó dễ ngươi, cứ để con lặn hụp một mình. Ông đã phải
vác xốc nước cho bảy đứa. Cứu được bốn. Ba đứa kia… Ông không muốn nhớ cảm giác
tụi nó lạnh trên lưng. Chính vì không muốn gặp lại cảm giác đó mà ông gom tụi
nhỏ lại, chỉ cách nín thở khi hụp, chỉ cách ngoi lên, cách quạt tay, cách đạp
nước.
Thằng Lành…! Nó có năng khiếu
bẩm sinh. Hồi nó hai mươi tám tháng, Ba Lâm chứng kiến một cảnh nhót tim. Bữa
đó đi đám giỗ về chung xuồng với mẹ con nó. Đang ngồi vọc con tép trong cái vùa
tát nước xuồng chợt nó vọt ào xuống kinh. Ông nhảy theo lặn hụt hơi mà không thấy.
Chừng ông ngoi lên đã thấy nó nổi phình. Mẹ nó quýnh quáng sắp khóc. Nó hết hồn
một chút, tay quẹt nước miệng cười sằng sặc. Nó quen nước tới độ không thèm đi
xuồng, hễ cần là nhảy xuống nước.
Thằng Bình…! Ông Ba dáo dát kiếm gói thuốc, đốt một điếu, hít một
hơi dài. Bình không lội giỏi bằng Lành nhưng dạn nước. Tập một bữa biết hụp lâu
lâu, ba bữa biết bơi úp mặt, một tuần đã lặn qua lặn lại giữa hai cây cộc tre
do Ba Lâm cắm. Mỗi lần nó buồn giận ai khóc ầm ĩ, chỉ cần thả xuống nước là nín
dứt. “Con sống khỏe nhờ nước. Lớn cũng nhờ nước mà làm giàu đó ba.”
Nó buôn bán đường dài mà. Sống
trên xà lan quanh năm. Tuy xà lan lớn đầy đủ tiện nghi nhưng nhìn đâu cũng thấy
nước, cặp bến nào cũng là bến của nước. Có lần bà già bệnh nó về nuôi có hai
hôm đã nghe người khô khan vì không thấy nước. Nhậu nhẹt
thì cũng khoái mua mồi bắt mâm trên mui rồi hát hò cùng gió sông.
Ông Ba thường nói với mâm nhậu:
- Tụi
nó thân với tôi, như tôi thân với mấy anh, mấy cháu, mấy em.
- Chú
Ba, chú kể nữa tụi con về.
- Thì
tôi muốn nhắc… Thôi, không kể. Buồn cứ tới nghe.
Ông còn muốn nhắc chuyện thằng
Tị và hai Thới. Dù hai người này không nằm
trong mớ ông tập lội. Tị chuyển tới đầu xóm khi đã có vợ. Nó chậm phát rầu, được
cái hơi bền. May mà có nghề lặn chà cần hơi dài của nó. Hai Thới thì ở xóm
trong, con một, ba má cưng nên hai mươi tuổi chưa biết lội. Lớn tập trần thân.
Vậy mà lúc nhiều tuổi lại sanh tật dính tới sông nước. Mỗi lần nhậu cứ nhảy xuống
nước mà thả tàu về. Chừng thả ngang nhà miệng chạy hịn hịn, thổi kèn tin tin. Vợ
xuống kêu “tàu ơi ghé lại rước khách” thì mới chịu ghé. Kêu khác đi hoặc không
kêu thì lội qua luôn. Cứ đảo tới đảo lui như vậy. Vợ muốn yên nước lợi nhà đành
ngồi canh trên bờ kinh. Rồi nghe tiếng kèn quen thuộc lại nhập vai hành khách bất
đắc dĩ mà không nén nổi cơn tủi buồn.
Chuyện nên nghe lại không muốn
nghe. Ông biết là do họ không dám đương đầu với sự thật. Nghe chuyện rượu làm
gì khi mà mâm tròn đang ra một luật ai để ly rượu đứng yên bị phạt ba ly. Uống
nước kiểu này no mà chết. Rượu uống nhiều không no. Nó đi đâu hết rồi?
Ba Lâm thắc mắc ghê dù ông là
dân nhậu có thâm niên, có máu mặt. Ông nhìn thấy đâu cũng bạn bè chòm xóm nên
không nỡ từ chối bất cứ cuộc nào. Thêm nữa, nhà đầu vàm, tiện đường sông lớn
kinh nhỏ nên thành tụ điểm cho dân nhậu la cà.
Vậy mà đùng một cái Ba Lâm không rớ tới rượu.
Mấy người bạn mất chỗ tụ tập, lang thang xóm trên xóm dưới. Ông nằm võng trước
hàng ba, nghe tiếng xe quen thuộc của đám bạn rồ ga leo cầu cứ giật mình từng
cơn. Có bữa xe chạy rất xa mà tiếng hụ máy vẫn còn lồng lộng. Ông nghe tiếng xe
nhập nhằng hình dung nó có thể tức tưởi đổ ào bất cứ lúc nào. Ông ngồi dậy nhìn
về phía xa, con đường bỗng chập chùng như có sóng. Những chiếc xe chấp chới
chìm trong hun hút.
Nghĩ cuộc đời quá nhiều đoạn
bất ngờ. Hồi ông còn nhỏ muốn qua nhà hàng xóm xin trái ớt cũng phải bơi xuồng.
Có khi nào dám ước một con đường đặng chạy xe đạp đi uống trà với bè bạn xóm giềng.
Chừng có vỏ lãi chạy máy hon đa đã thấy oách, tưởng lên mây được rồi. Giờ cái vỏ
quê một cục, buồn bẽo úp mặt bên gốc dừa nghe dòng xe rầm rầm xuôi ngược, thấy
xứ mình đã đi tới một chốn xa lắc xa lơ. Còn đi những đâu nữa?
Ba Lâm cũng thường bất ngờ
như cuộc sống. Một bữa ông nói với đám bạn: “Muốn xỉn cứ tới nhà tôi, cho nhậu
mút mùa”. Ông ngồi mâm mà không uống, kể chuyện xưa chơi. Rồi những câu chuyện
ông kể bị cằn nhằn. Ông chỉ ngồi im. Khi rượu hết ông dành phần mua. Bạn bè thấy
ông vốn bậc trưởng thượng lại phải xách chai mua rượu cũng ngại. Nhưng không ai
đủ lý dành cái chai với ông.
- Nhậu
ở nhà tôi phải sảng khoái. Ai dành mua rượu tôi đuổi về. Đường xá tiện lợi rồi,
tôi lo được.
Ông xách chai qua cái cầu mới
cất xéo cửa nhà. Cầu đủ lớn cho xe máy qua lại. Con đường đủ lớn để chuyên chớ
hết tiện lợi của đô thị về quê. Tới đầu cầu ông đứng lại một chút… Cây cầu này
quá muộn so với thằng Tị.
Hồi xưa ở đây là cây cầu khỉ
mỏng mẻo lắc lư. Mỗi lần đang nhậu hết rượu thằng Tị dành đi mua. Bao giờ thì
cũng giơ chai rượu lên rồi lội ào xuống nước. Nó xỉn đi cả buổi chưa qua được nửa
cầu. Nhưng lội sông thì nhấp nháy.
Người ta nói thằng Tị say mà
còn biết mình say, say khôn. Ông Ba lắc đầu. Say khôn say dại khác nhau chỗ
nào?
Thằng Bình cũng thường say.
Nhưng nó vui. Nhậu vô nó nhún nhẩy ca hát rất nhiệt tình. Khoái đi kiểu khỉ
trên đòn dài. Có lần nó kéo Ba Lâm té xuống nước với nó. Lần đó nó làm ông mắc
cỡ. Tự dưng nó ôm ông hun cái chụt. “Con thương ba quá”.
Nó thương thiệt chớ không phải
rượu thương. Nó mê ông ở chỗ nhà ông nhậu có thể nghe được tiếng nước vỗ nhè nhẹ
mỗi khi có xuồng máy chạy ngang. Thêm vụ “khoái nết nhậu mà không say của ba”.
Có ai nhậu mà không say? Chỉ có say như ông thì khác. Rỉ rả nói “về ngủ ngon
nghe bây”, rỉ rả khuyên “có rượu là phiền lòng vợ con lắm rồi, về kiếm chuyện
vui nói cười cho vợ khuây khỏa chuộc tội”, rỉ rả bó ngọn đuốc lá dừa đưa bạn nhậu
về nhà. Khi mọi thứ xong xuôi bò lên giường là hết biết gì đầu đít. Tỉnh dậy
không nhớ đêm qua nói gì, làm gì. Thằng Bình nói con cũng không nhớ ba nói gì
mà chỉ biết là nói những câu hiền từ. Mỗi lần về nó thường đi tuốt vô vàm kêu từ
đầu lối mòn. “Ba ơi con về rồi nè”.
Ba ở đây là ba rượu. Nghĩa là
nhậu chung mà thành cha con. “Có ba, đi xa con biết nhớ xóm vàm. Có ba con buôn
bán bớt nói gian nói manh. Thấy đồng tiền nó không bự như con từng thấy. Đời
này mong manh hả ba. Con ráng làm nuôi tụi nhỏ cho nó học hành đàng hoàng, rồi
ít đi buôn bán lại, ngồi nhà tu với ba, nhậu với ba”. Không lâu sau nó cất thêm
ngôi nhà bên kia kinh, đối diện nhà ông ba. Ngoài sông lớn nó có một căn nhà to
rồi.“Cái này chờ lúc dưỡng già... Con muốn xây thêm cây cầu nối hai bờ. Con
khoái qua cầu tới nhà ba…”
Lúc mua rượu về đi ngang qua
cầu, Ba Lâm lại nhìn dòng nước. Ê, con kia, mày quen hay lạ? Con kinh bẽn lẽn
luồn qua cầu, bươn qua cửa nhà ông rồi trùi ra sông cái. Ông nghiêng miệng chai
rót xuống dòng một khúc. Nhậu đi mày!
Cuộc nhậu tiếp tục khề khà với
chai rượu mới mua. Đầu tiên là nhỏ nhẹ tình cảm. Càng về sau tình cảm càng tột
độ nên không ai nghe ai. Ba Lâm nói: “Giọng tụi bây mạnh quá, cãi uổng, hát
đi”. Thế là giành hát. Hát tới khi từ từ gục xuống, ngủ ngay trên mâm. Ông Ba
kè từng thằng lên giường.
Ngủ một giấc thằng trước thằng
sau trở mình. Nhướn mắt nhìn xung quanh, ngơ ngác hỏi giờ. Chợt nhận ra mình
không giống mình thường ngày. Một đời tất bật, có say tối mắt tối mũi cũng ráng
bò về nhà. Không hiểu sao đã ngủ chỗ Ba Lâm hàng chục lần. Có một lần nghĩ
trong bụng bữa nay nhất định không ngủ lại. Khi bước ra xe, đề máy không nổ, đạp
máy cũng không ăn thua. Ngồi gục gặc một hồi rồi ngoẻo đầu xuống tay cầm mà ngủ.
Tỉnh dậy thường nói một câu:
- Về nghe ông Ba, say hết biết
đầu đít.
- Trong mình khỏe không?
- Khỏe re như bò kéo xe. Bữa
nào buồn buồn tới nhà ông nhậu tiếp.
- Buồn có sướng gì mà buồn
hoài… Mà, buồn cứ phóng tới đây.
Thằng Bình giàu có mà cũng
hay buồn. Nó thất thiểu gá người lên bộ ngựa rồi thả mình nằm dài. “Mình nhậu
ba ơi.” Buồn đừng nhậu, sẽ buồn thêm. “Không nhậu con chết liền”. Vậy là hai ba
con một mâm. Nhậu có hai người say nhanh cấp kỳ. “Con vợ con. Nó vì tiền mà hỗn
với má con. Con dạy vợ không nên thân”. Ông vuốt vai nó. Chuyện vợ chồng buồn
nhau là thường. Về ngủ một giấc hết giận vợ nghe con. Ông tiễn nó ra tận xà lan.
Bình cười khà khà. Nhún nhảy trên đòn dài như làm xiếc. Tung tăng, vùng vẫy như
rồng gặp nước. Ông Ba nói. “Bình ơi, lên đi con, ba về...”
Cái sự lặn lội trên sông,
trên kinh ở đây quen kỳ lạ. Thằng Lành hôm đó đi nhậu về kêu vợ rước. Vợ nói ừ,
ráng chút cho con nó ngủ thẳng giấc rồi để nó xuống. Khi vợ mở dây xuồng đã thấy
chồng ra giữa kinh. Vợ lắc đầu buộc dây
xuồng. Nóng gì mà như ăn nhằm lửa vậy, đợi chút không yên. Cứ tin là khi mình
bước lên bờ, chồng sẽ lóp ngóp ngoi lên, vừa vuốt nước vừa chửi nhoi vì tội chậm. Thấy trước mắt đó…
Bữa đi đám tang thằng Lành, Ba
Lâm nghe vợ Lành vừa kể vừa khóc, ông không tin một chút nào. Ông cằn nhằn vợ
Lành.“Bây buồn quá nhớ lộn chớ làm gì có chuyện nó chết nước.”
Dóc thì cũng phải có lý chớ.
Không lâu sau Ba Lâm với Hai Thới bị công an xã
nói một câu gần giống vậy. Họ nói hai ông già vô lý. Thằng Tị lặn chà đại tài,
hai con kinh này nhập lại nó còn không sợ. Nước với nó như tay với chân làm sao
mà xảy ra chuyện được… Nhưng sự thật là vậy mà. Hai ông ngồi nhậu với nó, nhìn
thấy nó từ từ xuống nước. Chờ một hồi ông Ba nói bữa nay thằng này đi mua rượu
sao mà lâu. Hai Thới nói hình như không thấy nó lên bờ à nghe…
Hai Thới ôm quan tài thằng Tị
khóc tức khóc tưởi. “Chú nhìn theo con lâu lắm mà, sao con lên tim mẳn chú lại
không hay?”…
Lão ở với thằng Tị hai ngày vẫn thấy chưa hết
ăn năn. Mở cửa mả nó xong lão thả tàu về. Vợ mắc kẹt tay thắng chảo nước màu.
Lão đảo tới đảo lui hụ còi cho tới khi… mặt nước phẳng lặng như trong lòng nó
không có vướng bận gì. Một xác người không làm nó lợn cợn miếng nào là sao?
Ngồi nhậu nghe kể mấy chuyện
vô lý thấy lãng trong mình. Đáng lẽ giải tán. Mâm nhậu lại ngồi miết, uống miết. Làm như uống kiểu vậy là những câu
chuyện rượu chè với nước nôi nó không hiện lên trong bộ nhớ. Uống chỗ này chưa
đã lại kéo sang chỗ khác. Say ba mớ thấy không đã, say dữ dội càng thấy cái đã
nó còn phía nào đó mà mình chưa đuổi theo kịp. May là bây giờ đường xá cầu kỳ
đàng hoàng, không ai phải chờ xuồng rước hay phải qua cầu khỉ mua rượu.
Ba không muốn chứng kiến nữa
Bình ơi. Ông nói với ngôi nhà thằng Bình bên kia kinh. Mỗi lần bước tới đó lấy rượu, mở mắt, nhắm mắt
gì ông cũng thấy dáng nó nằm dài trên bến, hai tay giơ lên. Người ta mò ba giờ
sau mới thấy xác nó. Nó nằm đó, im ỉm, lạnh băng, như chưa từng biết nói năng
gì. Nó mới cười nói với ông đó mà. Tại sao nó thương ông như vậy mà lúc nó giãy
giụa một mình dưới nước ông không một linh cảm gì dù ông đang ở ngay đó. Ông như thấy tận mắt nó đưa tay lên kêu không
thành tiếng. “Ba ơi tiếp con…”. Nước tràn vào miệng, trùm lên tiếng kêu tuyệt vọng.
Nó chìm từ từ, đôi tay vẫn đưa lên… Nó có quyền hi vọng vì ba nó đang ở ngay
trước mắt nó mà. Vậy mà ông để nó ra đi như giỡn chơi. Lúc nó chờ đợi cứu giúp,
ông đang làm gì? Ông chỉ nhớ mọi thứ lờ
mờ, lãng đãng, hư thực đan xen. Không kiểm soát được dù chỉ là dòng ý nghĩ. Say
mà…Hay lắm, say mà. Cái lão già vô dụng kia. Một thằng Lành, một thằng Tỵ, một
hai Thới chưa đủ sáng mắt sao? Ừ, mày uống giỏi lắm.
Ngôi nhà bỏ hoang của thằng
Bình giờ trở thành nhà chứa rượu của Ba Lâm. Ông ngâm thêm vào mấy bình rượu vài món thuốc bắc.
Uống chưa say đã ngủ ngay trên mâm. Bạn nhậu thả cơn buồn trong tiếng ngáy pho
pho. Ông Ba sẽ bước ra sau lọ mọ mở những cái khóa xăng, lấy tấm bạt che nắng
cho từng chiếc xe. Bất giác ông nhớ tới lúc kéo mền trùm ngang mặt thằng Bình.
Ông khòm xuống, tay ôm choàng tấm vải, giọng nài nỉ: “Bình à, ngủ một giấc rồi về nghe con!”
Phía ngoài đường, bên lưng
con nước, xe vẫn ngược xuôi rồ ga leo cầu.
Võ Diệu
Thanh (An Giang)
Truyện hay mà buồn, đọc rồi mới thấy đọng mãi dư âm. Em có bút lực dồi dào, viết rất hay, sâu lắng. Chị thích lắm.
Trả lờiXóaCám ơn chị Tạ Hoa đã đọc và cho ý kiến. Cám ơn nhà thơ Trịnh Bữu Hoài đã đọc nhiều và viết lời giới thiệu. Có lời nhận xét của mọi người em như được động viên nhiều hơn, con đường dài coi như có thêm nhiều bạn đồng hành
Trả lờiXóa