Gã là người có óc hài hước. Nhưng từ khi được vào làm
bác sĩ ở bệnh viện này dường như óc hài hước hoàn toàn biến mất trong trí gã.
Ngồi trong phòng làm việc của bác sĩ trưởng khoa, gã trầm tư suy nghĩ và lo lắng
vì cái khoản nợ mà thằng con cò để lại. Suy nghĩ đến đây gã mỉm cười bâng quơ.
Có lẽ óc hài hước vẫn tồn tại trong người nên ta mới gọi thằng ấy là thằng con
cò. Thằng cò đã có công xin giúp cho gã vào làm bác sĩ trong bệnh viện này.
Công của cò gã phải trả bằng tiền, phải đi vay; và nó đã trở thành một khoản
nợ. Với đồng lương tháng trên tiêu chí thắt lưng buộc bụng bằng cái y tâm, y
đức để phục vụ nhân dân thì biết đến bao giờ mình mới trả nổi khoản nợ ấy đây?
Điện thoại réo lên. Gã giật mình nhấc máy. Bác sĩ
phòng nhi đề nghị gã đến hội chẩn cho một cháu bé sáu tuổi sốt cao trên 40 độ
hơn 1 tuần liền
***
Bước ra khỏi phòng hội chẩn, gã nhìn quanh rồi hỏi:
- Ai là người thân cháu bé?
Người đàn ông gầy gò đen đủi trả lời:
- Dạ tôi ạ! Tôi là ba cháu ạ!
Gã vỗ vai người đàn ông thân thiện:
- Sau khi hội chẩn xong, chúng tôi quyết định sẽ lấy
tủy sống của cháu đễ xét nghiệm.
Người cha mặt thất sắc, mắt thất thần:
- Sao phải lấy tủy sống, thưa bác sĩ?
Gã ôn tồn trấn an người cha:
- À! Anh hãy bình tĩnh. Trường hợp của con anh đã phát
hiện sốt siêu vi. Bệnh này chỉ nâng cao đề kháng trong một tuần là sẽ tự khỏi.
Nhưng con anh lại sốt cao suốt tám ngày liền không giảm. Trước khi cho thuốc
liều cao, chúng tôi phải lấy tủy sống làm xét nghiệm xem cháu có bị viêm não
Nhật Bản gây sốt cao không? Chỉ là nghi ngờ thôi. Anh chớ quá lo. Nhưng lấy tủy
là đâm kim vào cột sống rút tủy ra nên rất đau. Cháu sẽ kêu khóc, vì vậy tôi
báo trước để anh chị chuẩn bị tinh thần.
Gã lướt nhìn người phụ nữ đang đứng cạnh người cha.
Chắc là mẹ cháu bé. Gã bước vội vào phòng để lấy tủy và để khỏi nhìn thấy cha
mẹ cháu bé vừa ôm chầm lấy nhau òa lên khóc.
***
Cầm ống nghiệm đựng tủy sống, gã đi dọc hành lang bệnh
viện để đến phòng xét nghiệm. Đây là trường hợp đặc biệt, gã phải trực tiếp đi
làm chứ không giao cho y tá. Đến chỗ vắng, cha cháu bé đột nhiên xuất hiện.
Chặn gã lại, anh ta run rẩy nắm lấy bàn tay gã, ánh mắt như người đang làm việc
tội lỗi và giọng nói van lơn:
- Xin bác sĩ cứu con tôi… vợ chồng tôi có chút lòng
thành… xin bác sĩ đừng chê… đừng trách.
Tay còn lại anh ta vội vàng nhét một chiếc bì thư vào
lòng bàn tay gã rồi quay lưng vội vã, chân bước nhanh như chạy.
Hơi bất ngờ không kịp phản ứng, dù rằng người đàn ông
gầy ốm kia chắc chắn không thể nhanh nhẹn bằng gã được. Gã còn là một cầu thủ
trong tuyển bóng chuyền của bệnh viện. Đối phương đập rất mạnh, gã vẫn phản xạ
nhanh nhẹn để vung tay ra cứu khi bóng gần chạm đất. Vậy mà khi ấy gã không hề
có một phản ứng nào. Nắm chặt bì thư trong tay, gã đi như chạy về phía phòng
xét ngiệm, cảm giác như có ai đó đang dõi mắt theo mình. Lần đầu tiên trong đời
gã nhận phong bì.
***
Tan sở ra nơi để xe. Người ra vào tấp nập. Đồng nghiệp
có, thân nhân người bệnh cũng có. Hình như ai cũng đưa mắt về phía gã. Ánh nhìn
của họ đầy sự dò xét. Gã dắt xe ra và rồ máy chạy thật nhanh. Đó! Đến nỗi mình
rồ máy phóng thật nhanh mà những người trước cổng bệnh viện còn ngạc nhiên
phóng mắt dõi theo mình. Đến ngã tư, đèn đỏ bật lên. Gã dừng xe thắng gấp.
