“Khu phố cổ vẫn đứng trơ
gan cùng năm tháng. Rêu bám đầy mái ngói. Những bức tường thấm đẫm gió mưa bao
ngày đã trở màu xám xịt. Mấy khuôn rào hoa văn cũ kĩ, chực ngã, đang cố bao quanh giữ gìn, phân biệt vùng đất cổ tích
và khu công nghiệp phát triển. Giữa bao nhộn nhạo, ầm ì, nhịp sống quay cuồng,
mọi thứ đều tăng tốc. Khu phố cổ trầm
tĩnh, ngang nhiên với những ô cửa hình bán nguyệt, những mái vòm cong,
cao vút, những hàng cây âm âm đẩy nắng lên cao, che mát lối đi. Mùa thu nấp kín
quanh đây, thả những chiếc lá vàng trên nền đất. Và em như mặt trời chói lọi,
biến nơi nầy thành vùng kỳ ảo, lạ lẫm, đáng yêu…”
-
Chu choa mẹt ơi! Chưa từng
thấy trong lịch sử, Uyên ơi! Hắn tả chỗ ở của mầy tuyệt quá. Tao cứ tưởng như
lạc vào thời xa xưa.
Uyên chồm tới, giật lấy lá thư trên tay
Giang. Cô bé vênh mặt đầy vẻ kiêu hãnh:
-
Chứ
sao! Khi yêu, nhìn cái gì cũng đẹp.
Có lẽ Uyên nói đúng. Tình yêu đã biến một nơi
tầm thường thành kỳ quan thế giới, những vết cáu bẩn thành hoa văn đẹp đẽ. Mỗi
ngày, Giang tới nhà Uyên mấy lần. Chỗ ở của hai đứa đi vài trăm bước là gặp
nhau. Vì vậy, rảnh rỗi, Giang tạt qua nhà bạn. Phải thành thật mà nói, nếu
không có Uyên, Giang cũng không tới đó. Dọc lối đi, ngoài những chiếc lá vàng dễ thương còn có
rác. Rác cũng khắp. Những cái bao ni lông cũ, giấy gói thức ăn, vỏ trái cây…Ôi
thôi! Đủ thứ. Chúng nằm rải rác như muốn nói rằng: “Chỗ nầy lâu rồi không có xe hốt rác tới”. Nắng không lọt qua
những hàng cây rậm rịt nên mùa thu luôn cư trú ở đây. Và mùi ẩm mốc cũng thường
xuyên xộc vào mũi mọi người. Đa số láng giềng của Uyên đều nghèo nên họ không
chú ý đến việc sơn sửa tường nhà hay bệ cửa. Thời gian cứ mặc tình phủ bụi bậm,
nắng gió lên đó, tạo cho mấy ngôi nhà xưa dáng vẻ của những ngôi đền cổ tích.
Đã vậy, bên trong cũng chẳng hơn gì.
Lưới nhện giăng mắc dọc ngang trên xà nhà. Uyên
ít dám quét vì sợ làm động mái ngói thì lại thêm chỗ dột. Mùa mưa lại
tốn thêm cái thau để hứng nước dột. Đồ vật trong nhà có dịp chay mưa. Uyên
thường than trời trách đất ao ước một cơ ngơi xinh đẹp, thoáng đãng hơn.
Nhưng bây giờ, Uyên bỗng dưng thay đổi
suy nghĩ. Nó hài lòng vì được sinh ra và lớn lên trong khu phố cổ nầy. Lư,
người yêu của Uyên đã làm bừng dậy niềm kiêu hãnh kỳ quặc. Cô bé cảm thấy mình
trở thành một nàng công chúa hàng ngày
xê dịch trong lâu đài và đi giữa hai hàng cây đại thụ để tới… lớp. Khi ngồi
trước mặt Giang, Uyên cố tình tréo chân, đưa một cái gót mềm mại, ửng hồng cho
Giang ngắm. Uyên muốn chứng tỏ rằng: “Đây nầy, cái gót sen mà chàng thường ca
ngợi nè Giang!”
Giang nửa buồn cười nửa ao ước. Sao chẳng có ai
gửi cho mình một lá thư tình xem thử? Ôi, thư tình! Chắc hẳn ngọt
ngào, mơ mộng và quyến rũ.
Giang nghĩ đến nhà mình.
Đó là một mái lá nằm chen chút bên những căn nhà lụp xụp.
Chung quanh chẳng có bóng cây. Những lối đi nhỏ hẹp, ngoằn ngoèo như đùa nghịch
với người lạ. Tuy nhiên, nó sạch sẽ và đầy nắng. Mặt trời tha hồ phủ ánh nắng
xuống nơi nầy. Mọi thứ như khô đi và
Giang có cảm giác mùa hạ “đóng đô” nơi Giang ở. Giang cũng thường ngắm đôi gót
chân của mình. Nó không có vẻ gì là mềm mại dù đã có lần Giang mài chân lên đá.
Lúc đó cảm giác bỏng rát, phồng dộp như
đang mang giầy mới làm Giang khó chịu thêm. Rốt cuộc, Giang đành phải nhận là
Uyên đẹp và đáng yêu hơn mình nhiều lắm.
Chiều
nay, lúc Giang đang học bài, bỗng dưng có gã nào đó đã “giương ná bắn thư” bay vèo vào cửa sổ nhà Giang. Viên đạn đất được
bọc kín bằng… một lá thư. Sau phút choáng váng, Giang nhặt lên bỏ đạn vào túi,
đảo một vòng quanh nhà xem ba mẹ đang làm gì, ở đâu rồi mới quay vào góc học
tập, lấy lá thư ra. Trông nó như một toa thuốc bọc viên “cao đơn hoàn tán”. Ném
hòn đất đi, vuốt thẳng phiu tờ giấy, Giang cảm thấy hai bàn tay mình hơi run run, trống ngực đập liên hồi, hai má đỏ
bừng. Phải cố gắng lắm Giang mới trấn tĩnh lại được và… đọc:
“Cô
láng giềng … ới … ời…!
Sao cô bé học bài to thế? Nghe điếc con
… ráy quá hà. Làm ơn học nhỏ nhỏ giùm cho tui… học với! Thành thật cám ơn.”
Bật
ngửa ra ghế, Giang vừa tức vừa xấu hổ. Con trai gì mà nhiều chuyện quá trời.
Giang nhớ tới gã con trai ốm nhom, cao nhòng bốn mắt, hổm rày thấp thoáng bên
nhà bác Tư. Chưa kịp điều tra lý lịch thì hắn đã vội chọc quê Giang. Được rồi, mi sẽ biết tay ta!
Giang đùng đùng đứng lên ôm vở tới sát bên cửa
sổ và đọc to như trời gầm. Nhưng chỉ mới vài phút, Giang oải quá trời. Vừa định
nghỉ mệt thì… một viên “cao đơn hoàng
tán” lại bay sang.
“
Cô láng giềng ơi! Giọng cô tốt dễ… nể! Đọc to còn hơn đập thùng thiếc bể. Cô bé
cứ… gào đi! Nhường cho học đó. Tui đi chơi đây. Chào cô bé… lớn tiếng”.
Giang
òa khóc. Dám … chọc quê người ta. Được, vậy thì… không đọc nữa. Giang đóng sập
cửa sổ rồi ném mình lên giường, tiếp tục… khóc.
Nỗi
buồn tạm lắng xuống, Giang đi tìm Uyên. Vừa tới hàng cây dọc lối đi vào khu phố
cổ, Giang bắt gặp gã “bốn mắt”. Hắn đang tha thẩn ở đây. Giang ngạc nhiên quá,
không lẽ hắn tới đây để… lượm bọc ni-lông.
-
Chào
cô bé… lớn tiếng!
Vô duyên nhất lịch sử
nhân loại! Giang trả đũa:
-
Chào
ông “bốn mắt”!
Hắn cười cười thấy bắt
ghét:
-
Sao
không ở nhà học bài, đi đâu vậy, cô bé?
-
Đi
đâu kệ tui, hỏi chi?
Giang rảo chân, hắn đuổi theo bén gót. Đổ
quạu. Giang quay lại gầm gừ:
-
Đi
theo chi vậy? Sao không ở nhà… học bài?
-
Đã
nói là nhường cô bé mà. Nhưng, bé ơi, học như vậy mau quên lắm. Cứ
như… cuốc kêu mùa hè.
Giang tròn mắt:
-
Xí,
bây giờ tính làm tài lanh dạy khôn người ta
phải không?
Gã bốn mắt ấp úng:
-
Không
phải… nhưng Lân thấy đọc thầm bằng mắt rồi suy nghĩ về nội dung, ý nghĩa bài học thì dễ nhớ và
nhớ lâu hơn.
Giang cũng ngầm nhận
cách ấy có lý nhưng cô bé thắc mắc:
-
Biết
vậy, sao không học bằng cách ấy đi. Còn người ta đọc to… kệ người ta, cũng…
nhiều chuyện.
-
Nhưng
Lân sợ… bé mệt.
Giang chớp mắt cảm động
nhưng giọng lại… dài ra:
-
Cám….
ơn…. à…!
Nói xong Giang bỏ đi một
mạch.
Dù vậy, về nhà, Giang thử nghiệm cách học
mà Lân “bốn mắt” vừa chỉ. Cô bé thấy mau thuộc bài hơn, nhớ lâu hơn. Nhưng sợ
gã bốn mắt cười, Giang đóng chặt cửa sổ
mỗi lần ngồi vào bàn học. Cửa sổ nhà hắn chỉ cách cửa sổ Giang vài thước, hắn
mà thấy, thế nào hắn cũng cười.
Hôm nay, vừa học thuộc một bài lịch sử
dài ngoằng, Giang mở cửa sổ cho khí trời
ùa vào. Cô bé vươn vai, vặn mình cho đỡ mỏi. Bỗng, “vèo…bộp”. Lại một lá thư
“cao đơn hoàn tán” bay vào. Giang ngạc nhiên hết sức. Cô bé có còn đọc to nữa
đâu mà… nhiều chuyện. Dù vậy, Giang cũng đọc:
“Giang thân mến! (Xời ơi, hay dữ, mới đây
đã biết tên người ta!). Mấy ngày qua, sao Giang không học bài? Ngồi bên nầy,
Lân chờ hoài giọng đọc của Giang. Nhưng, cánh cửa vẫn khép kín và “tiếng hót
của chim Họa mi” cũng ngừng bặt. Giang ơi! Ngàn lần xin lỗi Giang vì đã lỡ lời.
Chứ thật ra, giọng học bài của Giang dễ thương làm sao! Tựa như tiếng ríu rít
của một loài chim nào đó. Từ nay, Giang đừng khép cửa nữa nhé. Và, cứ đọc bài
đi để Lân thấy “bình minh của một đời”. Thân ái!”.
Giang phì cười, nhưng trái tim cô bé bỗng
dưng đập loạn xạ. Giang hồi hộp, lâng lâng như lúc đọc ké lá thư tình của Uyên.
Đây có phải là một lá thư tình không nhỉ? Giang nhớ đến đôi mắt lờ đờ, ngơ ngác
phía sau cặp kính cận dầy độp của Lân.
Mấy cái tàn hương nằm rải rác trên má Lân. Có phải đó là chân dung của một
người tình? Giang bỗng thấy mình lãng mạn quá. Chưa chi đã vội nghĩ ngợi lung
tung. Gần đến ngày thi rồi mà còn… nhiều chuyện.
Rồi để lãng quên, Giang mở vội trang vở.
Cô bé đọc to những dòng chữ trong đó mà chẳng hiểu tí gì về nội dung, tựa như
tiếng… chim cuốc kêu mùa hè.
Nguyễn Thị
Mây (Trà Vinh)
Một truyện diễn tả lại khoảnh khắc rung động của tuổi học trò rất dễ thương.
Trả lờiXóaMây cám ơn bạn đã đọc và nhận xét. Chúc vui vẻ và hạnh phúc nhe.
Trả lờiXóaChào chị Mây !!
Trả lờiXóaChưa đọc được nhiều truyện của chị, nhưng qua hai truyện mà em đã đọc, em phải công nhận chị rất có duyên viết truyện cho tuổi teen .Văn viết nhẹ nhàng rất hiểu tâm lý và rất có cảm xúc, lôi cuốn người đọc. Khi đọc truyện của chị thấy tâm hồn như trẻ hơn và yêu đời hơn Em rất thích .
Chúc chị luôn khỏe và có nhiều tác phẩm hay !!!