Trúc Lập
Lời giới thiệu của nhà
văn Mang Viên Long:
Tôi có duyên đọc
những sáng tác của anh Trúc Lập khi được mời làm biên tập văn cho tạp chí Văn
nghệ An Nhơn. Đầu tiên là những bài tạp bút, bút ký và sau nầy là các truyện ngắn…
Anh viết rất đều, nhanh, ngày càng chắc tay hơn.
Nhà văn Mang Viên Long
Với kiến thức sâu rộng
nhờ vào sự cần mẫn đọc và tham cứu hằng ngày, với kinh nghiệm đã thực chứng từ
thực tế gian khổ, với lòng đam mê văn chương, mong muốn được “chia sẻ” tâm
tình, suy tư, với người thân, bạn văn, với thế hệ đi sau mình – anh Trúc Lập đã
từng bước đi vào văn chương một cách khiêm tốn, nhưng chững chạc, và cẩn trọng.
Mang Viên Long
Chúng sống bên nhau từ khi mới
chào đời, chúng cùng chơi, cùng học tập, cùng giúp đỡ và cùng lớn lên. Chúng
như hai cây tươi tốt cùng mọc trên mảnh vườn an lành và được chăm bón đầy đủ. Cha mẹ chúng đều là
bạn thân của nhau, cùng thế hệ, cùng giai cấp, ngang trình độ. Họ ở cùng xóm,
cùng làng, cùng hiểu biét từng nếp sống, thói quen, từng nhu cầu của nhau. Hai
gia đình ở cách nhau chừng nửa cây số mà gần gũi, cùng chia sớt những vật dụng bên thừa, bên thiếu. Hai đứa
trẻ, con của hai gia đình này, một trai, một gái, cách nhau một tuổi. Khi còn
nhỏ, chúng ngây thơ, vô tư lự. Lúc trưởng thành chúng thân thiện, coi nhau như
anh em, không gợn chút gí vế tình yêu khác giới. Đi học, chúng ngồi chung lớp,
đi thi chúng ngồi chung bàn vì tên của hai đứa đều ở vần L. Chúng luôn luôn
thân thiện với bạn bè, được cha mẹ thương yêu đùm bọc. Chúng chỉ lo học tập
không biết và hiểu gí về những việc xảy ra ngoài xã hội. Từ vỡ lòng đến khi tốt
nghiệp tú tài chúng đếu là học sinh giỏi. Hằng tháng, hằng quý, chúng thay
phiên nhau đứng nhất, nhì lớp về vị thứ.
Chúng chịu khó, thông minh, đọc nhiều sách, nên hiểu rộng. Khi biết có cuốn
sách nào hay, chúng tìm mượn hay mua cho bắng được. Có sách rồi, là thay phiên
nhau đọc. Chúng tự trao dồi kiến thức ngoài giáo án của nhà trường. Thỉnh
thoảng chúng cũng đi chơi, di du ngoạn thăm các danh lam thắng cảnh, nhưng chỉ
đi riêng hai người ít khi đi chung với bạn bè. Chúng như hai con bồ câu dổn
dểnh trước sân nhà dể tìm thóc, trông chúng hiền lành, trong sạch và dễ thương.
Chính những cái ham học, vô tư, không biêt gì ngoài sách vở đã ảnh hưởng đến
thân thế, sự nghiệp và góc khuất của chúng sau này.
Người trai tên Lai con ông
Nhàn và bà Thí
Người gái tên Lan con ông Hy
và bà Liễu
Ông Nhàn, ông Hy là hai bạn
thân, cùng đậu tiểu học (primaire) năm 1944. Ở vùng quê chiêm trũng mà học lực
như thế đã là khá rồi. Gia tư mỗi người vài sào ruộng đủ đại diện cho lớp tiểu
tư sản cấp thấp ở nông thôn
Tháng 8 năm 1945 khởi nghĩa
thành công. Năm sau cả hai cùng hòa mình với dân chúng tham gia kháng chiến để
bảo toàn nền độc lập. Ông Nhàn làm thanh tra tài chánh tỉnh. Một ba lô, một xe
đạp, nay huyện này, mai xã kia, ông đi kiểm tra các kho thóc nông nghiệp, các
quỹ tín dụng sản xuất, kho bạc và các ngành tài chánh trong tỉnh, được đào tạo
thành đảng viên Đảng Lao động gương mẫu, vô tư, trong sạch, vững lập trường.
Ông Hy làm giáo viên trung học dạy môn Pháp văn khi trường tỉnh di tản về địa
phương.
Ông Nhàn, ông Hy ở cùng thôn quen nhau
từ tấm bé, sinh hoạt, giao tiếp với nhau như hai anh em ruột thịt. Đầu năm
1954, bà Thí, vợ ông Nhàn sinh trai đầu
lòng đặt tên Lai. Cuối năm 1954 đi ra bắc theo hiệp định Genève. Ông Nhàn tin
tưởng ông Hy là một giáo viên gương mẫu, có đức độ, chưa đụng chạm
hay gút mắc gì ngoài xã hội, có thể bảo bọc cho vợ con mình khi ông vắng
nhà trong hai năm. Hai bên giao hẹn, ông Nhàn
bảo lãnh cho ông Hy được ở lại, không đi.
Ở đời có nhiều việc không chìều theo
kế hoạch đã định của mình. Sự thay đổi dòng chảy của xã hội đã ảnh hưởng đến
thân thế, sự nghiệp của cá nhân.
Mẹ con bà Thí bị o ép đủ điều trong
hai năm đầu của hiệp định. Cái uy tín và đức độ của ông Hy không đủ sức dể thực
hiện lời hứa với bạn. Cái uy này không đủ thì ông tìm cái uy khác. Sai lầm một
bước, không hiểu thấu đáo về thời cuộc cọng với cái không kiên định lập trường,
ông ra làm công an xã. Với suy nghĩ thiển cận rắng trong hai năm mình không làm
gì tác hại với quần chúng mà lại bảo
toàn được cho vợ con bạn. Ông bảo toàn được cho mẹ con bà Thí khỏi học tập
thật, khỏi trình diện định kỳ, khỏi tập trung, đêm đêm khòi đem con dại đến nằm
công xá và yên tâm làm ăn.
Hai năm qua đi, ông Nhàn chưa về. Ông
Hy phát hoảng, muốn thôi chức công an không được. Nếu duy trì là lún sâu vào
tội lỗi, là ân oán, là phản bội lời cam kết với bạn rắng không làm gì cho địch.
Sẵn ở độ tuổi quân dịch, ông đăng váo lính cọng hòa, thà bất đắc dĩ làm lính
văn phòng còn hơn làm công an. Mặc cho vợ và đứa con gái tên Lan sinh năm 1955,
mặc cho vợ con bạn, ông cứ trôi theo
giòng chảy của chiến tranh. Ban đầu phục vụ ở kho quân nhu, thuộc trung đoàn
41, sư đoàn 22, sau dần dần lên đến cấp đại úy thuộc bộ chỉ huy 2 tiếp vận.
Trong thời gian ở quân ngũ, ông thừơng về thăm vợ con mình, vợ con bạn, thăm
tiệm bánh ngọt của hai bà đã hùn hạp kinh doanh. Mỗi lần về là có quà, nhiều
nhất là xăng. Mổi phiếu xăng 100 lít, lúc bấy giờ gọi là một “cây xăng” đem ra
trạm xăng đổi lấy tiền. Cái oai của ông đủ bảo đảm an ninh cho hai gia đình, mặc dầu ông biết bà
Thí có tiếp tay cho cách mạng trong sự nghiệp chống Mỹ cứu nước. Vợ con mình
sao, vợ con bạn cũng vậy, từ nơi cư ngụ cho đến việc học hành của con cái, nhất
là mẹ con bà Thí, ông nhờ vợ chăm sóc kỹ khi ông vắng nhà.
Chiến tranh lan rộng. Mặc cho máy bay
khủng bố, mặc cho súng nổ do các cuộc hành quân, mặc cho mìn nổ phá cầu, chận xe hơi, tàu lửa, hai đứa trẻ cứ
yên tâm học tập. Chúng quấn quít nhau như hai dòng chảy họp lưu. Dù chưa tỏ tình, chưa thổ lộ việc yêu đương
nhưng chúng thấy cần phải có nhau. Vắng nhau thì trông đợi, gần nhau thì văn
chương chữ nghĩa, là con số, là hàm số, là góc, đường thẳng, hình phẳng, hình
không gian, không chuyện gì khác.