Những người ngồi trên xe chờ tín hiệu đèn xanh cũng ngạc nhiên nhìn gã. Gã chợt
nhận ra họ hoàn toàn xa lạ. Họ nhìn mình ngạc nhiên vì mình phóng xe nhanh, vì
mình thắng gấp. Không liên quan gì đến bệnh viện cả. Không liên quan gì đến
chuyện nhận phong bì cả. Ồ! Đó chỉ là cảm giác nội sinh mà thôi. Ồ! “Cảm giác nội sinh”! Mình lại dùng thuật ngữ
chuyên môn trong y học một cánh hài hước. Phía trước đèn đỏ là quán nhậu Giải
Sầu. Những năm thất nghiệp gã thường cùng mấy thằng bạn đồng cảnh ngộ vào đấy
uống bia. Tín hiệu đèn xanh bật lên. Gã quẹo xe vào quán Giải Sầu.
***
Hơi men chuếnh choáng làm gã cảm thấy dễ chịu. Tại sao
mình lại nhận phong bì của bệnh nhân? Nếu không nhận thì với đồng lương tháng
trên tiêu chí phải thắt lưng buộc bụng phục vụ nhân dân, liệu có đủ tích cóp
trả nợ hay không? Cái nợ này là mày phải trả cho con cò để xin vào làm việc
trong bệnh viện này đấy! Mình đã say chưa? Hình như có thằng con cò vừa chạy xe
bóng lưỡng ngang qua đấy. Không phải đâu! Chắc là say rồi! Cái cò cái vạt cái
nông; sao mày để nợ cho ông hỡi cò. Những thằng say nói chẳng trúng trật gì.
Lương y như từ mẫu. Dù nợ thể nào cũng không được nhận phong bì của bệnh nhân.
Nếu mình nghĩ vậy, tại sao mình không chạy theo trả lại cho anh ta mà đi nhanh
về phía ngược lại nhỉ? Vì lúc ấy mình đang gấp đến phòng xét nghiệm để tìm xem
trong tủy của con anh ta có vi khuẩn viêm não Nhật Bản không. Đúng rồi! Chính
xác là như vậy! Đúng rồi! Mình chưa từng cố tình nhận phong bì của bệnh nhân.
Gã khệnh khạng bước ra khỏi quán. Vài người nhìn gã
mỉm cười. Họ tưởng ta say. Khi họ tưởng ta say, chính là lúc ta tỉnh táo và
sáng suốt nhất. Có ai tin không. Nhưng ta tin. Trong cơn say mình đã sáng suốt
tìm ra được lý do chính đáng. Tìm ra lối thoát cho mình.
***
Từ ấy về sau, mỗi lần nhận phong bì gã đều đến quán
Giải Sầu. Hơi men chuếnh choáng, gã đều tìm được cho mình một lý do vô cùng
chính đáng và không phải băn khoăn gì cả. Nhờ hơi men tâm hồn gã trở nên yên
tĩnh. Gã nhậu ở quán thành quen. Cô chủ quán uốn éo nịnh gã:
- Dạo này anh làm ăn thấm khá, thường xuyên đến quán
hơn. Nhưng mà uống thì ngày càng ít đi.
- Vậy à?
- Dạ! Lần đầu vào đây anh uống đến chẵn thùng kia.
Ngày càng giảm dần. Đến nay chỉ còn một vài lon thôi.
Gã nói như kê đơn thuốc:
- Lúc trước anh uống lần một thùng, đến nay lần một
lon. Như bệnh nhân giảm bệnh phải giảm thuốc vậy mà.
Nhìn cô chủ quán đứng trố mắt ngơ ra, gã biết mình lỡ
lời bèn lấp liếm:
- Em thấy không. Anh uống ngày càng giảm mà bụng anh
ngày càng to ra đấy.
Cô chủ quán không biết gã phật ý hay vừa lòng nên giả
lả:
- Kệ! Uống ít vậy tốt hơn anh à. Miễn anh đến dày hơn
là được. Nếu không em cứ thấy vắng thế nào ấy!
- Em thật khéo nói. Em thấy vắng hay là quán thấy
vắng?
- Anh nghĩ sao cũng được ạ!
***
Không biết cô chủ quán có thấy vắng không. Vì từ ấy về
sau, gã không cần lần một lon bia mới tìm cho mình một lý do chính đáng. Hay
nói cách khác, gã không cần tìm cho mình một lý do nào nữa cả. Gã vẫn nhận
phong bì dù đã trả hết nợ do thằng con cò để lại. Người ta thường bảo muốn quên
một việc gì đó thì hãy lao vào làm việc, và gã đã lao vào làm việc suốt ngày
đêm. Tất nhiên là ngoài giờ ăn và ngủ. Ở bệnh viện về, gã khám tại nhà, ăn trưa
mười phút khám tiếp. Đầu giờ chiều đến bệnh viện. Chiều về khám đến mười giờ
đêm đi ngủ. Gã phải vất vả như vậy vì gã khám bệnh mà không kê đơn thuốc. Gã
kiêm luôn cả phần bán thuốc cho bệnh nhân. Cuối cùng là báo giá thu tiền.
***
Thời gian trôi đi như một liều thuốc nhiệm màu có thể
xoa dịu mọi vết thương, mọi nỗi đau mà y học hiện đại ngày nay chưa tìm ra
thuốc trị. Là một bác sĩ gã biết rõ điều đó. Suốt hai năm trời, gã nổi tiếng về
chuyên môn và cũng nổi tiếng về cái khoản mà vợ gã đã cho gã biết:
- Này anh khoan ngủ, em cho anh biết điều này!
- Anh đã làm việc từ sáng đến mười giờ đêm rồi, còn
điều gì nữa?
Vợ gã bí mật thầm thì:
- Người ta đồn rằng anh khám bệnh không ra giá tiền
khám là bao nhiêu, rồi phần tiền thuốc là bao nhiêu mà phán giá “hùm bà lằn”. Họ
đem thuốc anh bán ra tiệm thuốc tây hỏi, họ đồn với nhau, anh “chém” đến gấp
đôi. Em e về sau mất khách anh à.
- Kệ họ! Nhưng họ phải tới, vì anh khám nhi mà ai chả
thương con. Anh trị giỏi, con họ mau hết bệnh.
Vợ gã vuốt lưng gã:
- Biết thế nhưng người ta nói quá cũng ngại anh à! Vả
lại, ngày nay đã có nhiều phòng khám tư mới mở, họ làm ăn bài bản thu hút khách
dần dần. Vả lại, tiền mình dành dụm chắt chiu được cũng đủ sửa nhà thành phòng
khám lớn rồi anh à.
Gã dịu giọng:
- Thôi được! Anh chỉ lấy tiền khám bệnh và kê đơn thuốc,
rồi họ muốn đi mua ở đâu thì tùy. Để anh liên hệ với thằng Nhân xem sao.
- Nhân nào hả anh?
- Thằng Nhân có vợ tên Tâm, mở nhà thuốc Nhân Tâm.
Thật khéo trùng hợp. Bữa trước nó mớm ý cho anh, khi nào khám bệnh kê đơn, thì
giới thiệu bệnh nhân đến nhà thuốc Nhân Tâm của nó. Nó sẽ trích hoa hồng.
***
Gã gặp Nhân ở quán Giải Sầu. Nhận ra gã, cô chủ quán
đon đả:
- Trời ơi! Cả năm mới gặp lại anh. Lâu nay anh uống ở
quán nào, hay là bỏ uống bia rồi hả anh?
- Anh uống ở nhà. Ngày ba lần, mỗi lần một lon. Thôi
đem bia ra đây. Ngày nay anh sẽ uống nhiều.
Cô chủ quán quay vào trong, gã hỏi Nhân:
- Hôm trước chú bảo tôi kê đơn rồi giới thiệu đến nhà
thuốc Nhân Tâm được hưởng hoa hồng phải không?
Nhân sốt sắng:
- Đúng anh ạ! Em sẽ giữ toa lại rồi cuối tháng gửi anh
phần trăm trên tổng toa.
- Nhưng nhỡ họ cầm toa đi tiệm thuốc khác mua thì sao?
- Những tiệm khác sẽ không có thuốc mà anh cho toa.
- Chú nói lạ tiệm nào mà không có thuốc.
- Nhưng họ sẽ trả lời với người mua thuốc là họ không
có thuốc ấy. Người mua phải đến Nhân Tâm.
- Sao họ lại trả lời là không có thuốc?
- Ấy! Anh chưa biết mánh này rồi! Anh kê đơn chỉ cần
viết chữ đầu và chữ cuối của tên thuốc. Còn đoạn giữa anh cứ làm ngoằn nghèo
như con rắn là được. Các tiệm thuốc khác chả ai dại nói là mình đọc không ra.
Hóa ra tự nhận là mình dốt à? Nên chỉ có thể trả lời là không có thuốc mà thôi.
Thế là người mua thuốc phải đến Nhân Tâm.
Ngừng một chút, Nhân say sưa nói tiếp:
- Em sẽ đưa cho anh danh mục ký hiệu tên thuốc, anh
chỉ cần viết rõ chữ đầu và cuối. Chỉ cần một tên trong toa thuốc mà thôi. Thiếu
một món trong toa, người mua cũng phải đến Nhân Tâm.
Trước lúc chia tay, vừa đưa cho gã tờ giấy ghi ký hiệu
danh mục thuốc, Nhân vừa vui vẻ nói:
- Thế nhé anh! Anh cứ làm đoạn giữa ngoằn nghèo như
con rắn là được.
Gã hài hước:
-
Viết láu là
chuyện thường. Chả thế, người ta đâu có bảo là chữ bác sĩ…
***
Gần đây trên các phương tiện thông tin đại chúng
thường bàn đến việc nêu cao y đức và chống tiêu cực trong ngành y tế… Sáng nay
đến bệnh viện, từ cán bộ nhân viên y tế đến bệnh nhân hoặc người nhà bệnh nhân,
ai cũng mang một tâm trạng nặng nề. Ngay những lối ra vào hoặc hành lang bệnh
viện; nơi nào cũng được dán biểu ngữ: “Người nhà bệnh nhân không được đưa quà
lót tay hoặc phong bì cho y, bác sĩ”. Hoặc: “Nhân viên y tế không được nhận
phong bì hoặc quà lót tay của bệnh nhân”.
Mới nhận nhiệm sở ở bệnh viện được tháng nay, bác sĩ
Tân nói với gã:
- Buồn quá anh ạ! Chả ra làm sao cả!
- Ai chả ra làm sao?
- Em chả ra làm sao. Hết giờ mời anh ra quán tâm sự
vài ve, anh nhé!
- Ừ! Anh cũng buồn, Tân ạ! Anh sẽ mời em đến quán Giải
Sầu.
***
Hơi men chuếnh choáng, Tân gật gù tâm sự:
- Anh nghĩ xem, không buồn sao được. Em vừa mang một
khoản nợ phải trả cho thằng cò để xin vào làm ở bệnh viện mình đấy. Giờ cấm
nhận phong bì, lấy gì trả nợ hả anh?
- Chú nói thế hóa ra bảo lãnh đạo của ngành tham nhũng
à?
Hơi men càng nồng hơn, Tân hùng hổ:
- Nếu không tham nhũng thì sao nhà nước ta lúc nào
cũng kêu gọi phòng chống tham nhũng? Nếu không như thế, thì sao em phải mang
nợ? Số em thật xui rủi!
- Chú may mắn đấy, không rủi đâu.
Thấy Tân trố mắt, gã hóm hỉnh:
- Anh định sẽ trình luận án tiến sĩ y khoa, vừa phát
hiện ra bệnh xơ tim cổ trướng.
- Anh thật khôi hài. Em chỉ biết bênh xơ gan cổ
trướng… là lá…là lá… là lá…là
- Chú say rồi à? Cái gì mà ca “là lá” mãi thế?
- Em không say mà cũng không ca. Là lá… gan bị xơ cứng
không vận hóa bài tiết được chất thải khiến bụng bị trướng to lên như cái
trống. Trong từ Hán Việt “cổ” là cái trống nên mới gọi là xơ gan cổ trướng.
Trước giờ chưa nghe bệnh xơ tim cổ trướng. Anh nói chuyện vui đấy à?
Gã vừa xoa bụng vừa nói:
- Xơ tim cổ trướng là quả tim bị xơ cứng nên lấy tiền
của bệnh nhân uống bia đến nỗi bụng to lên như cái trống. Thế chẳng phải xơ tim
cổ trướng là gì?
- Anh thật khôi hài hay đã say rồi?
- Khà khà! Tôi có men thật, nhưng đấy là lúc tôi tỉnh
táo nhất. Chú cũng lầ bác sĩ, chú phải biết, quả tim ngoài chức năng tuần hoàn
còn có chức năng phát sinh tình cảm. Đúng không nào? Nếu chú công nhận điều
này, chú phải công nhận đấy vì chú cũng là bác sĩ… Chú sẽ thấy tôi không say,
và về mặt y học luận án của tôi là khả thi chứ đâu phải chuyện khôi hài. Hãy
chúc mừng tôi vừa có một luận án y khoa. Chúc mừng chú may mắn chưa mắc bệnh
xơ…tim…cổ…trướng…Nào! Dô!
Lê Đình
Danh (Quy Nhơn)
Những trăn trở, gửi gắm nỗi niềm của người viết thật đáng trân trọng.
Trả lờiXóaNhà văn ơi, cuộc đời quả thật có những góc tối đáng buồn như thế.
Trả lờiXóaCám ơn bạn Thúy Vinh đã có sự đồng cảm
Trả lờiXóaCô Hoa ơi, Danh viết chuyện khôi hài mà, có thật đáng buồn không?
Trả lờiXóa