Vừa thấy mặt tôi, mấy thằng bạn liền
xúm quanh. Tuấn đưa lá thư ra, giọng trang trọng:
- Chào quí ông! Ngài có thư. Thư tình
hẳn hoi nhé. Muốn lấy phải trả giá!
Thư tình! Vô lý! Tôi có làm quen được
với nàng nào đâu mà thư với từ. Không phải tại tôi vô duyên mà do cái… cốt của
tôi là tiên, là thánh. Bà tôi bảo thế. Bà bảo tôi là đứa có căn tu, trước sau
gì cũng tách rời khỏi cuộc sống bình thường để rẽ sang một cõi khác thường.
Bà tôi là người đứng đắn nhất trong
những người đứng đắn. Làm gì bà cũng thận trọng. Nói gì bà cũng dẫn chứng. Như
chuyện của tôi, bà chỉ ra hàng loạt dấu hiệu báo trước tôi là người không phải
tầm thường. Thậm chí còn… dị thường nữa kia. Hai tai tôi to và dài. Trên cái
đầu tròn trĩnh như quả mù u, tóc tôi mọc thành ba khúm như ba cái vá đen mun.
Đã vậy, vừa lọt lòng, tôi khóc mãi. Khóc ba ngày ba đêm. Sang ngày thứ tư mới
chịu nín. Báo hại bà sợ quá chạy tìm bác sĩ để hỏi. Ông thản nhiên bảo:
- Kệ, cứ để nó khóc… cho mau lớn. Khóc
mệt thì nó nghỉ chứ gì.
Y như rằng! Khóc quá nên mệt, tôi ngủ
li bì, chẳng nhúc nhích, cựa quậy gì hết. Bà hoảng sợ, chạy hỏi bác sĩ. Ông
không thèm đến khám mà chỉ nói:
- Đâu có gì phải sợ! Trẻ sơ sinh ngủ
say là chuyện bình thường. Muốn nó khóc, bà ngắt nhẹ một cái thì nó…tu oa liền
chứ gì.
Vâng lời, bà chạy trở về để nhẹ lên
đùi tôi một cái. Lập tức tôi khóc thét lên liền. Ngoài ra, còn vài hiện tượng
khác nữa. Ban đêm, nếu tôi chợt thức, kêu khóc bà hay mẹ ru hời tôi không chịu
nín mà ông hay ba tôi ầu ơ là tôi ngủ khò ngay tắp lự. Vì thế, bà phân công phe
nữ trông chừng tôi ban ngày. Phe nam chịu trách nhiệm chăm sóc tôi ban đêm. Bây
giờ, mỗi lần nhắc đến giai đoạn đó, ba rên rỉ: “Cực khổ chưa từng thấy! Bởi
vậy, người ta bảo có con rồi mới biết
công ơn cha mẹ to lớn dường nào.” Ba tôi còn thổ lộ dù thời ấy chưa có phong
trào sinh đẻ có kế hoạch nhưng ba cũng
tự giác tuân theo qui định mỗi gia đình chỉ nên có từ một đến hai con. Vì vậy,
tôi trở thành con một. Quí như vàng!
Từ thuở nhỏ, tôi đã không hợp với con
gái. Nhất là cái miệng chu chu, nhòn nhọn mỗi khi đứng lên méc với cô giáo. Nào
là “Thưa cô, bạn Đức nói chuyện trong lớp”, “Thưa cô, bạn Đức gác chân lên ghế.”,
“Thưa cô, bạn Đức đưa cùi chỏ vô mặt em”, “Thưa cô, bạn Đức dùng đít hất em
văng ra khỏi hàng nè cô”… Có trăm ngàn chuyện để bọn con gái méc. Vì vậy, tôi
thù chúng và thường hay tìm cách phá bỉnh. Giờ chơi, mấy đứa con gái nhảy dây,
tôi cũng len vào nhảy ké. Chúng chơi trốn tìm, tôi cũng… phụ tìm. Những đường
kẻ ô lò cò thường bị tôi dùng chân xóa sạch. Tức quá, chúng méc cô. Lần nào tôi
cũng bị mấy roi rồi quì gối đến hết giờ ra chơi.
Càng lớn, khoảng cách giữa tôi và con
gái càng xa. Lỗi này không phải do tôi mà tại…con gái. Trong khi lòng tôi đã
rộng mở, bao la như biển Thái Bình. Những tị hiềm cũ đều được tôi nhận chìm vào
quá khứ. Thế nhưng con gái thật khó hiểu. Cây muốn lặng mà gió chẳng chịu
ngừng. Tôi muốn hòa bình mà các nàng lại cứ muốn chiến tranh tiếp diễn. Vừa
thấy tôi lân la tới gần là các em liền thối lui. Không thì chụm đầu, chu mỏ… trêu
chọc. Tôi tức cành hông khi nghe lỏm được:
- Sao tai hắn dài như tai…thỏ?
- Sao tóc hắn dựng đứng như rễ tre vậy
trời!
- Sao miệng hắn rộng tuỳnh huỵch như
miệng lân nhỉ?
Còn hàng chục thứ “sao sao” khác nữa.
Bao nhiêu thiện chí của tôi đều tan biến. Tôi tuyên bố “Thù con gái tới chết!”
Từ đó, chỗ nào có con gái chùm nhum là
tôi… bỏ đi.
Hôm nay, bỗng dưng thằng Tuấn nói có
thư của con gái gửi cho, bảo sao tôi không ngạc nhiên, xen lẫn thích chí. Tuy
vậy, tôi vẫn làm cao:
- Tao cóc thèm!
Thằng Tuấn lãnh đạm cất lá thư vào túi
áo. Nó phất tay:
- Đi tụi bây! Nó không cần. Vậy tụi
mình ra quán vừa uống nước mía vừa đọc thư tình chơi!
Vừa thấy đứa nào đứa nấy hăm hở đi
theo thằng Tuấn, tôi phát hoảng. Nếu để tụi nó xé thư ra đọc, lỡ nàng có viết
gì mùi mẫn thì mắc cỡ chết! Chuyện tình yêu là chuyện kín đáo, chuyện thiêng
liêng! Lẽ nào để tụi nó đem ra trêu cợt. Tôi lật đật đuổi theo:
- Hãy khoan… chờ tao với!
Cả nhóm cười rộ:
- Nó sắp vô mấy câu vọng cổ rồi kìa!
Tuấn đặt điều kiện:
- Mầy muốn lấy lá thư phải bao tụi tao một chầu chè
Huế!
- Ủa, hồi nảy tụi mầy bảo đi uống nước mía, bây giờ
đòi chè Huế là sao hả mấy thằng quỉ sống!
Tuấn cười cười:
- Hồi nảy tao tính trả tiền còn bây giờ mầy trả nên ăn
chè Huế cho …sang!
- Sang cái con khỉ đột! Tao còn có mấy chục ngàn, sao
đủ…
Tuấn đáp tỉnh bơ:
- Nếu thiếu thì tao bù thêm vô, chịu chưa.
Trong lúc mấy thằng quỉ sống ăn chè, tôi xé cái bao
thư, lấy ra một tờ giấy cắt hình trái tim… méo xẹo. Giữa trái tim trắng nhờ nhờ
vỏn vẹn hàng chữ viết nắn nót bằng mực tím “4 giờ chiều chủ nhật hẹn gặp anh
yêu bên gốc đa đình làng nhe. Không gặp
không về! Thu”.
Chưa bao giờ trái tim tôi lại nhảy cẩng lên như thế.
Nó gõ nghe thồm thộp thồm thộp. Hai chữ “anh yêu” như có tay cù khắp người làm
tôi nhột nhạt, nổi da gà. Nàng bạo thiệt! Hằng ngày, lúc nào nàng cũng đạo mạo
như bà cụ non trong lớp. Nàng ra vẻ ta đây là một lớp trưởng học giỏi và có
năng lực quản lý lớp. Nàng chỉ biết học và ra lệnh cho bọn tôi xếp hàng, im
lặng, đứng lên, ngồi xuống… chứ chẳng hề… liếc mắt đưa tình với bất cứ ai. Dù
có hàng tá đứa húi cua mê mẫn nhan sắc của nàng. Thu lại đặc biệt hơn các bạn ở
chỗ lúc nào cũng mặc nguyên bộ áo dài trắng, tóc vấn thành một bím buộc cái nơ vàng thả điệu đà sau tấm lưng
thon. Mỗi lần nàng lướt ngang qua, tôi thường mất bình tĩnh, há hốc mồm mấy
giây. Những thằng con trai cùng khối lớp cũng vậy. Chúng chỉ biết nhìn theo... hồi
hộp rồi chịu trận. Bởi nàng có để ý tới ai đâu. Vì vậy nàng được đặt cho rất
nhiều biệt danh như Thu Thiên Thần, Thu Trong Trắng, Thu Lãnh Đạm và Thu Tàn Nhẫn.
