Hoàng Thị Nhã
Nắng dịu nhẹ vương trên mái ngói đỏ của ngôi chùa làng, mặt nước
lăn tăn đưa những chiếc lá bàng đỏ ối rụng xuống theo con nước. Trên bầu trời
xanh màu óng ả của làn mây cùng tiếng sáo vi vu của tụi trẻ làng tôi chiều nào
cũng thả. Tôi ngồi lặng nhìn mẹ đang làm bên sông, tẹo nữa nắng tắt tôi sẽ đẩy
thuyền sang bên đón mẹ.
Ngôi chùa cổ kính làng tôi cũng gần nhà, những trưa hè oi ả tiết
kiệm nguồn điện ở cái quạt là tôi lại lang thang ra gốc cây si già ngồi tựa lưng
vào thân mình cái cây ấy, cảm nhận cơn gió mát qua rồi những chú chim từ đâu
bay về vườn cây trong chùa rất nhiều, chúng ríu rít truyền từ cành nọ sang cành
kia, có con chim cu gáy gù gù đứng lặng yên, hai mắt khẽ nhắm hờ làm như canh
chừng việc tôi học bài. Mọi thứ thanh tịnh yên ắng như cái thuở ban đầu của
ngôi chùa mặc cho ngoài kia là con đường quốc lộ đông người và tiếng xe ồn ã
qua lại. Với ai đó đi chùa là những dịp theo các bà, các mẹ đi lễ thắp hương
khấn trời đất cầu cho mạnh khỏe đỗ đạt. Còn với riêng tôi, hầu như suốt tuổi
thơ ngày nào cũng đi qua chùa ít nhất một lần, đi theo mẹ sang sông nhà tôi có
ruộng bên ấy. Có những khi ôn thi thì ngồi học bài miết ở chùa có khi trưa nắng
leo quá đỉnh đầu mẹ gọi thì tôi mới lóc cóc theo về ăn cơm. Ngày lễ hay ngày
hội của chùa tôi cũng theo bà đi lên chùa thắp hương, bà chít khăn mỏ quạ vấn
tóc giống hệt những người xưa tôi nhìn thấy trên phim về lịch sử và từ đó tôi
tin lịch sử ta chiếu lại mọi thứ đều có thật. Khác hẳn ngày thường, các bà các
cụ đến chùa thắp hương rất đông thường trừ dịp lễ ra ngày dằm và mùng một cũng
như vậy.
Tôi còn nhớ những ngày be bé ấy, chùa làng tôi chỉ có một thầy duy
nhất ở. Thầy râu tóc bạc phơ, khuôn mặt phúc hậu, đặc biệt rất quí lũ trẻ con
trong làng chúng tôi. Xuống chơi thầy dặn chúng tôi:
- Các con
chơi trong khu vườn không được lội xuống sông nghịch nước kẻo đuối nước! -
chúng tôi đồng thanh vâng lời thầy!
Lũ chúng tôi nghe lời bố mẹ dặn xuống chùa không được nói năng ồn
ào lỗ mãng, rồi không được chạy nhảy lung tung nghịch phá cây cối trong vườn
chùa. Tôi nhớ bữa ấy cu Hân tìm thấy một tổ chim cu gáy trong vườn chùa, cu Hân
leo tót lên xem có mấy trứng nhưng chúng tôi kêu lên đừng động vào trứng, về
bảo thầy hẵn xem thế nào.
