Anh là một, em là hai
Nụ cười ở giữa đêm dài như không
Xuân này nữa là mấy xuân
Nụ cười ấy vẫn trong ngần trong ta.
(Nụ
cười- Hương Đình)
Nhà thơ Hương Đình (bên trái), và nhà thơ Lê Bá Duy
Nếu 25 năm trước tôi nằm lòng bài thơ “Nụ cười”
của nhà giáo dạy toán Trịnh Đào Chiến (chưa từng gặp mặt) qua lời đọc của một
người anh, người bạn thơ Nhơn Khánh, An Nhơn, thì 25 năm sau vào ngày
11.06.2013, trong dịp đi trại sáng tác Liên hiệp VHNT Việt Nam tại TP. Pleiku,
tôi mới có dịp cụng ly cùng tiến sĩ toán học, nhà thơ Hương Đình, và được anh tặng
“Góc núi” - tập thơ mới nhất của anh-
xuất bản năm 2010.
“Góc núi” là tựa tập thơ thứ tư của nhà thơ
Hương Đình do NXB Hội Nhà văn ấn hành năm 2010.
Năm mươi mốt bài thơ ứng với tuổi 51 của anh là tập hợp 51 đứa con tinh
thần có những nét riêng biệt không lẫn vào đâu được. Thể thơ đa dạng: lục bát,
bốn chữ, bảy chữ, tám chữ, tự do… Nội dung phong phú giàu suy tư, đậm tính triết
lý sâu sắc, biểu hiện tình yêu con người và cuộc sống mãnh liệt… Với cách diễn
đạt tưng tửng những con chữ trong trái tim anh “túa ra” khiến ta “giật mình”-
giật mình bởi ý tưởng độc đáo, bởi cách lập ngôn khác lạ, bởi tứ thơ bất ngờ ngộ
nghĩnh…
Mở đầu tập thơ từ “Một góc cao nguyên” tác
giả đồng cảm với con người và cuộc sống cao nguyên với những sắc màu: đỏ, nâu,
xanh, vàng, trắng… với những nỗi cơ cực của “Người lớn tóc xoăn vú mướp lầm lụi
nâu…” để rồi đi giữa sắc màu ấy, giữa những mảnh đời cơ cực ấy nhà thơ như bước
ra từ cõi người khác, “như người mộng du” nhả từng con chữ tri âm, những lời
châu ngọc… cùng với bạn đọc yêu thơ trong cõi người.
Tôi thích “Nếu” trang 11, với những câu thơ
không thể một lần đọc rồi bỏ đi, những câu khiến ta phải dừng lại, đọc lại để
suy ngẫm:
“… Cỏ cây vừa ngủ vừa cười
Người điên tỉnh rụi bên đồi tà dương
Dế giun luýnh quýnh lên đường
Ngựa xe lảo đảo tận phương trời
nào…”
Và:
Đười ươi đứng thẳng trước gương
Thấy con người với con đường cong
cong…
Để rồi:
Sau cơn núi lở sóng dồi
Thế gian còn lại một người thằng tôi…
Lục tìm trong những tấm ảnh cũ, nhân vật
trữ tình trong bài thơ lại đối diện với “tôi ngày ấy”: “Người đàn ông nhìn đứa trẻ lên mười/ Có sợi rốn dây diều kia nối trời với
đất/ Cậu bé đồi hoang lò cò/ Dõi theo người đàn ông bay đến nghìn sao…”. Để
tìm những ký ức xa xưa giữa muôn màu cuộc sống. Nơi ấy có những ngọn tháp chàm,
có những di tích thưở xưa thành Hoàng Đế, có “cánh diều vương trên những tháp tầng cao” và dấu ấn đọng lại sâu sắc
là hình ảnh quê hương qua “bờ tre nhỏ lao
xao” mà cậu bé ngày nao từng gắn bó… Hoài niệm nhưng không hề nuối tiếc vì
nhà thơ đã nắm được quy luật của cuộc đời. Và hoài niệm nghĩa là ý thức mình, ý
thức thời gian đời người để sống tốt đẹp hơn ý nghĩa hơn… Điều đó một lần nữa lặp
lại trong bài thơ “Thời gian” của anh. Anh tự hỏi: “Thời gian– người đâu trong
mênh mông cõi này? – rồi người sẽ về đâu?- người mơ gì kia?...” để rồi tự nhận
chân giá trị cuộc sống, nhận thức đời mình: “…Tôi lặng lẽ dâng hương vào nơi
nhòa nước mắt/ Chợt giật mình hương khói biết về đâu…” (Thời gian, trang 23)…
“Bão giá” là một bài thơ thể hiện sự trăn trở
của tác giả với thế sự, với cách diễn đạt vừa lạ vừa quen gói trong thể tự do
phóng túng câu chữ. Quen vì đề tài vì số liệu thực tế trong cuộc sống mà người
dân gặp phải ở thời buổi kinh tế khó khăn, giá cả tăng vùn vụt hàng ngày hàng
giờ… Lạ ở cách diễn đạt cách liên tưởng gợi mở và đánh dấu hỏi vào lòng người đọc,
thức tỉnh trách nhiệm công dân trong thời buổi khó khăn của niền kinh tế nước
nhà…
Thơ Hương Đình là thơ của trí tuệ. Xuyên suốt
tập thơ tính triết luận ẩn trong từng con chữ khiến ta động não rồi giật mình.
Đơn cử “Một Email toán” chẳng hạn.
Bài thơ có 3 khổ. Khổ thứ nhất 3 câu: Ngày
thứ nhất giống ngày thứ hai/ Ngày thứ n giống ngày thứ n+1/ Ngày thứ n+1 không
khác ngày thứ n +2. Điều gì nhà thơ muốn nói? Phải chăng là mỗi ngày đi qua
đều khác nhau. Khổ thứ hai cũng nói về mỗi giấc mơ đều khác nhau. Và khổ thơ thứ ba nói về bài thơ: Bài thơ có
thể giống và có thể khác nhau. Xâu chuỗi lại, tính lo-gic và lập luận chặt chẽ,
ý tưởng sáng tạo độc đáo, giống và khác cách nhau một “sát na” thôi, để ý ta mới
nhận ra được. Và cuộc sống ở mỗi thời điểm khác tưởng như giống nhưng lại khác.
Cần phải tinh tế và suy nghĩ mới nhận chân sự khác biệt trong mỗi giây phút đi
qua trong cuộc đời này.
Ai yêu thơ đã từng đến thành phố Pleiku,
thành phố cao nguyên, chắc không thể không biết đến nhà thơ Vũ Hữu Định với bài
thơ nổi tiếng: “Còn một chút gì để nhớ”. Hương Đình sinh ra ở Bình Định nhưng lập
nghiệp tại thành phố Pleiku, nên anh ít nhiều đồng cảm với Vũ Hữu Định. Bài thơ
“Phố núi” của anh đề tặng tác giả “Còn một chút gì để nhớ” có cách viết lạ. Người
đọc không dễ gì đọc một lần ngộ ra điều ẩn sau câu chữ. Hai bài thơ, một Vũ Hữu
Định; hai: Hương Đình đều đề cập “phố núi cao”, “may mà có em”, “còn một chút
gì để nhớ” và “xin cảm ơn”… Bài thơ cho thấy ngoài sự đồng cảm của Hương Đình với
Vũ Hữu Định còn có sự tri âm. Cái thoáng qua về thành phố cao nguyên trong thơ
Vũ Hữu Định là cảm xúc bất chợt, phát lộ bùng vỡ cảm xúc đang trào dâng trong
lòng nhà thơ; còn ở bài “Phố núi” của Hương Đình có sự dồn nén của một người đã
từng gắn bó lâu năm với thành phố. Bởi vậy, phố núi trong thơ anh có nét riêng,
sâu sắc: “Phố núi cao cao/ Nhà phố cao
cao/ Thêm bao mặt người/Bớt vài con dốc/ Phố xoay con hẻm phố ra mặt tiền/ Ngoại
ô rơm vàng mây trắng điềm nhiên…”.
Hay: “Phố núi chiều chiều cơn mưa trái nết/
Vui thì thắt lắt/ Buồn thì dầm dề…” và: “người đã xanh cây/ Cây xanh chưa nhỉ/ May mà có em những chiều ngà ngà/
May mà có em hơn mười năm lẻ…”. Đối tượng “em” trong bài thơ “phố núi” rõ
ràng khác với đối tượng “em” trong: “Còn một chút gì để nhớ” của Vũ Hữu Định.
Thơ Hương Đình có giọng điệu, có phong cách
riêng, nếu gặp bạn đọc khó tính sẽ thích lối viết kiểu này:
“…Áo trần động giữa tâm chùa
Chuông khô mõ nhạt về khua một ngày
Thu đừ, người phất phơ say
Quê chiều còn chút mảy may mà tìm…”
(Về)
Hoặc:
“Tù tì sấp ngửa ai hơn
Chơi cho con nít một cơn nhớ mình”
(Về)
Và:
“Xà lỏn trèo tót mái đình/ Rung cho cây bớt
lặng thinh nghìn đời…” (Về).
Tuổi
thơ nhiều khát vọng, nhiều mơ ước, thật hồn nhiên “xà lỏn trèo tót mái đình”
nhưng câu sau thì già dặn thấu hiểu và đau nỗi đời…
Dù với giọng điệu nào, thể thơ nào, Hương
Đình đều dành tình cảm cho quê hương- quê hương tuổi thơ, quê hương hiện tại
nơi sinh sống, nhưng tình cảm ấy là nỗi suy tư, trăn trở tri ân với gia đình, với
bạn bè, với cuộc sống, có khi ta bắt gặp những suy nghĩ của nhà thơ trước một sự
việc đã qua, vừa đến với mình và nói thành thơ nhẹ nhàng như không; chùm thơ
“nghe tin” 5 bài của anh trong tập đã thể hiện điều đó. Xin được “lẩy bài thứ 5
sau đây của anh:
Bỏ mâm lên chiếu ta ngồi
Đũa rơi xuống đất mây trôi
ngang nhà
Rượu đâu đánh ngụm cười khà
Bao nhiêu con chữ túa ra giật
mình.
(Mình được vào Hội Nhà văn- Hương Đình)
Khó mà nói hết những cái hay, cái độc đáo
trong thơ Hương Đình ở tập “Phố núi”, vì mỗi bài là một “lát cắt tâm trạng”, vì
cách lập ngôn đặc biệt của nhà thơ ở mỗi thời điểm khác nhau, nhiều bài có tứ
thơ độc đáo, cách diễn đạt mới lạ… Nhưng chung quy, tôi rất thích tập thơ này.
Tập thơ đọc không chán, tập thơ giàu chất trí tuệ, tư duy trong thơ lo-gic, chặt
chẽ gợi nhiều liên tưởng, suy ngẫm về nhân tình thế thái... Từ đó hướng tâm ta
về quan niệm sống nhân văn hơn, ý nghĩa hơn…
Bình Định, ngày 9 tháng 7 năm 2013
Lê Bá Duy
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét