Bố mẹ
chỉ là nông dân. Bố chưa một lần khoác lên mình tấm áo màu xanh, đội chiếc mũ
bảo hộ màu vàng làm việc trong nhà máy điện. Mẹ con cũng chỉ có làn da nâu sậm,
không tóc dài, da trắng, tay cầm phấn dạy
i, t trên lớp. Suốt bao năm, bố mẹ chỉ có ruộng đồng, bùn đất làm bạn.
Nhưng trong bài văn con viết về bố mẹ năm con học lớp ba, con đã cho bố mẹ được
“đổi đời”. Đến hôm nay, sau mười bốn năm, bố mẹ vẫn giữ hai bài văn ấy như một
kỉ niệm ngây ngô đầu đời của con. Ba chị em con khôn lớn, mỗi đứa đi một nơi.
Ba gian nhà trở nên thênh thang và trống trải. Buồn, bố lại lấy hai bài văn đọc
cho mẹ con nghe. Hai bóng già lại khúc khắc cười. Không gian như đâu đó còn
bóng con thơ dại.
Bố mẹ
chỉ là nông dân. Lúa, ngô, rơm, rạ suốt đời gắn bó. Cuộc sống bộn bề những lo
toan nên học hết a, b, c lại lam lũ với cấy cày. Bố mẹ đâu một ngày được học
“ây – bi - xi” như con. Con được học lên cao, biết thêm một ngoại ngữ. Về nhà,
bố hỏi con có ăn cá không, bố xuống ao bắt? Con nhanh nhảu trả lời: “No”. Bố
bảo: “Ao nhà mình nhỏ, bố xuống bắt ù cái là được, không lâu đâu”. Con cười ha
ha. Bố ngơ ngác nhìn con không hiểu. Sự ngơ ngác của đứa trẻ lên ba. Đến tối
ngồi ăn cơm, mẹ con hỏi: “Sáng mai, con có đi học thêm không?”. Con lại nhanh
nhảu đáp: “Yes”. Mẹ con thắc mắc: “Đi học hay không cũng biết với không biết là
sao?”. Con lại phì cười làm cơm trong miệng tung tóe bắn ra xung quanh. Mẹ con
ngơ ngác nhìn mọi người. Con giải thích “yes” là “có”, còn “no” là “không”. Bố
mẹ “à” một tiếng rồi nhìn con. Bố mẹ hạnh phúc vì gia đình có những giây phút
hạnh phúc như thế. Bình dị mà yên vui. Bây giờ các con đi xa, đôi lúc mẹ con
hỏi, bố trả lời “yes”; khi bố nói, mẹ con trả lời “no”. Lòng thấy ấm áp khi nhớ
ngày đầu con nói được “no” và “yes”.
Bố mẹ
chỉ là nông dân. Nên lòng luôn mong muốn các con sau này không phải chịu cảnh
nông dân như bố mẹ. Cơ cực và long đong. Nhưng bố cũng không muốn sau này con
theo nghiệp văn chương. Sẽ gian truân và lận đận. Đó là lí do, bố không muốn
cho con trai bố đi học đội tuyển văn. Nhưng rồi bố vẫn miễn cưỡng cho con theo
học. Tương lai là của con, bố mẹ chỉ có thể định hướng, đâu có quyền quyết
định. Ngày cầm tấm giấy khen con đạt giải ba văn của tỉnh, bố hãnh diện nhưng
lòng vẫn trăn trở. Bố chậc lưỡi: “Thôi kệ, biết đâu sau này con thay đổi”. Và
rồi bố đã thức trắng hai đêm khi biết con đã chọn trường kinh tế để thi. Bố
thắc mắc: “Con thi kĩ thuật là vì muốn bố vui hay đó thực sự là mục đích con
muốn hướng đến”. Bố chỉ còn biết cầu chúc cho con mắn. Con người nông dân đâu
cho bố nói nhiều…
Bố mẹ
chỉ là nông dân. Bố mẹ dầu dãi quanh năm mà gia đình vẫn chông chênh trong
nghèo đói. Đã có lúc người làng nhìn gia đình mình bằng một phần hai con mắt:
“Đã nghèo còn đòi cho con học cao”. Lòng thấy le lói đau, nhưng bố mẹ càng
quyết tâm cho con học cao hơn nữa.
Bố mẹ
quen với mùi bùn sình tanh hôi, nên khi ngửi mùi thơm của giấy vở, bố thấy ngai
ngái khó chịu. Nhưng lòng lại thênh thang háo hức khi đọc những trang thành
tích rực đỏ của các con. Bố và mẹ con hiểu, các con đang thực sự muốn cuộc sống
của bố mẹ sau này được thay đổi. Và hai thân dã tràng lại tiếp tục se cát xây
non rồi háo hức hi vọng.
Bố mẹ
chỉ là nông dân. Nên ngày con chuẩn bị hành lí để bắt đầu sống những ngày tháng
sinh viên xa nhà, bố mẹ đã không có đủ tiền lo một mâm cơm tươm tất cho con
chung vui với hàng xóm, bạn bè. Nhà hàng xóm ăn mừng con thi đỗ, tiếng hò dô,
chúc tụng hớn hở vọng sang. Lòng bố mẹ buôn buốt. Nhưng lo tiền nhập học cho
con đã là quá sức. Vậy nên sáng hôm sau, trước khi đi, bố chỉ lặng lẽ rút ba
cây nhang, châm lửa đốt rồi bảo con thắp lên bàn thờ gia tiên cầu khấn các cụ
phù hộ bình an. Nhìn khói hương nghi ngút bay lên, bố thấy tủi hơn là vui. Còn
mẹ con nén lệ vào lòng để động viên con cố gắng. Thiếu thốn hôm nay nhưng sau
này sẽ đủ đầy và sung túc.
Suốt
một đời khắc khoải, đợi chờ và cố gắng, nhìn các con hôm nay phương trưởng ở
những phương trời khác nhau, lòng bố mẹ ngập tràn hạnh phúc. Bố mẹ quanh năm
chỉ biết có bốn bờ ruộng mấp mô, biết nắng hanh và gió rát nhưng bố mẹ đã cho
con biết đâu là Sa Pa thơ mộng, đâu là Hà Nội phồn hoa, đâu là Hạ Long huyền
bí, đâu là Đà Lạt mộng mơ, đâu là Sài Gòn nhộn nhịp, đâu là Côn Đảo linh thiêng
và đâu là Thụy Điển sầm uất... Người nông dân đã cho con có tất cả.
Và bố mẹ luôn tự hào với bản chất người nông
dân đã gắn bó với bố mẹ gần sáu mươi năm. Cho dù, những năm tháng sau này, bố
mẹ cũng vẫn chỉ là nông dân…
Phạm Tử Văn (TP. HCM)
Bạn viết rất thật,chính vậy hiệu quả cảm xúc rất cao,cám ơn bạn rất nhiều ...
Trả lờiXóaCảm ơn bạn nhiều nhé
Xóa