Thầy nghe chúng tôi kể thì khuyên chúng tôi không nên động vô tổ
của những chú chim non ấy, để nó tự nở ra và có cơ hội cất tiếng hót làm đẹp
cho đời. Rằng thầy bảo chúng tôi cũng như những chú chim non kia cần có sự bao
bọc của bố mẹ và những người xung quanh thì mới lớn lên và trưởng thành được. Cái
quan trọng cho tương lai sau này là phải có tình yêu thương những con vật, vì
chúng cũng có tình cảm như chúng ta. Quay trở lại vào trong, thầy cầm ra một
cuốn sách bìa xanh xanh đã phai màu đi theo màu của năm tháng, thầy bắt đâu kể
cho chúng tôi nghe cuộc sống phiêu bạt của một cậu bé nào đó mà sau này lớn lên
tôi nhớ tên cậu bé An trong cuốn truyện “Đất rừng phương Nam” của nhà văn Đoàn
Giỏi, qua những câu chuyện thầy kể chúng tôi cuốn vào thế giới của những sân
chim bạt ngàn, những chú chim nhiều màu sắc mà ở ngoài Bắc tôi từ bé tới thời
ấy chưa được nhìn thấy một lần nào. Tôi nhớ thầy nói:
- Những chú
chim non sắp ra ràng ấy cũng như chúng ta cũng như cậu bé An trong chuyện thầy
kể, rằng trôi vào hoàn cảnh loạn lạc mất cha mẹ thì cuộc sống sẽ trở nên rất
khó khăn. Nhưng qua đây các con cũng học được nghị lực vươn lên của cậu bé. Đặc
biệt những chú chim kia nó cũng có tình cảm nên đừng tách đàn hại con của nó.
Không chừng ngày nào đó nó sẽ xa lánh con người chúng ta mất các con ạ!
Thầy nói chậm rãi, tiếng thầy vẫn sang sảng như tiếng đọc kinh mỗi
sáng khi đi học qua chùa. Chúng tôi ghi nhớ những điều thầy dặn nên không chọc
phá tổ chim bao giờ nữa.
Cả tụi thi nhau quét sân nhặt cỏ trong vườn chùa, tỉa những cọng
lá khô trên cây chuối già, hay đi hái những bông hoa đại về cho thầy dùng vào
việc tắm cho tượng Phật. Mùi nước hoa đại đun cùng với những nhành quế thơm tỏa
ra làm tâm can mỗi người ắt hẳn trở nên thanh hơn. Chưa kể việc thầy lên
chuông:
- Boong…
boong…” mỗi sáng vọng lại từng ngôi nhà nhỏ đánh thức một ngày mới. Hay tiếng
chuông chùa ấy lên lúc chiều tắt nắng báo hiệu đến lúc nghỉ tay trở về nhà sau
ngày đi làm đồng. Nhờ nó mà tôi xác định được mẹ tôi sẽ về tới nhà lúc mấy giờ
để chuẩn bị bữa cơm chiều.
Một buổi chiều vắng lặng, nắng như buồn hơn, bốn giờ rưỡi như mọi
ngày mà sao không một tiếng chuông, một con sếu bay trước lạc đàn đang bay vòng
chậm trên cao. Cánh diều hôm nay bỗng nhiên buông mình xuống bãi cỏ mà mọi khi
lũ trẻ ngâm tôm thả cả đêm cơ mà. Bỗng tiếng chuông rung đột ngột liên hồi. Mẹ
tôi đi làm về nhanh tay ra giếng rửa tay chân rồi vào nhà thay quần áo. Mẹ bảo:
- Nhanh!
Thay quần áo rồi theo mẹ xuống chùa đi con! - tôi ngờ ngợ làm theo. Lần đầu
tiên trong đời, tôi theo mẹ rồi khóc trên lưng mẹ khi phải đội tang thầy đã qua
đời. Hôm ấy, các bà các mẹ đầu đội tang trắng, chúng tôi đeo tang vàng.
Một ngày, tôi rẽ qua chùa ngồi dưới gốc cây si già ngắm dòng nước
lững lờ trôi. Tôi biết đâu đó thiếu một thứ gì đã quá thân quen. Rằng hôm nay
đã chẳng còn tiếng thầy đọc kinh trong thoảng gió. Nghe đâu đó tiếng chim gụ
trên mái chùa…
Hoàng Thị Nhã (Hải Dương)
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét