Nhà văn Nam Thi
Lần nào về Tây Sơn tôi cũng thường ngồi đồng ở
quán cà phê của vợ chồng nhà thơ Trần Viết Dũng ngay ở đầu cầu Phú Phong, nhìn
sang bên bờ Bắc sông Côn là bảo tàng Tây Sơn. Quán mấy lần đổi bảng hiệu, hiện
nay là “Café Jin Jin” có vẻ thời thượng, nhưng tôi vẫn quen gọi tên cũ “Ngã Ba
Sông” bởi tôi có nhiều kỷ niệm gắn bó với tên ấy. Một trong những kỷ niệm không
vui đã để lại hai câu thơ:
Lần quần ở
ngã ba sông
Thuyền không bến đậu, người không nẻo về.
Gọi là Ngã Ba Sông bởi Phú Phong là nơi hợp lưu
của sông Côn và sông Đá Hàng, phụ lưu chảy từ thắng cảnh Hầm Hô ra sông cái.
Hơn nữa, với tôi đó không chỉ là quán mà là vườn của nhà thơ đất Dõng Hòa, làng
láng giềng với làng Thuận Nghĩa của tôi và giữa chúng tôi đã trải qua mấy thế
hệ thân tình. Phải gọi đó là vườn nhà mới phải vì chính là nơi mỗi ngày Trần
Viết Dũng tiếp bạn bè bốn phương, hầu hết là bạn văn như là câu lạc bộ của văn
nhân, thi sĩ đất Tây Sơn và từ bốn phương về thăm Tây Sơn. Không cần hẹn hò
trước, cứ ghé vào quán là gặp bạn bè.
Năm ngoái, có một đoàn nhiếp ảnh gia Sài Gòn
muốn khám phá đất Bình Định. Họ nhờ tôi giới thiệu một “thổ địa” làm hướng dẫn
viên. Tôi ráp họ với Trần Viết Dũng. Khi về Sài Gòn, họ bảo tôi, “hơn cả tuyệt
vời” vì Trần Viết Dũng vừa là thổ địa, vừa là một pho địa phương chí sống. Họ
còn thuộc hai câu thơ nổi tiếng của anh khi thăm bảo tàng và điện thờ Tây Sơn:
“Lao xao
giữa hàng cây- nguyên- thủ.
Tôi chỉ yên tâm dưới tán tổ tiên mình”.
Anh bạn trưởng đoàn nhiếp ảnh Nguyễn Văn Tâm,
dân Mười tám thôn vườn trầu, còn “bình” thêm, “ Đúng là đi dưới tán me cổ thụ ở
đền thờ Tây Sơn chắc ăn hơn dưới bóng những cây mấy ổng mới đua nhau trồng,
chưa bám rễ sâu, bão giật có khi đổ nhào…”. Lần đó Trần Viết Dũng không chỉ dẫn
họ đi chụp hình khắp các danh lam thắng cảnh Bình Định, mà còn ra tận đảo Lý
Sơn, lên tận Trường Lũy…
Lần nầy tôi về ngay hôm cơn bão số 11 đổ bộ vào
Quảng Nam- Đà Nẵng, cách 300 km về hướng Bắc. Khoảng ba giờ sáng, tôi chỉ thấy
gió nổi khoảng vài chục phút đủ để hàng cau và cây mận trong vườn lao xao trong
mưa bụi. Đến chiều, tôi đội mưa chạy xe honda qua café “Ngã Ba Sông” của Trần
Viết Dũng, chỉ cách nhà tôi hơn hai cây số.
Trà tam, rượu tứ. Nên tôi điện thoại mời nhà thơ
Cao Văn Tam, năm phút sau anh có mặt. Cà phê phin đen uống với đường phèn, thay
vì đường cát. Lạ thật. Trà lipton cũng uống với đường phèn, ngoài miếng cam còn
thêm mấy lát cam thảo, mươi hạt hồng hoa, quả ô mai khô, quả táo tàu. Cũng hay.
Mùi vị, màu sắc rất đặc biệt, vừa Tây vừa ta. Biến tấu vừa mang tính quốc tế
vừa mang phong cách địa phương. “Chế” – địa phương hóa một sản phẩm ngoại nhập
– là sở trường của người Bình Định từ hát bội vốn là sân khấu cung đình, võ ta
kết hợp võ Việt với võ Tàu, võ Chăm và có thể còn có Teakwondo, Judo, và nhiều môn
phái khác… Bởi Bình Định một thời là nơi giao thoa giữa các luồng văn hóa do
dân tứ chiếng góp lại trong quá trình Nam
tiến và người Bình Định vốn là những lưu dân, những chiến binh từng ra Bắc vào Nam trong mấy
thế kỷ qua.
Trời mùa đông mau tối. Gần năm giờ chiều phố
phường đã vắng. Tôi đứng dậy định chào bạn ra về thì Trần Viết Dũng bảo, “Ở
ráng chút nữa để xem cái nầy hay lắm…”, gợi cho tôi chút tò mò, nên lại ngồi
xuống. Vả lại, ở đây dường như thời gian co giãn chìu theo ý người, sớm hay
muộn đâu thành vấn đề gì, vui thì cứ ở đến bao lâu cũng chẳng ảnh hưởng gì đến
hòa bình thế giới.
Trước mặt chúng tôi, những con chim sẻ nhỏ bay
về đậu trên cội cừa sum sê trồng ở giữa sân rộng lát gạch, lòng thòng rễ con rễ
cái từ trên những nhánh cây đâm xuống. Chủ nhà bảo tôi, “Đấy, anh thấy đó. Bầy
chim sẻ lại về rất đúng giờ. 5 giờ kém 15 những con đầu tiên bay bề nhưng chúng
chỉ đảo qua, dường như để thám thính tình hình, xong bay sang đậu trên nóc nhà
kia…”. Tôi nhìn lên nóc căn nhà hai tầng bên cạnh, quả thật mỗi lúc có nhiều
chim sẻ đáp xuống. Thỉnh thoảng lại có vài con tiếp tục bay sang cây cừa thám
thính rồi lại bay đi. Cứ thế, trong khoảng thời gian nửa giờ trôi qua, hàng
trăm con chim sẻ ríu rít, bay lượn từ tầng nhà kia đến những đọt cây trong
vườn.
Nhà thơ thích thú, “Đâu cần phải nuôi chim. Tôi
chúa ghét chim chậu cá lồng. Đất lành mặc sức chim về đậu. Chim trời cá nước,
mặc sức bay lượn. Người yêu tự do không thể nhốt chim vào lồng…”. Cao Văn Tam
tiếp lời, “Nghĩ xứ Phú Phong nầy cũng kỳ cục. Có người yêu chim trời nhưng lại
nổi tiếng về món chim mía ram. Thực ra chim mía hầu hết là chim áo dà cũng là
họ hàng chim sẻ (1). Nghe nói huyết chim sẻ pha rượu uống bổ dương, thịt chim
sẻ sấy khô, tán nhỏ trộn với mấy vị thuốc bắc làm tể uống cũng có tác dụng bổ
dương…” (2). Tôi đùa, “Chắc hôm nào phải xin ông Dũng mấy con làm thuốc…”. Dũng
trêu, “Nghe nói anh thường xuyên chay tịnh mà dùng món chim sẻ làm gì…”. Đoạn,
anh nối lời Cao Văn Tam, “ Đúng là xứ Tây Sơn nầy có nhiều nghịch lý như bác
Cao nói. Tôi còn nghe chim cảnh Thượng Ninh, An Lão nổi tiếng trong giới chơi
chim, có con chào mào, chích chòe gì đó có giá hơn chục triệu đồng vì hót hay
và lông đẹp, chắc rồi đây chúng sẽ tuyệt chủng. Tội thiệt. Con nào thịt ngon,
lông đẹp, hót hay lại hiếm đều có số phận hẩm hiu. Cứ như loài cò trắng đậu đầy
đồng, không ai thèm đụng đến vì thịt dai nhách, khét lẹt. Cũng may, loài chim
sẻ nhỏ xíu, dân số đông đảo lại mắn đẻ nên vẫn còn nhiều…”.
Tôi cũng ngứa miệng góp thêm, “Có lẽ do chim sẻ
đông đảo, nhỏ nhoi nên cụ Mạc Đĩnh Chi mới bảo đó là loài chim tượng trưng cho
đám tiểu nhân. Cụ xé bức tranh thêu chim sẻ đậu trên cành trúc ở nhà viên tể
tướng nhà Nguyên rồi bảo rằng kẻ tiểu nhân làm sao được đậu trên cây trúc tiêu
biểu cho người quân tử. Chắc do cụ lỡ sờ con chim sẻ vẽ trong bức tranh vì
tưởng chim thật, bị các quan Tàu cười nhạo nên mới làm thế để chữa thẹn thôi…
Theo tôi, làm tiểu nhân khỏe hơn làm quân tử. Cứ xem lũ chim sẻ kia thật sướng…
Làm đại bàng, chim hồng, chim hộc chi cho mệt…”.
Lúc ấy tôi định thừa thắng xông lên kể thêm
chuyện con chim sẻ trong sách “Cổ học tinh hoa” đọc hồi còn bé nhưng sợ mang
tiếng “cướp diễn đàn” nên stop. Nhưng bây giờ chắc không ai phiền, nên tôi tóm
tắt lại câu chuyện để các bạn xem chơi. Chuyện kể rằng có một con bọ ngựa rình
bắt một con sâu nhỏ, phía sau có một con sẻ rình bắt con bọ ngựa, đến lượt con
sẻ bị một con chim cắt rình bắt, và dưới gốc cây có một gã thợ săn rình bắn con
chim cắt… Thế đấy, nhỏ-lớn là tương đối và quân tử – tiểu nhân cũng rứa thôi.
Chỉ là cá lớn đớp cá bé hơn.
Sau 5 giờ, bầy chim sẻ đã bắt đầu bay về tổ trên
táng cây cừa. Trong vườn ngập tiếng chim ríu rít. Chúng không tranh giành chỗ
đậu, dường như mỗi con đều đăng ký hộ khẩu thường trú ở một địa chỉ nào đó trên
cây. Thiên nhiên đúng là nhà quản lý tuyệt vời. Cũng có thể, trong hàng trăm
con chim ấy có một con đầu đàn “lãnh đạo”mà tôi không nhận ra. Nhưng có lẽ con
chim sẻ đầu đàn ấy hiền từ, dễ thương hơn thủ lĩnh của loài sư tử, loài sói và
loài người.
Xem xong màn trình diễn của lũ chim sẻ tôi từ
giã hai nhà thơ về bên kia sông Côn vì mưa lại nặng hạt. Về đến nhà, tôi nhận
được điện thoại của Trần Viết Dũng cho biết không hiểu tại sao hôm nay lũ chim
sẻ về tổ được một lúc rồi kéo nhau bay mất. Tôi băn khoăn tự hỏi lẽ nào do sự
có mặt của tôi.
Sáng hôm sau, tôi vội điện hỏi thăm, Dũng vui
vẻ, “May quá. Một lúc sau, quán vắng chúng lại bay về. Có lẽ, trong số khách
uống cà phê có tay nào đó là sát thủ chim sẻ. Hôm trước vợ chồng tôi có việc đi
vắng một tuần, có bọn lén dùng súng hơi bắn chim. Lũ sẻ bay mất hơn mười ngày
sau mới trở về…”. Cũng có thể như thế thật. Những tay ăn thịt chó thường bị lũ
chó đuổi theo sủa inh ỏi.
Đúng là đất lành chim mới đậu, người hiền chim
mới gần. Hy vọng lần tới tôi còn gặp lại bầy chim sẻ trong vườn nhà thơ.
28-10-2013.
Nam Thi
(1) Theo Wikipedia, có
54.000 loài sẻ khác nhau, chiếm 50% điểu cầm trên trái đất.
(2) Theo Tuệ Tĩnh và Hải Thượng Lãn Ông.
Một bài viết với ngôn ngữ mộc mạc. Cách kể chuyện chân tình và có sức lôi cuốn.
Trả lờiXóa