Ngát trong tầm mắt,
quê đối với tôi vẫn hồn hậu như những ngày thơ bé. Những ngôi nhà dường như mấp
máy môi hồng sau những rặng cây tỏa bóng. Đến đầu làng, vẫn vươn lên cao nhất
là ngôi trường làng được quét ve vàng phớt như màu của nắng, nổi lên dễ
nhận thấy nhất trong tầm mắt mỗi người con quê hương.
Trường làng bé xưa kia tôi học, có lẽ vẫn
còn hoang sơ nhất nên những loài cây che bóng mát cho chúng tôi chưa phải là
những cây xà cừ cổ thụ mà chỉ đơn giản là những bác bàng đứng lặng lẽ góc sân.
Nơi ấy, tôi nhớ những người thầy, người cô một thời đã dìu dắt tôi.
Tôi nhớ ngày ấy lũ học sinh trường làng chúng tôi dễ dàng thuộc tên từng thầy
cô trong trường, và có thể hồn nhiên xòe tay ra đếm tên trên ngón tay như những
ngày trẻ con học phép tính. Một thời xa, các thầy cô đã dạy chúng tôi nề
nếp của sự ngăn nắp, hướng dẫn cách đeo khăn quàng trên vai cổ áo, tránh những
mép quăn trên trang giấy học trò.
Nơi ấy có quá nhiều thứ để nhớ, nơi kỉ niệm hồn nhiên trong trẻo nhất ùa
về. Nhớ những buổi học ôn thi học sinh giỏi. Tôi có một tên bạn thân khá láu
lỉnh và thông minh. Ngày xa ấy là một ngày nắng nhẹ, giọt sương khẽ rung trên
những vòm lá, gió vẫn nô đùa bước chân đưa những đứa trẻ chúng tôi tới trường.
Leo tót lên tầng ba ngắm cảnh chiêm ngưỡng xung quanh. Ngôi trường mới xây ba
tầng thôi nhưng cao nhất làng nên ngắm cảnh trên tầng cao là một thứ gì đó mới
lạ và làm lũ học trò chúng tôi rất thích. Bạn tôi hướng đôi mắt nhìn xa xăm.
Tôi quay sang nhìn đôi mắt bạn và bỗng vỗ vai nó một cái:
- Này! Nhìn gì mà đăm
đăm thế!. Bạn tôi giật mình. Nó quay sang chọc tôi: - Nhìn gì kệ tui! Không
nhìn thấy một con chim vừa bay vụt qua trước mặt bà à!
- Đâu, đâu! Tui có
nhìn thấy gì đâu. Chỉ tại, chỉ tại… ai bảo tui quay sang … nhìn ông!. Tôi đỏ
mặt, chẳng ra sao cả. Sao tự dưng quay sang nhìn hắn làm gì cơ chứ. Quay vội
đi, chúng tôi lại hướng mắt ra xa, mỗi đứa một hướng. Bỗng hắn giật tay tôi
chỉ: - Nhìn đằng kia nè! Thầy mình đang đi xe đạp sắp tới trường rùi ý!
Nắng sớm vương nhẹ trên đôi vai người thầy chưa làm thầy ướt những giọt
mồ hôi. Nhưng bỗng dưng tôi nghĩ sao quê mình còn nghèo quá. Mới nghĩ tới đó, thầy
tôi đã tới cổng trường, bạn tôi kéo tay tôi chạy nhanh xuống tầng một kẻo muộn.
Thầy tôi rất nghiêm khắc trong chuyện giờ giấc, không cẩn thận là đứng ngoài
cửa học bài như chơi!
Rồi tôi với bạn bước
vào cấp ba. Mỗi đứa một trường, ai bảo hắn chuyển đi làm gì cơ chứ, học trường huyện
mình không tốt hay sao! Tôi giận hắn, cuối cấp ba ấy, lao đầu vào ôn thi đại
học, ai nấy đều đóng cửa tu luyện, chẳng gặp lại nhau. Thi xong, nghỉ ngơi, lang
thang trên mạng, một cái nick có cái tên quen thuộc xuất hiện và tiểu sử đã học
cùng trường THCS với tôi. “Chà chà!” Chợt nghĩ ra tên của hắn.
- Ê! Cái tên “ba năm” kia!. Tự dưng chợt nhớ rằng tình bạn chúng tôi vẫn như
ngày nào. - Ơ! Bốn năm đấy!
Tôi không hỏi lại vì tôi vẫn hiểu. Bốn năm cấp
hai dài chứ đâu có ít. Chúng tôi huyên thuyên về đủ thứ, nhưng câu chuyện vẫn
xoay quanh về một thứ chung nhất là thầy tôi. Hắn cũng như tôi, nhớ về thầy
từng chi tiết nhỏ. Hắn nhớ những buổi chúng tôi đi lao động khiêng đất cùng với
nhau, trường tôi mới xây nên nhiều thứ bừa bộn cần phải dọn. Thầy tôi cũng xắn
tay áo bắt tay vào buổi lao động với học sinh. Hắn kêu với tôi rằng tiếc quá
ngày xưa chúng tôi chẳng có những chiếc máy ảnh để ghi lại những khoảnh khắc
ấy!
Chìm vào giấc ngủ, ừ nếu ngày xưa tớ cũng có
những thứ đó tớ đã lưu lại những hình ảnh cậu, sẽ lưu lại hình ảnh người thầy
mà tớ biết đã chuyển đi giảng dạy nơi khác. Hình ảnh cậu đứng cạnh thầy khi
đoạt giải học sinh giỏi năm ấy. Hai con người tớ thầm ngưỡng mộ và kính trọng! Nhớ
người thầy khi xưa luôn bắt chúng ta ghi chú cuối trang vở câu tục ngữ: “Có
công mài sắt, có ngày nên kim.”
Trong giấc mơ, tớ thấy mình đứng ở khoảng trời mới, miên man trong suy nghĩ, từ
tầng ba nhìn ra xa, những chú chim ríu rít trên cành, bỗng vụt lên, nhanh lắm!
Nó vút cao! Và thầy tôi với những lớp học trò!
Hoàng Thị Nhã (Hải Dương)
Rất hồn nhiên và trong trẻo. Tùy bút của bạn đã gợi trong lòng tôi những kỉ niệm lắng sâu của thuở áo trắng học trò. Cảm ơn tác giả.
Trả lờiXóa