Toán vừa bước vào nhà Vọng, vừa móc túi lôi ra mấy
tờ vé số, ném mạnh xuống bàn:
- Chán
thiệt, Chúa lúc nào cũng nặng tai mà nhẹ tay!
- Sao,
chuyện gì mà lại có Chúa ở đây?
- Thì còn
ai ngoài “Ngài” nữa! Con nó đi thực tập, gọi về xin tiền, gom cả nhà được trăm
mốt, chừa năm chục mua bún mai vợ bán vài tô kiếm tiền qua ngày, còn lại tớ mua
sáu tấm vé. Hai vợ chồng cầu nguyện suốt đêm, chiều lại dò, nó trúng giải
tám, không được một phần ba số tiền con
nó cần! Mình có ham gì nhiều, thêm cho mình một hai số, thừa thừa ra chút, đưa
mẹ nó đi cắt cái trĩ, càng ngày càng lòi ra, thấy nó nhăn nhó mà xót ruột! Cái
bao tử mình nó cũng hành, đau mình ráng chịu
được, nó có ung thì cũng kệ mẹ nó, nhưng thấy vợ con vậy thương không chịu được!
Không lẽ còn hai mẫu đất mà bán luôn thì lấy gì ăn!
- Từ tốn, ngồi
xuống đi, giải tám còn hơn không có giải nào à?
- Thì biết
là vậy nhưng mà mình hy vọng mãi, cầu xin mãi, bao năm nay rồi! Với lại nếu không trúng thì chấp nhận,
xem như “Ngài” chưa nghe, còn hy vọng, đằng này chứng tỏ có nghe, nhưng nghe
nhỏ, giờ thì vô phương!
Vọng phì
cười:
- Nó xin
bao nhiêu?
- Triệu
rưởi, tiền xe và ăn ở một tháng!
Vốn thân
tình, là bạn từ thời học trung học đệ nhất cấp, rồi về sống cùng trong một địa
phương. Qua cái thời kỳ độc thân sau 75, Toán lại muộn màng chuyện vợ con, gần
bốn mươi tuổi mới lấy vợ. Hoàn cảnh Toán thật bi đát, dù làm thì cật lực không
ai bằng, người càng ngày càng gầy ra, xui xẻo cái số mệnh. Người ta trúng mía
cả thì hắn mất mùa riêng, lúc được mùa chung thì giá tụt xuống dưới đáy, lỗ
công chặt. Bét gì hai ba mùa người ta cũng trúng được một mùa, mà trúng được là
thanh toán ngân hàng, nợ nần, còn xây được cái nhà. Có người chỉ năm sào thôi,
mà cũng ấm cũng êm, ung dung, cứ “sáng ngậm đắng chiều nuốt cay” (Sáng cà phê
chiều uống rượu ). Ai như hắn, từ năm mẫu đất, bán hết ba mẫu trả nợ, rồi chia
ra làm một mẫu mì một mẫu mía, gọi là “mất
cái này được cái kia”, cũng trật lất. Nợ ngân hàng cứ chồng lên, mà con thì đứa
đầu đang học Cao đẳng, giờ mới đi thực tập, còn ba đứa, đang nằm trong các lớp
phổ thông.
- Thôi thì
xem như có tiền cho con đi thực tập rồi. Tao bù, cho mày mượn một triệu nữa là
được chứ gì?
- Mẹ kiếp, lại bám thằng “cà rem!”.
Hắn vừa
thờ dài vừa buông người xuống ghế, một tay ấn ấn cái bao tử, có lẽ đang đau, một tay che mũi. Một chiếc xe chở mía chạy ngang
qua nhà Vọng, con đường nhựa đang đi được, có dự án cày để làm lại, thế rồi dở dang ba năm nay, bụi mù trời.
oOo
Toán gọi
Vọng là thằng “cà rem” vì Vọng cũng tả tơi, nghèo, lại bị đột quy liệt mất một
tay! May mắn là trời cho vợ con sớm hơn chút, cũng bốn đứa con nhưng lớn cả
rồi, giờ thì con đã đi làm, tháng năm vất vả rồi cũng qua, không còn lo lắng,
có thiếu thốn chút ít thì mấy đứa con bù đắp, dù không dư nhưng cũng ít thiếu.
Những lúc kẹt tiền công cán, phân tro, hắn lại tới Vọng, khi có khi không,
nhưng được cái là sẵn lòng. Có lần Vọng sửa lại cái nhà, chuẩn bị khởi công thì hắn kẹt tiền thuê
xe cày đất trồng mía.
- Bao
nhiêu mày?
- Bảy triệu.
- Chắc
chịu quá.
Nói thế
nhưng trong lòng không yên, Vọng lại hỏi:
- Bao lâu
mày có, hai tháng kịp không?
- Nếu
không kịp cho mày thì tao bán lúa non.
Biết tính
hắn, tự trọng và tự ái thì hắn nhất. Tiền công thợ thường thì xong nhà mới cần,
Vọng đưa cho hắn bảy triệu. Đến ngày xong nhà, thấy hắn chạy bán lúa non, giá
rẻ quá sức tưởng tượng, Vọng nóng mặt không cho bán, tự tay cầm sổ đỏ lên ngân
hàng, vay bù vào chờ đến lúc gặt. Lúa thì tàm tạm, còn hy vọng vào mía.
Được mùa
cho cam, mía vụ này cũng chẳng ra gì!
oOo
Toán cầm
một triệu đi về, còn đổi mấy tấm vé, gởi cho kịp con đi thực tập. Vọng ngồi
ngẫm nghĩ vẩn vơ đời của hắn mà chạnh lòng. Nói rằng khổ lắm, khổ đến cùng tận
thì chưa đến nỗi, nhưng cứ lận đận cơm áo gạo tiền thì hắn là kẻ điển hình nhất
trong đám bạn bè cùng lứa của Vọng.
Ngày hắn ở
Quy Nhơn ra học ở Quảng Trị. Nổi nhất lớp vì nhìn qua là biết con nhà giàu. Từ
ăn mặc đến cách tiêu tiền, tuy mới học lớp bảy nhưng hắn chững chạc hơn Vọng và
bạn cùng lớp, mặt mày lại dễ coi… Cũng từ cái chỗ ấy mà hắn bị dập một trận tơi
bời trong nhà chơi của trường. Vọng đứng ra can ngăn dù khá muộn, mặt hắn đã bê
bết máu. Từ đó thân nhau.
Năm 72
loạn lạc, hắn được vào học trường tư thục Việt Anh Đà Lạt. Trong khi đó, Vọng chuyển
hết trại tạm cư này đến trại tạm cư khác, trường này chuyển qua trường khác,
tỉnh này chuyển qua tỉnh khác. Những năm gần đây, tuổi xế chiều, cái phong trào
họp lớp, họp trường rộ lên… Vọng, nếu đi cho đủ đầy thì cũng chục lớp, chục
trường, dù chỉ bảy năm học trung học.
Dạo thi tú
tài II, năm đó thi Trắc Nghiệm, máy IBM chấm thế nào lọt hết vài ngàn bài thi.
Bạn bè học trường tạm cư, có thầy kiêm tới ba môn, học bạ phải thuê giáo sư các
trường công lập ký thay cho hợp lệ, vậy mà cũng có tên, còn hắn thì không. Ức
quá, hắn cạo trọc đầu, học miệt mài thi
lại kỳ hai. Vọng quá ngạc nhiên là vì biết hắn học không thua ai, dân ban B có
hạng.
Ngày gần
thi lại, có kết quả bổ sung, trường gởi danh sách về tận nhà, tên hắn nằm hạng
“Bình”, sau “Tối ưu” và “Ưu”. Điểm Toán – Lý - Hóa cao chót vót!
oOo
Thà là dốt
nát không biết tính toán làm ăn và lười nhác chi cho cam. Đằng này, hắn kế
hoạch lắm, siêng năng ít ai bằng, có lần ghé thăm cái rẫy của hắn, Vọng phục
cái cần cù, rẫy sạch và ngăn nắp như nhà mới xây. Người xưa nói: Nhất nước, nhì
phân, tam cần, tứ giống… Hắn đủ cả bốn yếu tố này nhưng vẫn trật.
Không rầu
sao được, có lần mía lên cao đẹp ơi là đẹp… Mùa này mà thu hoạch thì chắc chắn
ngon lành. Tội nghiệp vợ và mấy đứa con hắn, gì chứ cái tivi “nội địa” lem nhem
hình ảnh, lúc có hình lúc không, lần này phải thay. Làm lại cái nhà trên chứ từ
ngày ông nội mất, xập xệ đến không muốn bạn bè ghé thăm, bộ ghế bàn cũ rích từ
thời não thời nao, vẹc-ny tróc hết, người ta thì Salon nệm láng tưng, ngồi êm
ái… Còn nữa, chiếc xe Trung Quốc cũ mèm
hư lên hư xuống, hết “đề” được, sáng ra đi rẫy, đạp sặc sừ, ống “bô” bể, nổ bôm
bốp như súng máy. Thay tuốt, hắn cũng nghĩ vậy.
Đám mía
bắt đầu khô lá, ngày chặt cũng gần kề… Chạy vạy đăng ký nhà máy đường lên lịch
cho xe chở… Nhà máy thì còn đỡ tốn đỡ hao, cái anh tài xế và đám bốc vác mới
hao nặng. Ăn sáng, ăn lỡ, ăn trưa , ăn chiều... bữa nào bét cũng vài trăm. Thuê
công chặt cũng khó khăn vì tới mùa thu hoạch, vậy mà có người hứa chặt cho, đâu
vào đó rồi, còn vài hôm nửa thì chặt. Ác tăng cái thằng mất dạy nào vứt cái tàn
thuốc ngay bờ ranh, hay cái gì đó không biết, cũng không loại trừ cái chuyện
buồn tay thì đốt chơi! Cháy sạch sành sanh, hai đám, có ông Phú bên cạnh cũng
vạ lây. Mà cũng chưa biết ai lây ai, đám nào cháy trước đám nào cháy sau. Khi cả
hai chạy trối chết trong đêm, vấp té lên té xuống, vào tới nơi thì chỉ đứng nhìn
mà khóc chớ làm gì được, gió thổi lửa lên cao ngút trời. Vợ và mấy đứa con khóc
to nhất. Tiền công chặt cao hơn vì chặt mía cháy rất cực.
Tại nhà
máy, nhân viên nhà máy lấy mẫu vô phòng "thí nghiệm"đo độ đường, “phù
phép” thế nào mà chữ đường giảm hơn một nửa, năn nỉ lấy lại mẫu khác, rút ba
cây khác, gặp ngay cái nhìn lạnh tanh, lỗ te tua.
Thì làm
lại và hy vọng mùa tới. Hắn lại cật lực, nhưng rồi chị vợ bấy lâu gánh bún loay
xoay cũng có đồng ra đồng vào, thế mà
khi người ta tráng "bê tông" con đường chạy dọc thôn, đường
sạch đẹp thì hàng quán lại mọc lên, nông dân lâu nay quen ngồi chồm hổm bên cái
gánh, nay cũng ưng kéo cái ghế, ngồi lau đũa lau bát, tán dóc dăm câu cùng ai
đó, ăn tô bún, rồi đi ra miệng ngậm cái tăm, ta đây đi ăn sáng về, ăn quán hẳn
hoi.
Hắn cũng
muốn xây cái quán, nhưng xập xệ thì không ai vào, mà làm kha khá, trông được
một chút là phải nói tới chục triệu trở lên, tiền đâu mà xây, vậy là cứ cái
gánh. Gần năm nay, hậu môn lại ra máu, ngồi chồm hổm cũng đau, mà ngồi ghế cũng
đau, vợ hắn xanh xao hẳn!
Rồi hắn
cũng xanh xao. Hàm răng chục năm nay sâu ăn hư mấy cái răng cấm, nhổ thì qua
trạm xá nhổ miễn phí, mấy lần nhổ, hết mấy cái răng quan trọng, gọi là mất sức
nhai. Thôi thì trệu trạo nuốt đại cũng xong, nhưng mà không xong, dạo này cái
bao tử nó nhoi nhói rồi đau thiệt tình, có khi đau quá hắn muốn văng tục.
Không
biết đến khi nào cái lận đận mới qua. Ngay trong đám bạn cùng lứa, có người
trúng số đặc biệt tới hai lần, một lần mấy tấm. Còn hắn, vụng đường tu chăng?!
oOo
Lâu nay,
khi cái tuổi ngũ thập qua vài năm, Vọng hay ngẫm nghĩ vẩn vơ về cái may cái rủi,
cái số cái phần, nghĩ hoài mà chẳng "Tri" được cái "Thiên
mệnh".
Cứ xét
như giữa hai người, Vọng và Toán thôi, tuổi thì cùng một tuổi Ất Mùi như nhau.
"Cung, Mạng" thế nào mà hai đứa lại có cuộc đời khác nhau ?! Vọng thì làm không bằng một nửa
hắn, vậy mà không đến phải khốn khó như bạn.
Hồi đi
học, cũng có học được cái môn "Triết học". Đọc được dăm đều về môn này, Đông có Tây có. Khi thì thấy ông này
đúng, đến xem ông kia thì thấy cũng gần đúng...
Vọng mỉm
cười, cười câu "Ngũ Thập tri Thiên
Mệnh"!
Rồi hoang
mang với câu "Thiên cơ bất khả
lậu"!
Lẩn quẩn hoài,
Vọng buông một câu:
- Ối dào, chả biết đâu mà lần!!!
Ninh Thuận, 02 tháng 8 năm 2013
Trạch An – Trần Hữu Hội
Rất vui khi lại được đọc truyện của anh Trạch An - Trần Hữu Hội. Truyện viết rất thật, gần gũi, nhiều đoạn có vẻ gây cười mà vẫn nghe cay khóe mắt."Chán thiệt, Chúa lúc nào cũng nặng tai mà nhẹ tay!...Thì biết là vậy nhưng mà mình hy vọng mãi, cầu xin mãi, bao năm nay rồi! Với lại nếu không trúng thì chấp nhận, xem như “Ngài” chưa nghe, còn hy vọng, đằng này chứng tỏ có nghe, nhưng nghe nhỏ, giờ thì vô phương! ...."Rất thích truyện ngắn này của anh. Chúc anh khỏe, viết nhiều truyện hay như thế.
Trả lờiXóaRất cảm ơn Tạ Hoa đã xem truyện và cho những lời động viên chân tình. Mình sẽ cố gắng nhiều trong đề tài gần gủi và rất thực. Mong Tạ Hoa luôn yên bình.
XóaMây thích truyện ngắn này! Bởi tạo nhiều cung bậc cảm xúc. Mong được đọc thêm nhiều truyện khác của tác giả.
Trả lờiXóaCảm ơn Nguyenthimay lắm, những lời chân tinh của Mây sẽ giúp mình thật nhiều . Chúc Mây luôn khỏe và yên bình.
XóaTruyện ngắn anh viết chứa đầy cung bậc cảm xúc,nghe đau đáu trong lòng,rất gần cuộc sống đời thường,rất thật.
Trả lờiXóaChào Thuận Thảo. Cảm ơn em xem truyện và chia sẻ chân tình. TT luôn vui nhé.
Trả lờiXóa