Còn riêng tôi, tôi chọn cho nàng một cái tên chỉ mình tôi biết. Thu Cà Chớn! Do
nàng hay để ý đến tôi mỗi khi… cô đi vắng. Nàng luôn gầm gừ “Bạn Đức im lặng
giùm!” “Bạn Đức có chịu ngồi yên cho các bạn ôn bài không!” … Nàng làm cho mọi
con mắt tinh nghịch nheo lại nhìn về phía tôi và mồm thì ngoác ra hở hết hai
hàm răng trắng ưởn. Lúc đó thì nàng luôn kết luận “Bạn luôn là nguồn gốc của sự mất trật tự”.
Thật tình mà nói, nếu nàng không đẹp não nùng như thế thì tôi thề là tôi sẽ
ngáng chân để nàng đo đất vài lần cho biết tay. Nhưng khổ nỗi, sau khi cằn
nhằn, nàng chơm chớp cặp mi cong, rồi ngồi chống cằm nhìn… chỗ khác. Khiến tôi
bủn rủn cả chân tay. Còn làm gì được nữa chứ!
Vậy sao hôm nay nàng lại gửi thư cho tôi? Một lá thư
ngắn ngủn nhưng đủ để tôi kinh ngạc. Một cô nàng kiêu hãnh như vậy lẽ nào lại…
như cột tìm trâu? Hay là nàng đã thầm yêu trộm nhớ tôi từ lâu lắm rồi. Đã thao
thức vì tôi mà tôi nào biết! Tôi buột miệng thốt ra: “Ôi, sung sướng quá!”. Đám
bạn trời đánh bật cười hi hí. Tuấn vỗ vai tôi:
- Sao, có gì trong đó mà coi bộ mầy hồ hởi quá vậy hả?
Tôi lật đật nhét lá thư vào túi quần. vênh mặt:
- Nàng bảo nàng yêu tao từ cái nhìn đầu tiên.
Tiếng cười lại rộ lên từng hồi. Tuấn bảo:
- Đâu, đưa tụi tao xem nào? Tao không tin, lẽ nào nàng
yêu mầy trong khi tao đẹp trai thế này.
Tôi cười cười:
- Tình yêu khó nói lắm mầy ơi! Trái
tim nó mách bảo thế nào là phải theo. Tim nàng hòa hợp với tim tao thôi. Ha ha…
Tôi oai vệ móc túi lấy tiền ra trả cho
chủ quán chè rồi còn hứa hẹn thứ hai sẽ
đãi một chầu bánh cuốn. Bởi khi yêu và được yêu ai chẳng trở nên hào hoa, rộng
rãi. Mấy thằng bạn mừng quýnh. Chúng quên ngay… chuyện trái tim, mà cặp cổ tôi
về lớp. Trong đầu óc chúng bây giờ tôi dám chắc chỉ có hình ảnh dĩa bánh cuốn
trắng phao, có một miếng chả to tổ bố và một cái bánh cống giòn rụm. Nếu rưới
lên một lớp nước mắm tỏi ớt nữa thì ngon bá cháy! Tôi cười thầm. Tội nghiệp mấy
thằng bạn khờ khạo của mình biết bao!
Hẹn hò lần đầu trong đời sao mà nôn
ruột đến thế! Nội chọn quần áo thôi cũng phát mệt. Bấy giờ tôi mới phát hiện
quần áo mình chả ra làm sao cả. Toàn màu chóa mắt. Áo thun thì đỏ, cam, vàng.
Quần có hai màu đen với xanh dương. Trong số đó, cái áo thun đỏ tôi thích nhất.
Vì có in hình một quả tim nhốt chữ love trong đó. Nhưng đi hẹn hò chứ có phải
đi đấu bò đâu mà mặc áo đỏ. Còn cái áo màu cam thì trước ngực có in hình một
cái mặt cười lè lưỡi cả tấc. Thế nào nàng cũng chê phản cảm. Còn cái áo vàng
hơi cũ. Cuối cùng đành chọn bộ đồ mặc đi học. Dù sao, trông nó cũng đàng hoàng.
Tôi ngồi đứng không yên. Còn 10 phút mới đến giờ mà tôi đã có mặt ở đình làng.
Nghĩ cũng lạ. Hết chỗ rồi sao mà nàng chọn chỗ này để tình tự. Nơi từ hồi nào
tới giờ vốn trang nghiêm, chỗ thờ Thành hoàng và tổ tiên có công xây dựng làng.
Hay là nàng nghiêm túc! Muốn rủ tôi vô
chánh điện thề cho linh nghiệm. Cũng có lý lắm! Thề thốt thì còn chỗ nào hợp
hơn chỗ nầy. Nhưng nhìn chung quanh vắng teo, tôi lạnh xương sống. Ông Từ giữ
đình trúng gió chết cách đây chưa đầy tháng. Người ta đồn rằng đêm đêm ông hiện
hồn về… giữ đình. Có người còn đoan chắc thấy ông bay qua bay lại, xẹt tới xẹt
lui trong sân, có khi còn lạng qua chỗ cây đa. Vì vậy, chẳng ai dám vào thế chỗ
làm từ giữ cái đình này. Cái đình bỏ trống, lâu lâu mấy phụ lão ghé qua thăm
chừng rồi hô toáng lên mất đồ. Khi thì mất món nầy, lúc mất món kia. Nhất là
mấy món bằng đồng, bằng sắt. Thậm chí cái trống bự tổ chảng vậy mà trộm cũng
rinh hồi nào không ai biết. Mất riết cái đình trống hoác. Dân làng sợ Thành Hoàng
về bắt tội nên hùn tiền mua… đồ sành cho hết mất. Các cụ còn phân công hai nhà
ở cặp hai bên đình có nhiệm vụ canh chừng sao cho… mất ít một chút. Nhác thấy ai bén mảng gần đình làng thì có
người chạy ra… bảo đi chỗ khác chơi. Vì vậy, tôi phải vòng ngã sau, chui qua hàng
rào chỗ cái lỗ chó quanh vùng hay chui vào mỗi khi cúng đình. Chứ không lại mắc
công người ta dòm ngó rồi làm sao… tình tự. Điều tôi lo lắng bây giờ là nàng
vào bằng cách nào. Đi cửa chính ư? Hay là nàng cũng phát hiện ra một chỗ hổng
hang rào nào đó để chui qua. Thiệt tình! Phải hẹn ở quán cà phê thì tiện biết
bao. Đã vậy, khi nhìn cây đa to đùng, năm thằng con trai nắm tay mới bao quanh
gốc. Mấy cái rễ chết tiệt thả lòng thòng cắm xuống đất mới nhìn thấy lạ và đẹp,
nhìn lâu nổi da gà.
Tôi chờ dài cổ! Trễ giờ hẹn gần một
tiếng mới thấy nàng dựng xe đạp ngoài cổng đình, ngó dáo dát vào trong rồi bước
thêm vài bước. Nàng đứng lại gọi to:
- Bạn Đức có trong đó không?
Tôi kinh ngạc hết sức. Nàng gọi như la
làng kiểu đó người ta xúm lại xem như đình có hát cải lương thì còn hò hẹn gì
được hả trời! Đã vậy, nàng còn lãnh đạm gọi tôi là… bạn Đức nữa chứ. Tôi đành
ló đầu ra, toét miệng cười:
- Em tới rồi hả. Vào trong này đi em!
Nàng nghiêm mặt:
- Vô đó chi. ông tướng? Bạn nhờ tui
kèm toán sao không ở nhà tui đến cũng
được. Hẹn vô đây có chỗ nào ngồi học được chứ?
Tôi chới với. Vậy là sao trời! Tôi nhờ
nàng kèm toán hồi nào? Tôi tuy dở văn và mấy môn học bài nhưng môn toán tôi đâu
có thua ai, sao nàng lại… bẻ chỉa kỳ vậy ta? Cũng may có đem lá thư tình theo,
tôi là cà lập cập móc ra, đưa cho nàng:
- Ủa, anh mượn em kèm toán chi trời.
Chính em hẹn anh ra đây mà.
Nàng trợn mắt, chộp lấy cái thư, lia
mắt qua “trái tim màu trắng”. Khuôn mặt nàng bừng đỏ không phải vì e thẹn mà là
nổi giận:
- Trời đất ơi! Ai kỳ vậy trời!Tui
không bao giờ làm cái trò vớ vẩn nầy. Chữ viết nầy đâu phải của tui. Ai đưa cho
bạn vậy hả? Tui tới đây vì bạn gửi thư cho tui nhờ kèm toán.
Nàng
đưa tận mặt tôi lá thư. Nhìn hàng chữ “Bạn Thu kính mến! Đức rất lúng túng khi
học toán chương nầy. Bạn có thể giúp Đức được không? Mình chờ bạn ở đình làng
nghen. Không gặp không về! Cám ơn trước nhe. Đức”. Tôi muốn té ngửa. “Không gặp
không về!” Câu nầy sao quen quá! Giống hệt trong phim Hồng Kông. Tôi run giọng:
- Ôi cha, Đức có gửi… cho bạn hồi nào. Nét chữ này đâu
phải của Đức. Ủa mà ai đưa cho bạn?
- Minh thấy trong hộc bàn. Còn thư kia ai đưa cho bạn?
Trong cái đầu u tối của tôi bỗng lóe lên làn sáng chói lòa
“Thằng Tuấn!” Tôi bật ra hai tiếng như tiếng thét. Tôi gầm lên:
- Thằng quỉ sống! Chính nó là… thủ phạm. Vậy còn đòi đãi
chè Huế nữa. Nó biết Đức… mê Thu nên mới bày chuyện này nè.
Nàng đỏ mặt, gạt ngang:
- Đức đừng nói bậy nhe!
Tôi hùng hồn:
- Thiệt mà! Đức mê Thu thiệt đó. Ai cũng biết chỉ mình Thu không biết!
Nàng không nói không rằng, ngoe nguẩy bỏ đi, để mặc tôi
đứng ngẩn tò te bên cây đa cổ thụ.
Cũng tại sân đình chiều hôm sau, tôi và Tuấn vật nhau tơi
bời hoa lá. Vây quanh là mấy thằng bạn trời đánh vỗ tay cổ vũ “cố lên, cố lên
!” Chừng thấy gay go quá, chúng mới nhào vô cản ngăn. Lúc đó thì trên trán tôi
đã nổi lên một cục u bằng trái chanh, còn thằng Tuấn cũng u một cục bằng trái
táo. Thằng Mỹ vừa cười vừa nói:
- Thôi xin can hai ông. Đánh nhau nhiêu được rồi.
Nó quay sang tôi:
- Mà nói gì thì nói, cũng nhờ thằng Tuấn mà nàng mới biết
mày mết nàng. Cả trường cũng biết luôn. Mầy cám ơn nó mới phải.
Tôi hầm hầm:
- Cám ơn cái cùi chỏ! Nó hại tao thì có. Bây giờ mỗi lần đi
ngang tao nàng hất mặt lên trời. Tao khổ lắm tụi mầy biết không!
Cả đám cười ồ:
- Tụi
tao biết chứ. Để từ từ tụi tao tìm cách.
Tôi
gạt ngang:
-
Thôi khỏi! Để tao tự tìm cách. Tụi mầy làm ơn để tao yên.
Nhưng mãi đến giờ tóc đã thôi xanh màu
mơ ước tôi vẫn chưa tìm ra cách để nàng đáp lại tình yêu nồng cháy của tôi. Tôi
và nàng đã thất lạc nhau. Sau khi tốt nghiệp trung học phổ thông, nàng thi vào
Đại học quản trị kinh doanh Huế. Còn tôi chọn Đại học Sư phạm thành phố Hồ Chí
Minh. Và cứ mỗi lần tháng tư về, hoa phượng cháy đỏ sân trường đây đó, tôi lại
nhớ về nàng với kỷ niệm một thời áo trắng. Tôi vắt óc, nặn tim viết được một
bài thơ:
“Đoản khúc tháng Tư”.
Mùa Hạ nhắc
gì
Mà
tháng Tư vội vàng thế?
Em
có thấy hàng phượng dài nỗi nhớ
Từng
đốm gầy lửa cháy suốt phố xưa
Chúng
ta đã xa ngây ngất tuổi học trò
Thời
tóc bạc mồ côi ngày thơ dại
Anh
ngoái lại sân trường màu áo cũ xôn xao
Tháng
Tư lặng thầm như trang vở
Thư
tình thuở nào gửi địa chỉ mây bay
Tôi chỉ để… mình tôi đọc. Tôi đánh máy rồi photo thành
hàng chục tờ, tôi lên sân thượng nhà mình thả thơ theo gió. Mong rằng, một lần
tình cờ nào đó, nàng nhặt được và hiểu… mùa hạ nói gì mà tháng Tư vội vàng thế…
Bùi Đức Ánh
Nhà thơ Bùi Đức Ánh viết truyện ngắn về kỷ niệm thời áo trắng rất hay. Mây chúc mừng nhe.
Trả lờiXóaChào cô em Trà Vinh,
XóaThường khi người ta càng nhiều tuổi thì càng hoài cổ, nhất là những hình ảnh đẹp về tình yêu tuổi học trò nhẹ nhàng và trong sáng đến ngây ngô. Nhưng nói gì thì nói, viết về tuổi học trò, BĐA phải nhờ cô em nhiều lắm đó! Chúc vui nghen!
Lại một truyện ngắn hay của bác. Con thích lắm đó.
Trả lờiXóaChào cháu Vân Khanh,
Trả lờiXóaĐược cháu khen là bác vui rồi. Cảm ơn cháu nhiều nghen. Chúc cháu sức khoẻ và thành đạt! Thân mến!
Tháng 4 những cảm xúc trong veo, thời học trò với những mối tình dễ thương! Cảm ơn Bác đã cho con trở về một thời để nhớ
Trả lờiXóa