Nhà thơ- nhà giáo Lê Bá Duy là một cái tên
không còn quá xa lạ với những người yêu văn chương nước nhà. Phải khẳng định
một điều rằng anh là người có nhiều tâm huyết và nặng nợ với văn chương, nguyên
là người sáng lập và là chủ trang vanthoviet.com- một trang điện tử được nhiều
người yêu mến, quan tâm, cộng tác. Dù mới hoạt động từ năm 2010 nhưng đến 12. 2012 đã có hơn 9
triệu lượt người truy cập. Có lẽ tình yêu và duyên nợ với văn chương đã thấm
vào anh, vào từng hơi thở, vào trong huyết mạch mà anh không thể nào xa nó. Mặc
dù bận rất nhiều công việc nhưng hàng ngày anh vẫn dành khá nhiều thời gian cho
văn chương, cho bạn văn của mình. Trong vai trò chủ trang vanthoviet anh phải
liên tục cập nhật để biên tập và đăng bài. Và cũng vì lẽ đó mà anh có dịp tiếp
xúc, được đọc, được biết nhiều tác phẩm và tác giả ở khắp mọi miền Tổ quốc.
Vốn là một con người tinh tế, nhạy cảm và có năng khiếu với văn chương;
Lê Bá Duy phát hiện và tìm thấy trong những tác phẩm của thi hữu, văn hữu của
mình nhiều cái hay, cái độc đáo và hấp dẫn. Anh nhìn nhận, mổ xẻ nó dưới con
mắt của một nhà thơ, một nhà văn, đồng thời là cái nhìn của người viết lý luận
phê bình. Đọc những bài nhận định, những bài cảm nhận, phê bình của anh ta thấy
rõ được điều đó.
Đồng cảm văn chương là cuốn Tiểu luận tập hợp 48 bài nhận
định, đánh giá của Lê Bá Duy. Chừng ấy bài trong tập này cũng đủ cho thấy sự
lao động nghệ thuật cần mẫn, tỉ mỉ, sự cẩn trọng và yêu thích văn chương của
anh như thế nào.
Là người sáng tác, hơn ai hết anh hiểu được cái nhọc nhằn, vất vả, sự
lao tâm khổ tứ đối với nghiệp cầm bút. Sáng tác đã khó, làm ra được đứa con
tinh thần của mình làm sao nó sống được với thời gian, nó trụ lại trong lòng
người đọc, được người đọc chấp nhận là điều không phải người nghệ sĩ nào cũng
làm được. Với người viết phê bình chân chính để đánh giá tác phẩm của người
khác cũng không phải là điều đơn giản. Vì sao vậy? Để chỉ ra cái hay, cái dở
của tác phẩm đòi hỏi anh phải đọc, phải biết, phải hiểu và phát hiện ra tại sao
nó hay, tại sao nó dở, nó chưa đạt ở những điểm nào, khía cạnh nào … Do vậy khi
nhận định, đánh giá tác phẩm của người khác thì người viết không thể đọc một
cách hời hợt, phán bừa phán ẩu theo cảm tính mà phải đọc tác phẩm, tìm hiểu khá
kỹ về tác giả, và những gì có liên quan. Lê Bá Duy là người có nhiều ưu thế, vì
anh là người có năng khiếu văn chương vừa làm thơ, vừa viết văn và cả viết lý
luận phê bình nữa. Cho nên hơn ai hết, anh ý thức sâu sắc những yêu cầu, phẩm
chất, điều kiện… của người làm nghiên cứu văn chương cần phải có.
Trong lúc nhiều người đang quay lưng lại văn chương, người ta đang tự ca
tụng những điều viển vong, hư ảo thì anh lại tìm đến nó như một sự trải lòng.
Ngoài việc làm thơ, viết văn, anh không tiếc thời gian và công sức, anh đam mê
tìm tòi, chịu khó đọc và đưa ra những nhận định khá thú vị và xác đáng về
những bài thơ, tập thơ, các tác phẩm văn xuôi của nhiều tác giả. Vì vậy, nhìn
chung tập tiểu luận này của anh là tập sách có giá trị về mặt văn chương và học
thuật
Lê Bá Duy là người có một vốn từ ngữ giàu có, sử dụng một cách uyển
chuyển, linh hoạt, nhận định- bình giá khá kỹ lưỡng, nhiều chỗ sâu sắc và có
nhiều phát hiện mới mẻ, độc đáo.
Chẳng hạn một đoạn ngắn của anh bình bài thơ Làng tôi đất bán sạch
rồi của nhà thơ Thanh Trắc Nguyễn Văn: " … Cái kết của bài
thơ chỉ hai câu: "Bàng hoàng nắng quái chiều hôm/ Làng giờ hóa phố cọng
rơm chẳng còn …”. Còn phảng phất, mà đúng hơn là nỗi bàng hoàng đến độ
không ngờ trước sự thay đổi; tiếc nuối về hình ảnh làng quê yên bình thơ mộng
cùng hình ảnh con trâu, cái cày, những câu hò vang vọng, nhường cho tiếng nhạc
xập xình, những tiếng xe chạy nhức óc, xả khói và bụi trên cái không gian vốn
yên tĩnh ngày xưa.
Sự hoài niệm và tiếc nuối của bao người nông dân được Thanh Trắc Nguyễn
Văn nói bằng những hình ảnh rất thơ, qua lối diễn đạt giàu cảm xúc bằng thể lục
bát đã để lại trong tôi những suy nghĩ, những trăn trở như tác giả đã từng trăn
trở. Biết rằng sự vận động của quy luật, của xã hội; biết rằng đổi mới nông
thôn lên thành phố có thể là điều đáng vui, đáng mừng, nhưng dẫu sao con người
ta vẫn thấy xót xa tiếc nuối, thấy như hụt hẫng thiếu vắng một cái gì đó đã
ngấm vào máu thịt của người nông dân tự bao đời nay!”.
Hay một đoạn khác trong bài bình Nhớ về cô giáo cũ của
Phạm Ngọc Thái: "Cô giáo ngày xưa "thôi không còn lên lớp nữa” gợi
người đọc một liên tưởng đa chiều. Cô đi đâu trong cõi người? Hay cô đã đi xa?
Cô về hưu? Hay cô … Mà thôi, "cô không còn lên lớp nữa” là quy luật. Quy
luật muôn đời của thời gian. Cậu học trò của cô ngày xưa đã đi vào cuộc chiến.
Cuộc chiến vĩ đại của một dân tộc kiên cường chống giặc ngoại xâm, giờ đã trở
thành nhà thơ. Nhưng vẫn đau đáu xót xa oằn rơi giọt lệ khi "sương trên
mái tóc cô rơi xuống đầu em …”. Đời người ngỡ như một giấc mơ. Mới nghe tưởng
chừng vô lý, ngẫm lại có lý. Bạn đọc cứ nhìn lại xem, nhìn lại chặng đường đời
đi qua, ta thấy ngắn ngủi vô cùng …”
Nhìn chung, đọc tập sách này tôi có nhiều thiện cảm, được đọc nhiều bài,
nhiều đoạn viết khá chặt chẽ, phân tích, lý giải thấu tình đạt lý, khơi gợi
nhiều xúc cảm từ nơi người đọc.
Tôi rất thích cách anh bình bài thơ Ráng chiều của Nguyễn
Kim Huy, đó là cách bình ngắn gọn, súc tích nhưng giàu tính phát hiện:
"Trong khí quyển có gì nhiều sắc thái và biến đổi nhanh bằng thời tiết?
Còn trong đời thường có lẽ phụ nữ được coi là sự hội tụ của những rắc rối đáng
yêu. Từng yêu thương và cả chiêm nghiệm, nhà thơ Nguyễn Kim Huy đã viết: "Em
lơ lửng tựa ráng chiều/ Ẩn trong sắc đỏ vẫn nhiều bão giông/ Lòng anh nghiêng
một cánh đồng/ Mưa rào xanh biếc bão giông úa sầu”.
Câu thơ âu yếm và nâng niu "Em lơ lửng tựa ráng chiều”. Gần
mà xa, gần trong mắt nhưng chấp chới ngoài tầm tay. Em đẹp mong manh biến ảo
như ráng chiều. Từ ngàn xưa người ta đã nhìn ráng chiều để đoán thời tiết và em
cũng lửng lơ trong cuộc đời ta để dự báo cho ta về số phận. Người ta có thể so
sánh người với nhiều sự vật nhưng một khi đặt người yêu lên cao cùng với bầu
trời thì có lẽ vị trí người yêu cũng cao như vậy. Câu thơ như có tiếng vọng từ
hình ảnh đẹp: Yêu em ta chỉ là mặt đất theo dõi bầu trời chấp nhận bão giông để
chờ đợi "cơn mưa rào xanh biếc”. Đọc câu thơ thứ ba "Lòng anh
nghiêng một cánh đồng” tôi thấy nao nao bởi hồn thơ chân thật và tình yêu
mãnh liệt quá. Có gì thật và ấm bằng đồng lúa? Và em bây giờ không chỉ là dự
báo "ẩn trong sắc đỏ” nữa mà sẽ quyết định số phận của cánh đồng anh. Chỉ
cần em giận không mưa, anh sẽ khô héo, nếu em hờn khóc anh sẽ ngập úng cho xem.
Hai hình ảnh thơ đã nâng sự so sánh thành khát khao hòa nhập. Anh và em như đất
và trời. Cái ráng đỏ xa xôi yêu kiều ấy lại là nơi chứa đựng nhiều bão giông.
Nhưng sẽ ra sao nếu mặt đất không còn mưa giông sấm chớp? Đến với em lòng anh
tách thành hai nửa. Một mưa rào "xanh biếc”; hai bão giông "úa sầu”.
Hai hình ảnh khép lại bài thơ đẹp như mỗi lòng người đang yêu: sẵn sàng đón
nhận từ phía tình yêu dù đó là ngọt hay đắng, bình yên hay giông bão …
Ở đời này cần lắm những tình yêu như thế!”.
Tôi đánh giá rất cao những bài viết kiểu như thế này. Bởi Lê Bá Duy đã
có cái nhìn rất tinh tế, phát hiện ra những điều mới mẻ mà có khi chính người
sản sinh ra những đứa con tinh thần ấy chưa chắc đã nghĩ đến được như vậy.
Người đọc cũng có thể tìm thấy nhiều bài viết khá công phu, viết rất
chắc tay của anh như: Đứa con sống sót của Nguyễn Huệ trong "Tây Sơn Ai
Tư Vãn Truyện” của Vũ Đình Ninh, Hoa Tâm trong "Hương đời quê mẹ”,
"Hỏi lại chính mình”- Tập truyện giàu triết lý nhân văn, Vị đắng thời
gian, "Trong mắt em”- Một tình yêu nhân bản …
Để có được tập Tiểu luận này, nhà thơ – nhà giáo Lê Bá Duy phải đọc rất
nhiều, rất kỹ không chỉ những bài thơ- tập thơ được anh bình giá, nhận định mà
anh còn đọc rất nhiều những tác phẩm khác, tài liệu khác; cộng với năng khiếu
và vốn kiến thức được anh tích lũy lâu nay. Đọc như thế, anh mới có đủ
những căn cứ, lý lẽ để viết được bài cảm nhận hay như vậy.
Đọc những bài viết của Lê Bá Duy trong Đồng cảm văn chương
cũng là cách để chúng ta đi vào thế giới thơ, thế giới truyện, đi vào
khám phá những cung bậc khác nhau của tình yêu và sự sống. Người đọc sẽ thấy ở
đó những cái hay, cái đẹp, cái kỳ diệu của văn chương. Tất cả những gì của cuộc
đời này cũng đều được chuyển tải, gửi gắm qua thơ bằng những cách thức diễn đạt
khác nhau thông qua hình ảnh, ngôn ngữ, các biện pháp nghệ thuật. Đây cũng là
dịp để chúng ta biết thêm được nhiều bài thơ hay và những tập thơ có giá trị.
Độc giả có thêm một cách nhìn mới về sự cảm thụ, phân tích, bình giá thơ.
Đồng cảm văn chương là một cuốn tiểu luận mà độc giả - những
người yêu thích văn chương và các em học sinh, sinh viên nên tìm đọc. Ở
đó, chúng ta sẽ thấy được giá trị đích thực của văn chương. Bằng vốn hiểu biết
và sự trải nghiệm của cuộc đời, Lê Bá Duy đã có một cách viết khá sâu sắc về
những vấn đề thế sự nhân sinh. Vấn đề tình cảm, những mối quan hệ gia đình,
tình yêu, tình bạn, vấn đề đạo và đời được anh mổ xẻ dưới những khía cạnh, góc
nhìn khác thông qua thơ và các tác phẩm văn xuôi của những tác giả khác nhau.
Đây không phải là điều đơn giản mà ai khi cảm nhận, thẩm thấu tác phẩm văn
chương cũng chỉ ra được.
Phú Yên,
8. 2013
Nguyễn Văn Hòa
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét