Đã có nhiều tranh luận về hành động giết người của cô Tãm thảo hiền là độc ác. Thời gian gần đây, lại thấy tranh luận sôi nổi vì
sách giáo khoa viết lại truyện cổ tích Tấm Cám.
Báo Đời sống và Pháp luật số 46 tháng 11 năm 2011 đăng bài: “Có nên để cô Tấm trả thù tàn độc”. Báo Thanh Niên ngày 21.11.2011 đăng bài phản hồi về đoạn kết truyện Tấm Cám trong sách giáo khoa, có đoạn viết: Cách kết
thúc có khác nhau nhưng đều thống nhất thề hiện tư tưởng: cái ác sẽ bị trừng phạt. Và rất nhiều bài
viết, ý kiến về vấn đề này trên các trang mạng. Tôi không dám luận đúng sai về những ý kiến đã
nêu. Chỉ tự hỏi: Thông điệp đích thực của truyện Tấm Cám là gì?
Khi giết người, bản chất của hành vi đều giống nhau ở đầu mũi kiếm. Sự khác nhau chỉ ở phía chuôi kiếm và những góc nhìn. Dưới bàn thờ Phật, lần dở trước đèn, đọc truyện Tấm Cám tôi lại ngộ ra những điều cho riêng mình.
Đọc truyện Tấm Cám, ta yêu cô Tấm bởi tính ngoan hiền, nhẫn nhịn chịu thương chịu khó bao dung nhân hậu. Nhưng một lúc nào đó ngẫm lại, ta bỗng giật mình thấy một cô Tấm xấu xa độc ác. Thế nhưng, thực ra cô Tấm độc ác kia nào phải cô Tấm ta yêu. Đó là cô Tấm đã trải qua 5 lần hóa thân trong vòng xoáy luân hồi: cô Tấm – Thảo dân 1 + Hoàng hậu 1; cô Tấm – Chim Vàng anh; cô Tấm – cây Xoan đào; cô Tấm – Quả thị; cô Tấm – Thảo dân 2 + Hoàng hậu 2; cô Tấm - … Vậy, qua mỗi hóa thân cô Tấm đã thay đổi như thế nào để từ đáng yêu thành đáng nguyền rủa?
Trước hết cần đặt toàn bộ diễn biến của truyện trong cách nhìn của đạo Phật.
Theo quan niệm của đạo Phật: Chết là hình thức chuyển không gian sống. Một cách nhìn cực kỳ lạc quan và biện chứng về cái chết. Chết không có nghĩa là hết, chấm dứt mọi hoạt động, mà là mỗi cá thể tiếp tục vận động ở một không gian khác trong Luân hồi.
Có thể hình dung mỗi số phận con người quay trên những quỹ đạo riêng của mình trong Luân hồi giống như những electron
quay quanh tâm của hạt nhân nguyên tử. Tính ổn định của quỹ đạo phụ thuộc vào nghiệp mà con người tạo ra trong thời gian sống của mình. Khi sinh ra con người đã mang trên mình nghiệp của quá khứ. Quá trình sống tạo ra nghiệp mới. Nếu tạo nhiều nghiệp thiện thì ở vòng đời sau con người có thể quay trên quỹ đạo xa tâm hơn, do đó ảnh hưởng của lực hút từ tâm nhỏ hơn. Cứ như thế, đời này tích thiện, đời sau tích thiện… con người sẽ thoát khỏi lực hút từ tâm Luân hổi và thóat khỏi vòng sinh tử. Ngược lại, nếu tạo nghiệp ác, con người sẽ rơi vào quỹ đạo phía trong và chịu tác động của lực hút vào tâm lớn. Áp lực càng đè nặng lên số phận của con người.
Trên tinh thần đó, chúng ta xem xét những hóa thân của cô Tấm trong Luân hồi.
Ở vòng đời đầu tiên, cô Tấm – Thảo dân 1 là cô gái ngoan
hiền, nết na, chịu thương chịu khó, nhẫn nhịn, biết hy sinh, hiếu thảo, sống an lành trong số phận… Với tất cả những đức tính tốt đẹp ấy coi như cô Tấm – Thảo dân 1 đã tạo cho mình những nghiệp thiện và được hưởng phúc lớn – trở thành vợ vua (Hoàng hậu 1). Cô Tấm – Hoàng hậu 1 tiếp tục sống cuộc đời nhân đức, hiếu thuận. Trong ngày giỗ cha, cô Tấm – Hoàng hậu 1 đã không kể đến vị trí mẫu nghi thiên hạ của mình mà vẫn về tận quê làm giỗ cha, vẫn thật thà, cả tin, sẵn sàng trèo lên cây cau hái quả để cúng cha và bị giết chết. Sau khi chết, Tấm hóa thành chim Vàng Anh.
Chim Vàng Anh –
hóa thân của Tấm bắt đầu tạo nghiệp:
Đối với vua: gây sự chú ý của vua, làm cho vua biết rằng mình là hóa thân của Tấm để vua không thương yêu Cám (Vua gọi: Vàng Ảnh Vàng Anh, có phải vợ anh bay vào tay áo).
Đối với mẹ con Cám, chim Vàng Anh gây áp lực: Phơi áo chồng tao thì phơi bằng sào, chớ phơi bờ rào tao cào mặt ra. Rất đanh đá.
Ý của Tấm rất rõ ràng: đòi lại những gì đã mất về tay mẹ con Cám. Điều này buộc mẹ con Cám phải giết chim Vàng Anh, thực chất là giết Tấm lần 2 để giữ lấy những gì đã đoạt được của Tấm. Như vậy, bằng sức ép của mình, Tấm đã đẩy mẹ con Cám vào con đường phạm tội. Đó chính là nghiệp mới mà Tấm đã tạo ra. Tiếc thay đó lại là nghiệp ác.
Chim Vàng Anh chết hóa thành 2 cây Xoan đào. Cây Xoan đào tiếp tục có những hành động như chim Vàng Anh: Kẽo cà kẽo kẹt, lấy tranh chồng chị, chị khoét mắt ra. Hóa thân
Xoan đào của Tấm đợi vua ra nằm võng mới phát ra những lời thông báo sự tồn tại của mình và ngôn ngữ đe dọa mẹ con Cám đã sặc mùi đao búa. Một lần nữa, Tấm – Xoan đào lại đẩy mẹ con Cám phải hạ sát Xoan đào, thực chất là giết Tấm lần thứ 3. Và như thế Tấm lại tạo thêm một nghiệp ác mới.
Sau khi Xoan đào bị hạ sát, qua hai hóa thân
khác, cô Tấm trở vế vạch xuất phát: Hoàng hậu (lần 2). Hoàng Hậu 2 chính là nghiệp cũ của Tấm, nhưng không còn là hiện thân của nghiệp thiện thuần khiết mà là nghiệp hỗn hợp giữa nghiệp thiện (nếu còn từ vòng đời đầu tiên) lẫn cùng nghiệp ác mới do Tấm gây ra qua 2 lần hóa thân Vàng Anh và Xoan đào.
Đến đây, cô Tấm – Hoàng hậu 2 có ít nhất 3 lựa chọn để hành động:
1. Tha cho mẹ con Cám và tội lỗi của họ có thể do những Lực lượng Tự nhiên khác xử lý. Lựa chọn này khiến cho truyện Tấm Cám giống như truyện Thạch Sanh hoặc những truyện cổ tích khác. Không có gì để bàn.
2. Mở một phiên tòa công khai xét xử tội phạm của mẹ con Cám. Đây là một lựa chọn khó vì trong hai lần phạm tội của mẹ con Cám giết hóa thân của Tấm đều có lỗi tranh giành của Tấm. Cứu vớt mẹ con Cám, những người đắm chìm trong nghiệp ác trở về cuộc đời lương thiện chính là cách tạo nghiệp thiện tốt nhất của Tấm. Nhưng tiếc thay, Tấm cũng bị danh lợi làm cho u mê mà tranh giành với mẹ con Cám và đẩy mẹ con Cám chìm sâu
trong nghiệp ác.
3. Trả thù mẹ con Cám.
Tấm đã chọn cách thứ 3. Với lựa chọn này Tấm đã tích thêm nghiệp ác vào những nghiệp ác mà hai hóa thân Vàng
Anh và Xoan đào đã tạo ra.
Chúng ta đều biết Đức Thế Tôn đã dạy: Mắt, tai, mũi, lưỡi, thân và ý là nghiệp cũ. Các hành động thân, khẩu, ý trong hiện tại là nghiệp mới.
Như vậy, chim Vàng Anh là nghiệp cũ của Tấm – nghiệp thiện. Nhưng hành động của chim Vàng Anh tranh giành danh lợi với mẹ con Cám, đẩy mẹ con Cám lâm vào con đường phạm tội sát sinh – giết chim Vàng Anh chính là nghiệp mới – nghiệp ác mà Tấm gây ra ở hóa thân lần 2. Cây Xoan đào – hóa thân của Tấm lần 3 tiếp tục tranh giành danh lợi mới mẹ con Cám với mức độ còn quyết liệt hơn. Nghiệp ác của Tấm tạo ra vì thế càng thêm dày. Nhưng đỉnh cao của nghiệp ác là lần tạo nghiệp thứ 3 của cô Tấm – Hoàng hậu 2. Hãy hình dung: Tấm ngon ngọt lừa em cùng cha tự dội nước sôi mà chết. Sau đó, lạnh lùng ngồi phanh thây đứa em đó ra làm nhiều mảnh, sắp đặt đầu lâu xuống dưới, lục phủ ngũ tạng và tứ chi lên trên, khéo léo
làm sao để mẹ kế của mình ăn thịt con mà không nhận biết, chỉ đến khi ăn xong phần cơ thể mới gặp mặt con mình rồi “sốc” mà chết. Đó là một tính toán chính xác về mặt tâm lý. Nhưng cực kỳ tàn nhẫn về mặt con người. Trong khi mẹ Cám bị lừa ăn thịt con thì Tấm khoái trá nhâm nhi tội ác của mình và chờ kết quả cuối cùng. Thật kinh khủng, Tấm trở thành kẻ tâm địa độc ác, xấu xa hoàn hảo. Nhưng đây là Tấm sau 5 lần hóa thân, không phải cô Tấm lần đầu.
Với tội ác này, Tấm đã phạm phải Cực trọng nghiệp (sát hại cha mẹ, làm chảy máu mình Phật…) theo cách phân chia nghiệp của đạo Phật.
Ngẫm, có thể thấy thế này: Chim Vàng Anh là một hình ảnh đẹp. Bay nhanh và tự do trên một khoảng không gian rộng lớn. Đó chính là hóa thân từ nghiệp thiện trong quá
khứ. Sau khi chim Vàng Anh tạo nghiệp ác và bị sát hại hóa thành Xoan đào. Cũng là một hóa thân đẹp. Tuy nhiên, cây Xoan đào hoàn toàn không di chuyển theo phương ngang, chỉ có thể vươn lên theo chiều thẳng đứng. So với chim Vàng Anh thì Xoan
đào coi như không còn tự do. Đó là hóa thân từ nghiệp thiện lẫn nghiệp ác. Sau khi Xoan đào tiếp tục gây nghiệp ác và bị hạ sát, hóa thành quả Thị. Vẫn là một hóa thân đẹp, nhưng đã không còn là chủ thể mà chỉ là bộ phận (quả của cây) với thời gian tồn tại ngắn. Chính là hóa thân của nghiệp thiện chỉ còn rất mỏng lẫn với nghiệp ác trong quá khứ đã ngày càng dày lên. Qua đó có thể thấy: những hóa thân của Tấm mỗi lúc một thấp hơn do nghiệp ác mà Tấm tạo ra ngày một dày thêm.
Ở đây, cần nói thêm về tốc độ chuyển dịch và thời gian tồn tại của các sự vật hoặc các cá thể trong những không gian sống khác nhau (hoặc cảnh giới khác nhau) để thấy sự khác biệt. Hãy hình dung, trong không gian con người đang sống, ánh sáng được coi là di chuyển với tốc độ nhanh nhất, đạt tới xấp xỉ 300.000 km/giây trong môi trường chân không. Giây là đơn vị đo thời gian nhỏ nhất thường dùng ở thế gian (không kể đến các đơn vị thời gian tính trong khoa học chuyên ngành). Nhưng, tại cảnh giới của các vị đã chứng quả Giác ngộ, thời gian đo bằng sát-na. Một ngày 24 giờ được tính bằng
sáu ngàn bốn trăm tỷ, chín vạn, chín ngàn, chín trăm tám mươi sát na. Một giây bằng 74 074 075,2 sát-na. Như vậy, ở cảnh giới nói
trên ánh sáng của thế gian chuyển dịch được 4,047m trong một sat – na. Tương đương với tốc độ của một con sên di chuyển 1 giờ ở thế giới của chúng ta. Nhưng một sát – na lại là khoảng thời gian đủ để cho một biến đổi, một sự kiện xuất hiện, phát triển, tiêu vong. Còn xét về sự tồn tại thì các Đấng đã chứng được quả Giác ngộ tồn tại vĩnh hằng, còn chúng ta là hữu hạn.
Trong quá trình liên tục thay đổi các hóa thân, cô Tấm có rất nhiều cơ hội để tích lũy nghiệp thiện, trong đó việc tha thứ, bao dung, cảm hóa mẹ con Cám bằng tấm lòng vị tha nhân ái của mình để đưa mẹ con Cám trở về cuộc đời lương thiện, chính là những nghiệp thiện mà Tấm có thể tạo ra cho mình. Nhưng tiếc thay, danh lợi từ cuộc đời Hoàng hậu 1 mà Tấm có được đã khiến cô trở nên u mê lầm lạc dẫn đến biến đổi tâm tính. Những đức tính tốt đẹp nhất, đặc trưng nhất của người phụ nữ Á Đông nói chung, Việt Nam
nói riêng vốn có từ vòng đời đầu của Tấm đã bị mất đi.
Con người là chủ nhân của nghiệp và là kẻ thừa tự của nghiệp (lời Phật dạy). Giáo lý nhân quả trong đạo Phật cũng đặt ra vấn đề trách nhiệm cá nhân của con người. Con người gây ra nghiệp con người phải tự chịu trách nhiệm về những nghiệp đã gây ra.
Như mẹ con Cám suốt đời thực hiện nghiệp ác và phải nhận quả báo với một kết cục cực kỳ tệ hại.
Còn cô Tấm, với tính ngoan hiền, vị tha, nhân ái, hướng thiện đã tạo phúc lành cho mình và
nhận được những điều tốt đẹp ngay trong cuộc đời trần thế. Chẳng những thế, nghiệp thiện của vòng đời đầu còn cho cô Tấm có những hóa thân đẹp về sau.
Tuy nhiên, những hóa thân của cô Tấm do không quên được vinh hoa từ cuộc đời trước – Hoàng hậu, nên chỉ nhăm nhăm đi đòi những danh lợi phù du đã mất, mà quên đi việc tu tâm tích đức, hướng thiện, tích lũy quả Phúc. Chẳng những thế còn thực hiện những nghiệp ác và những nghiệp ác khủng khiếp.
Có thể hiểu thông điệp của truyện Tấm Cám như sau: Một đời tu nhân tích đức, tạo dựng nghiệp thiện có thể nhận được những điều tốt đẹp cho mình và truyền lại quả Phúc cho những đời sau. Những thế hệ sau lại phải tiếp tục hướng thiện, tu dưỡng tâm đức để cho quả Phúc thêm dày. Nếu không hướng thiện, nghiệp ác có thể đến bất cứ lúc nào và nó xói mòn quả Phúc. Và khi hết Phúc là lúc nghiệp ác chất chồng. Hậu quả khủng khiếp không lường trước được. Vì thế, những gì cô Tấm – Hoàng hậu 2 – hóa thân 5 lần của cô Tấm – Hoàng hậu 1 sẽ phải nhận có thể suy ra từ cuộc đời của mẹ con Cám.
Thông điệp rõ ràng như thế, không cần phải viết lại phần kết của truyện Tấm Cám.
Mấy điều thiển nghĩ. Xin các cao nhân lượng thứ!
TS. Hoàng
Xuân Niên
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét