Lúc này, ngồi đối diện với tôi là hai
gương mặt buồn bã của chị hai và anh ba, hai người có chức trọng quyền cao
trong xã hội vậy mà hôm nay phải bỏ tất cả để về đây hỏi tội tôi. Rằng tại sao
tôi nuôi dưỡng mẹ già thế nào mà để gần cuối đời người phải bỏ nhà vô chùa đi
tu.
Tôi là người con trai vai năm thước
rộng, lại là một nhà doanh nghiệp trẻ mà nuôi không nổi một mẹ già để mẹ phải
đi ăn nhờ cơm nơi cửa Phật. Những câu hỏi dồn dập của anh chị làm đầu óc tôi
quay cuồng, cảm giác nghèn nghẹn nơi cổ họng đã khiến tôi không nói lên được
lời nào. Ngước mặt lên trần nhà, tôi không hề muốn khóc. Nhưng trước những lời
chỉ trích đầy oan ức của anh chị đối với tôi và sự mất mát quá lớn của tình mẫu
tử, tôi đành để nỗi đau kia chảy thành dòng xuống má, xuống môi. Tôi nuốt cái
mặn chát cay xè vào lòng để tự xét lại mình trong suốt thời gian sống với má
tôi đã làm gì nên tội.
Lẽ nào má tôi đi tu là lỗi tại tôi.
Tại một thằng con trai độc thân sớm hôm hủ hỉ với bà. Từ khi cha không còn, anh
chị có gia đình ở xa, tôi nguyện với lòng mình khoan có vợ để phụng dưỡng mẹ
già một thời gian. Tôi còn nhớ cách đây không lâu khi vừa đi làm về, má kêu tôi
lên nhà trên hỏi về chuyện vợ con, tôi đã bác bỏ ý kiến đó bằng một thái độ bất
cần. Lúc đó tôi thấy gương mặt má thoáng buồn rồi bà nói với tôi: “Chuyện vợ
con của con đáng lý ra má không được hối thúc. Nhưng con trai ơi, người già có những điều ngộ lắm, lúc
nào cũng muốn cái gì cũng phải đâu vào đó mới yên lòng.” Công chuyện bề bộn cả
ngày ở công ty, về đến nhà má lại gặng hỏi đủ điều khiến tôi bực mình không nói
gì bỏ xuống nhà sau. Tôi biết làm như vậy má buồn lắm, nhưng má cũng biết tôi đã
từng hứa với má khi nào mừng thọ má tám mươi tuổi lúc đó tôi mới có vợ, sao tự dưng hôm nay má lại thúc hối tôi? Hay
năm nay người đã tám mươi tuổi rồi mà sao chưa nghe tôi nói gì đến chuyện gia
đình hết. Mặc dù chuyện tình yêu của tôi và Thủy đã thật chín mùi. Tôi dự định
một ngày đẹp trời nào đó sẽ thưa với má, chưa kịp nói thì má đã bỏ tôi đi tu.
Má đã giận tôi về những chuyện vặt ấy sao? Hay mấy lần bạn bè rủ tôi đi nhậu về
khuya tôi thấy má vẫn ngồi chờ tôi ở cửa? Cái dáng gầy gầy cô độc chờ con trong
đêm đã biến lòng thương hại của người con trai trưởng thành trở nên sần sùi,
thô thiển. Tôi đã buông ra những lời nói không được nhẹ nhàng với má. Hoặc khi
người răn dạy tôi những điều cỏn con trong đời tôi đã nạt ngang và cho rằng
ngày nay tôi đã lớn khôn, là một nhà doanh nghiệp lăn lộn trên thương trường,
những điều đó đối với tôi quá ư là tầm thừơng. Má ơi, nếu vì những tội lỗi ấy
mà má bỏ nhà đi tu thì con ân hận biết chừng nào, con phải lên chùa để quì dưới
chân má xin lỗi và hứa làm cho má vui trong những ngày cuối đời.
Thấy tôi im lặng khá lâu, chị
hai hỏi: “Chú mày nói đi, đã làm gì má buồn!”. Tôi thưa: “Thưa anh chị! Từ
trước tới giờ em đối xử với má thế nào chắc anh chị cũng thừa biết. Nếu hôm nay
vì những lỗi nhỏ của em mà má bỏ nhà đi tu thì em vô cùng hối hận. Khi không
còn có má bên cạnh em mới cảm thấy những lỗi nhỏ của mình trở nên quá lớn, lớn đến nỗi làm cho em hối hận cả
đời chị hai ơi!”. Nghe những câu trả lời từ
đáy lòng của tôi, chị hai như hiểu ra phần nào, rồi chị ngồi xuống cạnh
tôi nói những lời như tự trách mình: “Thật ra đến giờ này chị mới nhận ra chị
cũng có lỗi nhiều lắm với má. Ngày giỗ ba năm nào chị cũng không cho má gói
bánh cúng ba. Tất cả những thứ cần thiết cho ngày giỗ chị đều đặt ở nhà hàng
mang về. Chị làm như vậy là chị không muốn má cực khổ sớm hôm, nhưng vô tình
chị đã làm tổn thương tấm lòng của má. Chị biết má còn giận chị nhiều lắm. Mấy
lần chị bận đi công tác mấy tháng trời không về thăm. Chị chỉ gửi tiền và quà
bánh về cho má. Lúc đó chị tưởng làm như vậy cũng làm má vui. Giờ nghĩ lại mới
thấy quà cáp và tiền bạc đôi khi vô nghĩa với người già.” Quay mặt vào trong
chị nói một mình: “Con sai rồi má ơi!”
Anh ba nãy giờ im lặng. Gương mặt
anh đăm chiêu như đang suy nghĩ đều gì đó lớn lắm. Tôi biết dù anh, chị hai hay
tôi có thành đạt đến đâu nhưng không có má bên cạnh sẽ trở nên vô vị. Anh lặng
lẽ bước lại bàn thờ thắp cho ba nén hương, khói hương lãng đãng làm không gian
trong nhà càng thêm yên tĩnh và trống vắng. Trước thiên hạ, anh mưu lược, quyền
uy bao nhiêu thì trước bàn thờ ba tôi thấy anh nhỏ bé quá chừng. Anh như đổ sụp
trước cái tin má bỏ nhà đi tu. Mãi đến khi không còn má bên cạnh, anh mới có
thời gian mà nghĩ về cái phận làm con của mình. Bàn tay anh run rẩy nắm chặt tay
tôi nói như tự trách mình: “Chú Út biết không, anh cũng có lỗi với má nhiều
lắm. Miếng đất hương quả mà má tặng anh, anh đã bán để chơi chứng khoán. Mặc dù
trên thị trường chứng khoán anh đã thắng đậm và anh đã mua một căn hộ cao cấp
trên thành phố. Nhiều lần anh kêu má lên ở với anh trong căn nhà đầy đủ tiện
nghi ấy nhưng má nhất quyết không đi. Và căn
nhà đó anh đã cho thuê, số tiền hàng tháng anh gửi về cho má. Anh nghĩ
rằng bằng cách đó anh cũng đã báo hiếu cho má. Nào ngờ, giờ nghĩ lại mới thấy
mình sai”. Im lặng hồi lâu anh ba nói
với chị hai: “Người mẹ bao giờ cũng có một thế giới riêng, một thế giới yêu
thương không có vật chất. Khi ta hiểu ra điều đó thì đã quá muộn rồi phải không
chị hai?”. Rồi anh ba nhìn tôi với chị
hai với ánh mắt cương nghị như quyết định điều gì lớn lao lắm.
Tôi điện cho Thủy bảo
ngày mai lên chùa với tôi. Tôi biết Thủy rất ngạc nhiên, vì từ hồi quen tôi lần
nào rủ đi chùa tôi cũng từ chối. Mà Thủy là một phật tử trung thành nên bao giờ
nàng cũng đến chùa một mình để thắp nhang. Cái tin má tôi bỏ nhà đi tu Thủy
chưa hề biết, nên nàng vô tư đồng ý đi với tôi lên chùa. Nàng tin rằng lòng tín
ngưỡng của nàng từ nay ít nhiều đã lan truyền sang tôi. Khi đến nhà biết tất cả
những chuyện của gia đình, Thủy không ngạc nhiên mà còn rủ mấy chị em tôi ra
chợ mua những đồ cần thiết để đến chùa xin lỗi má. Dù biết rằng giờ đây những
lời xin lỗi của chúng tôi sẽ là quá muộn, nhưng mấy anh em tôi phải làm để lòng
mình không hổ thẹn. Riêng Thủy tìm mua cho bằng được hoa sen trắng. Khó khăn
lắm Thủy mới chọn cho mình một bó sen trắng vừa ý. Vì ở chợ ngày nay người ta
thường bán sen hồng chứ hiếm có ai bán sen trắng. Tiếng chuông chùa trong veo
ngân nga một cách bình yên khiến cho lòng mấy chị em tôi như gần lại với nhau.
Hơn lúc nào hết, lúc này tôi mới cảm nhận hết mối thâm tình ruột thịt. Thấy
chúng tôi đến, má bước ra từ cửa sau của ngôi chùa nhỏ nằm ven đồi. Nhìn má
trong bộ đồ màu lam nhẹ nhàng, gương mặt phúc hậu như một bà tiênn cho mình một bó sen tắng vừa ý vì ở chợ
ngày nay người ta thường bán sen hồng. tiếng ne. Thấy má đến gần, chúng
tôi lao nhao như mầy gà con lâu ngày gặp mẹ. Anh ba nói trong nghẹn ngào: “Má
ơi, trong quá trình phụng dưỡng má, các con có điều gì làm má không hài lòng
xin má cứ nói ra để tụi con biết mà sửa đổi. Chứ tại sao má lại quyết định bỏ
tụi con đi!”. Má ra dấu cho chúng tôi im lặng, rồi phất tay chỉ chúng tôi đi ra
hướng góc bồ đề xum xuê bên hông chùa. Khi mọi người đã ngồi thật yên lặng . Má
từ tốn: “Các con không có lỗi gì hết, mà ngược lại nếu giờ đây có ai hỏi má thế
nào là khái niệm của hạnh phúc, thì má sẽ hãnh diện nói rằng các con là niềm
hạnh phúc lớn nhất của cả cuộc đời má.” Nghe má nói vậy, chị hai cúi xuống ôm
chân má khóc òa mà rằng: “Vậy thì tại sao giờ đây má lại ra đi bỏ tụi con!”.
Vuốt mái đầu hoa râm của đứa con gái
lớn, mà cười thật hiền: “Có mấy sui rồi mà còn khóc hả cô?” Ngưng một chút má
tiếp: “Lần này má ra đi là vì tâm nguyện của má đã thành, các con đừng ngăn cản
má! Không phải trên cõi đời này khi buồn đau hay tuyệt vọng con người ta mới đi
tu, mà ngược lại có phước đức lớn lắm mới vào được cửa chùa đó các con à! Đã từ
lâu má tâm nguyện rằng khi các con lớn khôn, thành đạt má sẽ về với Phật. Vào
chùa không có nghĩa là bỏ tất cả đâu các con mà chỉ mới là sự bắt đầu. Từ nay
má luôn cầu nguyện để tích đức cho con cháu được an nhàn, khỏe mạnh. Má vẫn
luôn dõi theo bước chân của các con”. Nghe má nói, mấy chị em tôi kể cả Thủy
người yêu tôi lòng như được mở ra và thông cảm với má. Hóa ra cửa chùa luôn
rộng mở để đón tất cả những hỷ nộ ái ố của người đời để hóa giải trở thành
thánh thiện. Im lặng hơi lâu má lên tiếng: “Trong tâm nguyện của má còn một
chuyện này nữa!” Chúng tôi ngồi lại gần má hơn, lắng nghe: “Số tiền mấy con đã
gửi cho má từ trước đến nay má muốn chuyển đến các tổ chức từ thiện. Các con
hãy giúp má hoàn thành chuyện đó.”. Mấy chị em tôi nãy giờ nghe má nói tuy đã
hiểu phần nào nhưng vẫn đau đáu trong lòng là chưa trả hết chữ hiếu cho má, giờ
nghe má đề nghị một việc làm cao cả bốn chúng tôi đồng ý và xem đây là một cách
trả hiếu cho người, tuy chưa lớn lắm nhưng nhìn ánh mắt của người chúng tôi
hiểu người rất hài lòng.
Có thể người đời và bạn bè sẽ chê
cười mấy chị em tôi có một mẹ già mà nuôi không nổi để người phải nương nhờ nơi
cửa Phật. Nhưng từ trong tâm của mỗi chúng tôi cảm thấy lòng mình thật thanh
thản. Má đi tu khi con cái trưởng thành đó cũng là một cái phúc lớn của gia
đình. Hơn thế nữa, giờ đây chúng tôi mới biết quí trọng cái khoảnh khắc thời
gian ở bên má để càng kính trọng má nhiều hơn.
Bầu trời hôm nay thật bình yên, bất giác má
tôi đứng lên đưa mắt nhìn Thủy, trên tay cô vẫn ôm một bó sen trắng. Bà khẽ
cười, đưa ánh mắt đầy mãn nguyện nhìn tôi. Có lẽ Thủy và tôi là tâm nguyện cuối
cùng của người. Hiểu ý của má, tôi nắm tay Thủy quỳ dưới chân người thưa: “Thưa
má, con với Thủy sẽ tổ chức đám cưới trong sân chùa này được không má?”.
Má khẽ gật đầu quay nhìn về hướng ao sen
trước sân chùa. Chúng tôi đều nhìn theo.
Hoa sen trắng mùa này nở trắng xóa mặt ao mang mùi hương thơm ngát cho
cả đất trời.
Đào Văn Đạt (Bình Dương)
Ngôn ngữ của truyện đằm thắm, gợi ra nhiều điều suy nghĩ trong cuộc sống hôm nay.
Trả lờiXóaCảm ơn a Trần Hòa có đôi lời cảm nhận. Nếu ngày 22.09 này được gặp anh trong buổi giao lưu thì rất hân hạnh cho Đào Văn Đạt. Chúc a luôn thành công trong cuộc sống! Tình Thân.
Trả lờiXóaKhi đọc truyện này chị nghĩ chắc tác giả phải là người có hiếu lắm mới viết được những dòng chân thành như thế. Truyện ý nghĩa lắm!
Trả lờiXóaCảm ơn chị nguyenthimay22 rất nhiều. trên trang web này e cảm thấy chị là một người viết có tài và một đọc giả có tâm. hầu hết các truyện ngắn của bạn bè chị đều đọc và cho những nhận xét rất có giá trị. Chị ơi, trước thời buổi kinh tế thị trường cái văn hóa đọc của người ta dường như bị quên lãng nhiều lắm. Thế mà chị vẫn miệt mài đọc và nhận xét cho từng bài viết từng trang văn của thân hữu,làm cho tác giả cảm thấy mình được tôn trọng, được nâng niu... Cảm ơn chị rất nhiều, chúc chị sức khỏe và cho ra đời nhiều tác phẩm hay.
Trả lờiXóa