Ông Hy thấy vậy, gợi ý với bà Thí cho
chúng họp đôi, nhưng bà thưa gởi.
- Cảm ơn anh, tôi cũng muốn vậy lắm,
nhưng phải chờ quyết định của cha cháu, tôi tin tưởng tuyệt đối là cha cháu sẽ
về vào một ngày gần đây, với lại lũ chúng mới vừa trên dưới 20, đã vội gì?
Năm 1975 ông Nhàn về thật, ông Nhàn về
thì ông Hy đi học tập cải tạo, hai trẻ
vừa tốt nghiệp tú tài toàn phần. Bà Thí nhắc lại lời cầu thân của gia đình ông
Hy, vừa nghe qua, ông Nhàn đã từ chối đây đẩy.
- Không được, tuyệt đối không được,
tôi phục vụ kháng chiến, phục vụ cách mạng mấy mươi năm là mưu cầu gì bà biết
không? Trước là giành độc lập, thống nhất nước nhà, sau là xây dựng cho con
cháu có một tương lai tươi sáng, bà muốn hủy hoại nó sao?
- Tôi biết vậy, nhưng tôi không bao
giờ quên ơn vợ chồng anh ấy, họ đã thực hiện đúng lời hứa đối với ông lúc ông
bước chân ra đi. Họ thực hiện tốt, còn nhiều khi bị lời ra tiếng vào cho sự che chở, bảo bọc
ấy.
- Ơn nghĩa thì ơn nghĩa, tôi hứa sẽ bù
đắp cho gia đình ông ấy khi họ học tập cải tạo tốt, trở về.
- Ông nói lạ, khi vắng ông, họ lo bảo
bọc cho gia đình mình trước những rắc rối phiền nhiễu, những đòn roi tra khảo
của kẻ thù. Họ còn lo từng bao gạo, từng tấm chăn, từng chỗ ở và cả tiền bạc để
mẹ con tôi sinh sống, học tập, con nó đậu tú tài rồi đấy ông biết không? Nay,
người ta đi cải tạo, ông đã đi thăm lần
nào chưa? Đã bù đắp gì cho gia
đình họ? Gia đình họ hiện đang chật vật, lo làm bánh bán để sinh nhai và thăm
nuôi chồng kìa, ông biết không?
- Xin bà nghĩ lại cho tôi, từ từ
rồi tính. Bấy lâu tôi trong sạch, một
lòng lo cho kháng chiến, sống bằng đồng lương cố định, bằng tem phiếu, hạt gạo
chia ba lấy đâu tìch luỹ để bù đắp cho họ đây? Chắc họ cũng hiểu. Con mình nó
đậu tú tài, nó phải học lên đại học, cao học. Nó sẽ vào Đảng, nó sẽ là cơ cấu
nòng cốt cho xã hội tương lai để thõa
công khó nhọc và chính kiến của tôi đã
trải qua và đeo đuổi bấy lâu. Nó không thể bị cản trở vì lý lịch, mà lý lịch là
tứ thân phụ mẫu bà ạ.
Mặc cho người lớn bàn luận, hai đứa
trẻ vẫn quấn quít bên nhau. Chúng ở tuổi cập kê nhưng biết ứng xử trong vòng lễ
giáo. Việc học như lội dòng nước ngược. Hai dòng chảy họp lưu trước kia, nay
chia làm hai nhánh. Nhờ vốn bằng cấp có sẵn, nhờ lý lịch tốt Lai thi đậu vào
trường đại học quốc gia ngành cơ khí. Nhà nước nuôi ăn học tại trường
đào tạo kỹ sư Phú Thọ. Thời gian qua mau, Lai tốt nghiệp ra trường.
Trong thời gian học tập Lai được đào tạo thành đảng viên. Về quê, ban đầu phục
vụ ở Sở điện lực. Khi hai cơ quan sáp
nhập, Lai làm phó giám đốc Sở công nghiệp. Như mũi tên vừa bắn ra, tiền đồ rộng
mở, chẳng bao lâu thành Tỉnh ủy viên, giám đốc Sở.
Còn Lan, vì lý lịch, nên cô như người
đứng trước dòng nước ngược, không lội lên được thì phài trôi xuôi. Cô không
được đi học tiếp. về quê giúp mẹ làm bánh ngọt để sinh nhai. Khi còn đi học, cô
giỏi môn văn, nay cô không chịu làm vũng nước tù, không chịu để cho dòng nước
học vấn xô đẩy, trôi xuôi. Cô viết văn, viết báo. Những bài phóng sự, ký
sự về sự đổi thay vươt thời gian của
chương trình “nông thôn mới “, sự trưởng
thành các khu công nghiệp, nhà máy ciment, nhà máy đường, các làng nghề truyền
thống, v.v. Cô viết nhanh, văn phong độc đáo, sự việc xác thật nên các tờ báo
địa phương, tờ báo ngành nhận đăng. Cô viết truyện ngắn, truyện vừa. Cô xuất
bản sách và nhận đươc giải thưởng trong các kỳ thi. Tiền nhuận bút, tiền bán
sách, cô giúp mẹ một phấn nào để nuôi em, thăm nuôi cha đang học tập ở Gia Trung.
Tài năng phải đi đôi với số phận tốt
mới đạt dỉnh cao của sự nghiệp. Lan viết văn tuy chưa nổi tiếng, nhưng cũng
được nhiều người biết đến. Tài năng cô có đó, nhưng số phận hẩm hiu nên trở
ngại cho bước đi của sự nghiệp đời cô.
Vì được học tập và lớn lên cùng nhau,
Lai hiểu rõ tính cách của Lan nên đã giới thiệu và bảo lãnh cho cô vào làm họp
đồng tại Sở điện-lực. Trong công việc cô tỏ ra đắc lực, có hiệu năng, không
thiếu sót và có gì phải đáng chê trách. Được hai quý, hai lần ký họp đồng, sau,
cô phải nghỉ việc. Những tiếng xầm xì của đồng sự khi họ biết lý lịch của cô.
Khi đã có xầm xì, tổ chức phải can thiệp, cọng với những góc khuất của con đường
hoạn lộ, Lai phải gởi Lan lên làm ở nhà máy đường, một công ty họp doanh, sản
xuất tại miền núi.
Vừa đi làm, cô vừa viết văn đều đều với
bút hiệu Phong Lan. Năm 1982 Lan ở tuổi
27, cái tuổi nhiều lần lâng lâng rung động khi làn da tiếp xúc với gió heo may,
với sương sớm. Cái tuổi buộc phải dồn nén cho tâm tư được phẳng lặng, cho những mạch ngầm của máu trong tim
trào dâng đòi giải thoát, đòi phá vỡ thành trì bấy lâu che chở cho sự ham muốn
giao hòa.
Vô vọng với tình yêu ban đầu. Bế tắc
với hoàn cảnh éo le của đôi lứa. Có
lần Lai đã thổ lộ rằng: “Số phận gieo
cho chúng mình như hai đường thẳng song song, gần nhau đấy, hiểu nhau đấy nhưng
không bao giờ gặp nhau ở đích cuối”. Có
lần hai người cùng thảo luận về văn chương, Lai
đã đem câu thơ của Quách Tấn ra, nói mỏng với Lan :
…..
Không nên chồng vợ dứt cho xong
Dứt nhau không nỡ, theo không nỡ
Theo
tội đời nhau, dứt tội lòng.
Thế
là đã rõ, nay cô phải nới rộng giao tiếp, biết đâu trong may mắn, cô sẽ tìm
được ý trung nhân. Bấy lâu nay, cô chỉ biết làm việc, biết nghe lời của hai đấng sinh thành. Đã đến lúc cô phải tìm
hướng đi cho con tim, cho tình cảm của
riêng mình.
Trong
số đối tượng tìm hiểu có người tên Quang, đội trưởng đội quản lý thị trường ở
huyện, một cán bộ có nhiều thanh tích. Nổi cộm nhất là việc phát hiện và bắt
giữ một số lương lớn trầm hương khai thác và buôn lậu. Quang đẹp trai, khỏe
mạnh, có thế lực, nhiều mánh khóe, mà cũng không ít người đố kỵ. Họ đố kỵ có lẽ
ví tác phong hống hách, vì ăn chia tiền thưởng không đều. Quang đã từng bóp
chết nhiều con tim non trẻ.
Tội
nghiệp cho Lan, một con nai mới lìa khỏi rừng, lạc xuống bình nguyên, nơi nhiều
cảnh hấp dẫn và cũng không ít cạm bẩy
rình rập. Cô bị tiếng sét trong buổi gặp gỡ đầu tiên. Cô quyết tìm hiểu cho
bằng được. nhưng vì vụng dại, non trẻ nên sự tìm hiểu của cô đã đem lại tiếng
tăm không tốt về sau.
Cô,
ví như con chim hải âu trong bài thơ Albatro của Beaudelaire, thi sĩ người
Pháp. Con hải âu là ông hoàng trên mây, không sợ cung tên, sấm, bão khi bay
lượn trên biển cả, nhưng khi đi thì lệch đệch, chỉ làm trò cười cho thủy thủ.
Đêm
thị trấn miền nùi xuống mau. Mới đầu hôm mà tất cả chìm trong im lặng, trăng mùng tám, thượng tuần mà đã
ngậm vành trên đỉnh núi phía tây. Những ngọn đèn vàng vọt bên đường ngẩn ngơ như cô đơn. Không
tiếng trẻ khóc hay học bài. Xa xa, tiếng mang tát, tiếng chim cu rúc, tiếng ìn ịt
của lợn rừng dẫn con đi tìm mồi làm cho không khí càng chìm sâu trong hoang
vắng. Trên một tảng đá bên bờ suối chảy quanh thị trấn có hai người ngồi tâm
sự.
Không
cái vụng dại nào giống cái vụng đại nào. Đúng là con nai lạc xuống bình nguyên,
hẹn ở đâu không hẹn lại hẹn bên bờ suối, lúc nào không được lại lúc đầu hôm. Tìm hiểu chân chính, chuyện gì phải
lén lút, không ai thấy.
Ban
đầu, họ kể nhau nghe đời tư của mỗi riêng mình, về gia thế, học lực, hoàn cảnh,
tánh tình. Nàng ngay thật nói đến mối tình đấu. Có tình mà không duyên phận do
gút mắc khó gỡ của bi kịch thời đại tạo ra ảnh hưởng đến ước mơ, hoài vọng và tương lai. Dù
là nhất thời, chàng rung động trước tâm sự của một tâm hồn cô đơn chưa tìm ra
lối thoát. Trước cảnh im ắng của thị trấn miền núi về đêm, cọng với cái rạo rực
của bản thân, chàng hứa hẹn và dịu dàng đưa tay choàng qua vai nàng. Chưa kịp
phản ứng thì có tiếng hô ‘ngồi im”, năm sáu ngọn đèn pin sáng lên. Công an, dân
quân, một vài cán bộ quản lý thị trường cùng làm biên bản, buộc xác nhận là hủ
hóa, vụng trộm, thiếu đạo đức. Nàng run lên như con giun bật lên khỏi đất. Nàng
khóc như chưa bao giờ được khóc. Tình ngay lý gian, biện bạch thế nào đây? Cái
đen bạc, cái tráo trở, cái phản bội bộc lộ rõ
lúc này. Chàng tỉnh bơ như chưa có chuyện gì xảy ra. Có lẽ đây là
vở kịch diễn lại mà trước đây đã diễn
nhiều lần ở nơi khác nên dạn dĩ. Chàng ký biên bản không một lời thanh minh. Sự
việc đem đến công môn, xóm làng đàm tiều.
Nàng tự kỷ, bẽ bàng với đồng sự, không bịt được miệng thế gian, khó sống với
đồng đất nước này nên xin thôi việc vế quê. Chàng bị kiểm điểm, đổi đi nơi
khác. Nơi khác đây là một huyện miền trung du, không hẻo lánh, nước độc như
nhiệm sở cũ, vẫn làm đội phó. Nhờ thế lực hay chỗ dựa vững chắc nào không biết
mà chàng xem việc kiểm điểm, thuyên chuyển này như một động tác co chân để bước
lên bậc thềm.
Về
quê, Lan giúp mẹ làm bánh. Suốt ngày là bột, đường, là khuôn, giấy bóng, là
nhận hàng, giao hàng. Đêm lại ngồi viết. Nàng trút hết tâm tư, tình cảm vào văn
thơ, nàng hư cấu nhân vật đề răn đời, để lột mặt trái của nhân tình thế thái.
Thu nhập chẳng bao nhiêu, không giúp được nhiều để mẹ nuôi các em và đi thăm
cha, nhưng bút hiệu Phong Lan đã có chỗ đứng trên văn đàn. Thật đúng với câu
sách của người xưa “Lập thân tối hạ thị
văn chương” (dùng văn chương để lập thân là cách thấp nhất trong các cách)
Năm
1982, sau bảy năm học tập tốt, ông Hy được trả về quê, giao chính quyền địa
phương quản lý. Một máy nổ chạy điện để bơm hơi, một thùng đồ nghề nào cờ lê,
mỏ lết, con đội v.v… ông sửa xe gắn máy. Ban đầu còn khá, sau xe mới nguyên
chiếc nhập khẩu nhiều nên dần dần vắng khách. Dù sao, cọng với thu nhập của bà
Liễu, vợ ông, cũng đủ nuôi mấy đứa con, em Lan, học nghề.
Một
năm sau, tại nhà ông Hy có một bữa tiệc chia tay. Nhớ hôm đó vào buổi chiều
giữa tháng âm lịch. Ông đã hoàn thành hồ sơ, sau khi phỏng vấn, ông nhận được
giấy đi Mỹ theo diện HO. Bà con, xóm làng đông đủ, có cả gia đình ông Nhàn. Bữa tiệc tuy không sang
trọng, nhưng cũng đủ món và rươu bia.
Khách
khứa đông đủ, ông Hy trịnh trọng thưa:
- Thưa
quý cụ, quý anh, quý chị, thưa tất cả bà con giòng họ gần xa, ngày mai gia đình
tôi vào Sài Gòn để ngày kia lên máy bay đi Mỹ. Thân tôi đi nhưng tình cảm vẫn
còn lưu luyến quê hương này. Bấy lâu gia đình tôi có gì không phải với bà con,
xin hai chữ đại xá cho. Khi ổn định tôi sẽ về thăm bà con.
Thực
khách thay nhau chúc tụng, sau cùng ông Nhàn đứng lên nói:
- Này
anh Hy, chúng ta là bạn thân từ thuở nhỏ, hiểu nhau từ thân thế, tánh nết, thói
quen chắc anh cũng hiểu. Gia đình tôi mang ơn anh đã cưu mang mấy chục năm khi
tôi vắng nhà, đến nay, nói ra tự hổ thẹn, chúng tôi chưa đền đáp gì mà anh đã
ra đi. Tôi chỉ mấy lời gởi gắm xin anh nhận cho: Từ nghiên cứu lý luận đến tổng
kết thực tiễn cho thấy: Độc lập dân tộc và xây dựng chủ nghĩa xã hội dưới sự
lãnh đạo của Đảng Cộng sản trên nền tảng chủ nghĩa Mac Lê nin, tư tưởng Hồ Mhí
Minh đã đưa cách mạng Việt Nam từ thắng lợi này đến thắng lợi khác, dù chủ
thuyết chính trị nào khác cũng chi đưa dân tộc trở lại số phận nô lệ hay phụ thuộc
vào các thế lực đế quốc thưc dân của nước ngoài mà thôi. Anh cẩn trọng.
- Cảm
ơn anh đã chỉ vẽ những hiểu biết và nhận
định trong cách tìm hướng đi cho tương lai của gia đình tôi. Thú thật với anh,
chủ thuyết, học thuyết là chuyện về lâu về dài, trước mắt, tôi tìm cho lũ con
chúng tôi có chỗ học tập, mở mang kiến thức. Hiện nay, chắc anh đã thấy, chúng
chỉ là giai cấp tận cùng của xã hội, là thân phận bọt bèo. Những nẻo đường đời
tưởng rằng chật chội, quanh co dù có chèn ép cũng đủ chỗ cho một con người. Tuy
nó khắc khe với từng số phận nhưng vẫn
bao dung cho mọi kiếp người. Tôi vẩn ghi nhớ lời anh, cảm ơn. Tôi ra đi không
mang theo gì. Vì chút tình với nhau xưa, tôi làm giấy giao vườn nhà này lại cho
cháu Lai. Còn việc sau này, anh chị lo tiếp cho cháu.
Tiệc
tiễn đưa xong, trời vừa tối. Khách khứa về hết. Đàn ông lo dọn dẹp bàn ghế, đàn
bà rửa chén bát tại mông giếng sau nhà. Trăng tròn giữa tháng
vừa vượt khỏi đọt chuối phía đông êm đềm chiếu sáng sân vườn. Vườn quê rộng.
Từ sân ra ngõ có một lối đi, hai bên
đường trồng hoa nhài và bồ ngót thấp ngang đầu gối. Lối đi này cắt ngang vườn
rau muống, cắt lứa còn dang dở. Giữa vườn rau và sân có hàng chậu mai kiển, xen
kẽ có cây bông trang, tử kinh làm cự ly chia hai phấn cao thấp giữ sân và vườn.
Một chiếc chõng tre kê giữa sân, Lai và Lan ngồi tâm sự. Con vện phe phẩy đuôi
đi qua lại giữa sân, cuối cùng, lại nằm im ở hiên.
Trước
đây, khi họ gặp nhau thì vui tươi, liếng thoắng , nồng nhiệt như đi đâu xa mới về, nay họ nghẹn ngào không ai mở lời trước. Người
nhà tuy thu dọn nhà cửa, chén bát nhưng họ nói với nhau thì thầm, không to tiếng, như đồng lõa với vườn cây im lìm trong
khí trời mát mẻ, không một tiếng côn trùng. ngầm tán trợ cho đôi trẻ. Cuối cùng
chàng mở lời:
-
Ngày mai em đi? Mấy giờ?
- Bốn
giờ chiều lên tàu lửa vào Sài Gòn, ngày kia, bay.
- Thế
là chúng mình xa nhau vĩnh viễn rồi, em còn nhớ câu thơ cùa Vũ Hân “Mây đèo khóa kín nẻo truông, Em về bên ấy
có buồn chăng em?
- Có biết, nhưng em nhớ câu thơ của Huy Cận hơn: “Dọc đời rải rác muôn ga đón, Khó nỗi ngồi chung một chuyến tàu.”
Nói
thì nói thế chứ chúng mình không xa nhau vĩnh viễn đâu. Em còn đi, về sau khi
ổn định cuộc sống, các em của em có chỗ học hành khi em về thì cũng đã ‘khăn gói gió đưa rồi đấy. Anh tự lo cho
bản thân đi. Đường đời dù có cay nghiệt hay kiêu bạc đến đâu cũng chừa cho em
một lối đi. Dù thân xác ở xứ người - em có muốn thế đâu - nhưng tâm hồn và lòng
em vẫn nghĩ đến quê hương, đến bà con xóm làng, nơi đó có anh, người bạn tâm
giao từ thuở ấu thơ, bấy lâu vẫn “tương
kính như tân” không có gì hổ thẹn với lòng mình. Người phụ ta, ta không bao
giờ phụ người. Bấy lâu, em nghĩ đơn giản là chỉ thông suốt cá nhân, gia đình là
được pháp luật thừa nhận, nay khác xa rồi phải không anh?
- Đúng
đấy, trước đây chỉ có yếu tố cá nhân, gia đình, tôn giáo, nay thêm đoàn thể nữa
mới đến pháp luật.
- Đó
là trường họp của anh, trường họp cá biệt, đâu phải chung của xã hội. Qua bên
ấy em cố gắng sáng tác và luôn giữ liên lạc với quê nhà, mong sao cái tên Phong
Lan không bị mai một. Chiều mai anh đừng đi đưa, đừng làm em nặng nợ.
Về
khuya khí trời dịu mát, sương xuống ướt tóc, ướt vai xa xa tiếng bìm bịp sang
canh hai trẻ mới chia tay trong lưu luyến.
Trúc Lập
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét