Hôn nhân của cha mẹ Huy đã chẳng thể cứu vãn thêm. Huy
là con út, ngày nhận giấy báo đậu đại học cũng là ngày nó phải đối diện với sự đổ
vỡ. Cha mẹ Huy sẽ ly dị. Nhà có ba chị em: hai chị và nó. Ba chị em đã có mặt
đông đủ trong bữa cơm thì mẹ nó nói: “Đây
là bữa cơm cuối cùng, nhà mình còn đông đủ. Cha mẹ đã rất cố gắng kéo dài cuộc
hôn nhân này đến lúc các con có thể tự lập. Đến lúc các con phải chấp nhận sự
thật. Cha mẹ đã hết tình cảm và sẽ ra tòa tháng tới”. Nó điếng người. Hạnh
phúc gia đình bấy lâu chỉ là sự “cố gắng
kéo dài” như mẹ nói thôi sao? Tất cả chỉ là vỏ bọc thôi sao?.
Tại sao? Huy băn khoăn.
Huy không muốn chấp nhận sự thật này. Nó không muốn ai
đó phải thương hại, khi biết cha mẹ nó bỏ nhau. Nhìn bức hình gia đình về thăm
quê nội ở quê Bác, Huy chảy nước mắt. Đó là bức hình cha Huy cõng chị Lâm và bế
chị Lan bằng hai tay trên hai hông. Còn Huy thì được ông cõng ngựa trên đầu và
hai tay nó bám vào đầu cha. Mẹ nó đứng phía sau, bên cạnh bốn cha con. Bạn đọc
có thể hình dung ra ảnh này bằng cách vào google gõ chữ “Bài giảng cuối cùng”
của Randy Pausch, tấm hình của gia đình họ ở bìa sách giống như tấm hình chung
của gia đình Huy treo ở phòng khách nhà nó.
Khách khứa, người quen người lạ khi vào chơi nhà, nhìn
bức hình đều nói bức hình gia đình nhìn hạnh phúc quá. Riêng Huy, trong
facebook nó chọn hình đó làm hình nền và gọi đó là bức ảnh Gia Đình Hạnh Phúc.
Huy thường nói về cha, khi ai đó hỏi về thần tượng hay cái gì đại loại như
người có ảnh hưởng đến nó. Huy tự hào gọi ông là thần tượng. Nó đâu ngờ chính
cha nó mang lại cảm giác xấu hổ trong nó một ngày gần thế.
Bữa cơm buồn thảm nhất của gia đình nó.
Các chị mỗi người một tâm trạng, nhưng ai cũng buồn.
Muốn níu kéo điều gì đó nhưng mẹ đã quyết thì khó thay đổi. Tính bà dứt khoát
từ trẻ.
Cha Huy bỏ bữa cơm, lái xe đi. Với ông, công ty là mái
ấm thứ hai.
Mẹ nó nói rồi bà khóc. Bà chỉ có một mái ấm duy nhất. Bà
vào phòng.
Bữa cơm cuối chung cả gia đình không ai ăn hết chén.
Là con trai, Huy chưa từng rơi nước mắt một cách ròng
rã như vậy. Nó không muốn nghĩ đến cảnh nó không được sống với cha hoặc mẹ. Nó
có cảm giác như kì nghỉ hè hồi lớp 4, khi bị lạc trong sở thú trong buổi đi dã
ngoại với lớp. Cảm giác sợ hãi trước nanh vuốt những con vật trong chuồng thú
ám ảnh nó đến mãi tận giờ.
Huy xông thẳng vào phòng mẹ nó, vội đến quên cả phép
lịch sự tối thiểu là gõ cửa, chờ sự đồng ý của mẹ. “Mẹ không nghĩ cho con sao?”. Mẹ nó nói: “Nếu không nghĩ cho con thì con đã không ở trong nhà này”. Huy thì
khóc ròng: “Không ở nhà này thì con ở
đâu? Mẹ đang nói cái gì vậy?”. Trước nay nó cứ tưởng nó mạnh mẽ lắm nhưng
nó đã ngộ nhận. Nó sợ đổ vỡ này quá. Còn mẹ nó tỉnh bơ. Bà đang ngồi hướng mắt
ra phía cửa sổ nhìn về phía biển thì quay sang phía nó nhìn thẳng vào mặt Huy: “Là mẹ thương con nhất. Con không thắc mắc
tại sao con lại khác nhất trong nhà sao? Tại sao các chị con có vóc dáng khác. Con đã lớn nên con
cần biết sự thật này: con không phải là con của đẻ của mẹ”. Mặc cho Huy
tròn mắt, mẹ nó cứ bình thản, kể hết những nỗi uẩn khúc trong lòng người vợ bị
phản bội. “Ngày mẹ ở bệnh viện chăm chị Lâm
tai nạn mổ chân thì ở nhà, người đàn bà là mẹ đẻ của con bế con đến giao cho
chị Lan, bảo con chính là con trai của cha con. Lúc đó con chỉ mới một tuần tuổi,
mẹ không biết phải làm sao. Mẹ giận cha con lắm. Giận người đàn bà kia. Nhưng
mẹ thương con. Khi đó, con đang khóc ròng trong tay chị Lan, nhưng nhìn thấy
mẹ, mặc mẹ đang giận đến đỏ mặt thì con vẫn nín khóc. Và khi mẹ bế con thì con
hoàn toàn nín khóc, đặt con xuống hoặc chị Lan bế, con lại khóc ròng. Mẹ không
còn cách nào khác là nuôi con”. “Tại
sao mẹ có thể làm thế?. Tại sao mẹ có thể chăm bẵm một đứa trẻ là con của tình
địch và kẻ đã phản bội mẹ”?, Huy hỏi mẹ khi mắt nó không dám nhìn vào đôi
mắt tỉnh queo của mẹ. Nó sợ mẹ nó thấy khuôn mặt tội nghiệp của nó. Mẹ nó lắc
đầu: “Là vì con rất mẫn cảm, là vì con đã
gửi gắm cuộc đời con vào mẹ. Rằng chính con đã tự lựa chọn người mẹ cho mình”.
“Nhưng mà thôi, cha con cũng có nỗi khổ
của ông. Còn mẹ, mẹ cam chịu đủ rồi”. Mẹ nó nói tỉnh bơ. Mặc Huy khóc ròng.
Huy biết, mẹ tỉnh táo lúc này không phải vì mẹ không thương nó. Mà vì bà đã
thương nó quá nhiều. Và chính bà đã tôn trọng cũng như yêu thương Huy đủ để có
thể nói cho nó biết điều Huy cần biết.
Huy nghĩ thầm trong bụng: nó hận cha. Ba chị em nó sẽ
giải thoát cho mẹ. Họ sẽ cho ông biết cái giá của sự phản bội. Nó cảm thấy thần
tượng trong nó đổ vỡ. Nó luôn tự hào về cha mình, nhưng nó không ngờ cha nó chỉ
là kẻ phản bội. Huy sẽ bắt người cha bội bạc của mình phải trả giá. Ông ta có
nghĩ đến con cái của ông nghĩ gì khi biết những việc ông đã làm. Những người
con sẽ cảm thấy thế nào khi chúng biết những việc cha mình đã làm. Ông cứ mở
miệng ra là “trách nhiệm” với “bổn phận”; “hiếu thảo” với “đạo nghĩa”. Thế mà
những việc ông làm thì tệ quá. Bạc quá. Nó nghĩ đến mẹ đã tủi nhục thế nào khi
nuôi con của kẻ bội bạc. Nó thương mẹ, giận cha.
Phải làm gì đó chứ?. Huy tự vấn.
Nó chạy thẳng đến chỗ công ty của cha, lao lên phòng
giám đốc. Nó định hỏi: “Tại sao ông đã
sống như vậy?”. Nhưng lâu nó không đến công ty, lại bận chuyện học thi tốt
nghiệp và thi đại học nên Huy không biết công ty cha nó có chút thay đổi phong
thủy. Phòng giám đốc đã đổi với phòng kinh doanh. Nó bước vào phòng không gõ
cửa. Tiếng cô nhân viên đang tám điện thoại: “Bà nội có cháu đích tôn rồi nhé, con đã có thai 3 tuần rồi. Xin báo để
bà mừng”. Huy chợt bước ra khỏi phòng. Nó bỗng nhớ, ông bà nội chỉ có cha
là con trai. Cha mẹ chỉ có hai chị em, nó thôi giận cha, nó thấy thương mẹ.
Người đàn bà cả đời chỉ biết chăm lo cho chồng con và nhận về phía mình sự
thiệt thòi. Sao mẹ phải gánh nhiều
thứ lên vai mẹ vậy. Huy không biết làm sao. Nỗi đau của người đàn bà chung tình
bị tình bạc làm sao Huy hiểu được, nó chỉ mới mười tám tuổi thôi. Nó không biết…
Nó nhớ lời bà nội: “Họ Nguyễn nhà mình có được Huy là phúc đức tổ tông để lại. Con phải học
giỏi, sống thật tốt đó”. Nó trở xuống cầu thang thì thấy cha đang đi lên,
nó chỉ thấy vẻ nhẫn nhịn, lầm lũi của cha nó. Nó cúi mặt bước, cha nó như mơ hồ
hiểu được con trai của ông đang cảm thấy thế nào khi biết được sự thật.
Nó không biết
tại sao bao năm qua, cứ mỗi lần có anh em Huy ở nhà thì cha mẹ đều vui vẻ, còn
Huy mà đi vắng, kiểu gì cha cũng bảo “bận
việc công ty”, rồi chờ Huy về ông mới về nhà. Bấy lâu, tình cảm cha mẹ Huy
chỉ là cái vỏ bọc. Nhưng nó không đủ sự quan tâm để hiểu hơn về về điều đó.
Chính nó mới đáng trách. Huy quay sang hờn dỗi chính mình.
Huy rời công ty, chạy thẳng về nhà: “Con có thể làm gì để bù đắp cho mẹ đây?”.
Mẹ nó khác mọi ngày về cách giải bày: “Nếu
cần sự bù đắp. Mẹ đã chối bỏ con từ nhỏ. Mẹ không có duyên đẻ ra con nhưng mẹ
đã chăm nuôi con nên người. Điều đó có xứng để con gọi mẹ là mẹ suốt đời không,
con trai”. Tiếng bà thủ thỉ, khác với giọng mệnh lệnh của những ngày
thường. Huy không biết nói gì hơn ngoài sự im lặng. Im lặng cảm nhận sự hy sinh
của mẹ vì nhà nội, vì cha, vì nó. Huy im lặng để hiểu hơn tại sao bao lâu mẹ lặng
lẽ với nỗi đau riêng. Mẹ thật vĩ đại. Lẽ ra, người từ nhỏ Huy nên nói đến, khi
ai đó hỏi về thần tượng phải là mẹ mới đúng.
Đêm, Huy sang phòng mẹ, đã lâu nó không sang thăm mẹ
khi bà ngủ. Chỉ có bà vẫn lặng lẽ mang thức uống cho nó khi nó học bài quá
khuya. Phòng mẹ lạnh quá. Đó là cảm giác mà nó cảm thấy khi bước vào căn phòng
lẽ ra là căn phòng hạnh phúc của cha mẹ nó. Huy nói: “Đêm nay bên phòng con hơi lạnh, con thấy phòng mẹ ấm hơn. Con có thể
ngủ với mẹ đêm nay chứ”. “Tất nhiên rồi, con trai. Cũng lâu rồi, mẹ con mình chưa
ngủ cùng nhau, con cũng sắp vào kí túc xá rồi”. “Con sẽ về mỗi cuối tuần”. “Nhưng
mẹ sẽ không ở nhà này nữa. Nhà này sẽ là nhà của con. Mẹ sẽ ở bên bà ngoại”.
Đêm đó, hai mẹ con Huy thức tận khuya, mẹ nó kể về Huy,
hồi bé. Huy thiếp đi, lúc thức dậy thì nó không thấy mẹ bên cạnh. Huy cảm thấy
phía vai áo nó ươn ướt. Chắc nó đã gục đầu vào cổ mẹ, ngủ tận sáng. Bữa sáng
cho Huy đã có sẵn món bún Huy thích ăn. Nó chỉ cần đun lại nước dùng và nhúng
bò. Huy gọi mẹ nhưng không có tiếng trả lời. Và nó biết tìm mẹ ở đâu. Những lúc
buồn bà hay đến đó. Cả nhà chỉ có Huy là biết khi buồn, mẹ nó thường làm gì, ở
đâu.
Huy chế xong tô bún bò. Nó ngạc nhiên, sao hôm nay mặn
thế, bình thường mẹ có cho mặn thế bao giờ đâu. Chắc là mẹ quên, nêm hai lần
muối. Huy vội vã đến suối Rêu. Nó biết mẹ đang ngồi một mình ở đó.
Suối Rêu hiện bóng nó phía dưới làn nước trong vắt,
bình yên. Những tảng đá to, rêu bám xanh làm nền cho bóng nó dựa bên bóng mẹ, hình
dáng như bức tượng Mẫu tử trong bảo tàng Mother mà nó biết. Mẹ nó vẫn ngồi lặng
yên. “Con nhìn kìa. Bóng của con cao hơn
bóng mẹ rồi”. “Phải, mẹ! Nhưng bóng mẹ đang che chở và bóng con đang dựa vào
bóng mẹ đấy”. Mẹ ôm Huy, tiếng những giọt mưa làm động mặt suối kéo bóng
hai mẹ con Huy lúc dài ra, lúc nghiêng hình sóng. “Mẹ, từ nay, ai hỏi về thần tượng của con, con sẽ nói là mẹ”. Chắc
mẹ Huy nghĩ trong lòng, đúng là đồ trẻ con. Lúc nào cũng mẹ mẹ mà không sợ
người ngoài cười, bảo con trai lớn mà cứ mẹ mẹ.
Trời đổ về chiều. Bóng núi đang buông dài và nghiêng
về phía đông, kéo dài, lùi vào phía tây. Bóng mẹ và Huy cũng càng lúc càng
nghiêng về bên mẹ. Vì mẹ ngồi bên hướng tây nên Huy càng lúc càng dựa sát,
nghiêng hẳn về phía mẹ. Bóng Huy đang được che chở bởi bóng mẹ. Huy nghĩ trong
lòng, bóng núi có thể khuất hẳn khi chiều đổ vào đêm nhưng bóng mẹ thì mãi vững
chãi trong lòng Huy. Nếu dáng núi sừng sững kia, Huy thần tượng nó thì mẹ chính
là bóng núi trong lòng.
Trần Thị
Thanh
(giáo viên Văn trường PTTH Huỳnh Văn Nghệ, huyện Tân Uyên, tỉnh Bình
Dương)
Nhà cô có đặt tạp chí Tài Hoa Trẻ nên được đọc bài viết nầy trước rồi. Hôm nay đọc lại vẫn còn thấy hay, thấy nao nao. Em viết ngày càng hay hơn đó nhe.!
Trả lờiXóa