Quán 81 tức CLB Hội VHNT TP. HCM nằm
ngay giữa trung tâm quận 3 nên là nơi thuận tiện gặp gỡ, giao lưu giải khuây
của những người sáng tác, mê văn nghệ. Khách ngồi theo từng nhóm, “bàn nào biết
bàn nấy !”.
Nơi đây có một “luật bất thành văn” được mọi người
hoan nghênh. Đó là: ai muốn giới thiệu sáng tác mới thì phải “chung” cho cả bàn
mỗi người một chai bia!
“Yêu thơ phải chịu cháy túi”. Quy luật khắt khe như
vậy nhưng hàng ngày, người ta vẫn thấy ở nhiều bàn vẫn có người muốn ứng trước
cả thùng 20 chai để được cất giọng thơ! Có “thi hữu” từ Quảng Ngãi vào kể
chuyện: ở ngoài đó, trong lần một gặp gỡ
ở quán, hai “nhà thơ” là cán bộ hưu trí còn đập bàn, xăn tay áo vì ai cũng
giành được mở đầu chương trình đọc thơ!
Các chuyện mang tính tiếu lâm trên đây
nói lên nhiều nghĩa. Người Việt là một dân tộc mê thơ; ai cũng có thể trở thành
nhà thơ! Nhưng ở thời buổi này, vì khó tìm ra được thơ hay, nên người nào đọc
thơ mình ra, phải chịu trả tiền “tra tấn” tai người nghe.
Một nhà thơ nổi tiếng, có đời sống lập dị còn nói: “Lúc
này cũng không có thơ dở, mà nhiều thơ quá dở”! Như để tán đồng chuyện suốt
nhiều tháng trời tôi ngưng viết tản mạn chuyện thơ ca!
Thơ như một thiếu nữ đang xuân, “đẹp
xấu tùy người đối diện”! “Văn mình vợ người”, chê bạn hữu làm thơ dở, dễ làm
mất lòng nhau! Nhưng xin được “mấp mé” thử nguyên nhân. Có người, và ngay cả
chính tôi, đã có lần nêu ý kiến: không phải chúng ta không có những tập thơ
hay, đáng đọc, mà xã hội đang thiếu những nhà xuất bản văn học có tầm vóc! Việc
cấp phép xuất bản theo phương thức “thu quản lý phí” sẽ tạo ra cảnh nhộn nhịp in
ấn, nhưng dễ tạo ra những thi phẩm “cá
mè một lứa”. Và các nhà xuất bản đã vô tình “đánh đồng một lứa”. Từ đó thương
hiệu từng nơi dễ bị phai mờ!
Nhưng hiện cũng có tập thơ mới vừa qua
bán được đến 20.000 bản, như “Đi Qua Thương Nhớ” của Nguyễn Phong Việt chẳng
hạn. Đây là những lời yêu thương thật thà nói ra từ trái tim. Nhiều người cho rằng nhà thơ thuộc thế hệ 8X
này biết tận dụng phương tiện công nghệ thông tin. Anh giới thiệu thơ, trước
tiên qua mạng Facebook.
Hàng trăm người làm thơ cũng từng làm như thế, nhưng
đâu phải thơ ai cũng được nhiều người đọc và nhớ! Còn nhiều tranh cãi về các
tiêu chí của một bài thơ hay! “Bán chạy” chưa chắc có giá trị lâu dài.
Cái hay của thơ chắc sẽ còn được bàn luận lâu dài. Lần
này, người viết muốn được “lách” qua chuyện khi nào người ta đến với thơ, cả ở
phía sáng tác và thưởng ngoạn.
Ngôn ngữ kỳ diệu
Kể Chuyện Quê hương
Quê hương là nước mắm vàng gạo trắng
là
mùi nồng nàn cắn cọng rau thơm
là
nén nhang tỏa khói ấm bàn thờ
là
kỷ niệm chảy hoài trong trí nhớ.
Đó là mấy câu thơ Lê Giang Trần viết mở đầu các bài
“Kể chuyện quê hương”, phần 2 của thi tập “Trạm Người Quá Bước” được NXB Sống
in ở Mỹ vào cuối 2012. Đây là tập thơ thứ 2 của anh, làm từ 1990 - 2012.
Lê Giang Trần sinh năm 1952, quê ở Bạc Liêu. Đến Mỹ
định cư từ năm 1980, anh đã chịu khó đi học lại và có việc làm ổn định. Nhưng
sau đó, anh lại quyết định dọn về Nam California. Chỉ vì nơi đây có đông người Việt
“và những cọng rau thơm” (khí hậu nơi đây có thể trồng được nhiều loại thực vật
nhiệt đới như Việt Nam).
Ra khỏi nước, anh đã làm thơ trở lại, “sau thời gian dài lãng quên từ lúc bước vào
đời va chạm bon chen với thực tế cuộc sống; nhất là ở nơi Sài Gòn náo nhiệt,
đầy dẫy đam mê vui thú hấp dẫn hơn nhiều những bài thơ khóc gió than mây”- tác giả tự sự. Hàng ngày, nghe nhiều giọng nói người Việt, nên tự nhiên làm thơ được
nhiều hơn.
Anh nói thêm về nghệ thuật thơ ca:
“Làm thơ, ban
đầu tôi dụng ý dùng chữ đơn sơ giản dị, bình thường bình dân, quê mùa miền Nam…để
làm thơ…cho dễ hiểu. Tôi đã hoàn toàn sai lầm, vì không thể chủ tâm dùng loại
chữ nào được, mà ngay lúc phát ý, bài thơ tự nó quyết định ngôn từ cho chính nó
- đôi khi còn tạo ra chữ nghĩa không nằm trong tàng thức thu nạp sẵn. Về sau,
khi đọc kinh nhà Phật mới thấy không dễ dàng dụng chữ giản dị để tạo nghĩa sâu sắc.
Phải là những bậc đại sư “đắc đạo”hay các vị “giác ngộ, khi chữ với tâm ý là
một thì mới đắc địa. Tung hoành, đùa nghịch với chữ nghĩa tiếng Việt, tiêu biểu
vài bậc thầy (gần đây) như Bùi Giáng, Trịnh Công Sơn, Phạm Công Thiện… hẳn là
những năng khiếu thiên phú hiếm có”...
Ngôn từ như các loại vật liệu kết dính. Nhưng phải tùy
chỗ mà cấu thành nhục thể tự nhiên, làm
sống động cho xương cốt ý tứ. Ngôn từ, như vậy phải được thường xuyên nuôi
dưỡng, huấn tập để tự hiện ra lúc cần. Chữ nghĩa thời có hạn, mà ý tứ thường vô
biên. Câu thơ liệu có chở được hết không? Ngôn ngữ mỗi nước là giàu có hay giản
đơn còn tùy thuộc vào các thể hiện trong ngữ âm, ngữ cảnh, ngữ điệu khi nói
hoặc viết. Cái tài của nhà thơ là dùng các từ rất bình thường, nhưng khi kết
hợp lại làm cho câu thơ bóng bẩy, đa nghĩa… Không phải ở những người có học vấn
cao xa, mà người nào thấu hiểu được lẽ đời, từng trải qua hay cảm được những
niềm hoan lạc và nỗi đau nhân thế mới làm chủ được kho tàng ngôn ngữ.
Cảm được điều ấy, Lê Giang Trần đã cho rằng “hai mươi năm thơ ấy, có bài như giọng điệu
một kẻ trưởng thành, có bài vẫn như lời đứa trẻ vớ vẩn. Là tác giả, khi xem lại
mấy bài như trẻ con vơ vẩn ấy, trong lòng lại có phần vui cái lãng mạn ngây ngô
của nó”.
Lê
Giang Trần
Hồ Nghi
Ngày
xưa tôi tưởng là tôi
vàng
soi phố thị tơi bời tuổi xuân
đến
khi binh lửa điêu tàn
bàng
hoàng chết lặng trước ngàn đau thương
rồi
theo mây nước tha phương
trăng
xưa trời mới tuyết sương ngỡ ngàng
sầu
vương mặt, cuồng vướng chân
trong
mơ quanh quẩn xóm làng xa xưa
thân
như cỗ máy quê mùa
chân
như sóng biển mãi đùa bãi vui
dần
dà hóa thạch hóa vôi
soi
gương thấy bức tượng người vong niên
ngồi
như phong thái nhập thiền
đi
như điệu bộ sĩ hiền khoan thai
giật
mình không biết là ai
chợt
tôi vô số ở ngoài tấm thân
“Tề
Thiên đại thánh” tần ngần
Sáu
mươi năm ấy có cần hồ nghi ?
(4-2012)
Sau tập thơ này, Lê Giang Trần tuyên bố: Tôi xin dừng thơ của tôi lại ở tuổi 60”.
Nếu thật vậy, sẽ là điều đáng tiếc! Vì trên đời, khi
có nhiều thơ thực tình mà hay, xuất phát từ trái tim vô thức, thì những loại
thơ xướng họa để xưng tụng, hoặc làm cho vừa lòng cấp trên để cầu chức cầu danh
sẽ tự nhiên mai một, không còn ai nhớ.
Vô vọng?
Trở lại chuyện quán 81 cũ (vì khuôn viên này cuối năm
2012 đã bị đập bỏ để xây mới trụ sở Liên hiệp các Hội VNNT thành phố), các bàn
“trình diễn” thơ theo nhiều cách. Ngâm nga có, đọc hoa tay múa chân có. Lạ một
điều là một số anh chị thuộc giới nghệ sĩ ngâm thơ vẫn thường xuất hiện, nhưng
rất ít khi các “ngâm sĩ” này chịu cất giọng- chắc không phải vì sợ “chung”!
Ngâm thơ là một nghệ thuật trình diễn rất gần với ca
nhạc và sân khấu. Nhưng với những giọng ngâm đi vào lòng người, người nghe đôi
khi chẳng cần sân khấu. Chất giọng ngâm thơ cất lên, nó truyền thẳng cảm xúc từ
người sáng tác đến người thưởng ngoạn. Có những nhà thơ hay “tuyệt đối hóa” cõi
thơ của mình, như Sao Trên Rừng từng ghi rõ trong 3 tập thơ mỏng đầu tay (Những
Bài Tình Đầu), đại ý là tác giả cấm đem thơ ông ngâm nga và “thơ nhạc giao
duyên”!
Âm
thanh từ vần điệu đôi khi có thể đánh lừa cảm xúc. Trên “thương trường” diễn
ngâm này, có người được trời ban một chất giọng đặc biệt, có thể biến những lời
xoàng xỉnh thành câu thơ. Như với nghệ sĩ ngâm thơ Ngô Đình Long, có người nói
rằng anh có thể biến một cái thực đơn thành một bài ngân nga!
Thật lạ lùng là ở một đất nước có 80% dân số là các
nhà thơ này, nhưng ngâm thơ gần như ít
được công nhận là một nghệ thuật, và người ngâm thơ thường ít được quần chúng
lưu tâm như đối với các ca sĩ. Nghệ sĩ ngâm thơ Thúy Vinh, một trong những
giọng ngâm quen thuộc hàng đầu trên các kênh của đài truyền hình VTV cũng như
HTV đã kể với tôi một chuyện nhớ đời.
Năm nọ, đến Quy Nhơn, chị tìm đến thăm mộ Hàn Mặc Tử ở thắng cảnh Ghềnh Ráng.
Nơi đây được giao cho một đơn vị kinh tế đầu tư làm khu du lịch. Bảo vệ bắt
phải mua vé mới được vào. Chị nói “tôi là người nghệ sĩ chuyên ngâm thơ Hàn Mặc
Tử, mong được lên thăm mộ thi sĩ để tạ ơn”. Bảo vệ vẫn không cho!
Khác với Việt Nam,
nhiều “cường quốc” thơ trên thế giới, như Nicaragua ở Trung Mỹ, công chúng
vẫn tổ chức những buổi đọc thơ ở các quảng trường. Công chúng đến nghe có khi
lên đến hàng vạn người. Có người nói tiếng Việt là loại ngôn ngữ đơn âm, nên
loại hình thơ khó có thể thành môn kích động. Thực ra trong những năm mở đâu
thời đổi mới, không ít nhà thơ đã được mời lên đọc thơ trong các buổi mít-ting.
Loại hình này sau đó không còn được các nhà tổ chức quan tâm nữa. Gần đây, hàng
năm những “Ngày Thơ Việt Nam”
được tổ chức, nhiều nhà thơ cũng nao nức
tham dự. Nhưng lần lần, không khí thủ tục lễ nghi đã lấn át. “Ngày thơ” như để
dành riêng cho các giới chức…
“Luật bất thành văn” như đã kể không phải là không có
lý khi lan rộng ra khá nhiều nơi. Đọc thơ là những tiếng vọng rất xa xôi?
Võ Chân Cửu
(Lâm Đồng)
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét