Võ Thuỵ Như Phương
Tháng
Sáu chưa gì mưa đã mưa như thể Ngâu.
Mà
cũng lạ, đối với mình Ngâu không có nghĩa riêng cho Ngưu - Chức. Ngâu trong ký ức
mình là những chiều quê mưa dầm, nặng hạt. Là những buổi cơm giữa buổi với ơ cá
kho khô cùng với những lát cơm dừa béo ngậy. Khi ấy nội mình ngồi dưới ghế đẩu
còn chị em mình xếp bằng ngay ngắn trên vạt. Cái lạnh của mưa dễ khiến ruột con
người ta cồn cào nên cơm nguội một chút vẫn thấy ngon lành. Cá rô bí, cá sặc bướm,
vài con lòng tong, cơm dừa xắt mỏng, tiêu... Bắc ơ cá lên mớ lửa than kho đến
khi vừa tàn cũng là lúc nước cá sền sệt, đủ để quẹt dính đầu đũa rồi và một đũa
cơm. Vị cay cay của tiêu đủ để âm ấm bụng mình. Thứ hương vị ấy, cảm giác được
quẹt chảo ấy bây giờ có tìm đỏ con mắt cũng không ra. Những hôm mưa dầm như thế
này thường có cảm giác thèm thuồng kiểu ăn như thế đến lạ.
Như
thể Ngâu là vạt khói lam chiều trên mái rạ, từ đâu đó ở miền ký ức chạm vào
mình. Rù quến nhau như thể đôi tình nhân nghiện ngập. Con người ai mà chả nghiện
tuổi thơ, dễ dầu gì mấy ai cai được hẳn. Mình đợi chờ, khao khát cơn Ngâu chỉ để
buồn. Để được với tay chạm vào Ngâu và nhớ…
Ngâu
là gian bếp nhỏ với nồi canh chua bông súng cá rô. Nội nói ăn bông súng chọn cọng
trổ hoa thì ngon hơn cọng lá. Tước nhẹ vỏ đi bứt khúc ngăn ngắn ngâm trong nước
có vắt chanh. Đũa tre dựng đứng trong thau khuấy theo một chiều cho các cọng xơ
trên bông súng bám vào mới sạch. Cá rô chiều hôm qua mưa to cả đàn nhảy lóc xóc
trên liếp cỏ. Mấy chị em dùng rổ tre úp gọn, mỗi con bé chừng hai ngón tay, cá
mái trứng đầy bụng. Thịt cá ngọt vị nước sông và cọng bông súng giòn tan trong
miệng.
Ngâu
với mình vẫn là nhịp cầu giữa đôi bờ ký ức.
Mà
lạ (lại lạ), ký ức lại gắn liền với cái cà ràng trong chái bếp. Có lẽ nội nói
đúng, con gái chẳng giống ba cũng không giống mẹ, giống người mà nội yêu thương
nóng tánh đói, xấu nết ăn. Cứ đến giờ cơm sôi không kịp chắt nước, chắt nước rồi
cũng chưa kịp để nồi cơm lên hơi đã khua chén leng keng. Nội bảo: “Tổ cha bây
giống cái quân nào chuông chưa reo đã cầm chén?” Đám cháu cười cười: “Hồi đó
ông nội ăn cơm vậy không phải hôn nội?"
Mùa
tép rong.
Nhìn
đám tép rong nhảy xoi xói trong thúng mà bắt ham. Mấy con tép bé tẹo như đầu
đũa, thịt trong vắt chỉ mỗi cái bụng đầy trứng xanh lè. Ba chị em mỗi đứa một
cái kéo cùn cắt râu tỉ mẩn. Nội hốt một nắm để lên thớt, dùng con dao phay trở
bề bản đập dập dập, cho ít tiêu, ít nước mắm ướp sẵn cho thấm để nấu canh cải
trời. Ở quê mình cải trời nhiều vô kể, loại cây thấp bé mà có lá gan to nhất
trên đời. Dám cãi cả trời cơ đấy (hihi). Cải Trời ngắt đọt đem vô rửa sạch, hốt
một nắm dùng dao cắt nhỏ nhỏ như khi mình nấu canh tập tàng vậy. Nước sôi cho
chén tép rong đập dập vô rồi thả cải trời vào. Nồi canh quê hương mang mùi vị
ngọt lạ của tép rong, thơm, ngai ngái mùi cải trời dường như vẫn theo mình đến
tận bây giờ.
Tép
rong ram mặn, ram muối ớt. Loại ớt chỉ thiên xanh mướt nội trồng ké trên mỗi gốc
cam sau vườn. Thích thì hái vài trái vào đâm muối ớt, còn không thì ba chị em
nhà mình cứ bưng tô cơm ra vườn, cúi người cắn đại nửa trái ớt trên cây. Vị ớt
non cay the thé nơi đầu lưỡi. Muối ớt được đâm bằng loại ớt đó đem nêm vào chảo
tép rong thay cho muối thường thật ngon, thật đã!
Ngâu
với mình là như thế!
Là
những bữa cơm chiều đủ đầy hương vị quê nhà. Cải Trời, cải Đất, rau má, mùng
tơi, rau chai, rau đắng đất… Là con còng, con cua đồng, con ốc đắng, ốc dừa,
con hến còn đầy bùn đất.
Ngâu
là bến sông chiều con nước ròng nước lớn, có đứa chống xuồng xuống bến chỉ để
ngồi ngó mấy cái bông bần rụng trắng bờ sông. Chỉ để cắm sào ngồi nghe tiếng xuồng
máy vang vọng cả một khúc sông và chỉ để ngồi nhìn hai bến bờ bồi lở.
Võ Thụy Như Phương (Cần Thơ)
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét